Có hay không chuyện “bầu” Kiên kinh doanh bằng “lòng tin”?!

Liệu "bầu" Kiên có đang học làm "họa sỹ"?

Những ngày qua, mọi thông tin liên quan đến sự kiện bắt tạm giam “bầu” Kiên luôn thu hút được sự quan tâm đặc biệt của dư luận xã hội, thậm chí với nhiều người trong giới kinh doanh thì đây lại là chuyện hết sức khó tin. Tuy nhiên, cũng có không ít người lại tin rằng, khi một người vẫn được gọi là “đại gia”, một nhân vật nổi tiếng cỡ như “bầu” Kiên đã bị bắt thì hẳn vấn đề phải rất nghiêm trọng.

Và theo những thông tin ban đầu mà Petrotimes nhận được thì, ông Kiên đã thành lập ba công ty với chức năng, ngành nghề đăng ký kinh doanh không liên quan đến đầu tư tài chính nhưng ông Nguyễn Đức Kiên đã sử dụng pháp nhân của các công ty này tham gia phát hành trái phiếu, đầu tư tài chính (trong đó có mua cổ phiếu ngân hàng) sai quy định. Cụ thể:

Theo công bố của Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an, việc khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Nguyễn Đức Kiên về hành vi “kinh doanh trái phép” do xác định bị can này có một số hành vi vi phạm pháp luật xảy ra tại ba công ty gồm: Công ty cổ phần đầu tư thương mại B&B, Công ty cổ phần đầu tư ACB Hà Nội và Công ty trách nhiệm hữu hạn đầu tư tài chính Á Châu. Các công ty này đều do ông Nguyễn Đức Kiên thành lập, giữ vai trò Chủ tịch Hội đồng quan trị với số vốn điều lệ “hoành tráng”. Trong đó:

Công ty cổ phần đầu tư thương mại B&B có trụ sở kinh doanh tại số 63 Lương Sử C, phường Văn Chương, quận Đống Đa, Hà Nội, với vốn điều lệ là 1.500 tỷ đồng. Và theo giấy phép đăng ký kinh doanh do Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp thì Công ty cổ phần đầu tư thương mại B&B bắt đầu hoạt động kinh doanh từ ngày 8/12/2008 với các ngành nghề đăng ký kinh doanh là quảng cáo và nghiên cứu thị trường; kinh doanh vàng bạc đá quý (không bao gồm xuất nhập khẩu vàng nguyên liệu); xây dựng dân dụng công nghiệp, xây dựng nhà ở, kho bãi đỗ xe. Công ty có ba cổ đông sáng lập là bà Nguyễn Thúy Hương, ông Nguyễn Đức Kiên và bà Đặng Ngọc Lan. Trong đó ông Kiên góp 990 tỷ đồng (66%), làm chủ tịch Hội đồng quản trị.

Công ty trách nhiệm hữu hạn đầu tư tài chính Á Châu với số vốn 500 tỷ đồng do hai thành viên góp vốn là ông Nguyễn Đức Kiên (chiếm 99% vốn góp) và bà Nguyễn Thúy Hương, trụ sở chính đặt tại 57B Phan Chu Trinh, phường Phan Chu Trinh, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội được ông Kiên thành lập 21/3/2008. Và theo giấy phép đăng ký kinh doanh do Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cấp lại sau đó, 10 ngành nghề đăng ký kinh doanh của công ty là kinh doanh khách sạn, nhà hàng ăn uống; xây dựng và kinh doanh sân golf; xây dựng giao thông, cầu đường, dân dụng và công nghiệp; quản lý tài sản hữu hình và vô hình của doanh nghiệp; đại lý thu đổi ngoại tệ; xuất nhập khẩu vàng trang sức; mua bán vàng bạc đá quý...

