Bàn về vấn đề cải cách tư pháp, Chánh án TAND TP. Hà Nội - TS Nguyễn Sơn: Cần thành lập một đơn vị trực thuộc TAND Tối cao

thành về tổ chức và hoạt động, đáp ứng đượcyêu cầu đặt ra cho từng thời kỳ cách mạng. Thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, từ Nghị quyết Trung ương 8 khoá VII, Nghị quyết Trung ương 3 và 7 khoá VIII, Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc của Đảng lần thứ IX, đặc biệt là Nghị quyết 8NQ/Tư ngày 2.1.2002 của Bộ Chính trị "Về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới" đã cụ thể hoá chủ trương, đường lối của Đảng được đề ra trong các Nghị quyết trước đó và Nghị quyết số 49 NQ /Tư ngày 2.6.2005 của Bộ Chính trị "Về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020" đã đề ra phương hướng nhiệm vụ cơ bản đối với việc đổi mới tổ chức và hoạt động của TAND. Xung quanh vấn đề này, ĐS&PL đã có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Sơn - Chánh án TAND TP. Hà Nội.

PV: Trên cơ sở của Nghị quyết 49, thì hệ thống TAND được tổ chức theo thẩm quyền xét xử sẽ không phụ thuộc vào đơn vị hành chính, ông nhận định về vấn đề này thế nào?

TS Nguyễn Sơn: TAND được tổ chức theo thẩm quyền xét xử, theo đó, mỗi cấp TA chỉ có một thẩm quyền xét xử theo trình tự tố tụng tại TA, được tổ chức không phụ thuộc vào đơn vị hành chính cấp huyện và cấp tỉnh. Theo phương án này, thì mô hình hệ thống TAND gồm TA sơ thẩm khu vực có nhiệm vụ xét xử sơ thẩm tất cả các loại vụ án thuộc thẩm quyền của TA và được tổ chức ở một hoặc một số đơn vị hành chính cấp huyện, kể cả trong trường hợp các huyện đó không cùng trong một tỉnh. TA phúc thẩm được tổ chức ở một hoặc một số đơn vị hành chính cấp tỉnh và có nhiệm vụ xét xử phúc thẩm các vụ án của TA sơ thẩm khu vực bị kháng cáo hoặc kháng nghị. TANDTC có nhiệm vụ xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm, giám đốc việc xét xử của các TA, tổng kết kinh nghiệm xét xử, hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật, nghiên cứu, phát triển án lệ.

Tuy nhiên, phương án này chưa đúng với tinh thần Nghị quyết 49, vì theo Nghị quyết, TA phúc thẩm có nhiệm vụ xét xử phúc thẩm và xét xử sơ thẩm một số vụ án, có nghĩa là khẳng định TA phúc thẩm có hai nhiệm vụ xét xử phúc thẩm các vụ án của TA cấp sơ thẩm bị kháng cáo hoặc kháng nghị và xét xử sơ thẩm một số vụ án, giống như quy định về thẩm quyền mà BLTTHS năm 2003 và BLTTDS năm 2004, quy định thẩm quyền của TA cấp huyện, thẩm quyền của TA cấp tỉnh về xét xử sơ thẩm và xét xử phúc thẩm của hai cấp TA này; đồng thời, Nghị quyết chỉ ra tổ chức hệ thống TA gồm bốn cấp, nhưng phương án này chỉ có ba cấp TA, chưa đề cập đến Toà thượng thẩm; việc giám đốc thẩm, tái thẩm đối với bản án có hiệu lực pháp luật của các TA sơ thẩm khu vực và phúc thẩm lại tiếp tục dồn về TANDTC, thì lượng việc tồn đọng sẽ tiếp tục tăng lên và biên chế sẽ không thể theo hướng tinh gọn.

