Đề xuất sửa đổi chế định sở hữu đất đai trong Hiến pháp

Trao đổi với báo chí chiều 17/4, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên cho biết, đất đai là nội dung quan trọng trong tổng kết thi hành Hiến pháp 1992. Vì thế Ban chỉ đạo ngoài việc giao cho 63 tỉnh thành và các bộ tổng kết chung đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường tổng kết vấn đề liên quan tới lĩnh vực quản lý, trong đó có đất đai.

Thứ trưởng Liên (đồng thời là ủy viên Ban chỉ đạo) khẳng định, chế định "đất đai thuộc sở hữu toàn dân" được quy định từ bản Hiến pháp 1980 và có nhiều mặt được, song cũng có ý kiến cho rằng từ đó nảy sinh bất cập. Tuy nhiên, do thời gian tổng kết ngắn (khoảng 3 tháng) nên hiện chưa làm rõ được hạn chế là do Hiến pháp hay do văn bản pháp luật và các hướng dẫn thi hành chưa đáp ứng được tinh thần cũng như yêu cầu của Hiến pháp.

Ảnh: Nguyễn Hưng.
Theo Thứ trưởng Hoàng Thế Liên, dù đạt được một số kết quả song việc tổng kết trong thời gian vừa qua là quá ngắn. Ảnh: Nguyễn Hưng.

Theo ông Liên, nhiều ý kiến tổng kết đồng tình với việc giữ nguyên chế định này và chú trọng hơn nữa vào quá trình thể chế hóa vào luật và nghị định. Một luồng ý kiến khác đề xuất cần làm rõ hơn bằng việc khẳng định mạnh mẽ thêm vai trò "nhà nước đại diện quản lý" đối với sở hữu đất đai. Luồng ý kiến thứ ba đặt vấn đề đa dạng hóa sở hữu đất đai.

"Đưa ra đề xuất thì rất dễ, nhưng lập luận để đến mức có đủ cơ sở lý luận thực tiễn, có đủ sức thuyết phục thì tất cả ý kiến đó đều chưa đạt. Chính vì vậy, chúng tôi đang xây dựng báo cáo và trên cơ sở đó giai đoạn hai có một số chế định", ông Liên nói.

Trao đổi thêm với VnExpress, Thứ trưởng Liên khẳng định, khi nói đến sở hữu đất đai thì phải nhớ rằng mỗi mảnh đất dù nhỏ cũng là một phần của lãnh thổ, là chủ quyền quốc gia. Vì thế không thể đơn giản nói đến việc mở rộng, đa dạng hóa sở hữu. Về việc mở rộng quyền cho người sử dụng đất, ông Liên cho rằng, đối với đất nông nghiệp và nhà ở thì hoàn toàn có thể giao lâu dài nhưng là đất với mục đích kinh doanh (kể cả làm trang trại) thì chỉ nên dùng hình thức cho thuê. "Tôi đảm bảo nếu thống nhất như thế thì không có tiêu cực", ông Liên nói.

Liên quan tới một số vấn đề như quyền con người, quyền công dân, Ban chỉ đạo khẳng định sự tiến bộ của Hiến pháp 1992 song cũng nhấn mạnh, trong điều kiện hội nhập hiện nay, các quyền này cần được bảo đảm một cách mạnh mẽ hơn. Việc sửa đổi tới đây sẽ chú trọng vào quy định rõ, có cơ chế thực thi cao hơn, nhấn mạnh trách nhiệm của nhà nước trong việc tôn trọng và bảo đảm thực hiện.

Thành lập tháng 9/2011, Ban chỉ đạo tổng kết thi hành Hiến pháp 1992 của Chính phủ do Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm Trưởng ban. Trên cơ sở tổng kết, Ban chỉ đạo đưa ra một số kết quả trên 4 lĩnh vực chính gồm: phân công quyền lực nhà nước; quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân; kỹ thuật lập hiến. Mặc dù đạt được những kết quả nhất định song Ban chỉ đạo thừa nhận còn những hạn chế trong quá trình tổng kết như thời gian tổng kết quá ngắn; một số bộ, ngành chưa quan tâm đúng mức; một số báo cáo còn thiếu dữ liệu, chưa có tính tổng kết cao về thực tiễn.

Trong năm 2012, ngoài việc nghiên cứu sâu hơn kết quả đã có, Ban chỉ đạo sẽ tập trung vào những kiến nghị, đề xuất liên quan tới chế định Chính phủ, Thủ tướng; cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước; vấn đề sở hữu đất đai và thành phần kinh tế. Trên cơ sở này chủ động xây dựng các điều khoản cụ thể của Hiến pháp với các phương án khác nhau.

Theo Ban chỉ đạo tổng kết thi hành Hiến pháp 1992, bản hiến pháp này được ban hành trong bối cảnh hệ thống pháp luật Việt Nam chưa hoàn thiện, thiếu nhiều đạo luật chuyên ngành. Hiến pháp đã phải làm thay nhiệm vụ của các đạo luật thông thường, nhất là về kinh tế, xã hội. Cách quy định quá cụ thể đã làm cho một số nội dung nhanh chóng lạc hậu với thời gian, không phù hợp với bản chất của một bản hiến pháp với vai trò là đạo luật gốc, đồng thời làm suy giảm vị trí tối thượng của Hiến pháp.

Nguyễn Hưng

CHUYÊN TRANG NGHỀ LUẬT SƯ VIỆT NAM
"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"
------------------------------------------- 
LUẬT SƯ QUẢN LÝ - HOTLINE: 0938188889