Cô gái dùng chiêu gọi vốn mở ngân hàng ngoại hối và lừa 650 tỷ đồng dễ dàng

Cô gái dùng chiêu gọi vốn mở ngân hàng ngoại hối và lừa 650 tỷ đồng dễ dàng

Bắt chủ tịch công ty huy động vốn lập ngân hàng ma lừa đoạt 650 tỉ đồng

Chiều 6.4, Phòng CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế và buôn lậu (PC03), Công an TP.HCM đã thi hành quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam, lệnh khám xét đối với Phùng Thị Nghệ (36 tuổi, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Việt Hưng Phát tại P.Tân Phú, Q.7, TP.HCM) về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. 

Các quyết định và lệnh trên đã được Viện KSND TP.HCM phê chuẩn.

Chiêu rủ góp vốn lập ngân hàng

Trong năm 2021, Công an TP.HCM nhận được nhiều đơn thư tố giác Phùng Thị Nghệ và chồng đã lừa đảo chiếm đoạt tài sản hàng trăm tỉ đồng với hình thứcgóp vốn mua bán xăng dầu, thu đổi ngoại tệ, thành lập “ngân hàng ngoại hối Việt Nam”.

Theo đơn tố cáo của bà T.B.T (ngụ Q.7, TP.HCM), Nghệ rủ bà T. góp vốn để mua lô xăng dầu giá rẻ 50 tỉ đồng. Tin tưởng Nghệ, bà T. đã chuyển 50 tỉ đồng góp vốn. Sau các đợt góp vốn mua bán xăng dầu, Nghệ chia lợi nhuận cho bà T. 23,7 tỉ đồng. Sau đó, Nghệ rủ bà T. góp vốn thành lập “ngân hàng ngoại hối Việt Nam” để trở thành cổ đông sáng lập với cổ phần 10%. Bà T. đã huy động bạn bè, vay mượn để góp vốn cho Nghệ thành lập ngân hàng. Tổng số tiền bà T. đã góp vốn làm ăn với Phùng Thị Nghệ là 260 tỉ đồng.

Tương tự, ông C.X.V (tạm trú Q.1, TP.HCM) cũng quen biết Nghệ qua bạn bè. Năm 2019, Nghệ rủ ông V. chuyển 19 tỉ đồng để làm ăn và chia lợi nhuận cao, đúng thời hạn. Sau đó, Nghệ rủ ông V. góp vốn thành lập ngân hàng và hứa cho ông làm giám đốc thu hồi nợ. Nghệ cam kết tháng 12.2020 sẽ có giấy phép hoạt động của ngân hàng. Tin tưởng Nghệ, ông V. đã gom hết tài sản, vay mượn nhiều nơi được gần 30 tỉ đưa cho Nghệ, để góp vốn thành lập ngân hàng và đến nay mất trắng. Chưa hết, bà P.T.H.H (quê Hải Dương) cũng gửi đơn đến cơ quan chức năng tố cáo Phùng Thị Nghệ lừa đảo, chiếm đoạt 170 tỉ đồng của gia đình cũng với thủ đoạn rủ góp vốn để mua bán xăng dầu, đổi ngoại tệ rồi thành lập ngân hàng.

Mua biệt thự, siêu xe để tạo vỏ bọc

Theo công an, để tạo niềm tin với mọi người, Phùng Thị Nghệ mua biệt thự tại Phú Mỹ Hưng để ở, đi nhiều siêu xe… và chia lãi suất đợt đầu cho người góp vốn đúng thời hạn. Với chiêu thức này, Nghệ đã lừa nhiều nạn nhân, trong đó có những nạn nhân bán hết tài sản, vay mượn để có hàng trăm tỉ đồng góp vốn với bị can này. Sau khi nhận hàng trăm tỉ đồng góp vốn từ nhiều người, Phùng Thị Nghệ tắt điện thoại, chuyển chỗ ở, đóng cửa công ty, né tránh việc gặp các “cổ đông” cũng như không trả lại tiền. Ngày 30.7.2021, Công an TP.HCM đã quyết định khởi tố vụ án “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” để điều tra.

