Ghi chép của Luật sư Phan Trung Hoài

Ghi chép từ chuyến đi của Đoàn đại biểu - Liên đoàn Luật sư Việt Nam thăm và làm việc với Hiệp hội Luật sư toàn Trung Quốc từ ngày 8/11 đến 17/11/2013

MUÔN DẶM ĐƯỜNG XA…

*

Luật sư PHAN TRUNG HOÀI
(Gửi về từ Bắc Kinh)

 

Kỳ III: THĂM VÀ TRAO ĐỔI VỚI HIỆP HỘI LUẬT SƯ TOÀN TRUNG QUỐC VÀ ĐOÀN LUẬT SƯ THỦ ĐÔ BẮC KINH

(VBF) - Từ hôm sang Bắc Kinh đến nay, ACLA bố trí một chiếc xe đưa đón Đoàn, nên lâu dần, người tài xế ít nói trở thành bạn đồng hành xuyên suốt. Tiết trời thứ hai (ngày 11/11/2013) đã bớt lạnh, nắng đã tỏa vàng phản chiếu lấp lánh trên cửa kính của những tòa nhà cao tầng dọc đường đi đến trụ sở của ACLA. Do nội dung chương trình làm việc đã được hai bên chuẩn bị những vấn đề cần tìm hiểu, trao đổi nên hy vọng nội dung các buổi thảo luận với ACLA và Đoàn Luật sư Bắc Kinh sẽ được tập trung hơn.

Trước khi sang Trung Quốc, tôi đã tìm hiểu và được biết Luật Luật sư của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa được thông qua ngày 28/10/2007 và có hiệu lực từ ngày 01/6/2008. Đây là sự tiếp nối quá trình hoàn thiện pháp luật về luật sư ở Trung Quốc khi Luật Luật sư đầu tiên được ban hành vào năm 1996, sửa đổi, bổ sung vào năm 2001. Mục đích của việc ban hành Luật này nhằm cải thiện hệ thống luật sư, chuẩn hóa các hành vi hành nghề của luật sư, bảo vệ thi hành pháp luật luật sư và thực hiện các chức năng của luật sư trong việc xây dựng hệ thống pháp luật xã hội chủ nghĩa. Điều 2 Luật Luật sư quy định luật sư có trách nhiệm bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng, duy trì thực thi đúng pháp luật, bảo đảm thực thi công bằng xã hội và công lý. Pháp luật đòi hỏi trong quá trình hành nghề, luật sư phải tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, tuân thủ đạo đức nghề nghiệp và kỷ luật hành nghề của luật sư, dựa trên thực tế làm cơ sở và có pháp luật làm căn cứ tiêu chuẩn đánh giá; phải chấp nhận sự giám sát của nhà nước, công chúng và khách hàng. Việc hành nghề của luật sư được pháp luật bảo vệ, không một tổ chức, cá nhân nào có thể xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của luật sư…

Tại trụ sở của ACLA, Chủ tịch Wang Junfeng (Vương Tuấn Phong) đã nhiệt liệt chào mừng Đoàn đại biểu LĐLSVN lần đầu tiên đến thăm chính thức và làm việc với ACLA. Ông nhắc đến truyền thống hữu nghị giữa nhân dân hai nước và hy vọng chuyến đi này sẽ mở ra cơ hội hợp tác và phát triển giữa ACLA và LĐLSVN, cũng như của giới luật sư giữa hai nước. Ông cũng thông tin là khi được biết LĐLSVN cử Đoàn đại biểu lần đầu tiên sang thăm và làm việc tại Trung Quốc, Bộ Tư pháp Trung Quốc đã rất quan tâm và sẽ cử một Thứ trưởng phụ trách công tác luật sư và bổ trợ tư pháp tiếp đón đoàn vào buổi trưa. Sau khi trân trọng giới thiệu các thành viên tham gia buổi gặp gỡ, trao đổi, Chủ tịch ACLA đã giới thiệu về quá trình hình thành và phát triển của ACLA, bắt đầu từ năm 1986, đến nay đã gần ba mươi năm, từ những khó khăn, thử thách ban đầu, nay đã trở thành một tổ chức xã hội- nghề nghiệp toàn Trung Quốc với tính tự quản rất cao. Bộ Tư pháp Trung Quốc thay mặt Chính phủ thực hiện chức năng quản lý về mặt Nhà nước theo quy định của pháp luật. Mỗi tỉnh, khu tự trị, thành phố trực thuộc Trung ương đều có Đoàn Luật sư địa phương.

