Người phụ nữ mang tên chồng - nữ luật sư

QH luôn "hấp dẫn" báo giới. Thế là kỳ họp tới không có mặt người phụ nữ sôi động và thân thuộc ấy, dù ở hàng ghế khách mời.

Đại biểu "hay nói"

Bà Ngô Bá Thành.

Tôi vẫn nhớ như in hình ảnh người phụ nữ thấp đậm, mái tóc phi dê đã bạc đi lại nhanh thoăn thoắt trong hành lang Hội trường Ba Đình. Đề đạt với các đồng chí lãnh đạo điều này, trao đổi với đồng viện điều kia, chia sẻ với các nhà báo điều nọ, không khí xung quanh bà như được hâm nóng lên. Kể cả trên Hội trường Quốc hội, bà cũng sôi sùng sục khi phát biểu ý kiến xây dựng luật hay chất vấn một bộ trưởng nào đó. Khi bà đã lên tiếng, nếu các đồng sự và người điều hành phiên họp hoặc đối tượng bị chất vấn trả lời chưa thoả đáng, bà lại sẽ tiếp tục "có ý kiến" cho đến khi không còn có thể "hỏi" thì mới thôi.

Tôi có ấn tượng đặc biệt khi lần đầu tiên gặp bà tại kỳ họp cuối năm 2000. Hôm ấy là buổi họp tổ của đoàn ĐBQH Hà Nội bàn về chất lượng xử án. Bà Thành đã "tranh cãi" với ĐB Phạm Chuyên (Giám đốc CA Hà Nội) và một đồng chí lãnh đạo QH trong gần 1 tiếng đồng hồ về một vài câu trong bản Báo cáo của Toà án và Báo cáo thẩm tra của Uỷ ban pháp luật của QH cho đến khi "các bên" gần tìm được sự đồng thuận mới thôi. Vì thế, khi có một vấn đề gay cấn nào đó thì các nhà báo thường chờ bà Thành phát biểu để bài tường thuật của mình có thêm không khí. Tôi không thể hình dung người phụ nữ ấy khi trầm ngâm thì sẽ thế nào, bởi bà Thành thuộc típ người động (kể cả nghĩa đen, lẫn nghĩa bóng). Thế mà giờ đây, số phận đã đưa luật sư Ngô Bá Thành về với nơi thinh lặng khi mà lẽ ra với trí tuệ, kiến thức, kinh nghiệm và tâm huyết của mình, bà còn có thể đóng góp được rất nhiều cho đất nước và cộng đồng.

Nhưng chúng ta sẽ không dễ quên một cái tên Phạm Thị Thanh Vân (tên thật của bà Ngô Bá Thành), bởi cuộc đời bà từ khi là cô bé 16 tuổi cho đến khi trở về thế giới bên kia ở tuổi 74 là một cuộc đời đầy sôi động.

Hành nghề đánh máy, nuôi nghiệp Tiến sĩ

 

Hơn nửa thế kỷ trước, cô nữ sinh trường dòng Phạm Thị Thanh Vân mới 16 tuổi đã phải đi lấy chồng theo sắp đặt của mẹ. Chồng cô là một bác sĩ thú y. Hai đứa con lần lượt ra đời đã đè nặng lên vai người vợ trẻ khi chưa đầy 20 tuổi. Nếu như không có một bước ngoặt sau đó thì có lẽ giờ đây, chúng ta đã không có một người "phụ nữ thiên niên kỷ": bố cô - ông Phạm Văn Huyến - là một trong những bác sĩ thú y đầu tiên ở Việt Nam, đã quyết định đầu tư ít tiền ban đầu cho hai vợ chồng đi du học ở Pháp. Hai vợ chồng Thanh Vân thuê một căn nhà trong ngõ nhỏ, nhanh chóng ghi danh vào học. Chồng cô tiếp tục học chuyên ngành thú y.

Gia đình gặp khó khăn, hai vợ chồngThanh Vân phải vừa học vừa làm thêm - đó là thử thách mà đôi vợ chồng trẻ này trước khi lên tàu sang Paris không thể ngờ tới. Thanh Vân vừa học tú tài, vừa học tốc ký đánh máy và nhận đánh máy thuê để kiếm tiền nuôi mình, nuôi con. Có những đêm khuya mưa tuyết phủ trắng đường Paris, sau giờ làm thuê, cô đã từng ngã xuống vì tuyết lạnh, đường trơn, nhưng rồi lại bò dậy lê về nhà cho con bú... Tiềm ẩn bên trong người phụ nữ nhỏ bé ấy là nghị lực phi thường.

Nhờ học tiếng Pháp rất giỏi khi còn ở nhà, cộng với tài đánh máy thần tốc của mình, Thanh Vân đã giành giải thưởng vô địch tốc ký nước Pháp với kết quả 220 từ/phút, và được báo chí đăng hình ảnh giới thiệu: "Người phụ nữ Đông Dương vô địch tốc ký đánh máy năm nay ở Pháp".

