Vai trò của nhà nước trong phát triển kinh tế

 Thủ tục hành dân chứ không phải cán bộ hành, làm khó dễ để vòi vĩnh, tiêu cực, mặt khác chính thủ tục phức tạp tạo điều kiện cho cán bộ hành dân. Tôi cho rằng tất cả các khâu của chúng ta đều chưa hoàn thiện, cả trên lẫn dưới. 

 

PGS. TS. PHƯƠNG NGỌC THẠCH

Ơ nước ta, trong quá trình chuyển đổi sang kinh tế thị trường, nhiều người cho rằng thị trường quyết định hết thảy, quyết định giá cả , quyết định sản xuất. Theo GS. Stiglitz thị trường là rất quan trọng nhưng không nên quá chú trọng bởi nó không phải là tất cả, vai trò của nhà nước trong việc điều tiết thị trường là rất quan trọng. Theo tôi chủ trương chính sách của nhà nước là điều cần phải có, là quyết định, thị trường là điều kiện đủ để phát huy. Những thành tựu và tồn tại của kinh tế-xã hội của nước ta trong thời gian qua chủ yếu phụ thuộc vào những chính sách nhà nước, phụ thuộc vào cơ chế quản lý của nhà nước.

Song nhiều vấn đề tồn tại chúng ta đổ cho cấp dưới thực thi chính sách không đúng. Nhiều chính sách nhà nước đưa ra không sát thực tế, không ít văn bản mâu thuẫn chồng chéo, nhiều văn bản vừa ban hành đã phải sửa đổi, bổ sung, gây khó khăn cho việc vận dụng thực thi. Thủ tục hành dân chứ không phải cán bộ hành, làm khó dễ để vòi vĩnh, tiêu cực, mặt khác chính thủ tục phức tạp tạo điều kiện cho cán bộ hành dân. Tôi cho rằng tất cả các khâu của chúng ta đều chưa hoàn thiện, cả trên lẫn dưới.

Các chủ trương đưa ra thì nhiều nhưng thực tế cách làm, cơ chế chính sách lại không phù hợp, nhiều khi còn hạn chế.

Sau đây chúng tôi đi sâu vào phân tích những chính sách chủ yếu tác động đến tăng trưởng cao và bền vững nền kinh tế nước ta trong 20 năm đổi mới.

Chủ trương tăng trưởng cao

VN có nỗ lực lớn trong tăng trưởng tốc độ cao, trong năm 2004 tốc độ tăng trưởng của VN là 7,6% (Thái Lan 8%, Singapore 8,1%, Trung Quốc 9,3%). Một thực tế ở nước ta trong những năm qua, tăng trưởng kinh tế thuộc loại cao, cơ cấu kinh tế bất hợp lý đã làm cho nền kinh tế phát triển kém bền vững: hiệu quả kinh tế thấp, cạnh tranh yếu, lạm phát tăng, tốc độ giảm nghèo chững lại, chênh lệch thu nhập tăng, tài nguyên cạn kiệt, môi trường bị ô nhiễm.

Nhìn lại 20 năm qua cơ cấu kinh tế nước ta đã chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng công nghiệp. Song phân tích cơ cấu kinh tế cho thấy:

Tỷ trọng dịch vụ trong GDP đã giảm trong 8 năm liên tục ngược với quy luật chung, các ngành dịch vụ có tính chất động lực cần phát triển như giáo dục, khoa học công nghệ, tài chính tín dụng tỷ trọng rất thấp. Kinh doanh tài sản và dịch vụ tư vấn, kinh doanh đất đai nhà ở chiếm tỷ trọng cao thứ 2 trong các ngành dịch vụ. Có thể nói tình trạng tăng nhanh dịch vụ kinh doanh đất đai nhà ở trong cơ cấu kinh tế không có lợi cho phát triển kinh tê xã hội đất nước. Bài học Thái Lan, Hàn Quốc đã chứng minh sự phát triển dịch vụ kinh doanh đất đai nhà ở đã làm giảm tăng trưởng kinh tế.

