Viên chức sẽ được hành nghề luật sư?

Tăng thời gian đào tạo luật sư, xem xét cho phép người tập sự luật sư được bào chữa trước tòa.
  • Có thể cho phép viên chức được hành nghề luật sư. Tuy nhiên, viên chức đang giảng dạy tại các cơ sở đào tạo luật thì không nên cho phép. Ngày 16-1, tổ biên tập nêu quan điểm để xin ý kiến ban soạn thảo dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư như trên.

Mở để đạt mục tiêu

Theo Pháp lệnh Cán bộ, Công chức thì cán bộ, công chức không được thành lập, tham gia thành lập hoặc tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp; không được làm tư vấn cho các doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh, dịch vụ… Do vậy Luật Luật sư quy định cán bộ, công chức, viên chức không được cấp chứng chỉ hành nghề luật sư.

Trong quá trình soạn thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư, vấn đề viên chức có được hành nghề luật sư hay không lại được đặt ra.

Bà Đỗ Hoàng Yến, Vụ trưởng Vụ Bổ trợ tư pháp (Bộ Tư pháp), thông tin hiện có ba quan điểm về việc này. Quan điểm thứ nhất không đồng tình viên chức hành nghề luật sư vì có thể ảnh hưởng đến tính khách quan của hoạt động luật sư và tạo ra một bộ phận luật sư không chuyên tâm với nghề, không phù hợp với quan điểm “chuyên nghiệp hóa” nghề luật sư.

Quan điểm thứ hai lại cho rằng cần cho phép tất cả viên chức hành nghề luật sư mới đạt mục tiêu đến năm 2020 có 16.000-20.000 luật sư theo chiến lược cải cách tư pháp.

Quan điểm thứ ba thì lập luận: Luật viên chức không có quy định hạn chế viên chức thành lập, tham gia thành lập doanh nghiệp và thực hiện kinh doanh nên có thể cho phép họ được hành nghề luật sư. Tuy nhiên, với những viên chức đang giảng dạy tại các cơ sở đào tạo luật thì không nên vì có thể ảnh hưởng đến tính khách quan của hoạt động luật sư, các cơ quan tiến hành tố tụng, các cơ quan nhà nước khác.

“Tổ biên tập dự án luật đồng tình quan điểm thứ ba này” - bà Yến cho biết.

Nhiều ý kiến cho rằng viên chức có thể làm luật sư. Ảnh: HTD

Luật sư tập sự được bào chữa trước tòa?

Dự án luật sửa đổi vẫn không cho phép người tập sự hành nghề luật sư bào chữa trước tòa. Họ chỉ cùng với luật sư hướng dẫn gặp gỡ người bị tạm giữ, tạm giam, bị can, bị cáo, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người bị hại và các đương sự khác trong vụ án dân sự, hành chính, lao động. Họ được nghiên cứu hồ sơ vụ việc, thu thập tài liệu, đồ vật, tình tiết liên quan đến vụ việc, được tham dự phiên tòa và các công việc khác dưới sự giám sát của luật sư hướng dẫn khi được khách hàng đồng ý.

Người tập sự hành nghề luật sư được tư vấn pháp luật, đại diện ngoài tố tụng và các dịch vụ pháp lý khác theo sự phân công của luật sư hướng dẫn khi khách hàng đồng ý nhưng không được ký văn bản tư vấn pháp luật.

Bình luận về quy định này, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP Hà Nội Hoàng Huy Được nói: “Nếu người tập sự hành nghề luật sư chỉ được tham dự phiên tòa thôi thì không có ý nghĩa gì cả, vì phiên tòa công khai, ai dự chẳng được. Đề nghị luật sửa đổi cho phép người tập sự được tham gia tố tụng”.

Trước đó, tại phiên họp của tổ biên tập ngày 10-1, ông Nguyễn Xuân Hà, VKSND Tối cao, góp ý: Người tập sự hành nghề luật sư khi tham gia tố tụng phải được sự đồng ý của khách hàng và của cơ quan tiến hành tố tụng. Do vậy cần phải có quy định cụ thể về vấn đề này.

Tăng thời gian đào tạo luật sư

Theo quy định của Luật Luật sư năm 2006, thời gian đào tạo nghề luật sư là sáu tháng và thời gian tập sự hành nghề luật sư là 18 tháng. Theo bà Yến, để tiến tới việc đào tạo chung ba chức danh tư pháp (thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư), dự thảo quy định thời gian đào tạo nghề luật sư tăng lên 12 tháng, thời gian tập sự hành nghề luật sư rút xuống còn 12 tháng.

Ông Nguyễn Xuân Hà cho rằng quy định thời gian như dự thảo là hợp lý.

Tuy nhiên, tại phiên họp của tổ biên tập hôm 10-1, luật sư Trương Nhật Quang, Công ty Luật hợp danh YKVN, cho rằng nên giữ nguyên thời gian đào tạo nghề luật sư là sáu tháng, tập sự hành nghề luật sư 18 tháng tại các tổ chức hành nghề luật sư.

Đại diện Học viện Tư pháp, ông Nguyễn Hữu Ước lại thấy thời gian đào tạo sáu tháng “là quá ngắn” và kiến nghị dự án luật không nên quy định “cứng” về thời gian đào tạo nghề luật sư mà nên giao cho Chính phủ quy định cụ thể tùy thuộc vào nhu cầu của người học.

Thu hẹp diện miễn đào tạo, miễn, giảm thời gian tập sự

Những người được miễn đào tạo, miễn, giảm thời gian tập sự hành nghề gồm:

1. Đã là thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên từ năm năm trở lên.

2. Giáo sư, phó giáo sư chuyên ngành luật, tiến sĩ luật.

3. Đã là thẩm tra viên cao cấp ngành tòa án, kiểm tra viên cao cấp ngành kiểm sát; chuyên viên cao cấp, nghiên cứu viên cao cấp, giảng viên cao cấp trong lĩnh vực pháp luật từ năm năm trở lên.

4. Đã là thẩm tra viên chính ngành tòa án, kiểm tra viên chính ngành kiểm sát; chuyên viên chính, nghiên cứu viên chính, giảng viên chính trong lĩnh vực pháp luật từ 10 năm trở lên.

Những người thuộc mục 1, 3, 4 chỉ được xem xét miễn đào tạo nghề luật sư trong thời hạn hai năm kể từ ngày thôi đảm nhiệm các chức danh đó.

(Theo dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư)

ĐỨC MINH

CHUYÊN TRANG NGHỀ LUẬT SƯ VIỆT NAM
"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"
------------------------------------------- 
LUẬT SƯ QUẢN LÝ - HOTLINE: 0938188889