Bầu Kiên trần tình vụ lừa 264 tỷ đồng của Hòa Phát

Trước việc bị cáo Nguyễn Đức Kiên khai không lừa tập đoàn Hòa Phát trong thương vụ chuyển nhượng 20 triệu cổ phần, Chủ tịch của Hòa Phát đã bác bỏ.

Sáng nay, HĐXX TAND Hà Nội thẩm vấn cựu phó chủ tịch Ngân hàng ACB Nguyễn Đức Kiên (Bầu Kiên) về cáo buộc lừa đảo chiếm đoạt 264 tỷ đồng.

Trình bày trước toà, bị cáo Kiên khai quan hệ thân thiết với ông Trần Đình Long (Chủ tịch tập đoàn Thép Hoà Phát) từ 10 năm trước. Trong các cuộc gặp gỡ, ông Long nhiều lần nói mong muốn cơ cấu lại doanh nghiệp và muốn mua cổ phần của Công ty Cổ phần đầu tư ACB Hà Nội - ACBI do Kiên làm chủ tịch HĐQT. Tuy nhiên, bị cáo không bán.

Khoảng tháng 3-4/2012, ông Long tiếp tục đề nghị giúp đỡ và thể hiện mong muốn mua lại một phần số cổ phiếu Công ty một thành viên Thép Hoà Phát do ACBI sở hữu. Ông Kiên đồng ý chuyển nhượng 20 triệu cổ phiếu (trị giá 264 tỷ đồng) dù thực tế số này đang bị ACBI thế chấp ngân hàng ACB.

Theo lời khai, ông Kiên đã giao cho kế toán trưởng của ACBI Nguyễn Thị Hải Yến làm thủ tục chuyển nhượng. Trước cáo buộc của VKS về hành vi lừa đảo trong thương vụ này, ông Kiên thanh minh: "Tôi đã gặp anh Long nói về việc cổ phiếu đang thế chấp".

kien-3-jpeg-7706-1400654321.jpg

Bị cáo Kiên cho rằng không đổ lỗi cho ai trong vụ án này vì "tất cả đều là bạn".  Ảnh: Quý Đoàn

Trong khi VKS cho rằng ACBI không họp HĐQT nhưng vẫn có biên bản và nghị quyết chuyển nhượng cổ phần cho Hoà Phát, ông Kiên khẳng định có cuộc họp lấy ý kiến bằng văn bản theo đúng nghị quyết của công ty và Luật doanh nghiệp. Sau đó, bà Yến được ông gọi lên để soạn thảo biên bản và nghị quyết có ý kiến của các thành viên HĐQT ACBI về việc đồng ý chuyển nhượng 20 triệu cổ phiếu.

Có mặt tại toà theo triệu tập, Chủ tịch tập đoàn Hoà Phát cho biết dù là quan hệ thân thiết với bị cáo Kiên song nếu biết số cổ phiếu trên đã được ACBI thế chấp cho ACB thì sẽ không bao giờ mua. Đến bây giờ dù đã nhận lại đủ số tiền bị ông Kiên chiếm đoạt song hợp đồng chuyển nhượng giữa Công ty một thành viên Thép Hoà Phát và ACBI vẫn không thực hiện được.

Cũng trong sáng nay, ngoài làm rõ hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của bị cáo Kiên, HĐXX thẩm vấn ông này về tội Kinh doanh trái phép. Bầu Kiên bị quy kết đã mở 6 công ty (Công ty Cổ phần phát triển sản xuất và Xuất nhập khẩu Thiên Nam, Công ty cổ phần đầu tư Thương mại B&B, Công ty cổ phần đầu tư Á Châu – AFG, Công ty cổ phần đầu tư ACB Hà Nội – ACBI, Công ty TNHH Đầu tư tài chính Á Châu Hà Nội – ACI HN, Công ty cổ phần tập đoàn tài chính Á Châu) để tổ chức kinh doanh không đúng với giấy phép khi mua bán cổ phiếu, vàng với tổng số tiền hơn 21.000 tỷ đồng.

Trước toà, ông Kiên cho rằng cáo trạng ghi không đúng bản chất hoạt động của Công ty Thiên Nam. Theo lời bị cáo, Thiên Nam không kinh doanh vàng trái phép như cáo buộc. Công ty có hai hợp đồng chuyển giao trạng thái vàng và uỷ thác vàng với ACB. "Không có quy định nào về việc chuyển giao trạng thái vàng là kinh doanh. Công ty đầu tư vào giá vàng chứ không kinh doanh vàng và vàng trạng thái", ông Kiên nói.

Tuy nhiên HĐXX cho rằng, những việc làm trên là kinh doanh vàng trạng thái, đúng như cáo buộc của VKS.

Chiều nay, trở lại thẩm vấn việc kinh doanh vàng trái phép của Công ty Thiên Nam, ông Kiên cho rằng công ty đặt lệnh chứ không phải bị cáo. Theo trình bày, ông Lê Quang Trung (Giám đốc Công ty Thiên Nam) ký các lệnh đặt mua bán. Khi được giám đốc Trung thông báo giá vàng trên thế giới, ông Kiên sẽ nói lại với Ngân hàng ACB thông qua các cuộc điện thoại có ghi âm.

HĐXX truy hỏi: "Nếu giám đốc Trung đã đặt lệnh rồi việc gì phải thông báo, bởi ông này đã ký trực tiếp với ACB. Trách nhiệm pháp lý của Trung là với ACB?". Bị cáo Kiên cho biết chỉ nhân viên ACB mới nhận ra giọng nói của bị cáo nên ông Trung đã uỷ quyền để thông báo với ngân hàng này. Đây cũng là quy định của ACB.

“Anh Trung có gọi điện đến một số lần nhưng không thành nên tôi là người đặt lệnh”, bị cáo nói và cho biết giọng nói của ông bất kể nhân viên ACB khi nghe đều nhận diện được. Bầu Kiên cho rằng không đùn đẩy trách nhiệm cho ai dù hình sự hay dân sự.

“Ở vụ án này, VKSND Tối cao và cơ quan điều tra đã cố tình khoác cho tôi cái áo vi phạm pháp luật”, bị cáo Kiên nói.

Trở lại việc góp vốn của các công ty do ông Kiên làm chủ tịch HĐQT bị quy kết là trái phép, đại diện Sở Kế hoạch đầu tư TP HCM cho biết, kinh doanh nghề nào phải có giấy đăng ký và doanh nghiệp chỉ được phép kinh doanh theo đó. Tuy nhiên việc góp vốn mua cổ phần là hoạt động bình thường.

Một số đại diện các ban, ngành, cũng cho biết, quyền góp vốn cổ phần luật không cấm. Tổ chức, cá nhân có quyền mua cổ phần, cổ phiếu, góp vốn doanh nghiệp. Tuy nhiên vấn đề mấu chốt "việc góp vốn có phải đăng ký kinh doanh hay không" thì đại diện các cơ quan nhà nước có mặt tại tòa chưa có câu trả lời., 

CHUYÊN TRANG NGHỀ LUẬT SƯ VIỆT NAM
"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"
------------------------------------------- 
LUẬT SƯ QUẢN LÝ - HOTLINE: 0938188889