Về phát triển công nghiệp, chính sách nhà nước còn chú trọng nhiều về phát triển công nghiệp chế biến lương thực thực phẩm, công nghiệp nhẹ may mặc da giầy, thiếu sự phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ và liên quan, các ngành sản xuất tư liệu sản xuất, các ngành có hàm lượng khoa học cao. Chính sách phát triển này đã biến nền công nghiệp nước ta thành công nghiệp gia công lắp ráp. Theo tiến sĩ AT Kearney VN phải cảnh giác cái bẫy chi phí (lao động) thấp trở thành bãi lắp ráp hàng xuất khẩu như Mexico.

Cơ cấu kinh tế của nước ta vẫn thuộc loại cơ cấu kinh tế của các nước kém phát triển. Sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế của VN khá chậm chạp. Thực vậy đã 30 năm trôi qua, chúng ta xây dựng kinh tế trong hoà bình, thời gian mà các nước công nghiệp phát triển đã làm thế giới kinh ngạc trở thành những con hổ. Các nước công nghiệp phát triển trong 3 thập kỷ đã chuyển dịch nhanh chóng, thập kỷ đầu xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp nhẹ sử dụng nhiều lao động, thập kỷ tiếp theo công nghiệp hóa hướng về xuất khẩu các sản phẩm có hàm lượng kỹ thuật, vốn cao, thập kỷ cuối cùng của thế kỷ 20 thực hiện công nghiệp hóa hướng về xuất khẩu các sản phẩm kỹ thuật cao có sức cạnh tranh lớn.

Để phát triển cao và bền vững, VN nên đa dạng hóa sản phẩm, phát triển các ngành hỗ trợ và các sản phẩm hàm lượng khoa học cao và chấm dứt tình trạng đầu tư mù quáng vào một số ngành công nghiệp và dịch vụ không hiệu quả.

Chính sách thu hút đầu tư nước ngoài

VN quan tâm quá nhiều vào đến số lượng FDI, quá coi trọng sẽ lấy được bao nhiêu dự án, nhưng lại xem nhẹ lợi ích của dự án, tác động của dự án đến nền kinh tế, trong khi các nước đã quay sang chú trọng thu hút chất lượng các nguồn vốn FDI.

Tình hình thu hút FDI vừa qua cho thấy quy mô của các dự án FDI vừa và nhỏ là chủ yếu chiếm đến 60%, nếu như năm 1997 bình quân vốn đầu tư một dự án khoảng 23 triệu USD, năm 2004 chỉ còn 4 triệu USD/dự án. Phần lớn các dự án tập trung vào ngành công nghiệp nhẹ và công nghiệp chế biến lương thực-thực phẩm, dầu khí, khách sạn, bất động sản, nhà cửa, chủ đầu tư phần lớn là các nước ASEAN, Hàn Quốc, Đài Loan… là những nước có nguồn vốn chưa lớn và khoa học công nghệ trình độ quản lý chưa phát triển cao, hơn ta một ít.

Những tin tức mới đây cho rằng VN đang thay đổi về lượng và chất trong thu hút FDI. Chỉ trong 2-3 tháng đầu năm 2005, Bộ kế hoạch đầu tư cấp phép cho công ty Honda VN được sản xuất và kinh doanh ô tô tại VN đầu tư 60 triệu USD, Hà Nội đã cấp phép 2 dự án đầu tư với nguồn vốn rất lớn là dự án kinh doanh điện thoại di động CDMA trị giá 660 triệu USD và dự án xây dựng cao ốc 65 tầng với vốn đăng ký 114 triệu USD. Điểm đặc biệt trong việc thu hút nguồn vốn FDI trong 2 tháng đầu năm này chính là dịch vụ chiếm 70% trong nguồn vốn đăng ký mới. Nhìn vào lĩnh vực dự án đầu tư nước ngoài phần lớn là những lĩnh vực nhà đầu tư thu lợi nhuận lớn. Phân tích 3 dự án cho thấy dự án sản xuất ô tô chỉ hàn, sơn, lắp ráp chứ không phải sản xuất ô tô, sản xuất động cơ, dự án điện thoại di động là dự án kinh doanh mạng điện thoại chứ không phải dự án sản xuất máy điện thoại di động, dự án xây dựng cao ốc 65 tầng là dự án kinh doanh đất đai nhà ở, lĩnh vực lợi nhuận béo bở nhờ đó mà Hàn Quốc trước đây đã thu hút được nguồn tài chính rất lớn từ các nước Ả Rập giàu dầu mỏ đưa về nước.