Thời gian học tại khoa Luật So sánh của Đại học Paris cũng là thời gian Thanh Vân sinh thêm hai đứa con. Con nhỏ, vất vả trăm bề. Để đủ tiền nuôi con và mình ăn học, Thanh Vân vẫn phải làm thuê bằng nghề tốc ký. Các bài giảng ĐH đều được cô đem đánh máy rồi bán cho những người bạn cùng lớp không có thời gian đến lớp nghe giảng. Nhờ vậy mà cô học thuộc lòng các bài giảng.

Với tấm bằng tiến sĩ xuất sắc về Luật So sánh, Thanh Vân nhận được Giải thưởng khoa học Levy Uliman giành cho người giỏi nhất. Những thông tin tốt đẹp về cô gái Đông Dương 26 tuổi  có 4 con nhỏ đã lan rộng khắp nước Pháp, cũng như châu Âu thời bấy giờ. Người dân Paris dành cho Thanh Vân một sự kính trọng và mến mộ đặc biệt. Trường ĐH Quốc tế ở Paris đã chính thức đến mời bà làm giảng viên về Luật So sánh. Trong thời gian làm giảng viên ở đây, Thanh Vân tìm hiểu thêm về luật ở một số nước La-tinh. Cô quyết định sang Tây Ban Nha học luật tại trường ĐH Bercelona. Lại một lần nữa cô giành được tấm bằng Tiến sĩ xuất sắc về Luật công ty tại Tây Ban Nha. Bản luận án này đã được in và gửi sang bán ở các nước nói tiếng Tây Ban Nha và châu Mỹ - La tinh. Nhờ cuốn sách bán rất chạy nên lần đầu tiên hai vợ chồng Vân đã có số tiền ra tấm, ra món để cô có thể yên tâm sang học ở Columbia theo đề cử của Đại học Quốc tế. Lúc này, ông Ngô Bá Thành - chồng bà đã có công ăn việc làm ổn định tại Pháp.

"Cãi" Tổng thư ký LHQ

 

Lại một biến cố nữa đến với cuộc đời Phạm Thị Thanh Vân. Khi vừa đặt chân đến trường Đại học Columbia thì được nhà trường tuyên bố: chính quyền Sài Gòn Ngô Đình Diệm buộc bà phải trở về nước phục vụ cho nhà cầm quyền của Việt Nam Cộng Hoà. Bà "cãi" với nhà trường: tôi không phải là người của chính quyền Sài Gòn cử đi học, mà là đại diện của trường ĐH Quốc tế cử sang Mỹ. Bằng sức ép từ chính quyền Mỹ, món học bổng toàn phần của trường ĐH Columbia đã không thể đến được tay bà. Tranh luận căng thẳng, cuối cùng bà đề nghị được làm một bài nghiên cứu trị giá 2.000 USD để trả học phí, còn lại mọi chi phí khác bà sẽ lo chi trả bằng việc dạy thêm tiếng Pháp, làm phiên dịch du lịch, đi diễn thuyết hoặc nói chuyện trong các câu lạc bộ...

Thêm một sự kiện khiến bà nổi danh tại trường ĐH Columbia lúc đó: Thanh Vân đã tranh luận với Tổng thư ký LHQ thời bấy giờ, ông Hama Rjoeld để đòi quyền thực tập nội trú ngắn hạn tại trụ sở LHQ, vì theo quy định lúc đó thì khoá thực tập này chỉ dành cho sinh viên của những nước là thành viên của LHQ. Thanh Vân "cãi" với ông Hama Rjoeld: "Chủ trương này là một sai lầm vì chính các nước đang bị chia cắt như Việt Nam, Đức, Triều Tiên... chưa là thành viên của LHQ, mới cần có sinh viên học tập thực tế tại LHQ để về nước phổ biến cho nhân dân họ về tổ chức này. Huống hồ, sinh viên các nước này lại không có điều kiện học tập như các nước đang sống trong hoà bình. Với tư cách Tổng Thư ký LHQ, tôi nghĩ rằng ông có quyền cho tôi thực tập ngay từ bây giờ như một biệt lệ". Lập luận vừa sắc sảo, vừa thông minh đó đã thuyết phục được người đại diện của LHQ. Ba tháng trôi qua, ở kỳ thi sát hạch, Phạm Thị Thanh Vân đã lại đứng đầu. Và bà đã được nhận tấm bằng tiến sĩ của một trong những trường danh tiếng bậc nhất Hoa Kỳ cũng như thế giới - trường ĐH Columbia. Lúc này đích thân ông Hama Rjoeld đã mời bà làm việc cho Ban Luật quốc tế, với căn cứ bà là nữ luật gia Việt Nam đầu tiên thông thạo ba hệ thống pháp luật và ba ngoại ngữ Anh, Pháp, Tây Ban Nha. Dù rất muốn nhưng một nhiệm vụ khác đang chờ đợi bà ở Pháp, đó là trường Quốc tế giao nhiệm vụ Giám đốc Nghiên cứu Khoa học kiêm Giám đốc Tổ chức - một vị trí mà bà có thể liên hệ rộng rãi với giới trí thức ở Pháp cũng như ở châu Âu.

