Đường "Nhuệ" bảo kê hỏa táng thu 500 vụ, mỗi vụ 500 ngàn tiền " từ thiện"

Đường

Đường 'Nhuệ' bảo kê dịch vụ hỏa táng. Mỗi ca đưa người đi hỏa táng từ Thái Bình qua Nam Định phải cống nạp cho Nguyễn Xuân Đường (Đường "Nhuệ")  500.000 đồng với lý do "tiền từ thiện".

Nguyễn Xuân Đường đang bị khởi tố, tạm giam trong vụ án Cố ý gây thương tích do Nguyễn Thị Dương (vợ Đường) là chủ mưu. Nhiều hoạt động mang tính chất "xã hội đen" khác của anh ta đang được nhà chức trách làm sáng tỏ. Một trong số đó là dấu hiệu bảo kê dịch vụ hỏa táng. Những ngày giữa tháng 4, Công an tỉnh Thái Bình đã làm việc với nhiều cơ sở dịch vụ về vấn đề này.

Ở huyện Vũ Thư, ông Bùi Xuân Cao (56 tuổi) làm dịch vụ hỏa táng từ năm 2014 khi ở Nam Định có Đài hóa thân hoàn vũ Thanh Bình. Cho hay "nói lại những điều đã trình bày với cơ quan điều tra", ông kể năm đầu tiên, ông ký hợp đồng làm việc trực tiếp với Công ty Hoàng Long, chủ sở hữu Đài hóa thân Thanh Bình. Sau thoả thuận với gia đình có người qua đời, ông vận chuyển qua Nam Định hoả thiêu mà không phải thông qua đơn vị nào. Nhưng thời gian sau, Công ty Hoàng Long uỷ quyền cho đơn vị khác làm đại lý cấp một, phụ trách độc quyền khu vực Thái Bình với nhiệm vụ báo ca cần hỏa táng về Đài hoá thân.

Năm 2017, đơn vị được uỷ quyền này bỗng "biến mất" khỏi Thái Bình sau nhiều lần bị đám thanh niên nghi là đàn em của Đường "Nhuệ" quấy rối việc làm ăn. Đầu năm 2018, Đường "Nhuệ" làm việc với ông và hơn 20 doanh nghiệp làm dịch vụ hỏa táng trên địa bàn đề nghị không được làm việc trực tiếp với Đài hóa thân hoàn vũ Thanh Bình. Đồng thời, Hiệp hội tang lễ Thái Bình được thành lập do Công ty Đường Dương của vợ chồng Đường "Nhuệ" khởi xướng, làm đầu mối độc quyền trung chuyển ca hỏa táng từ Thái Bình qua Nam Định. Đường "Nhuệ" phân chia địa bàn làm ăn, mỗi cơ sở chỉ được hoạt động ở khu vực nhất định.

Mỗi ca đều phải báo cho đám đàn em của Đường về thời gian, địa điểm để chúng chuyển thông tin qua Đài hóa thân. "Hàng tháng, chúng tôi phải nộp cho nhóm Đường "Nhuệ" 500.000 đồng một ca, dựa vào số liệu trước đó".

"Số tiền này Đường nói trích một phần làm quỹ hoạt động, còn lại sẽ dùng để làm từ thiện. Nhiều doanh nghiệp tỏ ý không hài lòng nhưng vẫn phải chấp nhận. Hơn nữa, chúng tôi chưa bao giờ được biết đã dùng số tiền này vào việc gì, từ thiện ra sao", ông Cao nói và ước tính mỗi tháng Thái Bình có khoảng 300-350 ca hỏa táng.

Chủ một cơ sở làm dịch vụ mai táng khác ở Thái Bình cho biết đã ký hợp đồng với Đài hóa thân Thanh Bình từ năm 2016, mỗi khi có ca đều phải báo với nhóm đàn em của Đường "Nhuệ". Cuối tháng, dựa vào số liệu này để doanh nghiệp nộp cho Đường 500.000 đồng/ca. Khi họp Hiệp hội tang lễ Thái Bình, Đường yêu cầu doanh nghiệp ký văn bản viết tay với nội dung 500.000 đồng là số tiền nhờ Đường làm từ thiện.

