Luật đầu tư công và những quy định mới trong đầu tư

Sự kiện Luật Đầu tư công được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 7 vừa qua, sau nhiều năm lỡ hẹn, đã mang lại hy vọng sẽ "xốc" lại kỷ cương trong quản lý, giám sát đưa đầu tư công, nâng cao hiệu quả, tránh được thất thoát, tham nhũng, lãng phí.

Sáng 18/6/2014, tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội đã thông qua Luật Đầu tư công với 88,35% tổng số đại biểu “bấm nút” đồng ý. Luật Đầu tư công bao gồm 6 chương, 108 điều, có hiệu lực từ ngày 1/1/2015. Đây là một trong những dự án luật quan trọng, liên quan đến việc xác lập thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa mà Chính phủ và Quốc hội đã đề cập sự cần thiết từ những kỳ họp trước. Trước khi thông qua vào sáng nay, Quốc hội đã 2 lần thảo luận về Luật Đầu tư công để ra được bản dự thảo cuối cùng.

Nội dung chính và những tác động tích cực của Luật

Luật Đầu tư công được kết cấu thành 6 chương với 108 điều. Các quy định tại Luật Đầu tư công là các nội dung mới, chưa được chế định tại các văn bản Luật khác, với nhiều tác động cụ thể như sau:

Thứ nhất, Luật Đầu tư công góp phần hoàn thiện, tạo ra hệ thống cơ sở pháp lý thống nhất, đồng bộ với các văn bản pháp luật khác trong quản lý các nguồn vốn đầu tư công.

Quản lý và sử dụng vốn đầu tư công có liên quan đến nhiều luật khác nhau, như: Luật NSNN, Luật Xây dựng, Luật Quản lý nợ công, Luật Quản lý sử dụng tài sản nhà nước, Luật Đấu thầu, Luật Phòng, chống tham nhũng; Luật Thực hành tiết kiệm, Chống lãng phí...

Tuy nhiên, trong các văn bản pháp luật này chưa có các quy định chi tiết về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công. Cụ thể:

 - Đối với Luật NSNN: Phạm vi đối tượng điều chỉnh của Luật chỉ quy định về việc quản lý các khoản thu, chi được đưa vào cân đối NSNN và được thực hiện trong một năm. Trong khi phạm vi đối tượng điều chỉnh Luật Đầu tư công quy định toàn bộ việc quản lý và sử dụng vốn đầu tư công từ chủ trương đầu tư, chuẩn bị đầu tư, phê duyệt, triển khai thực hiện, theo dõi, đánh giá kế hoạch, chương trình, dự án…

Về phạm vi nguồn vốn đầu tư công, ngoài nguồn vốn NSNN được quy định trong Luật NSNN, Luật Đầu tư công còn chế định đối với các nguồn vốn: công trái quốc gia, trái phiếu chính phủ, trái phiếu chính quyền địa phương, nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ, tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước và vốn đầu tư từ nguồn thu để lại cho đầu tư nhưng chưa đưa vào cân đối NSNN, các khoản vốn vay của ngân sách địa phương để đầu tư xây dựng công trình kết cấu hạ tầng của địa phương.

Về lập kế hoạch đầu tư nguồn NSNN trong Luật NSNN chỉ quy định chung trình tự lập, thẩm định, phê duyệt dự toán NSNN, bao gồm một số điều khoản nhỏ quy định về lập dự toán chi đầu tư phát triển nguồn NSNN; không có quy định về quyết định chủ trương đầu tư, lựa chọn danh mục, bố trí kế hoạch đầu tư như thế nào để đảm bảo việc chi tiêu hiệu quả nguồn vốn này.

Trong khi đó, Luật Đầu tư công quy định toàn diện và chặt chẽ việc xác định lựa chọn danh mục chương trình, dự án đưa vào kế hoạch; các nguyên tắc, tiêu chí phân bổ và bố trí vốn kế hoạch; quy trình cách thức triển khai; theo dõi, đánh giá, giám sát thực hiện kế hoạch đầu tư công.

Đối với Luật Xây dựng: Luật Xây dựng quy định về hoạt động xây dựng; tập trung vào các nội dung về mặt kỹ thuật như quản lý về định mức kinh tế - kỹ thuật, thiết kế về quy hoạch xây dựng; lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư xây dựng; khảo sát xây dựng và thiết kế xây dựng; giấy phép xây dựng; hợp đồng xây dựng... Luật Xây dựng chỉ áp dụng cho các dự án đầu tư có cấu phần xây dựng.