"Người phụ nữ thiên niên kỷ" mang tên chồng

 

Năm 1998, bà đã được Viện tiểu sử Hoa Kỳ (American Biographical Institule - ABI) chọn là "Người phụ nữ của năm 1998" vì những cống hiến to lớn cho xã hội và nghề nghiệp. Cùng năm đó, Trung tâm tiểu sử Quốc tế Anh (International Biographical Centre - IBC) chọn bà là "Người phụ nữ thiên niên kỷ", đồng thời được nhận vinh dự là "Người phụ nữ châu Á đầu tiên giữ chức vụ Phó tổng giám đốc Trung tâm tiểu sử quốc tế đầu tiên khu vực châu Á".

Trong một lần trả lời phỏng vấn, bà nói rằng: "Đón nhận các phần thưởng cao quý trên đây từ cộng đồng quốc tế tiến bộ, bước vào thềm thế kỷ XXI - thế kỷ của trí trí tuệ và của phụ nữ - tôi thực sự cảm thấy tự hào là người phụ nữ Việt Nam con cháu bà Trưng, bà Triệu; tự hào được đứng trong đội ngũ yêu nước của thời đại văn minh, trí tuệ, là chỗ dựa trí tuệ đáng tin cậy của quê hương đất nước Việt Nam anh hùng, cái nôi thân thương đã tạo ra nhiều con người Việt Nam được thế giới biết đến và hâm mộ, mà tôi chỉ là một phần nhỏ".

Bước ngoặt đáng kể nhất của "Người phụ nữ Thiên niên kỷ" ấy là việc bà từ giã nước Pháp để trở về Sài Gòn. Đó là năm 1963. Sau khi nghe tin về tình hình chiến sự trong nước qua các kênh truyền hình Pháp, trong một cuộc hội thảo về luật quốc tế tổ chức tại Paris, bà đã thổ lộ với nhóm học giả uyên thâm ở đó về nỗi lo lắng, băn khoăn của mình. Họ đã khuyên bà hãy vận dụng kiến thức của mình để giúp giải quyết tình hình xung đột vũ trang trong nước hiện thời. Bà đã từ giã chức vụ, vị trí cao tại viện đại học quốc tế, trở về Sài Gòn.

Ở Sài Gòn lúc đó, tình hình thật rối ren. Tham gia các hoạt động bí mật cũng như công khai trong những cuộc biểu tình, tuần hành rầm rộ đòi thống nhất đất nước, bà đã bị chính quyền Sài Gòn bắt và cầm tù. Năm năm nằm trong các nhà giam, bốn lần bị đưa ra tòa xét xử, nhưng bị dư luận phương Tây, và đặc biệt là ngay trong lòng nước Mỹ lên án mạnh mẽ, chính quyền Sài Gòn buộc phải tuyên trắng án và trả lại tự do cho bà. Ra tù bà lại tiếp tục hoạt động trên mọi phương diện.

Và bà đã phải chịu thiệt thòi về cuộc sống gia đình: chồng bà vốn là Tổng Giám đốc nha ngư nghiệp Sài Gòn, do vợ hoạt động xã hội nên bị cách chức, chỉ được dạy chuyên môn ở trường Đại học Nông nghiệp Sài Gòn. Nhưng cũng nhờ vậy mà ông có thời gian gánh vác cho vợ việc dạy dỗ, nuôi nấng con cái. Ông đã chịu nhiều không kể xiết sự phiền nhiễu, khổ sở từ phía chính quyền cũ, và dư luận do những hoạt động của vợ, nhưng không hề có một lời kêu ca, phàn nàn. Như một lời tri âm, như một lời chịu ơn thầm lặng, bà đã mang tên chồng mình - Ngô Bá Thành, từ giai đoạn đó cho đến ngày từ giã cuộc đời... Sau hoà bình lập lại và đặc biệt sau ngày chồng bà ra đi - một sự ra đi lặng lẽ (ông đã gục ngã trên bục giảng) - cái tên Ngô Bá Thành càng gắn bó với bà nhiều hơn, kể cả khi là ĐB QH, là Chủ nhiệm Uỷ ban pháp luật của QH, là Phó Chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam...

... Phạm Thị Thanh Vân - Ngô Bá Thành từ giã cuộc đời này mang theo nhiều luyến nhớ về một người phụ nữ hoạt động xã hội có dấu ấn và cá tính. Đặc biệt, những dấu ấn mà bà để lại trong hệ thống pháp luật của Nhà nước Việt Nam XHCN thì không thể nào phai mờ. Còn những nhà báo và các ĐBQH hơn 20 năm qua thì càng  không dễ quên bà.

  • Lương Thị Bích Ngọc
CHUYÊN TRANG NGHỀ LUẬT SƯ VIỆT NAM
"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"
------------------------------------------- 
LUẬT SƯ QUẢN LÝ - HOTLINE: 0938188889