Vì sao Giám đốc Thẩm mỹ Cát Tường ném xác nạn nhân?

Đã gần 20 ngày, từ khi Giám đốc Thẩm mỹ viện Cát Tường ném thi thể nạn nhân xuống sông Hồng, thi thể chị Huyền vẫn chưa được tìm thấy... Nhưng vì sao vị bác sỹ này ném xác phi tang nạn nhân?

Do chưa tìm thấy thi thể chị Huyền nên chưa thể xác định hành vi của bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường là hành vi giết người. Tối 31/10, lãnh đạo Công an Hà Nội cho biết, Phòng Cảnh sát Hình sự Công an Hà Nội đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Mạnh Tường, Giám đốc Thẩm mỹ viện Cát Tường để điều tra về các hành vi: Vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác (Điều 242 Bộ luật hình sự) và hành vi xâm phạm thi thể (Điều 246 Bộ luật hình sự).

Cơ quan điều tra cũng khởi tố, bắt tạm giam đồng phạm của bác sĩ Tường là Đào Quang Khánh (SN 1996, nhân viên bảo vệ Thẩm mỹ viện Cát Tường) về hành vi xâm phạm thi thể. Các quyết định tố tụng trên đã được Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp phê chuẩn. Điều này không làm thỏa mãn dư luận cũng như gia đình nạn nhân. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, điều đáng lên án chính là thái độ thản nhiên của bác sĩ Tường xuyên suốt quá trình kể từ khi gây án đến khi bị bắt.

ném xác, bệnh nhân, Cát Tường, thẩm mỹ
Đối tượng Nguyễn Mạnh Tường bình tĩnh tại hiện trường, nơi ném xác chị Huyền

Theo PGS.TS Đại tá Nguyễn Minh Đức, Phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu tội phạm học và điều tra tội phạm – Học viện Cảnh sát nhân dân, thái độ của bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường là cả một quá trình diễn biến tâm lý.

- Thưa PGS.TS Nguyễn Minh Đức, được biết bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường trước khi gây ra vụ việc trên là một bác sĩ có trách nhiệm với công việc. Vậy theo ông, xuất phát từ tâm lý gì dẫn đến hành vi ném xác phi tang của bác sĩ Tường?

Theo thông tin chính thức thì bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường là một bác sĩ giỏi và có trách nhiệm. Tuy nhiên, chính vì thế mà tôi cho rằng, anh ta đã quá chủ quan với năng lực của mình.

Có thể trong quá trình kinh doanh dịch vụ làm đẹp này, anh ta đã gặp một vài trường hợp tương tự chị Huyền, và đã xử lý ổn thỏa mà không gây hậu quả như trường hợp của nạn nhân.

ném xác, bệnh nhân, Cát Tường, thẩm mỹ
PGS.TS Đại tá Nguyễn Minh Đức

Khi xảy ra sự việc đáng tiếc đối với khách hàng, lúc này, tôi chắc chắn bác sĩ Tường rất sợ hãi. Một người quá tự tin vào tay nghề của mình thì khi xảy ra chuyện, suy nghĩ duy nhất của anh ta là che giấu tội ác của bản thân mình.

Chính vì điều này nên đã dẫn đến hành vi ném xác phi tang của bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường. Ngoài ra, tôi cũng cho rằng, bản thân Nguyễn Mạnh Tường không hiểu gì về pháp luật, chứ thực ra, nếu sau khi khách hàng tử vong, anh ta có thể mời gia đình đến và chịu bồi thường những tổn thất do mình gây ra, như vậy thì vụ án có khi chỉ đơn giản ở mức giải quyết theo luật dân sự.

- Cũng theo các bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai, sau khi vụ việc xảy ra, bác sĩ Tường vẫn đi làm. Dù không phải đối tượng phạm tội chuyên nghiệp nhưng sau khi thực hiện hành vi phạm tội, bác sĩ Tường vẫn giữ được thái độ rất bình thường. Vậy, ông phân tích tâm lý trường hợp phạm tội này như thế nào?

Sau khi đã ném xác chị Huyền xuống sông Hồng nhằm phi tang chứng cứ và che giấu tội ác của bản thân, vị bác sĩ này nghĩ rằng, việc mình làm sẽ không bị ai phát giác nên bản thân anh ta cũng tự đánh lừa cảm giác của mình.

Thực ra, con người có hưng phấn thì cũng chỉ đến một ngưỡng nhất định. Ban đầu, sau khi ném xác phi tang xong, bác sĩ Tường sẽ ở trong giai đoạn hưng phấn, nhưng vẫn luôn ở trong một trạng thái lo lắng và buộc phải tìm cách che giấu thái độ của bản thân.

ném xác, bệnh nhân, Cát Tường, thẩm mỹ
Công cuộc tìm kiếm thi thể nạn nhân vẫn đang được tiến hành

Sự lo lắng quá dẫn đến cảm xúc vượt quá ngưỡng hưng phấn. Vì vậy, nó dẫn đến trạng thái vô cảm. Việc anh ta đi làm đó chỉ là bản năng, chứ không phải là anh ta vô tâm trước hành vi phạm tội của mình.

- Với các loại tội phạm, đa số các đối tượng dù chuyên nghiệp hay bột phát thì khi bị bắt giữ đều tỏ ra rất sợ hãi. Tuy nhiên, đối với Nguyễn Mạnh Tường thì hầu như là giữ được nét bình thản, kể cả khi cơ quan chức năng dẫn giải đến hiện trường. Ông có thể giải thích rõ hơn về điều này?

Trước khi vụ việc được phát hiện thì bác sĩ Tường tìm mọi cách để che giấu tội ác của mình, nên đã vượt quá ngưỡng hưng phấn mà chúng ta đã phân tích ở trên. Tuy nhiên, khi bị bắt, có nghĩa là vụ việc đã được phát giác.

Lúc này, Nguyễn Mạnh Tường nghĩ rằng, dù thế nào thì cũng bị phát hiện rồi nên anh ta trở nên bình tĩnh, bình tĩnh để khai báo với cơ quan chức năng, bình tĩnh để tường thuật lại toàn bộ sự việc, làm sao để mong muốn nhận được sự khoan hồng của pháp luật. Bởi bản thân anh ta là một thạc sĩ, bác sĩ cứu người, làm đẹp cho người, làm đẹp cho đời nên lúc này, lương tâm anh ta hầu như đã thức tỉnh.

Chính vì vậy mà ngay cả khi đưa anh ta đến hiện trường thì anh ta vẫn giữ được sự bình thản như vậy.

(Theo An ninh thủ đô)

CHUYÊN TRANG NGHỀ LUẬT SƯ VIỆT NAM
"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"
------------------------------------------- 
LUẬT SƯ QUẢN LÝ - HOTLINE: 0938188889