Vai trò của luật sư trong phiên tòa rất mờ nhạt

Quan điểm trên được tiến sĩ Phạm Hồng Hải nêu ra tại hội thảo luật sư Việt Nam và hội nhập quốc tế do Đoàn luật sư Hà Nội tổ chức sáng 14/10. Ông Hải phản ánh, có thẩm phán coi thường và phủ nhận vai trò của luật sư, gây khó khăn cho hoạt động bào chữa, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của bị cáo. Bản bào chữa cùng các đề nghị của luật sư ít khi được HĐXX xem xét. Bị cáo trong phiên tòa đã bị coi là có tội nên quyền bào chữa về hình thức vẫn được thực hiện, nhưng tác động của nó đến HĐXX là rất nhỏ.

Nguyên nhân của hiện trạng trên được Chủ nhiệm Đoàn luật sư Hà Nội cho rằng bắt nguồn từ hiện tượng “án tại hồ sơ”. Pháp luật tố tụng hình sự quy định, tại phiên tòa, HĐXX phải căn cứ lời khai, chứng cứ trong quá trình xét xử để đưa ra phán quyết. “Nhưng thực tiễn xét xử cho thấy nguyên tắc này rất ít khi được áp dụng. Tội danh cùng mức hình phạt đã được định hướng từ trước. Việc tòa án xét xử dựa trên hồ sơ với kết luận của cơ quan điều tra và bản cáo trạng của VKS nên đã gây sự phiến diện”, ông bày tỏ quan điểm.

Đoàn Luật sư Hà Nội đánh giá, trong khi những lĩnh vực hoạt động khác, luật sư được các cơ quan nhà nước tạo điều kiện để hoàn thành nhiệm vụ, thì tại tố tụng hình sự, ngoài vấn đề nêu trên, họ đang gặp phải nhiều "rào cản". Một trong số đó từng được Đoàn “tố khổ” với Ban Nội chính Trung ương là thủ tục hành chính liên quan tới việc cấp giấy chứng nhận bào chữa, thủ tục gặp bị can, bị cáo. Khoản 4 điều 56 Bộ luật tố tụng hình sự quy định trong 3 ngày kể từ khi nhận được đề nghị, các cơ quan tố tụng phải xem xét cấp giấy chứng nhận bào chữa. Nhưng trong thực tế, quy định này ít khi được thực hiện.

Tại hội thảo, cùng với việc nêu lên những "bức xúc trên", giới luật sư cũng thẳng thắn thừa nhận thời gian qua cũng nhiều người có vi phạm nguyên tắc, đạo đức nghề nghiệp. Có luật sư thay vì nghiên cứu hồ sơ, chuẩn bị bài bào chữa cho bị cáo tại phiên tòa lại đi gặp gỡ người này, người khác để “chạy án”. Việc làm này tác động xấu tới quá trình xét xử, làm cho vụ án không được giải quyết khách quan. Người có tội không bị xử lý hoặc bị loại khỏi vòng tố tụng và ngược lại.

Một vấn đề khác được nhiều luật sư nêu lên là vai trò quan trọng của luật sư trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế. Điểm bất lợi lớn của các luật sư Việt Nam hiện nay là không thông thạo ngoại ngữ. Vì thế việc tiếp cận với khách hàng nước ngoài rất hạn chế. Kinh nghiệm được ông Trần Văn Sơn (Văn phòng Trần Sơn và cộng sự) đưa ra là: "Luật sư cần chịu khó học tập ngoại ngữ để nâng cao kỹ năng hành nghề của mình trong điều kiện kinh tế hội nhập hiện nay".

Cùng chung quan điểm, đại diện văn phòng luật sư YKVN, đánh giá trong bối cảnh cạnh tranh kinh tế hiện nay, các giao dịch quốc tế đều có thể chứa đựng khả năng xảy ra tranh chấp. Một khi tranh chấp xảy ra và được giải quyết tại tòa án hoặc trọng tài nước ngoài thì các doanh nghiệp Việt Nam có thể gặp nhiều bất lợi và thua thiệt do khả năng ngôn ngữ, sự hiểu biết pháp luật và thực tiễn quốc tế. Hiện kinh nghiệm và năng lực giải quyết tranh chấp của đa số doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn hạn chế.

Ông Trần Mạnh Hùng (Văn phòng Backer & McKenzie Vietnam) chia sẻ với đồng nghiệp sau gần 10 năm làm việc cho hãng luật nước ngoài, để có thể hưởng được nhiều lợi ích nhất, luật sư Việt Nam nên trau dồi tiếng Anh. “Có thể yêu cầu tiếng Anh là ngôn ngữ bắt buộc trong trường luật”, ông Hùng đề xuất.


CHUYÊN TRANG NGHỀ LUẬT SƯ VIỆT NAM
"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"
------------------------------------------- 
LUẬT SƯ QUẢN LÝ - HOTLINE: 0938188889