Viên chức giảng dạy pháp luật không được hành nghề luật sư

Đó là ý kiến được Ủy ban Tư pháp nêu ra trong phiên thảo luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (ngày 13-8) về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư.Tại cuộc họp, Ủy ban Tư pháp cũng bác đề xuất bỏ quy định cấp giấy chứng nhận bào chữa cho luật sư với lý do “vướng mắc do khâu thực hiện, không phải do luật”.

Chỉ được trợ giúp pháp lý

Việc cho phép viên chức làm công tác giảng dạy pháp luật (VCGDPL) được hành nghề luật sư như trong dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư đã tạo ra khá nhiều ý kiến khác nhau trong các phiên thảo luận. Về phía cơ quan soạn thảo, Chính phủ cho rằng điều này là hợp lý. Với hơn 1.500 VCGDPL hiện nay, việc cho phép họ hành nghề luật sư sẽ bổ sung một số lượng đáng kể luật sư có trình độ.

Tuy nhiên, Ủy ban Tư pháp cho rằng việc VCGDPL được hành nghề luật sư sẽ làm phân tán nguồn lực, có khả năng làm phát sinh xung đột lợi ích. Hơn nữa, hành nghề luật sư thường gắn liền với hoạt động tố tụng (tức chủ yếu được tiến hành trong giờ hành chính), do đó nếu VCGDPL được hành nghề luật sư sẽ ảnh hưởng đến hoạt động chuyên môn giảng dạy, khó bảo đảm chất lượng hành nghề. Do vậy, Thường trực Ủy ban Tư pháp đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho tiếp thu, chỉnh lý theo hướng không quy định VCGDPL được hành nghề luật sư.

Ủy ban Tư pháp vẫn thống nhất quy định cấp GCNBC cho luật sư trong dự thảo luật. Ảnh: HTD

Bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, cho rằng Việt Nam đang rất thiếu luật sư. Vì vậy nên sử dụng số viên chức đang hoạt động và có hiểu biết này vào việc trợ giúp, tư vấn pháp lý và không cho tham gia vào tố tụng. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng đồng ý với phương án trên với lý do VCGDPL sẽ không có thời gian để tham gia tố tụng. Vì tham gia tố tụng thường phải theo từ khi điều tra cho đến xét xử.

Đề xuất bỏ quy định cấp giấy chứng nhận bào chữa

Đối với quy định cấp giấy chứng nhận bào chữa (GCNBC) cho luật sư, nhiều ý kiến đề nghị bỏ quy định này nhằm tạo điều kiện cho người bị tạm giữ, bị can bị cáo được tiếp cận người bào chữa cho mình sớm và thuận lợi hơn, đồng thời góp phần nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa. Hơn nữa, việc bỏ quy định cấp GCNBC cũng không ảnh hưởng đến an ninh, chính trị vì đối với tội xâm phạm an ninh quốc gia cần giữ bí mật điều tra thì người bào chữa chỉ được tham gia tố tụng từ khi kết thúc điều tra.

“Hiện có vấn đề là cơ quan điều tra rất ngại việc luật sư vào cuộc sớm, trong khi tòa án lại muốn luật sư tham gia sớm để quá trình tranh tụng sẽ tốt hơn. Quan điểm của tôi là trừ các vụ án về an ninh quốc gia, chúng ta nên để luật sư được sớm tiếp cận với các vụ án nhằm bảo vệ quyền lợi người bị hại, hạn chế án oan sai và đảm bảo chất lượng tranh tụng” - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, ông Nguyễn Hạnh Phúc, nói.

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho rằng theo mô hình tố tụng của nước ta hiện nay, thủ tục cấp GCNBC nhằm tạo ra cơ sở pháp lý xác nhận tư cách tham gia tố tụng của luật sư. Vì vậy, việc duy trì quy định cấp GCNBC trong tố tụng hình sự là cần thiết. Hơn nữa, qua tổng kết, đánh giá hoạt động tham gia tố tụng của luật sư thời gian qua, vướng mắc trong GCNBC chủ yếu là ở khâu tổ chức thực hiện chứ không phải do quy định của pháp luật. Do đó, Ủy ban Tư pháp vẫn thống nhất quy định cấp GCNBC cho luật sư trong dự thảo luật.

Tổ chức quốc tang khi có thiên tai, thảm họa đặc biệt nghiêm trọng

Cùng ngày, Chính phủ có tờ trình gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc xây dựng và ban hành nghị định quy định tổ chức lễ quốc tang trong trường hợp thiên tai, thảm họa đặc biệt nghiêm trọng. Theo đó, tùy mức độ đặc biệt nghiêm trọng và thiệt hại lớn về tính mạng của nhân dân nơi xảy ra sự kiện mà tổ chức lễ quốc tang từ một đến hai ngày. Trong thời gian này, các cơ quan, công sở trong cả nước và các cơ quan đại diện của Việt Nam tại nước ngoài treo cờ rủ, có dải băng tang (có kích thước bằng 1/10 chiều rộng lá cờ, chiều dài theo chiều dài của lá cờ và chỉ treo cờ đến 2/3 chiều cao của cột cờ, dùng băng vải đen buộc không để cờ bay), ngừng tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí công cộng...

Chính phủ cũng đã có tờ trình gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề xuất ban hành nghị định quy định về tổ chức các ngày kỷ niệm, ghi thức trao tặng, đón nhận danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng; nghi lễ đối ngoại và đón tiếp khách nước ngoài với những tiêu chí, quy định cụ thể thực hiện. Mục đích nhằm ngăn chặn tình trạng tổ chức tràn lan ngày kỷ niệm thành lập ngành, nâng cấp TP, thị xã, ngày thành lập, tái lập tỉnh… gây lãng phí, tốn kém.

THÀNH VĂN

CHUYÊN TRANG NGHỀ LUẬT SƯ VIỆT NAM
"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"
------------------------------------------- 
LUẬT SƯ QUẢN LÝ - HOTLINE: 0938188889