Trào lưu mua siêu xe, chuyên cơ của các “đại gia”: Thấp thoáng tiêu hoang

Tiến sỹ Nguyễn Minh Phong.

Sau mốt thiếu gia mua siêu xe, và bây giờ lại là trào lưu đại gia mua chuyên cơ riêng. Sau bầu Đức, và một đại gia (ẩn danh), giờ lại đến ông chủ của Tập đoàn Hoà Phát đã rinh về cho mình một chiếc chuyên cơ đặt hàng tại châu âu. Có chuyên cơ riêng là thước đo về sự giàu có, thành đạt, sự hưởng thụ để quảng bá thêm cho tên tuổi, thương hiệu của doanh nghiệp mà các đại gia này đang sở hữu hay đơn giản chỉ là có tiền thích chơi trội? Xung quanh vấn đề này, ĐS&PL đã có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Minh Phong (Viện Nghiên cứu kinh tế -xã hội Hà Nội).

 

Giàu ngắn hạn hay dài hạn?

Ông đánh giá như thế nào về trào lưu các “đại gia” mua chuyên cơ, “thiếu gia” mua "siêu xe" hiện nay?

Tâm lý của người Việt Nam mình thích giàu nổi ra ngoài, chứ không phải là giàu lặng lẽ, giàu thật. Thích người ta biết mình giàu, sự giàu đó có thể là thật, có thể không thật, giàu ngắn hạn hoặc dài hạn. Họ coi sự giàu đó như là một phương tiện để quảng bá bản thân, khẳng định giá trị của mình, quảng bá thương hiệu doanh nhân, doanh nghiệp, công việc làm ăn của mình. ở mình có tâm lý mới gặp nhau là nhìn qua quần áo, xe cộ... những vật bên ngoài để đánh giá đối tượng.

Thế hệ trước, có những người rất giàu nhưng họ không phô trương, đi ra đường thấy đinh rơi họ cũng nhặt, nhưng hiện nay có những người giàu vừa phải cũng cố khoác cho mình những "phụ kiện" thật đắt tiền. ông nghĩ sao về điều này?

 Đây là một vấn đề xã hội học đòi hỏi phải được đánh giá nhiều hơn. Nhưng nhìn tổng thể, thế hệ doanh nghiệp thời kỳ sau chiến tranh chống Mỹ mang tính tiết kiệm hơn, căn cơ hơn cho dù họ cũng rất giàu. Điều này cũng giống như ở Nhật Bản thế hệ doanh nghiệp sau Thế chiến thứ II, giàu nhưng vẫn tiết kiệm. Bây giờ, con cái thì ít, tiền của bố mẹ tích luỹ nhiều nên đã có chuyện tiêu dùng xa xỉ hơn. Đó cũng là xu hướng chung của thế giới. ở Việt Nam, hiện nay chưa đến mức cho phép tiêu dùng theo kiểu này mà vẫn cần giá trị tiết kiệm, vì chúng ta vẫn nằm trong nhóm các nước có thu nhập thấp.

Việc mua chuyên cơ, "siêu xe" thành một trào lưu như hiện nay cũng có lỗi từ hai phía: một là, từ phía gia đình, cá nhân họ nhận thức cũng như họ xác định mục tiêu ăn chơi; hai là, báo chí cũng coi đó như một sự kiện, bình luận rùm beng gây nên cơn sốt khiến họ đua nhau. Chẳng hạn thấy ai đó mua máy bay, "siêu xe" thì lao vào bình luận khiến người mua coi đó là sự hãnh diện và vô tình đã thúc đẩy xu hướng này phát triển.

 Hiện nay, người mua chuyên cơ, "siêu xe" không chỉ được người thường trầm trồ mà cũng có ý kiến cho rằng ngay với doanh nghiệp khác cũng coi đó là thước đo của  sự thành công?

Tôi nghĩ khác, và các doanh nghiệp khác cũng vậy, không nên coi việc mua máy bay là sự thành công của một ông chủ, một doanh nghiệp. Mình cũng phải nhìn nhận, xem xét có rất nhiều doanh nghiệp thất bại, nhưng trong khi sắp lao xuống vực thẳm - phá sản thì họ lại tiêu xài rất hoang phí, làm từ thiện khắp mọi nơi để đánh lừa dư luận, đối tác. Để phát hiện ra những doanh nghiệp kiểu này cần có một công cụ như hệ số tín nhiệm doanh nghiệp, các doanh nghiệp đối tác tìm hiểu lẫn nhau cần thông qua hệ số này.

Không cấm được!

Vì thế mà ở nước ngoài (chẳng hạn như Nhật Bản), tầm Tổng giám đốc một tập đoàn lớn cũng chỉ sử dụng xe hơi 9.000-12.000 USD không mấy ai đi xe lên tới hàng triệu USD như ta, và càng ít người mua chuyên cơ riêng?

Cũng phải nói khách quan, hàng xa xỉ ở Việt Nam tương đối đắt. Với xe ở Nhật giá 9.000-12.000 USD thì ở Nga chỉ là 4.000-5.000 USD nhưng về Việt Nam thì nó phải lên giá 3-4 lần, do chính sách thuế bảo hộ sản xuất trong nước. Hơn nữa, ở đây cũng có chuyện tâm lý đánh vào người mua, giá càng đắt thì càng được coi là "xịn". Điều này khiến cho giá bán xe đã đắt lại càng đắt hơn, kể cả người mua máy bay cũng vậy.