Để lôi kéo nhà đầu tư, các địa phương đã đưa ra những ưu đãi vượt quá giới hạn quy định : ưu đãi về thuế, ưu đãi về tín dụng, ưu đãi về đất và tăng cường các ưu đãi khác một cách không có quy hoạch.

Tuy nhiên theo các nhà đầu tư nước ngoài môi trường đầu tư của VN chưa thực sự hấp dẫn.

Thực vậy, thứ nhất VN không có chính sách phát triển các ngành hỗ trợ và liên quan, hầu như là con số 0. Không có nguồn cung ứng tại chỗ, buộc các nhà đầu tư phải nhập linh kiện, phụ tùng, khiến giá thành cao, sức cạnh tranh giảm. Chẳng hạn trong ngành công nghiệp ô tô xe máy, chính sách nội địa hóa của ta đòi hỏi có 5%, trong khi Thái Lan 60% vào năm thứ 5. Bài học Thái Lan cho thấy, họ rất coi trọng tỷ lệ nội địa hóa, chỉ có 15 nhà máy lắp ráp nhưng có đến 1.800 nhà máy cung ứng.

Thứ hai, hạ tầng cơ sở yếu kém, chi phí cơ sở hạ tầng cao.

Thứ ba, chính sách phát triển nguồn nhân lực chưa được coi trọng đưa đến chất lượng lao động còn thấp.

Thứ tư, thủ tục về thuế, hải quan rắc rối, rườm rà. Theo các công ty tài chính và tập đoàn ngân hàng thế giới công bố , cơ chế ưu đãi đầu tư của VN phức tạp nhất thế giới.

Đã đến lúc chúng ta phải tập trung nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực, chứ không phải đua nhau đưa ra những ưu đãi vượt khung, đồng thời tăng thu hút FDI về mặt chất lượng, ưu đãi đối với những lĩnh vực công nghệ kỹ thuật cao, những lĩnh vực sản xuất tư liệu sản xuất, các ngành hỗ trợ và liên quan để đảm bảo sản xuất hiệu quả, nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm trong hội nhập kinh tế quốc tế.

Chính sách thu hút ODA

Năm 2004 ODA đạt 3 tỷ USD, năm 2005 đạt 3,4 tỷ USD. Giám đốc WB tại VN nói rằng hiện tổng nợ nước ngoài của VN là 15 tỷ USD, tính ra mỗi người dân VN đang nợ 180 USD bằng gần ½ số GDP/người/năm (484 USD). Từ năm 1998 hàng năm VN phải chi trả khoảng 1 tỷ USD cả vốn lẫn lãi. Đầu năm 2005, 10% số nợ đến hạn của chính phủ VN trị giá khoảng 100 triệu USD sẽ được chính phủ Anh đứng ra trả giúp. Việc đó sẽ gây khó khăn lâu dài cho VN do mất uy tín trên thị trường tài chính.

Các chuyên gia kinh tế quốc tế có nhiều lời khuyên VN không vì được vay với lãi suất thấp mà vay tràn lan không tính hiệu quả sẽ trở thành nước nợ nần khó có khả năng thanh toán.

Kinh nghiệm phát triển trong 50 năm qua của các nước cho thấy rõ, một số lớn các nước đang phát triển trông cậy vào viện trợ tài chính vốn nước ngoài, vẫn nằm trong số những nước kém phát triển nhất. Để giảm gánh nặng nợ nần, cần phải tăng tiết kiệm nội bộ. Tỷ lệ tiết kiệm trong nước năm 2001 của VN đạt 24,6% GDP là quá thấp, Trung Quốc đạt 39%, Hàn Quốc 34,2%, Singapore 49,9%, Malaysia 47%, Thái Lan 32,8%.

Để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững cần phải tăng cường tiết kiệm, giảm vay nợ quốc tế.