Hệ thống TAND được tổ chức theo mô hình TA bốn cấp như nội dung của Nghị quyết 49 được nêu trên đây gồm Toà án sơ thẩm khu vực, TA phúc thẩm, Toà thượng thẩm, TANDTC. Chúng tôi thống nhất với quan điểm này, vì cơ bản là phù hợp với Nghị quyết của Bộ Chính trị. Nói như vậy cũng có nghĩa là phương án này không hoàn toàn đúng như Nghị quyết, bởi theo Nghị quyết thì xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm vẫn thuộc TANDTC. Tuy nhiên, phương án này phù hợp với trình độ, năng lực hiện tại, chế độ đãi ngộ đối với cán bộ. Thẩm phán cấp sơ thẩm, phúc thẩm, phù hợp với cơ sở vật chất như đã phân tích trên trong khi đất nước còn gặp nhiều khó khăn. Đồng thời, mặc dù là bốn cấp TA, nhưng ở cấp phúc thẩm sẽ không còn nhiệm vụ giám đốc thẩm, tái thẩm nữa và Toà Thượng thẩm theo Nghị quyết, thì không có nhiệm vụ giám đốc thẩm, tái thẩm. Theo chúng tôi, nên giao cho Toà Thượng thẩm xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm các bản án có hiệu lực pháp luật của cấp sơ thẩm và phúc thẩm. Vấn đề này cần xin thêm ý kiến của Ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương.

PV: Thưa ông, như vậy đề án về mô hình Hệ thống tổ chức và hoạt động của TAND sẽ như thế nào?

TS Nguyễn Sơn: Toà án sơ thẩm khu vực được thành lập trên một hoặc một số đơn vị hành chính cấp huyện trong một tỉnh, có nhiệm vụ xét xử đa số các loại vụ án thuộc thẩm quyền của TA. Trước mắt, xét xử những vụ án thuộc thẩm quyền xét xử của TA cấp huyện theo quy định tại BLTTHS năm 2003 và BLTTDS năm 2004. Sau một khoảng thời gian từ 3 đến 5 năm chuẩn bị về lực lượng cán bộ, cơ sở vật chất đủ điều kiện, thì tiếp tục tăng thẩm quyền để giảm bớt việc xét xử sơ thẩm ở TA phúc thẩm và giảm bớt việc xét xử phúc thẩm ở Toà Thượng thẩm.

TA phúc thẩm được thành lập theo đơn vị hành chính cấp tỉnh, mỗi tỉnh thành lập một TA phúc thẩm, có nhiệm vụ xét xử phúc thẩm những vụ án sơ thẩm của Toà án sơ thẩm khu vực mình bị kháng cáo hoặc kháng nghị. Xét xử sơ thẩm những vụ án không thuộc thẩm quyền của TA sơ thẩm khu vực.

Toà Thượng thẩm được tổ chức theo khu vực như ba Toà phúc thẩm TANDTC hiện nay, nhưng không thuộc TANDTC. Có nhiệm vụ xét xử phúc thẩm những vụ án sơ thẩm của TA phúc thẩm thuộc khu vực mình quản lý bị kháng cáo hoặc kháng nghị. Xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm những bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của TA sơ thẩm khu vực, TA phúc thẩm bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm.

TAND Tối cao có nhiệm vụ tổng kết kinh nghiệm xét xử, hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật, phát triển án lệ. Xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm đối với các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Toà Thượng thẩm bị kháng nghị theo các thủ tục này. Xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm đối với một số vụ án quan trọng, phức tạp của các TA sơ thẩm khu vực. Toà án phúc thẩm bị kháng nghị định hướng cho việc xây dựng văn bản hướng dẫn áp dụng pháp luật... theo kiểu án lệ.

PV: Như vậy cơ chế bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng và sự giám sát của cơ quan dân cử đối với hệ thống TA sau khi sắp xếp lại theo tinh thần cải cách tư pháp sẽ khác trước?

