Dự Thảo Luật Trọng Tài của nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

LUẬT TRỌNG TÀI

Dự thảo (ngày 12/1/2009)

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992, được sửa đổi, bổ sung theo Nghị quyết số 51/2001/QH10 ngày 25 tháng 12 năm 2001 của Quốc hội khoá X, kỳ họp thứ 10;

Nhằm khuyến khích và tạo điều kiện cho các bên giải quyết tranh chấp nhanh chóng, công bằng, hiệu quả và thuận lợi;

Luật này quy định về trọng tài.

CHƯƠNG I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG (SỬA ĐỔI)

 

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh (sửa đổi)

Luật này quy định về tổ chức và tố tụng trọng tài để giải quyết các tranh chấp theo sự thoả thuận của các bên.

 

Điều 2. Các tranh chấp có thể giải quyết bằng trọng tài (mới)

 

1. Tranh chấp liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của các bên phát sinh từ nghĩa vụ hợp đồng hoặc nghĩa vụ ngoài hợp đồng có thể được giải quyết bằng trọng tài.

2. Các tranh chấp sau đây không thuộc thẩm quyền của trọng tài:

a. Tranh chấp liên quan đến các quyền nhân thân, tranh chấp liên quan đến quan hệ hôn nhân, gia đình và thừa kế theo quy định của pháp luật dân sự và hôn nhân gia đình.

b. Tranh chấp hành chính thuộc thẩm quyền của các cơ quan nhà nước, ngoại trừ tranh chấp giữa các nhà đầu tư và cơ quan Nhà nước Việt Nam theo quy định của Luật đầu tư năm 2005.

c. Tranh chấp liên quan đến phá sản.

d. Tranh chấp liên quan đến cạnh tranh.

Điều 3. Giải thích từ ngữ (sửa đổi)

 

Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Trọng tài là phương thức giải quyết tranh chấp do các bên thỏa thuận được tiến hành theo những thủ tục do Luật này quy định.

2. Thoả thuận trọng tài là thoả thuận giữa các bên nhằm giải quyết bằng trọng tài tranh chấp có thể phát sinh hoặc đã phát sinh giữa các bên.

3. Các bên tranh chấp là bất kỳ thể nhân, pháp nhân, tổ chức, cơ quan Nhà nước nào có quyền thỏa thuận về trọng tài.

4. Tranh chấp có yếu tố nước ngoài là tranh chấp phát sinh trong quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài được quy định tại Bộ Luật dân sự.

5. Trọng tài viên là người có đủ các điều kiện quy định tại Điều 18 của Luật này, được các bên chọn hoặc có tên trong danh sách của tổ chức trọng tài, hoặc được tổ chức trọng tài hoặc tòa án có thẩm quyền chỉ định để giải quyết vụ tranh chấp.

6. Trọng tài vụ việc là hình thức trọng tài do các bên thành lập để xét xử vụ tranh chấp do họ yêu cầu mà không có một bộ máy tổ chức hoạt động thường xuyên. Sau khi vụ tranh chấp được xét xử xong, Hội đồng trọng tài vụ việc sẽ tự giải tán.

7. Tổ chức trọng tài là hình thức trọng tài hoạt động thường xuyên, có tổ chức, có điều lệ, quy tắc tố tụng riêng, có danh sách trọng tài viên. Tên gọi của tổ chức trọng tài có thể là Trung tâm trọng tài, Viện trọng tài, Ủy ban trọng tài hoặc các tên gọi hợp pháp khác.

 

Điều 4. Nguyên tắc giải quyết tranh chấp bằng trọng tài (sửa đổi)

1. Khi xét xử tranh chấp trọng tài viên phải tôn trọng thoả thuận của các bên và quy định của pháp luật.

2. Trọng tài viên phải độc lập, khách quan, vô tư.

3. Việc xét xử tranh chấp bằng trọng tài không công khai.

4. Các quyết định, phán quyết của trọng tài được lập theo nguyên tắc đa số.

5. Phán quyết trọng tài là chung thẩm.

 

Điều 5: Điều kiện và hình thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài (sửa đổi)

Tranh chấp được giải quyết bằng trọng tài, nếu trước hoặc sau khi xảy ra tranh chấp các bên có thoả thuận trọng tài. Trong trường hợp một bên tham gia thoả thuận trọng tài chết hoặc mất năng lực hành vi, thoả thuận trọng tài vẫn có hiệu lực và được thi hành bởi người thừa kế hoặc người đại diện theo pháp luật của người đó, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác.

 

Điều 6. Toà án từ chối thụ lý trong trường hợp có thoả thuận trọng tài (sửa đổi)

Trong trường hợp tranh chấp đã có thoả thuận trọng tài, nếu một bên khởi kiện tại toà án thì toà án phải từ chối thụ lý, trừ trường hợp thoả thuận trọng tài vô hiệu hoặc thoả thuận trọng tài không thể thực hiện được.

 

Điều 7. Trọng tài và thương lượng, hoà giải (mới)

1. Các bên có thể giải quyết tranh chấp thông qua thương lượng, hoà giải hoặc bằng các phương thức khác. Trong trường hợp thương lượng hoặc hòa giải không thành, nếu có thoả thuận trọng tài, tranh chấp được giải quyết theo quy định của Luật này.

2. Trong quá trình hoà giải, nếu một bên đưa tranh chấp ra trọng tài thì việc hoà giải mặc nhiên chấm dứt.

3. Trong trường hợp hòa giải không thành, hòa giải viên không được chỉ định làm trọng tài viên, không được làm người đại diện, người làm chứng, luật sư của bất cứ bên nào trong vụ kiện đó tại trọng tài, trừ trường hợp tất cả các bên chấp thuận bằng văn bản.

4. Trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác, mọi thông tin trao đổi trong hòa giải sẽ không được coi là chứng cứ tại trọng tài.

 

Điều 8: Xác định toà án có thẩm quyền đối với trọng tài (mới)

1. Tòa án có thẩm quyền đối với trọng tài là Tòa án nhân dân cấp tỉnh theo thứ tự ưu tiên sau đây:

a. Toà án theo thoả thuận của các bên;

b. Tòa án nơi Hội đồng trọng tài tiến hành phiên xét xử;

c. Tòa án nơi Trọng tài thụ lý vụ việc;

d. Tòa án nơi có tài sản tranh chấp.

2. Trong trường hợp tài sản, người làm chứng và các chứng cứ ở nước ngoài thì ngoài các trường hợp được quy định tại khoản 1 điều này, Tòa án có thẩm quyền đối với Trọng tài được xác định theo các quy định của Luật tương trợ tư pháp.

 

Điều 9: Thẩm quyền của toà án đối với trọng tài (mới)

 

Thẩm quyền của Tòa án đối với Trọng tài được xác định trong những trường hợp sau đây:

1. Thu thập chứng cứ, lưu giữ chứng cứ theo điều 45 của Luật này;

2. Đăng ký phán quyết trọng tài theo quy định tại điều 59 của Luật này;

3. Tuyên thỏa thuận trọng tài vô hiệu theo quy định tại điều 16 của Luật này;

4. Xác định thẩm quyền của hội đồng trọng tài theo quy định tại điều 41 của Luật này;

5. Giải quyết yêu cầu huỷ phán quyết trọng tài theo quy định tại các điều 60, điều 61, điều 62, điều 63 và điều 64 của Luật này;

6. Bảo đảm sự có mặt của người làm chứng theo quy định tại điều 46 của Luật này;

7. Áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định tại điều 48 của Luật này;

8. Chỉ định, thay đổi trọng tài viên theo quy định tại các điều 37 và điều 38 của Luật này.

 

Điều 10. Ngôn ngữ (sửa đổi)

Các bên có quyền thoả thuận ngôn ngữ sử dụng trong tố tụng trọng tài. Nếu các bên không có thỏa thuận thì ngôn ngữ sử dụng trong tố tụng trọng tài do Hội đồng trọng tài quyết định.

 

Điều 11. Cách thức gửi thông báo và trình tự gửi thông báo (mới)

Nếu các bên không có thỏa thuận khác hoặc quy tắc tố tụng của Tổ chức trọng tài không quy định khác, cách thức và trình tự gửi thông báo trong tố tụng trọng tài được quy định như sau:

1. Các bản giải trình, văn thư giao dịch và tài liệu khác do mỗi bên gửi phải được gửi tới Hội đồng trọng tài với số bản đủ để mỗi thành viên trong Hội đồng trọng tài có một bản, bên kia một bản và một bản lưu tại Tổ chức trọng tài.

2. Các thông báo, tài liệu mà Hội đồng trọng tài gửi cho các bên được gửi đến địa chỉ của các bên hoặc gửi cho đại diện của các bên theo đúng địa chỉ do các bên thông báo.

3. Các thông báo, tài liệu có thể được Hội đồng trọng tài gửi bằng phương thức giao trực tiếp, thư bảo đảm, thư thường, fax, telex, telegram, thư điện tử hoặc bất kỳ phương thức nào khác có ghi nhận việc gửi này.

4. Các thông báo, tài liệu do Hội đồng trọng tài gửi được coi là đã nhận được vào ngày mà các bên hoặc đại diện của các bên đã nhận, hoặc được coi là đã nhận nếu thông báo, tài liệu đó đã được gửi phù hợp với khoản 2 Điều này.

5. Các thời hạn quy định trong Luật này bắt đầu được tính từ ngày tiếp theo ngày mà thông báo, tài liệu được coi là đã nhận được theo quy định trong Luật này. Nếu ngày tiếp theo đó là ngày lễ chính thức hoặc ngày nghỉ theo quy định của nước, vùng lãnh thổ nơi mà thông báo, tài liệu đã được nhận thì thời hạn này bắt đầu được tính từ ngày làm việc đầu tiên tiếp theo. Nếu ngày cuối cùng của thời hạn này là ngày lễ chính thức hoặc ngày nghỉ theo quy định của nước, vùng lãnh thổ nơi mà thông báo, tài liệu được nhận thì ngày hết hạn sẽ là cuối ngày làm việc đầu tiên tiếp theo.

 

Điều 12. Pháp luật áp dụng giải quyết tranh chấp (sửa đổi)

1. Hội đồng trọng tài áp dụng pháp luật Việt Nam để giải quyết vụ tranh chấp, trừ trường hợp pháp luật chuyên ngành có quy định khác.

2. Đối với tranh chấp có yếu tố nước ngoài, hội đồng trọng tài áp dụng pháp luật do các bên lựa chọn; nếu các bên không có thỏa thuận về luật áp dụng thì hội đồng trọng tài sẽ quyết định áp dụng pháp luật mà Hội đồng trọng tài cho là phù hợp nhất.

3. Trong trường hợp không có quy định của pháp luật nêu trong khoản 2 nói trên, pháp luật nước ngoài, các thông lệ, tập quán quốc tế được lựa chọn và áp dụng để giải quyết tranh chấp nếu không trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam.

 

Điều 13. Áp dụng điều ước quốc tế (sửa đổi)

Trong trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc gia nhập có quy định khác với quy định của Luật này thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó.

(Mời các bạn đóng góp ý kiến) 

CHUYÊN TRANG NGHỀ LUẬT SƯ VIỆT NAM
"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"
------------------------------------------- 
LUẬT SƯ QUẢN LÝ - HOTLINE: 0938188889