Chính sách đất đai nhà ở

Dịch vụ đất đai nhà ở lớn nhanh trong những năm qua do chính sách đất đai của nước ta hướng tới mục đích đất đai là nguồn thu lớn của ngân sách sau dầu mỏ và khuyến khích đấu giá đất (thực chất là khuyến khích nâng giá đất).

Nguồn thu từ đất lớn song được dùng chủ yếu chi cho đền bù giải tỏa, tiền đền bù giải phóng mặt bằng trong nhiều trường hợp còn lớn hơn cả tiền đầu tư trực tiếp vào công trình, theo Thủ tướng Phan Văn Khải ở TP.HCM tiền cho bồi hoàn giải tỏa chiếm hết 2/3 dự án, tiền làm đường chỉ 1/3, mặt lợi không bù được với những mặt thiệt hại do đất gây nên.

Giá đất đã tăng lên nhanh chóng. Giá thuê đất cao nhất trong khu vực. Theo khảo sát của CBRE VN, giá đất trung bình tại Hà Nội đắt gấp 2,6 lần Bangkok, giá thuê văn phòng hạng A ở TP.HCM đắt gấp đôi ở Bangkok.

Trong thời gian qua chính sách đất đai thực sự đã tác động không thuận lợi đến kinh tế và xã hội nước ta, làm chôn một lượng vốn lớn, có nhiều tỷ phú lớn nhất so với các loại kinh doanh khác, rửa tiền của kẻ tham nhũng, lợi nhuận béo bở tuồn ra nước ngoài. Cụ thể là :

- Vay tiền đầu tư vào thị trường bất động sản một lượng vốn không nhỏ đã chôn vào thị trường nhà ở đất đai là nguyên nhân rất quan trọng gây ra tình trạng thiếu vốn tiền đồng cho sản xuất trong các ngân hàng thương mại. Theo báo cáo của Ủy ban cải cách và phát triển nhà nước Trung Quốc, sự bùng phát thị trường nhà đất ở nước này trong 3 năm qua đang có nguy cơ sụp đổ do việc có đến 61% vốn đầu tư vào địa ốc là vốn vay ngân hàng và khoảng 120 triệu m2 nhà ở không bán được.

- Cổ phần hóa khó khăn vì việc xác định giá trị quyền sử dụng đất.

-Sự thu hút đầu tư FDI đang gặp nhiều khó khăn trở ngại, chủ yếu vẫn nằm trong khâu đất đai, đền bù do giá cao.

- Lợi nhuận thu được do kinh doanh đất đai nhà ở khá lớn vào loại bậc nhất so với các loại hoạt động sản xuất kinh doanh khác. Có khá nhiều doanh nghiệp nước ngoài như Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan… phối hợp với các doanh nghiệp trong nước để đầu tư xây dựng các chung cư cao tầng, cao cấp, nhiều doanh nghiệp sản xuất kinh doanh ở VN thu được lợi nhuận thì đầu tư vào địa ốc, như REE đầu tư tòa nhà E-town, Công ty điện tử Biên hòa đầu tư vào cao ốc Belco, Vitek VTB cũng đang xây dựng cao ốc 10 tầng. Theo báo cáo kinh nghiệm phát triển kinh tế Hàn Quốc cho thấy thời kỳ đầu Hàn Quốc đã tập trung xây dựng tại các nước Ả Rập giàu dầu mỏ, thu được lợi nhuận rất nhiều đem về nước.

- Giá đất đai nhà cửa cao, khiến đa số người dân có nhu cầu không thể mua được. Người có thu nhập trên 3 triệu đồng mỗi tháng không bao giờ mơ đến một căn hộ dành cho người có thu nhập thấp 500 triệu đồng.

Kinh nghiệm Hàn Quốc, Thái lan, Trung Quốc cho thấy sự phát triển sôi động thị trường bất động sản đã tác động xấu đến nền kinh tế -xã hội.

Tại Hàn Quốc giá đất đã tăng vọt vào những năm 1980 làm cho chi phí đền bù đất đai cho xây dựng cơ sở hạ tầng năm 1993 tăng gấp 270 lần năm 1972, làm cho tăng trưởng kinh tế bị giảm và phúc lợi công dân bị ảnh hưởng. Cuối những năm 80 xung đột bạo động xảy ra dai dẳng đe dọa đến những vấn đề xã hội và chính trị, tính nguyên vẹn của quốc gia. Chính quyền đã kịp thời thay đổi. Tại Thái Lan thị trường đất đai sôi động đã đẩy giá đất đạt mức chưa từng có, mở đầu khủng hoảng kinh tế tài chính của Thái Lan trước đây.