Sau gần một năm thu thập thông tin, chứng cứ, Công an TP.HCM đã xác định Phùng Thị Nghệ đã lừa đảo 650 tỉ đồng của nhiều người nên khởi tố bắt tạm giam Nghệ để điều tra làm rõ. Theo một cán bộ của PC03, hiện vụ án đang mở rộng điều tra, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM đề nghị những cá nhân, tổ chức nào đã bị Phùng Thị Nghệ chiếm đoạt tài sản thì trình báo và cung cấp hồ sơ, tài liệu cho cơ quan điều tra để phục vụ điều tra, xử lý.

----------

Bắt giam Phùng Thị Nghệ, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Việt Hưng Phát

Phùng Thị Nghệ dùng chiêu 'lập ngân hàng' để kêu gọi nhiều người góp vốn sau đó chiếm đoạt của các nạn nhân 650 tỉ đồng.

Chiều 6.4, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM đã thi hành quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam, lệnh khám xét đối với Phùng Thị Nghệ (36 tuổi, Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Công ty CP Tập đoàn Việt Hưng Phát) về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Các quyết định và lệnh trên đã được Viện KSND TP.HCM phê chuẩn.

Theo điều tra ban đầu, năm 2021 Công an TP.HCM nhận được nhiều đơn thư tố giác Phùng Nghị Nghệ và chồng đã thông qua các mối quan hệ huy động vốn của nhiều người để thành lập ngân hàng.

Sau đó, nhiều người đã chuyển cho vợ chồng Phùng Thị Nghệ hàng trăm tỉ đồng. Tuy nhiên việc thành lập ngân hàng chưa thấy đâu thì những “cổ đông” góp vốn không thể liên lạc được vợ chồng Phùng Thị Nghệ. Không những thế, trụ sở công ty, nhà riêng của vợ chồng Nghệ đều "cửa đóng, then cài".

Ngày 30.7.2021, Công an TP.HCM đã quyết định khởi tố vụ án “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” để điều tra.

Cho đến nay, Công an TP.HCM đã xác định, bị can Phùng Thị Nghệ đã lừa đảo, chiếm đoạt 650 tỉ đồng của nhiều người.

Vụ án hiện đang được điều tra mở rộng.

Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM cũng đề nghị những cá nhân, tổ chức bị Phùng Thị Nghệ chiếm đoạt tài sản thì trình báo và cung cấp hồ sơ, tài liệu cho cơ quan chức năng để phục vụ điều tra, xử lý.

---------

Từ vụ Phùng Thị Nghệ lừa đảo: Có dễ thành lập ngân hàng tại Việt Nam ?

Phùng Thị Nghệ đã vẽ ra những dự án là thành lập 'ngân hàng ngoại hối' để lừa đảo nạn nhân. Liên quan vấn đề này, liệu có dễ dàng để thành lập một ngân hàng thương mại ? Việc thành lập ngân hàng cần quy trình, thủ tục gì ?

Như Thanh Niên đã thông tin, ngày 10.4, Công an TP.HCM cho biết vẫn đang mở rộng điều tra vụ án, kêu gọi nạn nhân đến trình báo liên quan đến vụ án bị can Phùng Thị Nghệ (36 tuổi) lừa đảo chiếm đoạt 650 tỉ đồng.

Theo Công an TP.HCM, chiêu thức của bị can Phùng Thị Nghệ là tạo niềm tin với người đã quen biết, sau đó vẽ ra các dự án làm ăn với lợi nhuận cao, rủ góp vốn. Khi các nạn nhân đã tin tưởng và đã hưởng lợi thì Nghệ vẽ ra những dự án lớn hơn, đó là thành lập “ngân hàng ngoại hối”.

Nhiều bạn đọc đặt vấn đề có dễ thành lập ngân hàng hay không? Và để thành lập một ngân hàng thương mại tại Việt Nam, quy trình, thủ tục như thế nào?