Tất cả việc đưa người đi hỏa táng phải làm theo sự chỉ dẫn của Đường "Nhuệ". "Có trường hợp tự ý đưa người sang đài hóa thân Thanh Bình mà không "báo ca" liền bị chặn đường đe đoạ, đập xe. Người nào lén lút đưa một vài ca đi mà không báo cũng đều bị phát hiện và bắt nộp tiền", người này nói và cho hay những điều trên cũng đã được ông trình bày với cơ quan công an.

Xung quanh việc bảo kê của Đường "Nhuệ", ông Trần Đình Giao (Chủ tịch Công ty Hoàng Long) cho biết, đầu năm 2017, hoạt động của Đài hóa thân liên tục bị Đường cho đàn em quậy phá, đánh nhân viên. Việc này khiến chi nhánh tiếp nhận ở Thái Bình phải đóng cửa. Đường "Nhuệ" gặp ông đề nghị ký hợp đồng giao kèo để anh ta làm đầu mối tập hợp các ca hỏa táng ở Thái Bình sau đó chuyển sang để ăn phần trăm. Ông Giao không đồng ý.

Đường "Nhuệ" quay sang ép các cơ sở dịch vụ tang lễ tại Thái Bình phải đưa thi thể đi hỏa táng ở Hải Phòng khiến giá dịch vụ tăng lên. "Nếu người dân đưa sang Nam Định hỏa táng chỉ mất khoảng 18 km, còn đưa qua Hải Phòng tới hơn 100 km. Từ đó mà chi phí di chuyển, dịch vụ tăng lên nhiều và số tiền đó người dân phải chịu", ông Giao nói.

Theo ông Giao, hiện cả vùng Thái Bình, Nam Định, Hà Nam chỉ có đài hoả thiêu duy nhất của ông. Thái Bình có hơn 30 cơ sở làm dịch vụ mai táng và mỗi tháng có khoảng 300 đến 350 ca chuyển sang Đài hóa thân Thanh Bình.

"Tưởng rằng mỗi ca 500.000 đồng nộp cho Đường là ít nhưng mỗi tháng anh ta thu số tiền không nhỏ trên công sức của mọi người", ông Giao nói và cho hay mỗi ca hỏa táng có giá 4,3 triệu đồng, kể cả người dân trực tiếp mang qua hay phải thông qua các cơ sở dịch vụ. Tuy nhiên người dân ở Thái Bình đa số đều thông qua cơ sở để thuê quan tài, xe và các dịch vụ liên quan khác. Vì thế, tiền hỏa táng do thoả thuận của hai bên.

Vụ án Đường "Nhuệ" khởi nguồn từ ngày 7/4 khi Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Bình khởi tố, bắt tạm giam vợ chồng Đường và năm đàn em để điều tra vụ án Cố ý gây thương tích với cáo buộc hành hung tài xế xe khách.

Từ việc điều tra sai phạm của vợ chồng Đường "Nhuệ", hôm 16/4, Công an tỉnh Thái Bình khởi tố, bắt bốn cán bộ thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường và Sở Tư pháp tỉnh Thái Bình để điều tra tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Cùng ngày, Công an thành phố Thái Bình  phục hồi điều tra vụ án Đường đánh người gây thương tích xảy ra tại trụ sở Công an phường Trần Lãm, sau 5 năm đình chỉ điều tra.

Trước diễn biến phức tạp, Phó thủ tướng Trương Hoà Bình yêu cầu Ban chỉ đạo phòng chống tội phạm tỉnh Thái Bình khẩn trương điều tra dấu hiệu "hoạt động xã hội đen" của nhóm Đường "Nhuệ".

( Nghề Luật sư theo Phạm Dự VNE)

CHUYÊN TRANG NGHỀ LUẬT SƯ VIỆT NAM
"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"
------------------------------------------- 
LUẬT SƯ QUẢN LÝ - HOTLINE: 0938188889