Hiện ở Trung Quốc có 240.000 luật sư và đạt tỷ lệ 1,6 luật sư/trên 10.000 dân, với mức tăng trưởng trung bình hàng năm là 9,1 phần trăm (trong đó 26,6 phần trăm là phụ nữ). Đây là một chỉ số quan trọng thể hiện sự phát triển của nghề luật sư ở Trung Quốc, chỉ có sáu khu vực cấp tỉnh có ít hơn một luật sư trên 10.000 người (trong đó An Huy, Thanh Hải, Cam Túc, Quý Châu, Giang Tây và Tây Tạng).Trung Quốc có 19.361 công ty luật với đà tăng trưởng 6% mỗi năm. Trong buổi làm việc, Chủ tịch Wang Junfeng đã nhấn mạnh đến vai trò của ACLA trong việc duy trì các chuẩn mực và tiêu chuẩn hành nghề, quy tắc đạo đức và ứng xử của mỗi luật sư là thành viên. ACLA ngày càng phát huy vai trò quan trọng trong việc quản lý hành nghề luật sư, khuyến khích luật sư tham gia hợp tác quốc tế với luật sư các nước trên thế giới. Trao đổi trong không khí cởi mở, dựa trên tình bằng hữu, ông Chủ tịch ACLA nói: “Thông qua thông tin đại chúng, chúng tôi được biết nền kinh tế và các mặt khác của Việt Nam đã có bước phát triển mạnh mẽ và khởi sắc, nên ACLA rất mong muốn có mối quan hệ và tăng cường hợp tác với LĐLSVN”.


(Ảnh: Quang cảnh buổi tọa đàm giữa ACLA và LĐLSVN)

Thay mặt cho LĐLSVN, Luật sư Nguyễn Văn Thảo- Phó Chủ tịch Thường trực, Trưởng đoàn đã bày tỏ sự vui mừng và vinh dự là Đoàn đại biểu đầu tiên của LĐLSVN sang thăm và làm việc với ACLA và các tổ chức luật sư Trung Quốc. Ông nói đến quá trình hình thành và phát triển của nghề luật sư Việt Nam, bắt đầu bằng sự kiện lịch sử khi lần đầu tiên Bác Hồ ký Sắc lệnh số 46 ngày 10/10/1945, trải qua biết bao thăng trầm qua hai cuộc chiến tranh, chỉ đến khi đất nước đổi mới, nghề luật sư Việt Nam được hồi sinh và có điều kiện phát triển mạnh mẽ. Với việc thành lập tổ chức xã hội- nghề nghiệp luật sư toàn quốc vào tháng 5/2009, LĐLSVN phấn đấu trở thành ngôi nhà chung của giới luật sư Việt Nam, đại diện và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các luật sư và Đoàn luật sư địa phương thành viên. Hiện LĐLSVN có 63 Đoàn Luật sư và trên 8.000 luật sư chính thức, trên 3.000 người tập sự hành nghề luật sư. Thông qua chuyến đi này, LĐLSVN mong muốn mở rộng và tăng cường mối quan hệ hợp tác nghiệp với ACLA, tham khảo những kinh nghiệm quý trong việc giải quyết mối quan hệ giữa quản lý Nhà nước và thực hành tự quản nghề nghiệp luật sư, làm hết sức mình nhằm phát huy tình hữu nghị, truyền thống lâu đời giữa nhân dân hai nước, đáp ứng các nhiệm vụ, thỏa thuận hợp tác giữa Đảng và Chính phủ hai nước đã ký. Nhân đây, luật sư Nguyễn Văn Thảo đã chuyển lời hỏi thăm và chúc sức khỏe của Chủ tịch LĐLSVN Lê Thúc Anh đến Chủ tịch ACLA Wang Junfeng, do bận công tác nên không tham gia chuyến đi này được.

Luật sư Wang Lihua (Vương Lập Hoa) là một luật sư nổi tiếng ở Bắc Kinh, là thành viên của Ủy ban Kỷ luật đã giới thiệu thêm về các Ủy ban chuyên môn trực thuộc ACLA, trong đó có tách bạch riêng Ủy ban khen thưởng và Ủy ban kỷ luật. Đây chính là công cụ quản lý hữu hiệu, dựa trên nền tảng Bộ quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Trung Quốc. Ông nêu lên một kinh nghiệm, để có thể xem xét kỷ luật một luật sư thành viên khi có vi phạm, Ủy ban Kỷ luật sẽ phối hợp với Ủy ban phát triển nghề nghiệp luật sư xem xét quá trình đào tạo, nhận thức, hiểu biết về các quy tắc, quy chuẩn hành nghề, rồi đối chiếu với hành vi sai phạm nếu có để đưa ra hình thức xử lý thích hợp