Còn đối với Công ty cổ phần đầu tư ACB Hà Nội, trụ sở cùng đặt tại 57B Phan Chu Trinh, Hà Nội, có vốn điều lệ 300 tỷ đồng được ông Kiên thành lập ngày 10/11/2006 với ba cổ đông đóng góp là ông Nguyễn Đức Kiên, ông Huỳnh Văn Sơn và ông Trần Ngọc Thanh. Bản thân ông Kiên góp vốn 70% và giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị. Công ty có 8 ngành nghề kinh doanh gồm đầu tư xây dựng và kinh doanh khu thể thao, sân golf, sân tennis, hồ bơi; đầu tư và kinh doanh khu du lịch, khách sạn, nhà hàng, nhà nghỉ; kinh doanh vàng; quản lý bất động sản; môi giới, đấu giá bất động sản, nhà đất.

Như vậy, tổng vốn điều lệ của ba công ty này lên đến 2.300 tỷ đồng, đều đặt dưới quyền chỉ đạo hoạt động của ông Kiên.

Ghi nhận những phân tích ban đầu tư phía cơ quan cảnh sát điều tra cho thấy, mặc dù cả ba công ty nói trên không có bất kỳ lĩnh vào nào liên quan đến vấn đề đầu tư tài chính nhưng ông Nguyễn Đức Kiên vẫn sử dụng pháp nhân của chúng để tham gia vào lĩnh vực tài chính.

Đáng chú ý, khi thông tin ban đầu về những dấu hiệu sai phạm trong hoạt động kinh doanh của ông Kiên được đưa ra thì người ta mới thấy nhiều phát ngôn của ông này là có vấn đề, không có thực mà điển hình là tuyên bố cổ đông lớn của Eximbank.

Thông tin từ cơ quan cảnh sát điều tra cho thấy, với 0,21% vốn cổ phần dưới tên mình cùng với 1,99% vốn cổ phần tại Eximbank của Công ty cổ phần đầu tư thương mại B&B và 2,01% vốn cổ phần tại Eximbank của Công ty trách nhiệm hữu hạn đầu tư tài chính Á Châu thì tổng số cổ phần mà ông Kiên có thể nắm giữ tại Eximbank cũng chỉ là 4,21%. Một tỷ lệ hết sức khiêm tốn và chưa thể coi là cổ đông lớn của ngân hàng này.

Và điều này cũng đã được ông Lê Hùng Dũng - Chủ tịch Ngân hàng Eximbank khẳng định là thông tin hoàn toàn sai sự thật.

Từ đó để thấy rằng, với số vốn điều lệ khổng lồ cộng với uy tín của mình trong lĩnh vực tài chính-ngân hàng được ông gây dựng lên, những công ty trên đã tạo được hình ảnh hết sức ấn tượng về khả năng kinh doanh hiệu quả cao. Ngoài ra, ông Kiên còn lập ra nhiều nhiều phương án kinh doanh lớn cả về tầm vóc và quy mô để đánh bóng tên tuổi và hình ảnh những công ty mà cá nhân ông đang nắm giữ vai trò Chủ tịch Hội đồng quản trị.

Chính vì vậy, khi ông Kiên bị bắt, nhiều người đã đặt câu hỏi: Những phương án này thật – giả tới đâu? Và đây cũng là sự hoài nghi mà cơ quan điều tra đang đặt ra cho các phương án kinh doanh này. Liệu đây có phải là phương án “khống” được vẽ ra để lấy lòng tin của khách hàng, ngân hàng khi tham gia đầu tư vào công ty của ông Kiên cũng như để ông Kiên sử dụng trong việc đầu tư tài chính trái phép hay không?

Những câu chuyện liên quan đến “bầu” Kiên diễn ra những ngày gần đây đang khiến nhiều người liên tưởng tới những vụ việc mua – bán dự án ma trên thị trường bất động hay chuyện mua khống – bán chui trên thị trường chứng khoán thời gian qua.

Ông Kiên giàu có, ông Kiên nổi tiếng nhưng thực tế có phải như vậy hay không thì còn phải chờ kết luận cuối cùng của cơ quan điều tra!

Nhóm Phóng viên

CHUYÊN TRANG NGHỀ LUẬT SƯ VIỆT NAM
"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"
------------------------------------------- 
LUẬT SƯ QUẢN LÝ - HOTLINE: 0938188889