Vì vậy chính sách đất đai của ta cần hướng tới phục vụ phát triển kinh tê và xã hội. Ban hành thuế đánh mạnh vào đầu cơ đất đai, gia tăng gánh nặng thuế lên vai người sở hữu đất quy mô lớn. Ngoài ra chính phủ quy định mức trần diện tích đối với đất thổ cư đô thị/hộ, buộc chủ đất sang nhượng đất dư thừa.

Chính sách thương mại

Với nền kinh tế hướng về xuất khẩu cần phải có thị trường, chúng ta trở thành thị trường tiêu thụ hàng hóa của các nước, VN luôn nhập siêu và ngày càng tăng.

Xuất khẩu: Năm 2004 xuất khẩu đạt 26 tỷ USD, có 17 mặt hàng vượt kim ngạch 100 triệu USD, nổi bật có 6 mặt hàng vượt mức 1 tỷ USD, đó là dầu thô, dệt may, da giầy, thủy sản, đồ gỗ, điện và linh kiện điện tử. Nhìn vào cơ cấu hàng xuất khẩu của ta phần lớn là nguyên liệu, sản phẩm công nghiệp nhẹ sử dụng nhiều lao động, hàng sơ chế hàm lượng chất xám thấp, và những mặt hàng công nghiệp tỷ lệ nội địa hóa thấp, giá trị gia tăng không nhiều. Phân tích 6 đại gia trong câu lạc bộ 1 tỷ USD cho thấy xuất dầu thô là bán tài nguyên, thủy sản, đồ gỗ cũng là tài nguyên ảnh hưởng đến môi trường, còn dệt may da giầy là 2 ngành sử dụng nhiều lao động, chủ yếu là làm công lấy lời, giá trị thực hưởng không bao nhiêu, mặt hàng linh kiện điện tử chủ yếu là lắp ráp. Cho nên Tham tán thương mại VN tại TQ nói VN xuất khẩu càng nhiều, càng nhập siêu.

Nhập khẩu: Công nghiệp của ta chủ yếu là gia công, phần lớn sản phẩm các ngành được sản xuất ra trên cơ sở tiêu thụ các nguyên phụ liệu, linh kiện, chi tiết, bán sản phẩm của các nước.

Nhà nước cần phải cải thiện hơn nữa môi trường kinh doanh, trước hết cần phải nâng cao công nghệ sản xuất, nguồn nhân lực và nguồn tài chính tín dụng, tăng tỷ lệ nội địa hóa, chống độc quyền nâng giá các sản phẩm đầu vào ( xăng dầu, điện, nước, bưu điện, hàng không, vận chuyển, sắt thép …), đưa ra luật chống độc quyền.

Chính sách giá

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế quốc tế trong hầu hết mọi lĩnh vực kinh tế của VN, chi phí sản xuất đều rất cao. Giá hầu hết các sản phẩm xuất khẩu của VN đều cao hơn các đối thủ cạnh tranh

Năm 2004 giá cả tăng do chịu ảnh hưởng bởi những tác động của giá nguyên vật liệu quốc tế tăng cao, dịch cúm gia cầm nhưng do nhà nước kiểm soát được thị trường, can thiệp vào giá cả nên chỉ số tăng giá của các nước trong khu vực như Thái Lan, Philippines, Trung Quốc… thấp hơn VN từ 1,5-2% và vẫn giảm giá nhiều sản phẩm, dịch vụ. Sáu tháng qua một mặt do giá dầu thế giới tăng, mặt khác chủ yếu do quản lý của ngành xăng dầu yếu kém (chi phí tiền lương chiếm tới 30-35%, chi phí vận tải 20%, chi phí haohụt 30%, 20.000 lao động), đầu mối nhập nhiều (VN có 11, Trung Quốc 2, Malaysia 1), hệ thống phân phối quá lớn (290 tổng đại lý, 9.000 đại lý) không kiểm soát được, làm lũng đoạn thị trường, Nhà nước tăng giá xăng 3 lần để khỏi bù lỗ. Tình hình đó đã tác động tăng giá một loạt hàng hóa, làm tăng lạm phát và giảm tốc độ tăng trưởng, tốc độ tăng trưởng công nghiệp tồi nhất từ trước đến nay.