Phạm vi điều chỉnh Luật Đầu tư công cho tất cả các dự án đầu tư công; quản lý hoạt động đầu tư và quản lý, sử dụng vốn đầu tư từ chủ trương đầu tư đến lựa chọn danh mục dự án đầu tư, lập kế hoạch đầu tư trung hạn và hàng năm. Ngoài ra, trong quy định của Luật Đầu tư công việc lập, thẩm định, phê duyệt còn được quy định áp dụng cho các chương trình đầu tư công và các dự án đầu tư không có cấu phần xây dựng. Hiện nay, chưa có bất cứ văn bản pháp luật nào quy định đối tượng điều chỉnh này.

- Đối với Luật Quản lý nợ công: Để đảm bảo về an toàn nợ công, nợ quốc gia, trong Luật Đầu tư công đã quy định về nguyên tắc và căn cứ lập kế hoạch đầu tư công phải ưu tiên đảm bảo về an toàn nợ công và tuân thủ chiến lược nợ quốc gia. Việc đầu tư các chương trình, dự án, cũng như kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm bắt buộc phải được thực hiện theo kế hoạch vay, trả nợ Chính phủ. Luật Đầu tư công với các quy định rõ ràng từ khâu xác định chủ trương đầu tư, phê duyệt quyết định đầu tư, đến lập kế hoạch đầu tư, sẽ giải quyết được những vấn đề có liên quan đến trách nhiệm trả nợ và an toàn nợ công.
- Đối với Luật Phòng chống tham nhũng và Luật Thực hành tiết kiệm, Chống lãng phí: Trong các điều khoản của cả 2 Luật trên chỉ có một vài điều quy định về nguyên tắc lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, kế hoạch và danh mục dự án đầu tư; không quy định chi tiết, cụ thể. Các nội dung giữa các luật hoàn toàn thống nhất. Do đó, việc ban hành các quy định cụ thể trong Luật Đầu tư công sẽ hỗ trợ cho việc xử lý các trường hợp vi phạm nêu tại Luật Phòng chống tham nhũng và Luật Thực hành tiết kiệm, Chống lãng phí.

 Như vậy, các quy định trong Luật Đầu tư công đã tạo sự thống nhất về phạm vi điều chỉnh với các luật, không hề có sự chồng chéo.

Thứ hai, phạm vi điều chỉnh Luật bao quát được việc quản lý sử dụng các nguồn vốn đầu tư công. Với phạm vi điều chỉnh và các đối tượng phạm vi áp dụng Luật được quy định tại Chương I đã bao quát các nguồn vốn đầu tư công từ NSNN, công trái quốc gia, trái phiếu chính phủ, trái phiếu chính quyền địa phương, nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước, vốn đầu tư từ nguồn thu để lại đầu tư, nhưng chưa đưa vào cân đối NSNN, các khoản vốn vay của ngân sách địa phương để đầu tư trên lãnh thổ Việt Nam và tại nước ngoài.

Thứ ba, nội dung đổi mới quan trọng nhất của Luật Đầu tư công là đã thể chế hóa quy trình quyết định chủ trương đầu tư. Đó là điểm khởi đầu quyết định tính đúng đắn, hiệu quả của chương trình, dự án; nhằm ngăn ngừa tình trạng tùy tiện, chủ quan, duy ý chí và đơn giản trong việc quyết định chủ trương đầu tư, nâng cao trách nhiệm của người có thẩm quyền ra quyết định về chủ trương đầu tư.

Thực tế quản lý đầu tư công trong thời gian qua cho thấy lãng phí, thất thoát có nhiều nguyên nhân khác nhau, như: do buông lỏng quản lý, đầu tư dàn trải, tham nhũng, bớt xén trong thi công..., nhưng lãng phí lớn nhất vẫn xuất phát từ chủ trương đầu tư không đúng, không hiệu quả.

Tình hình trên đã kéo dài trong nhiều năm, nhưng chưa có biện pháp khắc phục, mà ngược lại có mặt còn trầm trọng hơn. Luật Đầu tư công đã dành trọn Mục 1 trong Chương II để chế định các nội dung, quy trình, phê duyệt chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư, bao gồm: thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư; điều kiện và trình tự, thủ tục quyết định chủ trương đầu tư đối với từng chương trình, dự án quan trọng quốc gia và các chương trình, dự án khác.

