Giảm thuế chưa thể giải quyết hết khó khăn cho DN

Thưa ông, ngoài giảm thuế, để hỗ trợ DN, còn cần những giải pháp nào khác?

Việc giảm thuế chỉ tạo điều kiện hỗ trợ DN giải quyết phần nào khó khăn về mặt tài chính, nhưng chưa thể bao quát toàn bộ DN, do chỉ có DN hoạt động có lãi, gặp khó khăn mới được hưởng chính sách ưu đãi này. Trong khi đó, 40-50% số DN hoà vốn hoặc lỗ, thậm chí đang có nguy cơ phá sản, giải thể lại không được hỗ trợ.

Theo tôi, ngoài việc giảm thuế, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm hàng hoá, dịch vụ, Bộ Tài chính cần đề xuất các phương án khác để hỗ trợ DN đang thua lỗ, trong đó việc bảo lãnh tín dụng, xây dựng cơ chế tạo điều kiện giúp DN cơ cấu lại sản xuất, cơ cấu lại lao động cần phải thực hiện sớm.

Hiện cả nước đã thành lập trên 10 quỹ bảo lãnh tín dụng cho DN nhỏ và vừa, nhưng qua 10 năm hoạt động cho thấy hiệu quả không cao và DN cũng không mặn mà với việc bảo lãnh?

Mô hình quỹ bảo lãnh tín dụng có vốn góp của chính quyền địa phương, vốn góp của ngân hàng không phù hợp, nên hoạt động không hiệu quả cũng là điều dễ hiểu. Bởi chính quyền tham gia góp vốn, thì quỹ tín bảo lãnh dễ bị hành chính hoá. Theo tôi, việc Chính phủ giao Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) thực hiện bảo lãnh tín dụng là phù hợp.

Bảo lãnh tín dụng là 1 trong những nhiệm vụ quan trọng của VDB. Tuy nhiên, dư nợ bảo lãnh tín dụng của Ngân hàng mỗi năm chỉ được khoảng 100 tỷ đồng?

Không chỉ Việt Nam, mà các nước trên thế giới cũng thực hiện bảo lãnh tín dụng. Câu hỏi đặt ra là, tại sao nghiệp vụ này ở các nước tăng trưởng rất nhanh, trong khi tại Việt Nam lại gần như không phát triển. Theo tôi, một phần là do nghiệp vụ bảo lãnh chưa được quan tâm đúng mức, phần khác là cơ chế bảo lãnh còn phức tạp, nên DN không muốn nhận sự bảo lãnh.

Để phát triển hoạt động này, đồng thời không để đồng vốn đầu tư sai mục đích và tránh tiêu cực khi thực hiện bảo lãnh, trước hết, các bộ, ngành phải xác định đối tượng nào, ngành nghề kinh doanh nào được bảo lãnh; xây dựng các điều kiện, tiêu chí cụ thể, minh bạch trong việc bảo lãnh tín dụng.

Có ý kiến cho rằng, để hỗ trợ DN, ngoài việc giảm thuế, thực hiện bảo lãnh tín dụng, còn phải thực hiện cấp bù lãi suất?

Cấp bù lãi suất không nên thực hiện, vì sẽ làm méo mó thị trường tiền tệ và ngân sách cũng không đủ để cấp bù lãi suất cho tất cả DN. Nếu thực hiện bù lãi suất, thì ngay cả bản thân ngân hàng cũng rất khó kiểm soát nguồn vốn cho vay, vì không biết DN vay vốn có sử dụng đúng mục đích hay không. Ngoài ra, nếu được bù lãi suất, DN sẵn sàng vay để trả nợ các khoản vay với lãi suất cao trước đây. Chỉ có bảo lãnh tín dụng mới giải quyết được vấn đề, do khi Nhà nước đã đứng ra bảo lãnh, ngân hàng yên tâm khi cho vay, DN dễ dàng tiếp cận nguồn vốn và đặc biệt là DN được vay với lãi suất thấp hơn lãi suất không có bảo lãnh.

Nếu lãi suất cho vay bảo lãnh tín dụng thấp hơn lãi suất cho vay thông thường, thì khó khăn sẽ dồn vào hệ thống ngân hàng?

Nếu lãi suất đầu ra thấp, hiệu quả hoạt động của hệ thống ngân hàng giảm xuống, thậm chí nhiều ngân hàng sẽ rơi vào tình trạng khó khăn. Để giải quyết bài toán này, Chính phủ sử dụng các biện pháp tài chính để hỗ trợ ngân hàng thay vì hỗ trợ trực tiếp DN.

Để hỗ trợ DN, có ý kiến cho rằng, cơ quan quản lý nhà nước nên yêu cầu các ngân hàng thương mại cơ cấu lại các khoản nợ với lãi suất cao trước đây?
Việc can thiệp quá sâu vào hoạt động của DN là không nên, tuy nhiên trong điều kiện DN đang khó khăn như hiện nay, nếu cơ quan quản lý nhà nước yêu cầu các ngân hàng thương mại phải cơ cấu lại lãi suất là hoàn toàn phù hợp.

CHUYÊN TRANG NGHỀ LUẬT SƯ VIỆT NAM
"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"
------------------------------------------- 
LUẬT SƯ QUẢN LÝ - HOTLINE: 0938188889