Giá cả tăng ở VN còn là do một số doanh nghiệp đầu cơ, trong đó DNNN đóng vai trò quan trọng. Năm 2003 và năm 2004 lợi dụng giá quốc tế tăng TCTy thép VN đã tăng giá thép lên quá mức, thu lợi nhuận quá lớn. Tháng 3.2005 xi măng bước vào đợt tăng giá mới, xi măng nóng lên vì tâm lý do TCTy xi măng tuyên bố trong năm 2005 sẽ thiếu 6,5 triệu tấn xi măng. Phải nói rằng hiện tượng độc quyền nâng giá này rất không bình thường trong khi Nhà nước tăng sức mạnh cho các tổng công ty nhà nước tới 171.000 tỷ đồng, chiếm 80% tổng vốn các doanh nghiệp nhà nước để giúp Nhà nước điều tiết và hướng dẫn nền kinh tế, tiên phong và hỗ trợ, định hướng thị trường, làm đòn bẩy đẩy nhanh sự tăng trưởng kinh tế, hướng tới mục tiêu lợi ích quốc gia thì các TCT 91 này đã hoạt động sai tôn chỉ mục đích.

Để tồn tại trong cạnh tranh hàng hóa, không những chỉ quan tâm đến vấn đề chất lượng hàng hóa mà nhà nước cần quan tâm hơn nữa trong chính sách giá, không để giá do các doanh nghiệp độc quyền thị trường khống chế

Chính sách khoa học công nghệ

Vai trò của KHCN trong phát triển kinh tế rất rõ ràng. Đây là dịch vụ cần phát triển. Đường lối chủ trương phát triển được đề cao nhưng thực hiện rất ít. Ngân sách dành cho KHCN quá nhỏ bé, trước 2000 đạt 1%, từ năm 2001-2003 đạt 2% tổng chi ngân sách. Theo Viện quản lý kinh tế trung ương, đầu tư cho nghiên cứu triển khai KH-CN ở nước ta, chỉ chiếm khoảng 0,4% GDP, trong khi ở một số nước trong khu vực tỷ lệ này lên tới 2-3%.

Đầu tư cho đổi mới công nghệ của các doanh nghiệp VN rất thấp, chi phí đổi mới công nghệ chỉ khoảng 0,2-0,3% doanh thu, trong khi ở An Độ là 5%, Hàn Quốc là 10%.

Kết quả là :

- Mặt bằng chung về trình độ công nghệ và trang thiết bị của VN ở mức thấp, lạc hậu từ 2-3 thế hệ so với các nước công nghiệp phát triển, tỷ lệ trang thiết bị kỹ thuật cũ, công nghệ lạc hậu chiếm 60-70%

Xếp hạng công nghệ VN đứng thứ 68/80. Theo đánh giá khoa học công nghệ nước ta chỉ xếp trên Lào, Campuchia và Myanmar trong khu vực.

- Theo nhận xét của các nhà khoa học nước ngoài, thông tin khoa học công nghệ của VN còn xa mới bằng những điều kiện và thông tin khoa học công nghệ của sinh viên các nước trong vùng như Thái Lan, Singapore, Malaysia, Hàn Quốc.

-Lực lượng cán bộ khoa học trong nghiên cứu khoa học và công nghệ so sánh với một số nước, tỷ lệ người nghiên cứu khoa học ở VN là 0,18/100 dân, trong khi ở Hàn Quốc gấp 12 lần VN, Mỹ gấp 20 lần VN.

Nhà nước cần tăng ngân sách đầu tư vào những lĩnh vực nghiên cứu cơ bản, những hướng ưu tiên, đừng để cho cơ chế thị trường chi phối 100% hoạt động khoa học công nghệ.