Thành lập ngân hàng phải trải qua nhiều thủ tục, quy trình

Liên quan đến thủ tục thành lập ngân hàng tại Việt Nam, luật sư (LS) Trần Minh Cường (Đoàn LS TP.HCM) cho biết, theo quy định của Luật Các Tổ chức Tín dụng năm 2010, sửa đổi năm 2017 và các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành, để thành lập được một ngân hàng thương mại phải trải qua rất nhiều thủ tục, quy trình.Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép thành lập ngân hàng thương mại

Đồng thời, phải có hồ sơ cần nộp để được chấp thuận nguyên tắc về việc cho phép thành lập. Sau khi có được văn bản chấp thuận nguyên tắc, Ban trù bị cần nộp hồ sơ hoàn thiện để được cấp giấy phép hoạt động chính thức từ Ngân hàng Nhà nước.

Theo LS Cường, hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép thành lập và hoạt động ngân hàng thương mại sẽ căn cứ quy định Thông tư 40/2011/TT-NHNN.

Đối với hồ sơ nộp trước khi có văn bản chấp thuận nguyên tắc, gồm: Đơn đề nghị cấp giấy phép thành lập; Dự thảo điều lệ và đề án thành lập ngân hàng thương mại; Danh sách các cổ đông sáng lập, góp vốn; Sơ đồ tổ chức và mạng lưới hoạt động của ngân hàng dự kiến trong 3 năm đầu tiên; Và chính sách quản lý rủi ro, công nghệ thông tin.

Ngoài ra, còn phải có hồ sơ của cổ đông góp vốn thành lập. Đối với cá nhân cần có đơn mua cổ phần, bảng kê khai người có liên quan, sơ yếu lý lịch, phiếu lý lịch tư pháp. Báo cáo tài chính 3 năm liền kề, bảng kê khai các loại tài sản có giá trị từ 100 triệu đồng trở lên, các khoản nợ.

Đối với tổ chức sẽ gồm đơn mua cổ phần, bảng kê khai người có liên quan theo mẫu quy định tại, giấy phép thành lập hoặc chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc văn bản tương đương. Giấy CMND, CCCD hoặc hộ chiếu, sơ yếu lý lịch, phiếu lý lịch tư pháp của người đại diện theo pháp luật và người đại diện vốn góp của tổ chức tại ngân hàng. Báo cáo tài chính 5 năm liền kề năm nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép.

Cũng theo LS Cường, sau khi nhận được văn bản chấp thuận nguyên tắc, Ban trù bị còn phải nộp bổ sung vào hồ sơ các văn bản như: Điều lệ tổ chức và hoạt động ngân hàng; Các biên bản cuộc họp Đại hội đồng cổ đông đầu tiên, họp Hội đồng quản trị (HĐQT) về việc bầu chức danh Chủ tịch HĐQT; Biên bản họp Ban kiểm soát về việc bầu chức danh Trưởng Ban kiểm soát và thành viên Ban kiểm soát chuyên trách.

--------

Nghi vấn lừa đảo, mạo nhận thành lập ngân hàng ngoại hối

Trong bối cảnh COVID-19 kéo dài ảnh hưởng tới đa số ngành nghề, nhiều nhà đầu tư, trong 2 năm qua, luôn loay hoay tìm các kênh sinh lời mới.

Nắm bắt tâm lý đó, một nhóm người đã quảng cáo là đang thành lập ngân hàng Ngoại hối Việt Nam - kèm theo nhiều cam kết, hứa hẹn hấp dẫn để huy động vốn. Một số cá nhân vì thế đã bỏ cả trăm tỷ đồng vào dự án này. Thế nhưng ngân hàng mới thì chẳng thấy đâu, người cầm tiền thì không liên lạc được, còn cơ quan công an thì đã khởi tố vụ án hình sự "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản".

Theo đơn tố cáo của bà Tuyết (ở quận 7, TP Hồ Chí Minh), từ tháng 6 năm 2020, bà đã nhiều lần chuyển tiền cho một đối tác với tổng số lên tới hơn 130 tỷ đồng. Mục đích là để ký quỹ thành lập ngân hàng, với lời hứa hẹn là bà Tuyết sẽ được nằm trong danh sách cổ đông sáng lập.

"Họ có nói với tôi là việc thành lập ngân hàng bình thường là không được phép nữa. Nhưng mà vì họ có một chuỗi quầy đổi tiền từ Bắc vào Nam nên được thành lập ngân hàng mà chỉ chuyên về thu đổi ngoại tệ. Mà cái này cả nước chưa có nên họ mới làm được”, bà Trương Bạch Tuyết (quận 7, TP Hồ Chí Minh) cho biết.

