ACB từ chối là bị hại trong vụ Bầu Kiên

Luật sư của ACB cho rằng ngân hàng không bị thiệt hại hơn 1.400 tỷ đồng trong vụ án Bầu Kiên như cáo buộc của VKS.

Ngày 29/5, phiên xử Nguyễn Đức Kiên (Bầu Kiên) và đồng phạm “nóng” lên khi luật sư của ngân hàng ACB và Vietinbank đổ lỗi cho nhau.

Cho rằng ACB không phải là nguyên đơn dân sự, luật sư Trương Thanh Đức, bảo vệ quyền và lợi ích cho ACB, nêu hai lý do. Thứ nhất, việc Công ty Chứng khoán ACB (ACBS) - công ty con của ACB - mua cổ phiếu của chính ACB và bị quy kết làm trái quy định của Bộ Tài chính gây thiệt hại 688 tỷ đồng, ACB không yêu cầu bồi thường. "Pháp luật không thể bắt ACB phải nhận có thiệt hại", luật sư Đức nói.

Thứ hai, về khoản 718 tỷ đồng bị chiếm đoạt khi gửi tại Vietinbank, ngân hàng ACB đang khởi kiện đòi lại vì cho rằng không làm trái quy định khi uỷ thác cho 19 nhân viên gửi số tiền trên.

Luật sư viện dẫn, trong các tài liệu cho thấy 32 hợp đồng gửi tiền của ACB là  thật 100%. Giao dịch giữa nhân viên ACB và Vietinbank là thật. Trước việc số tiền này bị Huỳnh Thị Huyền Như (nguyên trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ của Vietinbank chi nhánh TP HCM) dùng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt, luật sư của ACB cho rằng: "Vietinbank để mất tiền của khách hàng nên phải trả lại, không phải vì sai sót này khác mà chối bỏ trách nhiệm".

bau-kien-4-7026-1401341115.jpg

Cựu phó chủ tịch HĐQT ACB Nguyễn Đức Kiên đang đối mặt với đề nghị 30 năm tù về 4 tội danh. Ảnh: Quý Đoàn

Trong khi đó, ông Nguyễn Như Thái Dũng, luật sư bảo vệ quyền và lợi ích của Vietinbank cho rằng ACB có lỗi khi không tuân thủ pháp luật về uỷ thác gửi tiền tạo điều kiện cho Huyền Như chiếm đoạt tiền. Nhân viên ACB không thực hiện đúng các quy định của Nhà nước về việc gửi tiền. "Họ phó thác để mặc dẫn đến việc Huyền Như chiếm đoạt", người bảo vệ Vietinbank nêu quan điểm.

Theo luật sư, Huyền Như có ý thức chiếm đoạt tiền từ đầu nên đã thực hiện các hành vi không thuộc nhiệm vụ chức năng được giao. Vietinbank không bị thiệt hại, không được hưởng lợi gì từ hành vi của Huyền Như. "Thiệt hại xảy ra do lỗi của ACB. Vietinbank không có lỗi nên không có trách nhiệm với khoản tiền 718 tỷ đồng", luật sư Dũng nói.

Trong ngày hôm qua, 28/5, luật sư Nguyễn Minh Tâm (bào chữa cho bị cáo Trịnh Kim Quang) cũng cho rằng, vụ án Bầu Kiên không thể tách rời việc Huyền Như chiếm đoạt tài sản trong việc xác định trách nhiệm dân sự của Vietinbank. Ông Tâm cho rằng đang xảy ra việc “án chồng án” khi xét xử 2 vụ án (vụ này và vụ tuyên phạt tù chung thân Huyền Như tại TAND TP HCM) về cùng một vấn đề.

Còn luật sư của bị cáo Nguyễn Đức Kiên, ông Hoàng Đôn Hùng, cho rằng việc ACB uỷ thác cho các cá nhân gửi tiền là "không vi phạm luật". Điều 106 Luật Tổ chức tín dụng không cấm mà các ngân hàng gửi tiền. Tại thời điểm ACB thực hiện giao dịch bị VKS cho rằng vi phạm pháp luật, Ngân hàng Nhà nước chưa có văn bản hướng dẫn thực hiện luật. Cơ quan này cũng không có văn bản nào yêu cầu các ngân hàng không được hoạt động uỷ thác khi chưa có hướng dẫn.

"Cơ quan chậm ban hành hướng dẫn không có nghĩa việc làm này buộc phải dừng lại. Đây là thực trạng trong quản lý hành chính nước ta. Cần lấy tư duy thực trạng này để đánh giá vụ án", luật sư nói.

Theo luật sư Hùng, chưa phát sinh thiệt hại từ việc uỷ thác gửi tiền, tranh chấp 718 tỷ đồng giữa ACB và Vietinbank vẫn được giải quyết nên không thể coi ACB bị thiệt hại.

Chiều nay, phiên xử vẫn tiếp tục với phần tranh tụng.

Việt Dũng

CHUYÊN TRANG NGHỀ LUẬT SƯ VIỆT NAM
"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"
------------------------------------------- 
LUẬT SƯ QUẢN LÝ - HOTLINE: 0938188889