“Bầu” Kiên trong mắt TGĐ ACB Lý Xuân Hải

Theo ông Hải, những người sáng lập như "bầu" Kiên là "xương sống của ACB"

 

Sáng 22/8, liên quan đến vụ bắt giữ ông Kiên về hành vi kinh doanh trái phép theo điều 159 Bộ luật hình sự, cơ quan điều tra còn yêu cầu làm việc với ông Lý Xuân Hải, TGĐ Ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu (ACB) để làm rõ mối quan hệ cá nhân giữa ông Hải và ông Kiên.

Trong Giai phẩm ACB dịp Xuân Kỷ Sửu 2009 có bài phỏng vấn ông Lý Xuân Hải khi đó là Tổng giám đốc Ngân hàng Á Châu. Trong đó, ông Hải có đề cập đến những người thuộc thế hệ đầu tiên của ngân hàng, như Trần Mộng Hùng, Phạm Trung Cang, Nguyễn Đức Kiên… Và đồng thời cũng ông Hải cũng tự nhận mình là một trong những người thuộc thế hệ thứ 2 của ngân hàng này.

Ông Hải khẳng định, chiến lược mang tính dấu ấn “Những con người cụ thể như Trần Mộng Hùng, Nguyễn Đức Kiên, Phạm Trung Cang,… đều là những con người có cá tính, họ là xương sống tạo nên sự thành công của ngân hàng, họ giúp cho ACB không “dính” một sự cố nào kể từ khi thành lập, họ là người tạo nên văn hóa và cá tính của ACB”.

Còn riêng về ông Nguyễn Đức Kiên, ông Lý Xuân Hải nhận định, ông Kiên là một con người “đầy cá tính, tham vọng, đã thổi vào ACB những tham vọng tưởng chừng như không thể đạt được và sự quyết liệt trong việc thực hiện tham vọng ấy”.

Cũng trong bài phỏng vấn này, khi được hỏi vì sao những người thuộc thế hệ đầu tiên, những người đã sáng lập ra Ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu lại đang rút dần khỏi bộ máy quản trị của ACB, ông Hải giải thích: “Khi đứa con lớn lên, sự quan tâm của cha mẹ phải khác. ACB đang chuyển dần từ một ngân hàng mang các dấu ấn cá nhân sang một thời kỳ mang dấu ấn của bộ máy. Cái thời các cổ đông sáng lập ngồi xem xét từng hồ sơ vay tiền đã qua rồi, nay là thời của bộ máy vận hành dựa trên những thể chế và cơ chế vận hành chuyên nghiệp”.

Tuy nhiên, ông cũng cũng khẳng định về vị thế của những người sáng lập Ngân hàng ACB, trong đó có ông Nguyễn Đức Kiên: “ACB vẫn là của họ, nhưng có lẽ ACB chỉ là một phần trong các khát vọng kinh doanh của họ”.

Và vai trò của Hội đồng Sáng lập được ông Hải nhấn mạnh: “Khi đứng trước những quyết định táo bạo, quyết định lớn chứa đựng rủi ro cao hoặc khi vấn đề cần sự quyết định của các ông chủ thật sự”.

Có lẽ dư luận sẽ không đem ra mổ xẻ những điều ông Hải nói về “bầu” Kiên cũng như các thành viên Hội đồng sáng lập của ACB nếu như không có vụ “bầu” Kiên bị bắt gây chấn động giới tài chính, ngân hàng vào ngày 21/8 vừa qua.

Trong mắt ông Hải, "bầu" Kiên là một người tham vọng.

 

Việc khẳng định các thành viên sáng lập ra ACB, trong đó có ông Nguyễn Đức Kiên là “xương sống tạo nên sự thành công của ACB, giúp cho ACB không “dính” một sự cố nào kể từ khi thành lập” của ông Hải đã không thể thành hiện thực khi nhà băng này đang phải đối diện với nhiều hệ lụy từ lúc bầu Kiên bị bắt.

Đầu tiên là cổ phiếu ACB của ngân hàng này giảm sàn liên tục trong hai phiên. Kết thúc phiên giao dịch buổi sáng ngày 22/8, ACB tiếp tục giảm sàn, xuống còn 22.500 đồng/cổ phiếu. Tổng dư bán giá sàn hơn 1,1 triệu cổ phiếu, trong khi dư mua trống trơn.

Tiếp đó, từ khi nghe tin bầu Kiên bị bắt, khá đông khách hàng đang gửi tiền tại ACB đã kéo đến hội sở cũng như nhiều chi nhánh của ngân hàng rút tiền, trong đó có cả người rút trước hạn. Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM cuối giờ chiều 21/8 đã phải hỗ trợ hàng nghìn tỷ đồng cho ACB để đảm bảo thanh khoản ngân hàng.

Hơn thế nữa, những lời khẳng định của chính TGĐ ACB Lý Xuân Hải đã tạo độ “vênh” với những lời phân bua gần đây của ACB về vai trò của ông Nguyễn Đức Kiên đối với ngân hàng ACB nói riêng và các ngân hàng nói chung. Bởi một cổ đông chỉ sở hữu 3,11% cổ phần của ngân hàng làm sao có thể làm “xương sống tạo nên thành công” của cả một hệ thống ngân hàng ACB?

 

Nhóm phóng viên Petrotimes

CHUYÊN TRANG NGHỀ LUẬT SƯ VIỆT NAM
"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"
------------------------------------------- 
LUẬT SƯ QUẢN LÝ - HOTLINE: 0938188889