”Tạm giam” .... tảng đá!

 Đoàn kiểm tra liên ngành của huyện Chư Sê đến nhà ông Lê Hùng Dũng ở thôn La Sa (sát quốc lộ 25) để cưỡng chế thu hồi hai tảng đá của gia đình ông nhưng không thực hiện được. Theo gia đình trình bày với báo chí, hòn đá này được tìm thấy trong khuôn viên vườn nhà cách đây hơn ba năm...

Vấn đề đáng bàn ở đây là khía cạnh pháp lý liên quan việc xác định các tảng đá nói trên có phải là khoáng sản thuộc diện Nhà nước quản lý, cấm khai thác, vận chuyển, mua bán, sử dụng hay không. Đồng thời, cần xác định các biện pháp mà Đoàn kiểm tra liên ngành và Ủy ban nhân dân xã, huyện đang áp dụng nhằm... ”tạm giam” hòn đá ngay giữa trụ sở Ủy ban huyện gây phản cảm, có phù hợp pháp luật hay không ?

Theo thông tin trên báo chí và giải thích của các cơ quan chức năng của huyện Chư Sê, nguồn gốc sự kiện nói trên bắt đầu từ việc tại triển lãm sinh vật cảnh Festival cồng chiêng quốc tế tổ chức tại TP Pleiku vào cuối năm 2009, một hòn đá mã não được coi là có xuất xứ ở xã H’Bông huyện Chư Sê đã được bán với giá 2 tỷ đồng gây xôn xao giới chơi đá cảnh, kinh doanh đá nghệ thuật... Cuộc săn lùng đá cảnh, đá nghệ thuật trở nên ồn ào, ảnh hưởng nhất định đến tình hình trật tự an toàn xã hội ở địa phương, dẫn đến chính quyền các cấp phải đặt ra vấn đề kiểm tra, phát hiện và xử lý các hành vi sai phạm pháp luật về khoáng sản.

Tuy nhiên, điều cần nhận diện đầu tiên là các tảng đá được tìm thấy trong khuôn viên diện tích đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp của cá nhân hoặc được trao đổi, mua bán không rõ nguồn gốc có phải là “khoáng sản” như được định nghĩa tại Điều 2Luật Khoáng sản năm 2010 ?Muốn coi đó là khoáng sản(khoáng vật, khoáng chất có ích được tích tụ tự nhiên ở thể rắn, thể lỏng, thể khí tồn tại trong lòng đất, trên mặt đất, bao gồm cả khoáng vật, khoáng chất ở bãi thải của mỏ) thì phải có cơ quan chuyên môn xác định hoặc giám định mới có cơ sở để xử lý. Hơn nữa, các tảng đá được các cá nhân lưu giữ có thuộc diện “khoáng sản chưa khai thác” theo điều 16, nằm trong khu vực khoáng sản theo quy định tại điều 25 Luật Khoáng sản quy định; cũng như khu vực có khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ như được quy định tại điều 11 Nghị định số 15/2012/NĐ-CP ngày 9/3/2012. Thậm chí, trong một số trường hợp, Nhà nước còn giao cho tổ chức, cá nhân sử dụng đất có trách nhiệm bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trong diện tích đất đang sử dụng; không được tự ý khai thác khoáng sản, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 2 Điều 64 của Luật này.

Về mặt pháp lý và thực tế, đáng lẽ khi tình trạng khai thác, vận chuyển, mua bán đá cảnh, đá nghệ thuật nói trên gây mất trật tự, trị an và ảnh hưởng đến tài nguyên khoáng sản quốc gia (nếu có), cơ quan chức năng có thẩm quyền cần đề xuất, đưa vào xây dựng quy hoạch khoáng sản nhằm điều tra cơ bản về địa chất, thăm dò, đi đến khai thác sử dụng theo kỳ quy hoạch khoáng sản được quy định là 10 năm. Chỉ khi thuộc quy hoạch khoáng sản, một trong những nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân các cấp theo điều 18 Luật Khoáng sản là tổ chức bảo vệ khoáng sản chưa khai thác, huy động và chỉ đạo phối hợp các lực lượng trên địa bàn để giải tỏa, ngăn chặn hoạt động khoáng sản trái phép tại địa phương, thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường, khoáng sản chưa khai thác, tài nguyên thiên nhiên khác theo quy định của pháp luật, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội tại khu vực có khoáng sản.

Một vấn đề khác cần được lưu tâm là theo điều 14 Nghị định số 150/2004/NĐ-CP ngày 29/7/2004 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khai thác khoáng sản, thẩm quyền của Ủy ban xã và huyện chỉ được tịch thu tang vật, phương tiện sử dụng vào việc vi phạm hành chính, buộc thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả khi xác định có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực khai thác khoáng sản. Theo điều 46 Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính năm 2002 thì việc tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính chỉ được áp dụng trong trường hợp cần để xác minh tình tiết làm căn cứ quyết định xử lý hoặc ngăn chặn ngay vi phạm hành chính, do người có thẩm quyền quyết định.

Người ra quyết định tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính phải lập biên bản về việc tạm giữ. Trong biên bản phải ghi rõ tên, số lượng, chủng loại tang vật, phương tiện bị tạm giữ và phải có chữ ký của người ra quyết định tạm giữ, người vi phạm. Người ra quyết định tạm giữ có trách nhiệm bảo quản tang vật, phương tiện đó; nếu do lỗi của người này mà tang vật, phương tiện bị mất, bán, đánh tráo hoặc hư hỏng thì họ phải chịu trách nhiệm bồi thường. Pháp luật cũng chỉ quy định trong trường hợp tang vật, phương tiện vi phạm cần được niêm phong thì phải tiến hành ngay trước mặt người vi phạm; nếu người vi phạm vắng mặt thì phải tiến hành niêm phong trước mặt đại diện gia đình, đại diện tổ chức, đại diện chính quyền và người chứng kiến.

Đối chiếu với các quy định nói trên, có thể khẳng định không có quy định nào cho phép chính quyền các cấp áp dụng biện pháp...”tạm giam” tảng đá bằng khung sắt như thực tế đã xảy ra. Có thể đã là tảng đá thì ”không biết nói năng”, nhưng câu chuyện ở huyện Chư Sê để lại nhiều vấn đề pháp lý cần suy ngẫm...

Luật sư PHAN TRUNG HOÀI

CHUYÊN TRANG NGHỀ LUẬT SƯ VIỆT NAM
"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"
------------------------------------------- 
LUẬT SƯ QUẢN LÝ - HOTLINE: 0938188889