Đoạn tin nhắn được bà Tuyết lưu lại trong một cuộc trò chuyện với những người góp vốn làm ăn, ngân hàng dự kiến thành lập được một phụ nữ tên Nghệ đặt tên là Ngân hàng Ngoại hối Việt Nam (viết tắt là Vietnam Forex Bank).

 

Sở dĩ có niềm tin để nhà đầu tư trao tiền vì bà Nghệ vốn là chủ của của một doanh nghiệp có đăng ký kinh doanh hoạt động trên lĩnh vực thu đổi ngoại tệ. Nhưng đã hơn 1 năm trôi qua, tiền vốn thì đã trao, mà đến nay chẳng có bóng dáng ngân hàng nào theo lời quảng cáo.

"Lúc đầu tôi có gọi thì máy không liên lạc được. Bẵng đi 2-3 tháng nay tôi không liên lạc nữa. Từ đó trở đi không có trả đồng nào, không có gặp mặt luôn”, bà Tuyết cho biết.

Tìm đến trụ sở công ty, người quản lý tòa nhà cho biết, doanh nghiệp của bà Nghệ đã không còn hoạt động ở đây từ hơn 1 năm trước. Liên lạc theo số điện thoại nhà đầu tư cung cấp cũng không thành công.

Cùng với bà Tuyết, theo tố cáo của gia đình này, từ tháng 1 đến tháng 4 năm 2021, cũng đã chuyển cho bà Nghệ và một số người liên quan tổng số tiền khoảng 170 tỷ đồng để thành lập Ngân hàng ngoại hối.

"Lúc đầu bà ấy hứa là mở ngân hàng nhưng cuối cùng thì không mở ngân hàng. Tất cả những lời đấy là lời bịa đặt. Một năm rồi liên hệ không được thì chẳng là lừa đảo thì là gì”, chị Phạm Thị Hoàng Hà (ở Phạm Ngũ Lão, TP Hải Dương) cho biết.

3 tháng sau khi nhận đơn tố cáo của các trường hợp trên, đến cuối tháng 7/2021, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hồ Chí Minh đã khởi tố vụ án hình sự "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản". Tuy nhiên, sau gần 6 tháng, hiện vụ án đang phải gia hạn điều tra, vì chưa xác định được đối tượng phạm tội. Phía cơ quan công an cũng chưa tiết lộ thêm nhiều thông tin về vụ việc.

Luật sư Trương Anh Tú, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội cho biết ở đây các bên mời nhau đến để cùng nhau hợp tác làm ăn trong thương vụ rất lớn. Thành lập một tổ chức tín dụng, một loại hình được Nhà nước yêu cầu vốn pháp định cao nhất ở Việt Nam. Thế nhưng có vấn đề ở phía sau rất cần cơ quan điều tra làm rõ.

Còn phía luật sư của các bị đơn thì dĩ nhiên khẳng định, đây là vụ án có dấu hiệu lừa đảo. Tiến sĩ Luật sư Phạm Kim Anh, Trưởng Văn phòng Luật sư Kim Anh, Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh: "Thực ra việc thành lập ngân hàng là không có. Đưa thông tin đó là giả dối rồi. Để người ta tin, người ta đưa tiền”.

Với các nhà đầu tư đang tố cáo bị lừa tiền thì giờ còn chỉ tự trách là lòng tin đã đặt sai chỗ.

"Lỗi tại do mình. vì tin tưởng bạn bè, giờ già về hưu mà mất một số tiền cả đời máu và nước mắt của mình, chứ không phải là máu và mồ hôi nữa”, bà Trương Bạch Tuyết cho biết.

Theo nhẩm tính, ngoài số tiền hơn 100 tỷ là tiền tích góp đã trao, giờ đây hàng tháng bà Tuyết còn phải trả lãi hơn 1,5 tỷ đồng vì còn vay nợ ngân hàng để hùn vốn làm ăn với bà Nghệ. Còn gia đình này, sau khi vụ việc vỡ lở, vợ chồng đã li tán. Căn nhà đang ở cũng đã thế chấp tại ngân hàng.