Đây là những quy định mới chưa được chế định trong các quy phạm pháp luật hiện hành; đặc biệt các nội dung về thẩm quyền và trình tự nghiêm ngặt quyết định chủ trương đầu tư các chương trình, dự án đầu tư công.

Thứ tư, tăng cường và đổi mới công tác thẩm định về nguồn vốn và cân đối vốn, coi đó là một trong những nội dung quan trọng nhất của công tác thẩm định chương trình, dự án đầu tư công.

Hiện nay, nhiều bộ, ngành và địa phương chưa coi trọng công tác thẩm định về nguồn vốn và cân đối vốn hoặc chỉ làm hời hợt, chiếu lệ; quyết định các chương trình, dự án với quy mô lớn gấp nhiều lần khả năng cân đối vốn của cấp ra quyết định, cũng như khả năng bổ sung của ngân sách cấp trên.

Việc quy định về thẩm định nguồn vốn và cân đối vốn (thể chế hóa các chủ trương, giải pháp trong Chỉ thị số 1792/CT-TTg sẽ tạo điều kiện nâng cao chất lượng và hiệu quả của chương trình, dự án đầu tư công.

Hiện nay, nhiều bộ, ngành và địa phương chưa coi trọng công tác thẩm định về nguồn vốn và cân đối vốn hoặc chỉ làm hời hợt, chiếu lệ; quyết định các chương trình, dự án với quy mô lớn gấp nhiều lần khả năng cân đối vốn của cấp ra quyết định, cũng như khả năng bổ sung của ngân sách cấp trên.

 Thứ năm, đổi mới mạnh mẽ công tác lập kế hoạch đầu tư; chuyển từ việc lập kế hoạch ngắn hạn, hàng năm sang kế hoạch trung hạn 5 năm, phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm. Đây cũng là một trong những đổi mới quan trọng trong quản lý đầu tư công. Luật đã dành riêng một chương quy định việc lập, thẩm định, phê duyệt và giao kế hoạch đầu tư công, bao quát toàn bộ quy trình từ lập kế hoạch đến thẩm định, phê duyệt và giao kế hoạch đầu tư trung hạn và hàng năm theo các nguyên tắc, điều kiện lựa chọn danh mục chương trình, dự án đầu tư theo từng nguồn vốn cụ thể.

Trong công tác lập kế hoạch đầu tư công đã quy định nhiều nội dung mới, có căn cứ khoa học và thực tiễn, như việc lập kế hoạch đầu tư trung hạn sẽ đảm bảo các chương trình, dự án khi đã được phê duyệt chắc chắn sẽ được bố trí đủ vốn để hoàn thành theo đúng quyết định phê duyệt, khắc phục tình trạng không cân đối được nguồn vốn, bị động, đầu tư cắt khúc ra từng năm hiện nay.

Các căn cứ, nguyên tắc lập kế hoạch đầu tư trung hạn và hàng năm cho tất cả các nguồn vốn được quy định chặt chẽ, cụ thể, đảm bảo việc lập kế hoạch phù hợp với các mục tiêu, định hướng, trong các chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

Nguyên tắc bố trí vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm cho các chương trình, dự án, cũng như những nguyên tắc lựa chọn danh mục dự án, dự kiến mức vốn bố trí cho từng dự án được đảm bảo, nhằm khắc phục được tình trạng đầu tư dàn trải, manh mún như trước khi có Luật.

Các điều kiện chương trình, dự án đầu tư công được bố trí vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm đảm bảo đủ thời gian cho các chủ chương trình, dự án hoàn thành các thủ tục đầu tư. Đồng thời, yêu cầu các chủ chương trình, dự án chỉ được bố trí vốn kế hoạch hàng năm khi đã có đầy đủ các thủ tục đầu tư đúng thời gian quy định, khắc phục tình trạng vừa thi công, vừa hoàn thiện các thủ tục đầu tư như vừa qua.

