Tìm lại quyền lợi chính đáng cho mẹ liệt sỹ 92 tuổi Lâm Thị Tư

Là người có công khai phá trên mảnh đất mà mình đang sinh sống, lại là mẹ của 2 liệt sĩ và theo pháp luật về thừa kế tài sản, bà vẫn là người ở hàng thừa kế thứ nhất, nhưng bà Lâm Thị Tư, 92 tuổi (xóm Đồng Bẩm, xã Đồng Bẩm, Thành phố Thái Nguyên) không những không được thừa hưởng những quyền lợi chính đáng đó mà trở thành người vô gia cư. Chính quyền xã và Tòa án nhân dân Thành phố Thái Nguyên đã giải quyết không thỏa đáng. Quá uất ức trước nghịch cảnh đó, bà Tư phải đến kêu cứu tại Trung tâm Trợ giúp pháp lý (sau đây gọi tắt là Trung tâm TGPL) tỉnh Thái Nguyên.

Nỗi lòng của người mẹ liệt sĩ 92 tuổi

Chúng tôi gặp bà trong một ngày đầu xuân khi bà vừa được trao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên mình. Trong tâm trạng vui, buồn lẫn lộn, bà Tư rưng rưng: “Từ nay, tôi có thể yên tâm vì hai đứa con liệt sĩ của tôi đã có nơi thờ tự. Chuyện “nay mai” của tôi cũng bớt lo phần nào. Bất đắc dĩ mà tôi phải làm như vậy, chứ tuổi già ai chả muốn được yên ổn...”. Tìm về gốc rễ của sự việc, chúng tôi mới thấy được nỗi xót xa của người mẹ liệt sĩ đã “gần đất, xa trời”.

(Luật sư Phan Thanh Long và bà Vũ Thị Lệ Hằng, Giám đốc Trung tâm TGPL tỉnh đến thăm, chúc mừng và động viên mẹ liệt sĩ Lâm Thị Tư trong ngày nhận Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất)

Năm 1942, bà Tư cùng chồng là ông Lương Văn Phúc khai phá đất và làm nhà ở tại xóm Đồng Bẩm với diện tích 400m2 đất thổ cư và 162m2 đất vườn tạp. Vợ chồng bà có 7 người con (5 trai, 2 gái). Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, 4 người con trai của ông bà đã lên đường nhập ngũ. Năm 1967, con trai thứ 2 của bà là Lương Văn Sinh hy sinh ở chiến trường miền Nam. Cũng tại chiến trường này, con trai thứ 3 là Lương Văn Ba cũng hy sinh vào năm 1970 (cả hai đều được Nhà nước phong tặng danh hiệu liệt sĩ). Chiến tranh chống Mỹ kết thúc, hai người con trai khác của ông bà trở về xây dựng gia đình và ra ở riêng. Vợ chồng bà ở chung với vợ chồng người con trai út là anh Lương Văn Cao (vợ là Trần Thị Thu H).

Năm 1994, để tiện cho việc kê khai tài sản cũng như khi thanh toán sản phẩm cho Hợp tác xã nên Đội sản xuất số 6 của xã Đồng Bẩm đã chuyển tên chủ hộ nhà ông Phúc (cả đất thổ cư và đất ruộng) sang tên con trai út là anh Lương Văn Cao (vì ông Phúc không biết chữ). Đến năm 1999, anh Cao làm thủ tục xin được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên diện tích đất mà vợ chồng ông Phúc đã khai phá và đang sử dụng, với diện tích được kê khai là 1.896m2 (trong đó có 562,7m2 đất thổ cư). Đến năm 2004, ông Phúc mất khi chưa làm di chúc chia thừa kế. Năm 2009, anh Cao ốm nặng nên đã lập di chúc để lại tài sản cho vợ và 2 con gái. Chị H đã đi làm Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo di chúc của chồng. Cuối năm đó, bà Tư bị chị H đuổi ra khỏi nhà, phải về ở với con gái.

Đến năm 2010, anh Cao mất (trước đó, hai người con trai khác của bà Tư cũng bị bệnh và qua đời). Lúc này, chị H tuyên bố thửa đất và nhà cửa là thuộc quyền sử dụng của mình theo di chúc của chồng để lại, bà Tư không có quyền lợi gì nữa. Quá uất ức, bà Tư đã gọi các con họp gia đình và yêu cầu con dâu trả lại quyền sử dụng đất, nhưng không giải quyết được. Bà đã gửi đơn lên UBND xã Đồng Bẩm và Tòa án nhân dân Thành phố Thái Nguyên nhờ can thiệp để đòi lại quyền lợi chính đang, mong có nơi để thờ hai con liệt sĩ, nhưng cũng không được giải quyết thỏa đáng.