Chính sách giáo dục

Theo Bộ giáo dục cho biết VN có 94% dân số biết chữ, VN đã xóa xong nạn mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học và đang thực thi phổ cập trung học cơ sở, thành tích thật là ấn tượng. Song thực tế cho biết có khoảng 6,8 triệu người trên 10 tuổi chưa từng đến trường và trong số đó có 5,3 triệu người hoàn toàn chưa biết chữ. Ngoài ra số lao động được đào tạo nghề hiện nay chỉ đạt 25% so với tổng số lao động, nghĩa là còn 75% lao động không được đào tạo nghề. Những con số này khá lớn so với giáo dục đào tạo của một số nước trong khu vực.

Hiện nay có 3 vấn đề làm xã hội lo lắng là chất lượng giáo dục, chi phí đóng góp của người dân cho học tập và đạo đức xã hội.

Điều làm xã hội quan tâm đầu tiên là chất lượng giáo dục từ phổ thông đến đại học nhìn chung còn thấp, theo bộ trưởng giáo dục nền giáo dục của VN tụt hậu, thấp hơn Thái Lan 50 bậc, thuộc loại thấp nhất khu vực Đông Nam Á. Chúng ta được biết chỉ số chất lượng giáo dục và nguồn nhân lực nước ta chỉ đạt 3,79/10 điểm, Hàn Quốc 6,91, Singapore 6,81, Malaysia 5,59, Philippines 4,53, Thái Lan 4,04.

Tiếp đến đạo đức xã hội do giáo dục xuống cấp gây ra làm nhức nhối xã hội : bỏ tiền ra mua bằng và thi hộ vào đại học (đến 50 triệu đồng/ học sinh). Hải quan TP HCM phát hiện trên 100 cán bộ đang sử dụng bằng giả, Bộ thương mại qua kỳ thi nâng ngạch bậc công chức 2004 phát hiện hàng loạt cán bộ là quan chức quản lý thị trường ở các tỉnh thành phố sử dụng văn bằng chứng chỉ dỏm. Nhưng bằng giả còn không lo bằng bằng thật học giả.

Ngoài ra điều tra mức sống dân cư năm 2002 cho thấy chi phí trực tiếp cho giáo dục khá cao so với thu nhập các hộ nghèo là một trong những nguyên nhân chính khiến trẻ em nghèo ít đi học. Hiện nay phần tài chính do dân đóng góp cho lĩnh vực đào tạo nước ta ở cấp tiểu học đã lên tới 44,5%, trung học phổ thông là 51,5%, dậy nghề 62,1%. Hiện nay nhiều nước đã thực hiện luật giáo dục miễn phí và bắt buộc đối với trẻ em từ 6 tuổi trở lên như Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore, Mỹ … Chính phủ Thái đã thông qua một chương trình tài trợ giáo dục bắt buộc từ lớp 1 đến lớp 12, không có thị trường giáo dục. Ở Đức và một số nước, các nước Bắc Au giáo dục kể cả đại học không mất tiền. Không có thương mại hóa giáo dục. Theo giáo sư Nolan ĐH Cambridge Mỹ đổi mới hội nhập nhưng lĩnh vực giáo dục nhà nước phải nắm thay vì để thị trường quyết định.

Trong khi chi ngân sách cho giáo dục của VN năm 2003 là 16% tổng chi ngân sách, thì chi ngân sách cho giáo dục-đào tạo đầu những năm 1990 tỷ trọng này của Thái Lan đã là 20%, Hàn Quốc 22%. Đầu tư cho ngành giáo dục của VN không phải nhỏ với các dự án giáo dục, nhưng tác dụng của các dự án đối với phát triển giáo dục đào tạo ở VN còn quá ít. So sánh mức chi phí giáo dục bình quân đầu người, VN ở gần cuối bảng, thấp hơn 24 lần so với Singapore và 3 lần so với Thái Lan.

Để giáo dục trở về đúng nghĩa với giáo dục, chúng ta cần: Không thị trường hóa giáo dục, không thương mại hóa giáo dục.

Tăng ngân sách chi cho giáo dục. Thực hiện phổ cập giáo dục miễn phí, trước mắt 9 năm sau tiến lên 12 năm. Thực hiện xã hội hóa giáo dục, huy động các tổ chức phi chính phủ, tổ chức nhân dân tham gia sự nghiệp giáo dục. Ap dụng chế độ huy động nguồn tài chính của các doanh nghiệp, thu thuế đào tạo của các doanh nghiệp để lập Quỹ đào tạo nguồn nhân lực.

