Gặp khó, giới luật sư 'tố khổ' với Phó thủ tướng

 Nhiều đồng nghiệp của ông Thủy cũng rơi cảnh tương tự. Việc gặp khó trong tố tụng vừa được các luật sư gửi kiến nghị lên Phó thủ tướng Trương Vĩnh Trọng.

Trong đơn gửi tân Phó thủ tướng Trương Vĩnh Trọng kiêm Trưởng ban Nội chính trung ương mới đây, Chủ nhiệm Đoàn luật sư Hà Nội Phạm Hồng Hải khẳng định, quá trình tham gia các vụ án hình sự, luật sư thường bị các cơ quan tố tụng gây khó khăn, cản trở như không kịp thời cấp giấy chứng nhận bào chữa để luật sư có thể vào trại gặp bị can.

Kể từ giữa tháng 5, ông Ngô Ngọc Thủy nhiều lần tới cơ quan điều tra, với hy vọng sẽ nhận được giấy chứng nhận bào chữa cho Bùi Tiến Dũng. Nhưng lần nào cũng ra về "tay không" dù thủ tục, theo ông đã được làm đầy đủ. Trao đổi vớiVnExpress, ông Thủy cho biết: "Cơ quan điều tra nói luật sư chờ, tới thời điểm thích hợp sẽ cấp. Trong khi đó, theo quy định sau 3 hôm cơ quan điều tra phải trả lời có cấp hay không".

Cũng tại vụ án PMU 18, chung cảnh với luật sư Thủy là luật sư Hoàng Văn Dũng - nhận lời bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nguyên thứ trưởng Nguyễn Việt Tiến. Ông Dũng cho hay, từ 25/4 hồ sơ đã nộp nhưng tới nay vẫn chưa nhận được văn bản trả lời của cơ quan điều tra. "Hôm nay, tôi sẽ làm công văn gửi cơ quan điều tra, đề nghị sớm xét xét hồ sơ và hồi âm", ông Dũng nói.

Luật sư Hoàng Văn Dũng. Ảnh: Tiền Phong

Tuy nhiên, trong trường hợp nhận được giấy chứng nhận bào chữa thì việc tiếp cận thân chủ cũng chưa hẳn sẽ thuận buồm xuôi gió. "Có những vụ án dù đã được cấp giấy chứng nhận bào chữa nhưng luật sư vẫn không được vào trại tạm giam để gặp bị can vì người tiến hành tố tụng (đặc biệt là điều tra viên) luôn tìm mọi lý do để né tránh không đi cùng. Mà trong thời gian điều tra, nếu không có điều tra viên đi cùng, Ban giám thị trại tạm giam không có phép luật sư vào gặp”, Chủ nhiệm Đoàn luật sư Hà Nội trình bày với Phó thủ tướng Trương Vĩnh Trọng.

Bức xúc này được luật sư Đào Ngọc Lý chia sẻ với phóng viên. “Có lần, tôi làm thủ tục đi cùng một điều tra viên vào trại tạm giam, có mặt tại buổi lấy lời khai thân chủ của mình. Anh ta hẹn tôi 8h sáng có mặt tại cửa phòng làm việc. 7h30 tôi đã tới, nhưng tìm khắp nơi không thấy điều tra viên này. Vào đến trại, tôi mới phát hiện điều tra viên đó đã tiến hành lấy lời khai bị can”.

Ông Lý cho rằng, đó là cách "vô hiệu hóa" luật sư. Theo giới luật sư, hiện số người được cơ quan điều tra đồng ý cho tham gia ngay từ giai đoạn điều tra trong những vụ án lớn là rất hiếm. Nếu vụ án ít phức tạp, tính chất đơn giản, việc này dễ dàng hơn. Đơn cử, tại vụ án tiêu cực trong phân bổ quota dệt may ở Bộ Thương mại, tròn 1 năm sau khi làm thủ tục đăng ký với cơ quan điều tra, luật sư của bị can Mai Văn Dâu (nguyên thứ trưởng Bộ Thương mại) mới được cấp giấy chứng nhận bào chữa. Lúc này, vụ án đã xong giai đoạn điều tra và chuyển hồ sơ sang Viện kiểm sát để ra cáo trạng truy tố.

Luật sư Nguyễn Hoàng Hải, tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho ông Dâu, kể, sau nhiều thời gian chờ để có được giấy chứng nhận bào chữa, khi tới viện kiểm sát đề nghị được tiếp cận hồ sơ nhưng ông đã bị từ chối với lý do "kiểm sát viên đang đọc”...

Bị cáo Trần Mai Hạnh (nguyên tổng thư ký Hội Nhà báo Việt Nam) trao đổi cùng luật sư Đặng Văn Luân tại phiên tòa Năm Cam. Ảnh: P.V.

Với đơn gửi Phó thủ tướng Trương Vĩnh Trọng, kiêm Trưởng ban Nội chính TW, Đoàn luật sư Hà Nội hy vọng: "Các cơ quan tiến hành tố tụng sẽ thực hiện đúng nghĩa vụ của mình, tạo điều kiện cho các luật sư trong quá trình hoạt đồng nghề nghiệp".

Kèm theo lá đơn này, các phản ánh về việc bị gây khó khăn, cản trở của luật sư gửi về Đoàn Hà Nội cũng được chuyển tới Ban Nội chính trung ương.

Điều 56 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 quy định: "Trong thời hạn 3 ngày, nhận được đề nghị của người bào chữa kèm theo giấy tờ liên quan đến việc bào chữa, cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án phải xem xét, cấp giấy chứng nhận để họ thực hiện quyền bào chữa. Nếu từ chối chấp nhận phải nêu rõ lý do".

Điều 58: "Người bào chữa có quyền có mặt khi lấy lời khai của người bị tạm giữ, hỏi cung bị can... Nếu điều tra viên đồng ý thì được hỏi người bị tạm giữ, bị can và có mặt trong các hoạt động điều tra khác... Đề nghị cơ quan điều tra báo trước về địa điểm và thời gian hỏi cung bị can để có mặt khi hỏi cung bị can".

Anh Thư

CHUYÊN TRANG NGHỀ LUẬT SƯ VIỆT NAM
"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"
------------------------------------------- 
LUẬT SƯ QUẢN LÝ - HOTLINE: 0938188889