Sửa đổi Luật luật sư

Được sự cho phép của tác giả, BQT Diễn Đàn Pháp Luật Việt Nam xin được đăng tải nguyên văn nội dung bài viết này với hi vọng các thành viên Diễn Đàn cùng các bạn đọc sẽ tham gia đóng góp ý kiến cho cơ quan có thẩm quyền về vấn đề này.

Trích:
Nguyên văn bởi TS.LS Nguyễn Thanh Bình

Luật Luật sư đã được Quốc Hội ban hành năm 2006. Tạo cơ sở pháp lí và cơ hội phát triển nghề Luật sư ở Việt Nam. Bên cạnh những mặt tích cực, trong nội dung của Luật vẫn còn một số điểm đáng bàn và cần phải chỉnh sửa. Trong khuôn khổ một bài góp ý chúng tôi chỉ xin nêu hai điểm sau: 

Thứ nhất: Những quy định về tổ chức xã hội nghề nghiệp Việt Nam, Tổ chức xã hội nghề nghiệp của Luật sư có chức năng cơ bản là đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của giới Luật Sư . Tuy nhiên trong thực tiễn áp dụng Luật, tổ chức xã hội nghề nghiệp ở nước ta( gồm đoàn Luật Sư ở các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và tổ chức Luật sư toàn quốc là liên đoàn Luật sư )cho thấy thực chất đây là các tổ chức tự quản nghề nghiệp, khác với các tổ chức, xã hội nghề nghiệp,…theo quy định của pháp luật về hội. Đã là một tổ chức xã hội nghề nghiệp thì nó phải được hình thành trên cơ sở tự nguyện của các thành viên( như Hội nhà báo, các Hội văn học nghệ thuật, Hội cựu chiến binh, Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên,…) 

Tổ chức tự quản Luật sư ở nước ta hiện nay là một tổ chức mang tính bắt buộc, nghĩa là người có đủ điều kiện Luật Sư phải gia nhập vào Đoàn Luật Sư mới được hành nghề (Trên thế giới không có nước nào bắt buộc như vậy).

Đã là một tổ chức tự quản thì phải theo một quy chế pháp lí riêng của quản lí nhà nước nếu không sẽ dẫn đến một loạt các tiêu cực và hệ lụy (Do quan hệ trong tổ chức là quan hệ quyền năng-phục tùng, bất bình đẳng ) như vậy quản lí Luật Sư sẽ bị chồng chéo với cơ quan nhà nước và tốn kém. Hiện nay, mỗi Luật sư phải đóng hai loại phí thành viên: Phí cho đoàn và phí cho Liên đoàn. Chỉ riêng phí thành viên đóng cho Liên đoàn hiện nay mỗi tháng là 60.000đồng/người với trên 8000 Luật sư như vậy thì mỗi tháng đến 480 triệu đồng( trong năm tới sẽ lên đến trên 10 ngàn Luật sư). Số hưởng lương hiện nay trong Liên đoàn chỉ có ba lãnh đạo liên đoàn( Chủ tịch và hai phó chủ tịch) và khoảng hơn 10 cán bộ chuyên viên văn phòng. Đấy là chưa tính đến các khoản tài trợ của các tổ chức quốc tế (như JPP, Jica,...)mỗi năm hàng chục tỉ và hỗ trợ của ngân sách nhà nước...

Nếu không có quy chế quản lí chặt chẽ thì tổ chức này dễ trở thành một hội tự quản khép kín, tự tung tự tác và là gánh nặng tài chính của nhà nước và xã hội: 

Trên thực tế, hiện nay Liên đoàn chỉ nặng về hoạt động tự quản nên việc đại diện và bảo vệ quyền lợi cho giới Luật sư kém hiệu quả; tình trạng khó khăn cản trở khi Luật sư tham gia tố tụng, nhất là trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự...chưa được khắc phục, chậm cải thiện, chi phí cho các hoạt động thường cao hơn, tốn kém hơn so với các tổ chức khác...

Vì vậy cần sửa Luật sao cho tổ chức Luật sư thực sự là tổ chức tự nguyện của giới Luật sư đặc biệt là hoạt động của tổ chức phải linh hoạt, nhẹ nhàng, đúng chức năng nhiệm vụ, đúng mục đích, tiết kiệm chi phí và lao động xã hội 

Thứ hai: Vấn đề đào tạo Luật sư. Chỉ tính riêng về mặt thời gian thì thời gian đào tạo được một Luật sư ở nước ta là dài nhất thế giới. Để trở thành một Luật sư người học phải học liên tục 8 đến 9 năm. Thời gian đào tạo được thể hiện qua các giai đoạn sau:

- Đào tạo Đại Học Luật( 4 năm không kể thời gian chờ kết quả) 
- Khóa đào tạo kĩ năng nghề Luật sư ( 10 tháng gồm: học tập trung 6tháng, 4 tháng thủ tục, thi và lấy chứng chỉ tốt nghiệp
- Tập sự hành nghề Luật sư: 18 tháng 
- Kiểm tra sát hạch hết tập sự để lấy chứng chỉ hành nghề: 6 tháng
- Thời gian kết nạp và nhận thẻ Luật sư : 6 tháng 

Trong lúc đó trên thế giới, nước có thời gian đào tạo dài nhất cũng chỉ đến 5 năm. Ở Hoa kì tính từ khi vào Đại học đến khi ra hành nghề cũng chỉ mất 3 năm.

Về cơ sở đào tạo kĩ năng nghề Luật sư , Luật nên sửa đổi để việc đào tạo tập trung vào một cơ sở như mô hình của đa số các nước trên thế giới. Theo đó việc đào tạo kĩ năng nghề nên tập trung tại một cơ sở của nhà nước( Học viện Tư Pháp ) như hiện nay là khoa học và hợp lí nhất. Tuy nhiên nhất thiết phải cải cách và đổi mới phương pháp cách thức đào tạo.

Như vậy, về đào tạo Luật phải sửa đổi sao cho thời gian đào tạo phải được rút ngắn. Trước mắt nếu chưa cải cách được nội dung, chương trình đào tạo đại học Luật, một số thời gian đào tạo nghề sau đại học nên giản ước như rút ngắn thời gian tập sự( 6 tháng), bỏ kì kiểm tra sát hạch, rút ngắn thời gian cấp chứng chỉ hành nghề và thẻ Luật sư. 

Trên đây là một số ý kiến nhỏ đóng góp vào việc sửa đổi Luật Luật sư, kính mong Quốc hội quan tâm xem xét.

Tiến sĩ- Luật sư Nguyễn Thanh Bình 
Ủy viên trung ương hội khoa học phát triển nguồn 
Nhân lực, nhân tài Việt Nam
CHUYÊN TRANG NGHỀ LUẬT SƯ VIỆT NAM
"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"
------------------------------------------- 
LUẬT SƯ QUẢN LÝ - HOTLINE: 0938188889