(Luật sư Nguyễn Văn Thảo, Phó Chủ tịch Thường trực LĐLSVN trao lưu niệm với Chủ tịch ACLA)


(Ảnh: Chủ tịch ACLA chụp ảnh lưu niệm chung với Đoàn đại biểu LĐLSVN)

Ngay sau buổi tọa đàm tại trụ sở ACLA, Đoàn đại biểu LĐLSVN được ông Zhao Da Cheng (Triệu Đại Trình)- Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trung Quốc phụ trách công tác luật sư và hoạt động bổ trợ tư pháp tiếp và mở tiệc chiêu đãi Đoàn nhân chuyến sang thăm và làm việc tại Trung Quốc. Là một lãnh đạo tham gia quản lý về mặt Nhà nước đối với giới luật sư Trung Quốc, Thứ trưởng Zhao Da Cheng vui mừng chào đón Đoàn đại biểu LĐLSVN, trao đổi thẳng thắn, trên tinh thần hiểu biết một cách sâu sắc về tổ chức và hoạt động của ACLA và giới luật sư. Sau khi luật sư Nguyễn Văn Thảo vui mừng thông báo về một số kết quả ban đầu trong hoạt động của tổ chức LĐLSVN, nhấn mạnh đến việc tăng cường mối quan hệ tác trên tinh thần đồng nghiệp giữa tổ chức luật sư hai nước, tôi có nêu vấn đề với ông Thứ trưởng về kinh nghiệm xây dựng mô hình quản lý luật sư mang màu sắcTrung Quốc. Nhân ý kiến này, Thứ trưởng Bộ Tư pháp đã nêu tóm tắt tình hình và sự phát triển của đội ngũ luật sư Trung Quốc, nhất là từ khi bắt đầu mở cửa đến nay, quá trình gần ba mươi năm phát triển chế độ luật sư ở Trung Quốc đã đạt được những thành tựu rất cơ bản, dựa trên chủ trương lấy phát triển kinh tế làm trọng tâm thúc đẩy mở cửa. Ông cũng nhấn mạnh đến một điều hết sức có ý nghĩa là năm 2011, tại kỳ họp cuối năm, Quốc hội Trung Quốc đã tuyên bố về cơ bản đã xây dựng xong nền pháp chế xã hội chủ nghĩa và các thể chế tư pháp.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp cũng đã giới thiệu những đặc điểm cơ bản của mô hình quản lý luật sư mang màu sắc Trung Quốc, trong đó dựa trên nền tảng xây dựng và phát triển đội ngũ luật sư quy mô trong cả nước, có một hệ thống pháp luật về quản lý luật sư hoàn thiện và rộng rãi, và xây dựng một cơ chế quản lý “hai nguyên tắc” giữa quản lý Nhà nước của Bộ Tư pháp và chế độ tự quản của ACLA và các Đoàn Luật sư địa phương. Ông nhấn mạnh trong nền tư pháp Trung Quốc, chế độ luật sư phát triển mạnh nhất, không chỉ thể hiện qua con số vào năm 1978 chỉ có 200 luật sư, đến nay đã có hơn 240.000 luật sư, mà còn thông qua cơ cấu, tổ chức quản lý hữu hiệu. “Trong điều kiện xây dựng nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, chắc chắn nghề luật sư ở Trung Quốc và Việt Nam có điều kiện phát triển mạnh mẽ hơn bao giờ hết”- Thứ trưởng Zhao Da Cheng tin tưởng nói. Nhân dịp này, trong buổi tiệc chiêu đãi được tổ chức vào buổi trưa cùng ngày, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trung Quốc đề xuất sáng kiến đề nghị ACLA và LĐLSVN sớm đi đến ký kết thỏa thuận hợp tác giữa tổ chức luật sư hai nước trong thời gian tới


(Ảnh: Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trung Quốc tiếp đoàn và chụp ảnh lưu niệm)