Quyền lợi được trả lại

Không chấp nhận sự bất công này, bà Tư đã “chống gậy” đến Trung tâm TGPL tỉnh Thái Nguyên nhờ tư vấn, giúp đỡ. Từ đây, mọi việc từng bước được luật sư làm sáng tỏ, giúp đòi lại quyền và lợi ích chính đáng cho bà Tư. Và ngày 11-02-2012, bà Tư đã được cầm trên tay Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) mang tên mình với diện tích đất 160,8m2 (trong đó có 120m2 đất thổ cư và 40,8m2 đất trồng cây hàng năm) theo quy định của pháp luật. Phần tài sản đất còn lại (kể cả phần mà đáng lý ra bà có quyền được hưởng) được chia cho các con, cháu...

Bà Vũ Thị Lệ Hằng, Giám đốc Trung tâm TGPL tỉnh Thái Nguyên cho biết: Sau khi nghiên cứu đơn đề nghị của bà Tư, chúng tôi nhận thấy trường hợp của bà Tư cần được hưởng chế độ trợ giúp pháp lý theo quy định tại khoản 2, Điều 10 Luật Trợ giúp pháp lý ngày 29 tháng 6 năm 2006 (sau đây gọi tắt là  Luật TGPL ) và điểm k, khoản 2, Điều 2 Nghị định số 07/2007/ NĐ-CP ngày 12 tháng 01 năm 2007 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật TGPL. Tuy nhiên, đây cũng là một hồ sơ khá phức tạp, đã qua một số cấp giải quyết (UBND xã Đồng Bẩm, Tòa án nhân dân Thành phố Thái Nguyên), nhưng chưa giải quyết được, bởi bà Tư không cung cấp đủ chứng cứ, chứng minh quyền lợi hợp pháp của mình. Do đó, Trung tâm TGPL tỉnh Thái Nguyên đã phân công cho Luật sư Phan Thanh Long là cộng tác viên của Trung tâm thực hiện trợ giúp pháp lý cho bà Tư.

Để tìm hiểu rõ hơn về vụ việc, chúng tôi đã có buổi làm việc với Luật sư Phan Thanh Long, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Thái Nguyên, Trưởng Văn phòng Luật sư Sao Mai, Luật sư cho biết: Sau khi nghiên cứu hồ sơ vụ việc, tôi đã làm việc với UBND xã Đồng Bẩm, tìm lại hồ sơ ban đầu về nguồn gốc và quyền sử dụng đất. Kết quả cho thấy, trước năm 1994, quyền sử dụng đất vẫn đứng tên ông Phúc. Năm 1994, ông Phúc chuyển sang tên chủ hộ mới cho con trai Lương Văn Cao là nhờ đứng tên hộ để tiện thanh toán sản phẩm với Hợp tác xã nông nghiệp. Năm 1999, anh Cao làm thủ tục xin được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ tên bố sang tên mình là không đúng. Bởi giữa ông Phúc, bà Tư và con trai là anh Lương Văn Cao không có hợp đồng tặng, cho (hoặc giấy ủy quyền) được các bên cho, nhận ký có xác nhận của UBND cấp có thẩm quyền. Như vậy, việc UBND huyện chứng nhận sang tên quyền sử dụng đất của anh Cao trên đất của ông Phúc là sai nguyên tắc (theo quy định của Luật Đất đai năm 1993). Do đó việc thừa kế tài sản của ông Phúc phải được thực hiện theo quy định của pháp luật vì ông Phúc không để lại di chúc. Từ đó, căn cứ theo quy định tại Điều 676 Bộ luật Dân sự năm 2005 về thừa kế theo pháp luật thì bà Tư thuộc hàng thừa kế thứ nhất và được hưởng một nửa số tài sản mà ông Phúc để lại. Phần còn lại được chia đều cho vợ (tức bà Tư) và các con. Đây chính là mấu chốt của vụ việc.

Cũng theo Luật sư Long thì nguyên nhân UBND xã Đồng Bẩm và Tòa án nhân dân Thành phố Thái Nguyên giải quyết không thấu đáo là do không tìm hiểu đến tận gốc rễ của vấn đề mà cho rằng “bìa đỏ” mang tên anh Cao thì ông Phúc và bà Tư không có quyền gì trên đất đó nữa. Từ cái sai ban đầu đã kéo theo những cái sai tiếp theo. “Đây là vụ việc khá phức tạp, rất may là Chủ tịch UBND huyện Đồng Hỷ và Chủ tịch UBND Thành phố Thái Nguyên đã quyết liệt chỉ đạo các cơ quan liên quan cung cấp hồ sơ gốc cho chúng tôi. Bên cạnh đó, công tác lưu trữ hồ sơ của xã Đồng Bẩm là rất tốt. Qua đây, tôi cũng mong rằng, đã là cán bộ thì làm việc gì cũng cần phải hết sức cẩn thận, tôn trọng sự thật, công tâm, bảo đảm quyền lợi chính đáng của nhân dân, thực hiện nhiệm vụ của mình đúng theo quy định của pháp luật” – luật sư Long chia sẻ...

(Tham khảo nguồn: Báo Thái Nguyên ngày 17-02-2012)

CHUYÊN TRANG NGHỀ LUẬT SƯ VIỆT NAM
"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"
------------------------------------------- 
LUẬT SƯ QUẢN LÝ - HOTLINE: 0938188889