Chính sách y tế

Chi ngân sách cho y tế của nước ta còn khá thấp. Nguồn vốn ngân sách chi cho y tế 3,8% năm 1997, 3,2% năm 2001. Phần chi của người dân thì ngày càng tăng, chi tiêu cho chăm sóc sức khoẻ tăng lên 5,7% năm 2002 trong khi thu nhập tăng chậm và diện nghèo khá lớn trong dân.

Cố vấn của UNICEF tỏ ý lo ngại về tình trạng tư nhân hóa không kiểm soát được ở một số nước, trong đó có Việt Nam. Xu hướng dựa vào các cơ sở tư nhân cùng với sự lạc hậu của các bệnh viện nhà nước đang đe dọa tính mạng của hàng ngàn bà mẹ trẻ em và người bệnh.

Kinh nghiệm các nước cho thấy chính phủ Anh, Thụy Điển chịu mọi chi phí y tế, bảo hiểm y tế An Độ bao gồm các đối tượng là người lao động, cả người ốm đau, sinh đẻ, tang chế, trợ cấp người phục hồi chức năng, trợ cấp người không nương tựa, ở Srilanka tất cả công dân sử dụng thuốc men không mất tiền, chăm sóc sức khoẻ cho nông dân không mất tiền. Trong khi đó lại có ý kiến ngành y tế không cần ngân sách chỉ cần cơ chế. Theo giáo sư Nolan ĐH Cambridge đổi mới hội nhập nhưng lĩnh vực y tế Nhà nước phải nắm thay vì để thị trường quyết định.

Cần phải tăng chi ngân sách cho y tế giúp cho người nghèo chữa bệnh. Đẩy mạnh công tác bảo hiểm y tế bắt buộc và tự nguyện đối với mọi người dân.

Chính sách xoá đói giảm nghèo

Tỷ lệ hộ nghèo tại VN đã giảm từ trên 70% vào giữa thập niên 1980, xuống còn 29% năm 2002, trong đó ở khu vực nông thôn và khu vực miền núi đồng bào dân tộc tỷ lệ đói nghèo vẫn còn cao, chiếm tới 90% người nghèo của cả nước. WB cảnh báo khoảng 20 triệu người VN hiện đang sống trong cảnh nghèo. So với chuẩn nghèo LHQ quy định 2 USD, thì tỷ lệ đói nghèo của VN còn cao và việc xóa nghèo còn phải tiếp tục.

Tốc độ giảm nghèo đang chững lại: trong giai đoạn 1993-1998 VN đã giảm được 20%, giai đoạn 1998-2002 mức giảm chỉ đạt được 8,1%. Đáng lo là nguy cơ tái nghèo còn ở mức cao.

Khoảng cách giàu nghèo đang có xu hướng gia tăng. Thu nhập của nhóm giàu năm 2001-2002 lớn gấp 8,1 lần so với nhóm nghèo. Chỉ số GINI phản ảnh sự chênh lệch giàu nghèo và tiêu dùng xã hội của VN 36,2% cao hơn hẳn những nước giàu nhất hiện nay như Na Uy 25,8%, Thụy Điển 25%, Nhật 24,9%.

Cần luật hóa các quy định về an sinh xã hội, bảo đảm cho mọi người dân được tiếp cận các dịch vụ cơ bản nhất như được chữa bệnh miễn phí, được trợ cấp học nghề tìm việc làm.

Tôi muốn nói chúng ta cũng đã đạt được một số thành tựu song tồn tại còn quá nhiều, chủ trương đúng chưa đủ mà phải có chính sách tốt lấy dân làm gốc thì đất nước mới có cơ may phát triển ª

SOURCE: TẠP CHÍ PHÁT TRIỂN KINH TẾ SỐ THÁNG 5/2005

CHUYÊN TRANG NGHỀ LUẬT SƯ VIỆT NAM
"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"
------------------------------------------- 
LUẬT SƯ QUẢN LÝ - HOTLINE: 0938188889