Do thời gian làm việc với Đoàn Luật sư Bắc Kinh đã cận kề, thay vì trở về khách sạn, cả Đoàn quyết định tạm nghỉ chừng ba mươi phút ngay trên xe bus đưa đón Đoàn, rồi đến thẳng trụ sở Đoàn Luật sư Bắc Kinh, một tòa nhà hiện đại tọa lạc trên diện tích 7.000 m2 ngay gần trung tâm thành phố. Có thể thấy ngay sự trọng thị của Đoàn Luật sư Bắc Kinh đối với Đoàn khi đích thân Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Bắc Kinh Zhang Xuebing (Trương Học Minh) ra tận cầu thang đón Đoàn. Trên bàn làm việc, tên và chức danh của từng người trong Đoàn, cũng như của phía bạn đã được chuẩn bị rất kỹ lưỡng. Luật sư Zhang Xuening là một luật sư nổi tiếng tại Bắc Kinh, điều hành một hãng luật có trên 700 luật sư, chuyên sâu về lĩnh vực hợp tác và đầu tư với nước ngoài, có uy tín rộng rãi trong giới luật sư Bắc Kinh và đã bước sang nhiệm kỳ thứ hai trên cương vị Chủ nhiệm Đoàn. Ông vui mừng chào đón Đoàn đại biểu LĐLSVN lần đầu tiên sang thăm và làm việc tại ACLA và Bắc Kinh, giới thiệu với Đoàn về tổ chức và hoạt động của Đoàn Luật sư Bắc Kinh có số lượng luật sư chiếm 1/10 luật sư toàn Trung Quốc, với 23.000 luật sư, trong đó hầu hết các hãng luật và luật sư nổi tiếng nhất Trung Quốc hội tụ tại đây


(Ảnh: Buổi tọa đàm giữa Đoàn Luật sư Bắc Kinh và Đoàn đại biểu LĐLSVN)

Luật sư Nguyễn Văn Thảo đã trân trọng cám ơn sự tiếp đón trọng thị của Ban chủ nhiệm Đoàn Luật sư Bắc Kinh, thông tin về sự phát triển của LĐLSVN và nghề luật sư Việt Nam hiện nay với những thách thức và cơ hội to lớn. Ông bày tỏ sự quan tâm đến cơ cấu tổ chức vận hành nội bộ của Đoàn Luật sư Bắc Kinh, giải quyết mối quan hệ với Sở Tư pháp Bắc Kinh và những kinh nghiệm trong việc xây dựng quy mô các tổ chức hành nghề luật sư. Thông qua các ý kiến trao đổi, tìm hiểu của các thành viên Đoàn đại biểu LĐLSVN, Chủ nhiệm Zhang Xuebing và nữ Phó Chủ nhiệm Zhang Wei (Trương Ngụy) xinh đẹp đã giới thiệu sâu về tổ chức và hoạt động của 15 Ủy ban trực thuộc Đoàn Luật sư Bắc Kinh, 57 Tiểu ban chuyên sâu trong các lĩnh vực hành nghề của luật sư, trong đó nêu rõ Ủy ban bảo vệ quyền lợi luật sư được xác định là một Ủy ban quan trọng nhất. Trả lời câu hỏi của tôi, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Bắc Kinh cho biết Ủy ban bảo vệ quyền lợi luật sư được tổ chức xuống tận 15 quận, huyện trực thuộc Bắc Kinh, có hai nhiệm vụ cơ bản: Một là, là cầu nối giữa Đoàn Luật sư Bắc Kinh với các cơ quan tư pháp Trung ương và địa phương nhằm tháo gỡ những vướng mắc, bất cập về chính sách phát triển và môi trường hành nghề luật sư. Ông nêu ví dụ như trường hợp chính quyền muốn đưa ra mức trần thu phí luật sư không thỏa đáng, đại diện Ủy ban này sẽ đến làm việc và kiến nghị tháo gỡ, hoặc các luật sư bị gây khó khăn trong việc tiếp xúc với bị can, bị cáo trong Trại tạm giam thì lập tức Ủy ban này đến can thiệp. Hai là, trực tiếp thụ lý và tham mưu giải quyết các yêu cầu bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các luật sư thành viên. Ông Chủ nhiệm cũng giới thiệu một kinh nghiệm quý trong hoạt động của Ủy ban này thông qua việc thiết lập “đường dây nóng” nhằm can thiệp, giải quyết ngay lập tức các yêu cầu bảo vệ quyền lợi luật sư. Hoạt động của Ủy ban này được sự hưởng ứng rất tích cực từ phía các luật sư Bắc Kinh


(Ảnh: Ban chủ nhiệm Đoàn Luật sư Bắc Kinh chụp ảnh lưu niệm với Đoàn)

Buổi tối cùng ngày, các thành viên trong Đoàn đã được Ban chủ nhiệm Đoàn Luật sư Bắc Kinh mở tiệc chiêu đãi ngay tại trụ sở của Đoàn, trong không khí hữu nghị và chan chứa tình đồng nghiệp giữa luật sư hai nước.

(Xem tiếp Kỳ IV: NHỮNG CẢI BIẾN CĂN BẢN TRONG MÔ HÌNH TỐ TỤNG HÌNH SỰ TRUNG QUỐC)

CHUYÊN TRANG NGHỀ LUẬT SƯ VIỆT NAM
"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"
------------------------------------------- 
LUẬT SƯ QUẢN LÝ - HOTLINE: 0938188889