TS Nguyễn Sơn: Hiện nay cũng có nhiều ý kiến khác nhau, theo chúng tôi, đối với TA sơ thẩm khu vực và TA phúc thẩm nếu thực hiện phương án đề xuất trên thì sự giám sát của cơ quan dân cử sẽ do HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện giám sát hoạt động của TA phúc thẩm và TA sơ thẩm khu vực ở địa phương mình. Chánh án TA phúc thẩm có trách nhiệm báo cáo HĐND cấp tỉnh về công tác của TA phúc thẩm và TA sơ thẩm khu vực. HĐND tỉnh phối hợp với TANDTC trong việc quản lý các TA sơ thẩm khu vực và TA phúc thẩm về tổ chức là hợp lý. Việc giám sát như vậy cũng phù hợp với hướng cải cách hành chính trong tương lai không còn HĐND cấp quận, huyện. Còn đối với Toà Thượng thẩm, chịu sự giám sát của ủy ban Tư pháp của Quốc hội thực hiện. Việc lãnh đạo của Đảng, theo chúng tôi. Bộ Chính trị cho phép TANDTC thành lập Đảng uỷ trực thuộc Bộ Chính trị để bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị trong toàn ngành. Đồng thời cũng để nâng cao vị thế của TA trong giai đoạn hiện nay, phù hợp với nội dung TA là trung tâm, xét xử là trọng tâm của cải cách tư pháp mà Nghị quyết đã đề ra.

PV: Để đảm bảo thực hiện Đề án đổi mới tổ chức và hoạt động của TAND các cấp đạt được hiệu quả, ngoài những vấn đề cần chuẩn bị do Ban soạn thảo đã nêu thì ông có kiến nghị gì không thưa ông?

TS Nguyễn Sơn: Tôi cho rằng cần thành lập một đơn vị trực thuộc TANDTC, thực hiện các nhiệm vụ cấp và quản lý kinh phí theo ngân sách cho các TA địa phương. Thực hiện công tác tổ chức cán bộ như thực hiện quy trình, thủ tục đề nghị bổ nhiệm, tái bổ nhiệm Thẩm phán, các chức danh lãnh đạo Tòa, phòng thuộc TA phúc thẩm, Chánh án, Phó Chánh án TA các cấp. Để Chánh án TA các cấp chỉ chăm lo công tác tổ chức xét xử các loại vụ án. Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, công chức, Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân trong toàn ngành.

Bổ sung cho Trường cán bộ TA có hai nhiệm vụ đào tạo và bồi dưỡng cán bộ. Đào tạo nguồn Thẩm phán cần đưa về ngành, nơi có khả năng lựa chọn những giáo viên giỏi, giàu kinh nghiệm thực tiễn đang công tác tại các TA. Thuận lợi trong khả năng điều chỉnh vừa đảm bảo giảng dạy lâu dài ở cơ sở đào tạo vừa đảm bảo được công việc xét xử tại cơ quan. Là những bảo đảm cho việc nâng cao trình độ chuyên môn cũng như sự độc lập của Thẩm phán trong thời gian chuẩn bị thực hiện đề án.

Bổ nhiệm chức vụ Thẩm phán lâu dài không thời hạn; đồng thời, tăng cường biện pháp kiểm tra, giám sát, xử lý những vi phạm. Hoặc quy định cụ thể các trường hợp bị miễn nhiệm, cách chức, tạm đình chỉ xét xử, chuyển công tác khác... thì cũng đảm bảo được phẩm chất đạo đức, trình độ chuyên môn và tính độc lập của Thẩm phán.

Cần có chế độ, chính sách hợp lý bảo đảm cho đời sống của cán bộ, công chức nói chung và Thẩm phán nói riêng.

Bên cạnh đó, cần đẩy nhanh tiến độ cấp đất, xây dựng trụ sở, tăng cường trang bị cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc cho Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Thư ký TA, giúp họ đủ điều kiện làm việc, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp.

 

PV: Xin cảm ơn ông!

Dương Ly Na (thực hiện)

“Luật Sư Việt Nam – Vươn Ra Thế Giới”

CHUYÊN TRANG NGHỀ LUẬT SƯ VIỆT NAM
"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"
------------------------------------------- 
LUẬT SƯ QUẢN LÝ - HOTLINE: 0938188889