Việc xây dựng và thực hiện kế hoạch đầu tư trung hạn sẽ vừa đảm bảo các cân đối kinh tế lớn trong phạm vi cả nước, vừa tạo sự chủ động cho các bộ, ngành, địa phương biết cấp mình, cơ quan mình có bao nhiêu vốn trong kế hoạch 5 năm để có quyết định chủ trương đầu tư đúng đắn, hiệu quả hơn; đặc biệt là tạo ra sự công khai, minh bạch trong phân bổ nguồn lực của Nhà nước, tránh cơ chế xin - cho.

Thứ sáu, tăng cường công tác theo dõi, đánh giá, kiểm tra, thanh tra kế hoạch, chương trình, dự án đầu tư công. Luật Đầu tư công dành một chương quy định các nội dung về triển khai thực hiện kế hoạch; theo dõi, đánh giá, kiểm tra, thanh tra kế hoạch, chương trình, dự án đầu tư công của tất cả các cấp, các ngành. Đây cũng là lần đầu tiên, công tác theo dõi, đánh giá thực hiện kế hoạch đầu tư và các chương trình, dự án đầu tư công, đặc biệt các quy định về giám sát cộng đồng được quy định trong Luật, phù hợp với thông lệ quốc tế.

Với các quy định này, hy vọng các kế hoạch, chương trình, dự án đầu tư công được triển khai thực hiện theo đúng các quy định của pháp luật. Đồng thời, trong từng khâu thực hiện kế hoạch, chương trình, dự án đều được tổ chức theo dõi, đánh giá, kiểm tra, thanh tra, đảm bảo quản lý và sử dụng nguồn vốn đầu tư công đúng mục đích, tiết kiệm và hiệu quả.

Thứ bảy, tiếp tục đổi mới hoàn thiện quy chế phân cấp quản lý đầu tư công phân định quyền hạn đi đôi với trách nhiệm của từng cấp. Trên cơ sở giữ các nguyên tắc về phân cấp quản lý đầu tư công, quyền hạn của các cấp, các ngành như hiện nay, Luật đã chế định các quyền hạn và trách nhiệm của các cấp trong toàn bộ quá trình đầu tư của các chương trình, dự án từ lập kế hoạch, phê duyệt, đến triển khai theo dõi, đánh giá thực hiện kế hoạch đầu tư công.

Với những nội dung đổi mới nêu trên, việc triển khai thực hiện Luật Đầu tư công sẽ góp phần quan trọng vào việc thực hiện tái cơ cấu đầu tư công theo hướng nâng cao hiệu quả. Từ đó, tạo điều kiện đẩy nhanh quá trình xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, đảm bảo cho nền kinh tế phát triển nhanh, bền vững.

Có thể khẳng định rằng, các quy định pháp lý rõ ràng, cụ thể trong toàn bộ hoạt động đầu tư trong Luật Đầu tư công, sẽ tạo bước tiến lớn trong quản lý; đảm bảo tính công khai, minh bạch trong quản lý, sử dụng nguồn lực của Nhà nước; góp phần và tạo điều kiện pháp lý để đẩy mạnh công cuộc phòng chống tham nhũng, lãng phí và thực hành tiết kiệm trong đầu tư xây dựng cơ bản.

Việc ban hành Luật Đầu tư công tạo ra hệ thống cơ sở pháp lý quan trọng trong quản lý đầu tư công. Tuy nhiên, đây mới chỉ là bước khởi đầu. Để thực sự phát huy hiệu lực và hiệu quả của Luật Đầu tư công, cần: (i) Có sự nỗ lực của tất cả các ngành, các cấp và doanh nghiệp; (ii) Đổi mới cả tổ chức, đào tạo, nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ và cải tiến lề lối làm việc của các tổ chức, cơ quan có liên quan; (iii) phải có sự tham gia tích cực của mặt trận tổ quốc các cấp, các đoàn thể, các hiệp hội và cộng đồng dân cư. Có làm được như vậy, mới thực sự nâng cao hiệu quả của đầu tư công, khắc phục những tồn tại, hạn chế hiện nay, tạo điều kiện phát triển hạ tầng kỹ thuật, đảm bảo phát triển nhanh, bền vững của nền kinh tế./.

TS. Nguyễn Thị Phú Hà

Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Quốc dân, Bộ Kế hoạch và Đầu tư


CHUYÊN TRANG NGHỀ LUẬT SƯ VIỆT NAM
"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"
------------------------------------------- 
LUẬT SƯ QUẢN LÝ - HOTLINE: 0938188889