Đau đầu với việc quản lý thực phẩm chức năng trước vấn nạn hàng giả

Đau đầu với việc quản lý thực phẩm chức năng trước vấn nạn hàng giả

Kinhtedothi - Vài năm trở lại đây, thực phẩm chức năng (TPCN) được nhiều người xem như “thần dược” với đủ các loại, từ "bổ thần kinh, xương khớp", "giúp đẹp da, ngăn ngừa lão hóa", thậm chí "hỗ trợ điều trị ung thư, Covid-19"… Tuy nhiên, việc kiểm soát chất lượng TPCN bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng lại không hề dễ dàng.

Ma trận thực phẩm chức năng

Chưa bao giờ việc mua bán TPCN đơn giản và dễ dàng như hiện nay khi người dân có thể tìm mua ở hiệu thuốc, trên mạng xã hội facebook, zalo. Thực tế cho thấy, chỉ cần gõ từ “Tảo xoắn của Nhật” trên google sẽ cho ra khoảng 527.000 kết quả.
Facebook Anh Đào rao bán trên mạng xã hội quảng cáo: “Tảo xoắn Nhật Bản nhà em cung cấp lượng dinh dưỡng tốt cho cơ thể người sử dụng, từ người già đến trẻ em, chăm sóc sắc đẹp phụ nữ”. Theo người này, một hộp tảo xoắn 2.200 viên nén có thể dùng cho cả nam và nữ được bán với giá 450.000 đồng/hộp.
Chị Kim Liên ở phố Đặng Văn Ngữ (quận Đống Đa) chia sẻ, chị nghe nói về một loại tảo chăm sóc sức khỏe của Nhật nên tìm mua mặt hàng này trên một nhóm facebook chuyên hàng “xách tay” từ các nước Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc... với giá 750.000 đồng/hộp. Thế nhưng, ở nhiều nhóm bán hàng khác, giá bán dao động từ 400.000 - 600.000 đồng/hộp, thậm chí có những trang Facebook rao bán lên đến 1,2 triệu đồng/hộp.
 Lực lượng Quản lý thị trường kiểm tra cửa hàng kinh doanh TPCN và thuốc tây y
 
Không chỉ sản phẩm tảo xoắn mới loạn giá mà nhiều loại TPCN khác cũng trong tình trạng tương tự. Chẳng hạn, với sản phẩm tinh chất mầm đậu nành của Mỹ, có nơi rao bán 300.000 đồng/lọ nhưng có nơi bán 450.000 đồng/lọ. Omega 3-6-9 của Đức giá từ 225.000 - 400.000 đồng/hộp... Nhưng tất cả đều có một điểm chung là chỉ bán online, không bán trực tiếp nên muốn mua phải đặt qua fanpage theo hướng dẫn của người bán. Đồng thời, các mặt hàng này đều được quảng cáo là hàng chính hãng, do người nhà chuyển từ nước ngoài về bằng đường “xách tay”. Thậm chí, để nâng cao uy tín cho sản phẩm, những người kinh doanh mặt hàng này còn sử dụng hình ảnh bác sĩ, nghệ sĩ để quảng cáo.

Luật chưa theo kịp thực tế

Theo các chuyên gia kinh tế, những năm gần đây, ngành kinh doanh TPCN phát triển mạnh mẽ nhưng luật chưa theo kịp thực tiễn. Đôi lúc, các cơ quan quản lý tự mâu thuẫn trong việc kiểm tra, giám sát mặt hàng này.
 Lực lượng Quản lý thị trường kiểm tra cửa hàng thuốc và kinh doanh TPCN
 
Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (QLTT) TP Hà Nội Trịnh Quang Đức nêu rõ, năm 2010, Quốc hội đã thông qua Luật ATTP, trong đó có đề cập đến quản lý TPCN nhưng việc kiểm tra, xử lý không hề dễ dàng, bởi chưa có Nghị định về quản lý TPCN. Hiện mới chỉ có Thông tư số 43/2014/TT-BYT của Bộ Y tế quy định về quản lý TPCN, điều này đã gây khó cho lực lượng QLTT trong việc giám sát hoạt động sản xuất, buôn bán mặt hàng này.
Đồng tình với ý kiến này, Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia Đàm Thanh Thế nhấn mạnh, không chỉ quy định pháp luật chưa theo kịp thực tiễn mà thậm chí cơ quan quản lý là Bộ Y tế còn thả nổi những mặt hàng này.
Mới đây, dư luận xã hội xôn xao sự việc ngày 24/7, Bộ Y tế ra văn bản 5944/BYT-YDCT về việc tăng cường phòng, chống dịch bệnh Covid-19 bằng thuốc cổ truyền và sản phẩm từ dược liệu có tác dụng phòng, hỗ trợ điều trị cho người bị nhiễm Covid-19 ở mức độ nhẹ, không triệu chứng.
Theo đó, Bộ Y tế công bố 12 loại thuốc cổ truyền phòng và hỗ trợ điều trị Covid-19 như Viên nang Kovir, Hoạt huyết Nhất Nhất, Imboot, Xuyên Tâm Liên… Văn bản này được ban hành đã khiến những mặt hàng trong danh mục tăng giá đột biến. Tuy nhiên ngay sau đó, ngày 26/7, với lý do có một số nội dung chưa phù hợp, Bộ Y tế có văn bản số 5967/BYT-YDCT gửi sở y tế các tỉnh, thành, bệnh viện chuyên khoa… về việc thu hồi công văn số 5944/BYT-YDCT. Quyết định 5967/BYT-YDCT cho thấy sự bất nhất trong quản lý TPCN của cơ quan chức năng lại chính là Bộ Y tế.
 Lực lượng QLTT kiểm tra cửa hàng kinh doanh thuốc và TPCN
Nhằm quản lý các mặt hàng thuốc, TPCN ghi công dụng "kháng virus, kháng Covid-19...", ngày 27/7, Tổng cục QLTT đã ban hành công văn số 1609/TCQLTT-CNV gửi cục QLTT các tỉnh, thành đề nghị tăng cường kiểm tra, kiểm soát phòng chống dịch Covid-19, đặc biệt là các mặt hàng thuốc, TPCN.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT Nguyễn Thanh Bình thông tin, hiện trên thị trường nhiều loại TPCN như Xuyên Tâm Liên CV19 với logo Toàn Lộc (vỏ hộp màu đỏ) và Xuyên Tâm Liên CV19 với logo Nhất Lộc (vỏ hộp màu xanh), Kovir của Công ty CP Sao Thái Dương... đều chưa đăng ký bản công bố tại cơ quan có thẩm quyền hoặc ghi thông tin không chính xác, nhưng tăng giá bán đột biến, ảnh hưởng tới quyền lợi người tiêu dùng.
Để quản lý tốt hơn thị trường TPCN, ông Đàm Thanh Thế kiến nghị, trước mắt cần tập trung làm tốt ngay từ khâu xác nhận công bố, kiểm tra chất lượng, công khai việc thực thi, kiên quyết thu hồi và dừng cấp phép có thời hạn doanh nghiệp sản xuất TPCN giả nhãn mác hoặc sản phẩm không đúng tiêu chuẩn đã công bố.
Để siết chặt quản lý TPCN, Chủ tịch Hiệp hội TPCN Việt Nam Trần Đáng đề nghị các cơ quan chức năng cần có những giải pháp cụ thể như ban hành tiêu chuẩn về TPCN. Đồng thời Bộ Y tế cần có sự thống nhất trong việc cấp phép lưu hành mặt hàng này, tăng cường phối hợp với Bộ Công Thương quản lý chặt chẽ các DN sản xuất, nhập khẩu kinh doanh TPCN.

Hiện chính sách, quy định pháp luật về điều kiện sản xuất, kinh doanh TPCN còn lỏng lẻo, đây thật sự đang là vấn đề "nóng". Để khắc phục bất cập này, đòi hỏi cơ quan quản lý cần ban hành nghị định quản lý TPCN, trong đó quy định cụ thể về điều kiện sản xuất, kinh doanh, công bố, quảng cáo và ghi nhãn sản phẩm. Đồng thời, cần phải xây dựng những chế tài xử phạt nặng các hành vi sản xuất TPCN kém chất lượng, giả mạo mẫu mã.
Chủ tịch Hiệp hội TPCN Việt Nam Trần Đáng

Ngành kinh doanh TPCN phát triển đột biến nhưng công tác quản lý chưa theo kịp. Thực tế kiểm tra cho thấy, khâu hậu kiểm, kiểm soát chất lượng TPCN là khó nhất. Với các sản phẩm đơn thuần, doanh nghiệp công bố chất lượng 100%, nhưng khi giám định chất lượng sản phẩm chỉ đạt 30 - 40% thì được nhận định là hàng giả. Nhưng, việc chứng minh chủ thể làm giả sản phẩm, giả chất lượng lại không dễ, nguyên nhân là do một phần phải có kết quả giám định do cơ quan chức năng, trong khi nguồn kinh phí thực hiện đang thiếu. Ngoài ra TPCN  thuộc chuyên ngành lĩnh vực y tế, nên khi lực lượng chức năng kiểm tra chỉ có thể dựa vào giấy tờ nguồn gốc lô hàng, chứ không thể nhận biết chất lượng bằng cảm quan.
Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội Chu Xuân Kiên

Những người kinh doanh mặt hàng này nếu quảng cáo sản phẩm TPCN chữa khỏi hẳn bệnh là hoàn toàn sai, vì TPCN chỉ có tác dụng hỗ trợ người bệnh. Bên cạnh những doanh nghiệp sản xuất TPCN đáng tin cậy, nhiều công ty sản xuất hàng kém chất lượng và hàng giả. Để giải quyết tình trạng này, phải có sự vào cuộc và nỗ lực của tất cả các ban, ngành, doanh nghiệp và người dân. Đặc biệt, vai trò của Nhà nước cần được tăng cường hơn nữa để bảo vệ người tiêu dùng và các doanh nghiệp làm ăn chân chính.


Về phía người tiêu dùng, cần có kiến thức để phân biệt TPCN chính hãng và hàng giả, hàng nhái. Cụ thể, khi mua cần quét mã UPC của TPCN, các thông tin của sản phẩm sẽ hiện ra rõ ràng. Sản phẩm do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất sẽ có tem chống hàng giả tiên tiến. Nếu là hàng nhập khẩu phải có tem phụ ghi rõ đơn vị nhập khẩu và tem chống hàng giả do Bộ Công an cấp. Đồng thời, sản phẩm phải qua kiểm duyệt của cơ quan chức năng và hợp pháp về tiêu chuẩn được phép lưu thông trên thị trường. Ngoài ra không nên mua theo đường “xách tay”, vì không thể đảm bảo nguồn gốc TPCN.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam - TS Vũ Thiện Vương

Nguồn: kinhtedothi.vn/dau-dau-voi-viec-quan-ly-thuc-pham-chuc-nang-429078.html

CHUYÊN TRANG NGHỀ LUẬT SƯ VIỆT NAM
"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"
------------------------------------------- 
LUẬT SƯ QUẢN LÝ - HOTLINE: 0938188889