Vậy theo ông, việc mua những mặt hàng như vậy có lợi gì cho nền kinh tế hay không? Thực tế, những mặt hàng này được đặt mua tại nước ngoài vào Việt Nam chỉ chịu thuế theo quy định của Nhà nước?

Chiếc chuyên cơ EC135P2i của ông Trần Đình Long - Chủ tịch tập đoàn Hoà Phát tại sân bay Đà Nẵng (ảnh Tuổitrẻ.vn)

Đứng ở góc độ khách quan cũng phải thừa nhận, cùng với sự phát triển của kinh tế thu nhập tăng, đời sống nhiều người được cải thiện, nhu cầu mua sắm, khả năng thanh toán một số mặt hàng xa xỉ của một số người trong xã hội tăng lên. Điều này không thể cấm được vì nó nằm trong khả năng chi trả của người ta. Hơn nữa, đó là đồng tiền lành mạnh, hợp pháp thì cũng rất bình thường. Thêm vào đó, việc mua sắm cũng cải thiện cơ cấu hàng tiêu dùng. Xuất hiện nhu cầu thì sẽ có các nhà sản xuất tập trung sản xuất những mặt hàng đó. Điều này là cần thiết để phát triển nhu cầu thị trường và mở rộng quy mô thị trường. Đáp ứng nhu cầu này, cho phép cải thiện hơn nữa chất lượng dịch vụ, chất lượng hàng hoá.

Một số chuyên gia cho rằng Việt Nam là nước đang phát triển, thiếu vốn, nếu như nguồn tiền của các đại gia này được tập trung đầu tư cho phát triển kinh tế thì sẽ tốt hơn. ông nghĩ sao về điều này?

Ở đây, Chính phủ cần có sự điều tiết để dòng tiền, thay vì tiêu dùng xa xỉ quá mức (mua "siêu xe", chuyên cơ riêng) được định hướng vào đầu tư phát triển có lợi cho đất nước. Tránh hiện tượng đua nhau theo phong trào như hiện nay, tạo ra một "cơn sốt" tiêu thụ hàng xa xỉ không cần thiết. Đặt ra việc thiếu vốn của doanh nghiệp trong khi các ông chủ của doanh nghiệp khác vẫn mua chuyên cơ cũng khập khiễng. Bởi lẽ, một số doanh nghiệp lớn, có kinh nghiệm, có quan hệ đã tạo ra cho mình những đặc quyền, đặc lợi, họ có thu nhập rất cao nên họ mua chuyên cơ, "siêu xe" cũng bình thường. Tuy nhiên, rất nhiều doanh nghiệp khác do đặc điểm kinh doanh của mình thiếu vốn vẫn phải kêu gọi. ở đây mình không thể đánh đồng doanh nghiệp ông vừa xài sang vừa kêu gọi vốn được. Và sự xài sang chỉ có ở một bộ phận nhỏ doanh nghiệp, điều này cho thấy đang có sự phân hoá lớn trong bộ phận doanh nghiệp Việt Nam. Đã xuất hiện những doanh nghiệp rất lớn, rất giàu, tiêu xài rất hoang phí.

Với góc độ một chuyên gia kinh tế, ông có quan ngại về hệ luỵ của việc kiếm tiền để chạy theo trào lưu mua hàng quá xa xỉ?

 Điều này cũng có thể tạo ra một dòng xoáy kiếm tiền không hợp pháp, bất chấp hậu quả, thậm chí bất chấp tính mạng để thoả mãn ham muốn cá nhân, chạy theo một trào lưu, cái được gọi là... mốt thời thượng. Vì thế, họ đã tìm mọi cách để tạo ra cho mình những đặc quyền, đặc lợi kể cả việc vi phạm pháp luật mà các cơ quan chức năng chưa tìm ra.

Vai trò của Nhà nước là phải điều tiết thu nhập này bằng công cụ thuế như thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, thu nhập cá nhân... Siết chặt tiêu chí về mặt pháp lý để đảm bảo nguồn thu của họ là hợp pháp.

Xin cảm ơn ông.

Vương Hà

Chủ tịch Hòa Phát muốn bay phải xin phép Bộ Quốc phòng

Chiếc trực thăng EC 135P2i  trị giá gần 5 triệu USD của Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát Trần Đình Long đã về đến sân bay Đà Nẵng sau khi hoàn tất thủ tục nhập khẩu và tờ khai hải quan. Theo ông Hồ Quốc Cường, Phó Phòng vận tải, Cục hàng không Việt Nam, chiếc máy bay của ông Long chỉ được bay khi có ý kiến thống nhất của Bộ Quốc phòng. ông Cường cũng cho biết, hiện Cục hàng không Việt Nam chưa nhận được đơn xin cấp phép bay tiếp theo cho chiếc trực thăng của Chủ tịch tập đoàn Hòa Phát. Theo quy định, những máy bay bay ngoài đường hàng không (mực bay thấp) và máy bay trực thăng trước khi cất cánh phải được Bộ Quốc phòng cho phép. Thời gian chờ đợi cấp phép có thể kéo dài hơn 2 ngày như quy định đối với các loại máy bay phản lực.

CHUYÊN TRANG NGHỀ LUẬT SƯ VIỆT NAM
"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"
------------------------------------------- 
LUẬT SƯ QUẢN LÝ - HOTLINE: 0938188889