Bộ ngành nào 'vô địch' về ban hành 'giấy phép con'?

Với 68 điều kiện kinh doanh thuộc những ngành nghề kinh doanh do bộ Công Thương quản lí và ban hành, bộ này đã trở thành "nhà vô địch" về ban hành “giấy phép con”. 

Con số này được Tổ liên ngành về rà soát các ngành nghề cấm kinh doanh và kinh doanh có điều kiện đưa ra tại buổi tọa đàm về kết quả rà soát sơ bộ do Viện nghiên cứu quản lí kinh tế Trung ương CIEM tổ chức chiều 6-10.

Sau bộ Công Thương là bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với 58 điều kiện kinh doanh… Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng với bộ Tư pháp là hai bộ ít đặt điều kiện kinh doanh nhất, trong đó bộ Kế hoạch và Đầu tư có bốn điều kiện còn bộ Tư pháp có bảy điều kiện kinh doanh.

Ông Lê Duy Bình, Chuyên gia rà soát độc lập đến từ Công ty cổ phần tư vấn quản lí kinh tế Economica Việt Nam cho biết, qua rà soát tổ liên ngành đã liệt kê được 398 “giấy phép cha”, 2.129 "giấy phép con" và 1.745 "giấy phép cháu".

 

Trong đó có 110 ngành nghề yêu cầu phải có giấy phép kinh doanh với 171 loại giấy phép kinh doanh. Đồng thời còn có 83 ngành nghề yêu cầu có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh với 62 loại giấy chứng nhận. Bên cạnh đó có 44 loại ngành nghề cần có chứng chỉ hành nghề với 53 loại chứng chỉ hành nghề. Ngoài ra còn có 345 ngành nghề yêu cầu phải có chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

“Các giấy phép này được ban hành rất đa dạng, phong phú. Rất nhiều điều kiện khắt khe với việc gia nhập thị trường của doanh nghiệp. Thậm chí chỉ một thông tư đã làm thui chột hàng ngàn ý định kinh doanh”, ông Bình nhấn mạnh.

Vì sao lại có sự khắt khe này? Ông Bình cho biết lí giải của các bộ ngành họ đặt điều kiện là để bảo vệ xã hội, bảo vệ môi trường, là do chức năng của ngành, giám sát của cơ quan nhà nước… “Với những lí do này, có những giấy phép dường như hợp lí và nhận được sự ủng hộ của xã hội nhưng cũng có những giấy phép không nhận đươc sự đồng thuận của xã hội. Ví dụ như nuôi ong cũng phải xin giấy phép thì 70.000 người nuôi ong ở Việt Nam phải xin giấy phép và có 70.000 giấy phép nhưng mục đích để làm gì?”, ông Bình thắc mắc.

Ngoài lí do các bộ ngành nêu ra, theo ông Bình còn có những lí do khác như hạn chế cạnh tranh để bảo vệ cho một số ngành, doanh nghiệp nào đó hoặc các bộ ngành muốn giữ vai trò gác cửa, chứng tỏ cái quyền của mình. Ngoài ra, lí do nhiều điều kiện còn xuất phát từ việc khó quản lí thì cấm, thì ra điều kiện, đây là biện pháp quản lí dễ nhất cho quản lí.

T.HẰNG

CHUYÊN TRANG NGHỀ LUẬT SƯ VIỆT NAM
"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"
------------------------------------------- 
LUẬT SƯ QUẢN LÝ - HOTLINE: 0938188889