Để minh bạch thông tin về việc quảng cáo thành lập ngân hàng, phóng viên đã nhiều lần liên lạc với bà Nghệ nhưng chưa nhận được phản hồi. Còn trên website của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, danh sách những ngân hàng đã được cấp phép hoạt động cũng được công khai đăng tải, và trong đó không có ngân hàng nào tên là "Ngân hàng Ngoại hối Việt Nam".

=======

Giả thành lập ngân hàng để 'gọi vốn' lừa đảo hơn 650 tỷ đồng ở TP.HCM

Công an TP.HCM khởi tố bị can, bắt tạm giam Phùng Thị Nghệ, kẻ giả thành lập ngân hàng để "gọi vốn" lừa đảo hơn 650 tỷ đồng.

Ngày 6/4, đại diện Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM cho biết, đơn vị vừa ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam Phùng Thị Nghệ (37 tuổi, ngụ quận 7, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Việt Hưng Phát) về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Theo cơ quan công an, đơn vị đang điều tra vụ án "lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản", "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" xảy ra tại TP.HCM theo đơn tố giác của bà Trương Bạch Tuyết, bà Nguyễn Nhật Linh cùng một số cá nhân khác tố cáo Phùng Thị Nghệ, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Việt Hưng Phát, chiếm đoạt của họ hơn 650 tỷ đồng.

 

Nội dung tố cáo của bà Trương Bạch Tuyết thể hiện, bà quen biết vợ chồng Phùng Thị Nghệ qua một người bạn chơi thân, cũng là hàng xóm với bà hơn 20 năm nay. 

Ban đầu người bạn này giới thiệu đang làm ăn với vợ chồng Nghệ mảng xăng dầu và thu đổi ngoại tệ cần 50 tỷ đồng "ôm" lô hàng xăng giá rẻ và rủ bà Tuyết góp tiền. Tin tưởng bạn bè nên bà Tuyết đồng ý góp vốn.

Sau đó, Nghệ 2 lần đề xuất và bà Tuyết đồng ý góp thêm 56 tỷ đồng mua lô hàng xăng dầu tiếp theo.  

Khi tạo được niềm tin với bà Tuyết, Nghệ tiếp tục "vẽ" ra việc mở "Ngân hàng ngoại hối Việt Nam" và mời bà Tuyết tham gia góp vốn để trở thành cổ đông sáng lập, với cổ phần khoảng 10%.

Để thực hiện hành vi lừa đảo, Nghệ tiếp tục huy động nhiều người với tổng số tiền hơn 100 tỷ đồng.

Để bà Tuyết không nghi ngờ, Nghệ còn yêu cầu gia đình bà Tuyết đứng tên Chủ tịch HĐQT ngân hàng và gửi con bà Tuyết sang "thử việc" ở ngân hàng khác. Qua nhiều lần hứa hẹn nhưng không thấy Nghệ thực hiện, bà Tuyết tìm hiểu thì phát hiện việc thành lập, huy động tiền để bảo chứng thành lập ngân hàng của Nghệ là bịa đặt, trụ sở công ty của vợ chồng Nghệ cũng không còn hoạt động.

Bà Tuyết đã lập vi bằng về hành vi của Nghệ. Khi đó, Nghệ xác nhận có vay của vợ chồng bà Tuyết 260 tỷ đồng. Do Nghệ né tránh nên bà Tuyết đến Công an TP.HCM tố cáo. 

Để phục vụ điều tra, Công an TP.HCM đề nghị những cá nhân, tổ chức nào đã bị Phùng Thị Nghệ chiếm đoạt tài sản thì trình báo và cung cấp hồ sơ, tài liệu cho Cơ quan CSĐT.

Mọi thông tin vui lòng liên hệ Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM (PC03), số 674 Đường 3/2, phường 14, quận 10, TP.HCM.

( NGHỀ LUẬT SƯ TỔNG HỢP)

CHUYÊN TRANG NGHỀ LUẬT SƯ VIỆT NAM
"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"
------------------------------------------- 
LUẬT SƯ QUẢN LÝ - HOTLINE: 0938188889