Thậm chí, ngay cả giải pháp “trung dung” hơn, “luật sư làm việc cho cơ quan nhà nước theo chế độ hợp đồng lao động”, vẫn tiếp tục đẩy tranh luận trên nghị trường đi vào ngõ cụt…
Ông Trần Thế Vượng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, đã bày tỏ quan điểm riêng với báo giới.
Thưa ông, giải pháp “luật sư làm việc cho cơ quan nhà nước theo chế độ hợp đồng lao động” do Bộ Tư pháp đề xuất liệu có khả thi?
Luật sư được ký hợp đồng như vậy đương nhiên trở thành công chức. Mà đã là công chức thì phải tuân theo và phục tùng mệnh lệnh của cấp trên như quy định của Pháp lệnh Cán bộ, công chức.
Mục đích của việc biên chế luật sư vào cơ quan nhà nước nhằm bảo vệ các quyết định hành chính do thủ trưởng cơ quan ban hành bị khiếu kiện ra toà. Ra toà, trên tư cách luật sư, họ phải tuân thủ nguyên tắc “độc lập và tuân thủ pháp luật”. Nhưng với tư cách và trách nhiệm của một công chức, họ phải chấp hành mệnh lệnh của thủ trưởng.
Điều này rất mâu thuẫn, và giải pháp của Bộ Tư pháp đưa ra cũng không khả thi.
Thẩm phán cũng là công chức Nhà nước, nhưng ở toà họ vẫn tuân thủ nguyên tắc “độc lập”?
Thẩm phán cũng là công chức Nhà nước, nhưng là công chức của cơ quan tư pháp. Thẩm phán khác với công chức hành chính. Thẩm phán là hiến định, cùng với hội thẩm nhân dân xét xử độc lập và tuân theo pháp luật. Còn công chức hành chính không như vậy. Không thể so sánh hay đồng nhất hai đối tượng công chức khác nhau.
Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, nếu xây dựng được đội ngũ luật sư công thì mới thực hiện được hoạt động trợ giúp pháp lý cho người nghèo?
Theo tôi, chắc chắn đã có sự nhầm lẫn. Bản chất ở đây là hỗ trợ về tiền. Nếu chỉ vì giải quyết số tiền đó, mà lại đi tuyển dụng luật sư vào làm việc tại cơ quan nhà nước theo chế độ công chức, làm việc cho các tổ chức trợ giúp pháp lý theo chế độ viên chức thì thật vô lý.
Thử hình dung, đầu tư cho đội ngũ này từ khi được tuyển vào cho đến lúc nghỉ hưu sẽ tốn kém bao nhiêu. Vấn đề là trong suốt cuộc đời làm công chức, họ sẽ làm được bao nhiêu việc như vậy? Bây giờ mà “xếp” họ vào các cơ quan (từ cấp huyện đến trung ương) thì rất nhiều. Khó có thể tưởng tượng nổi ở cơ quan nào cũng có đội ngũ luật sư biên chế.
Vậy theo ông giải pháp nào là khả thi?
Tôi cho rằng, mỗi cơ quan sẽ tuyển dụng cán bộ dựa trên yêu cầu chức năng, nhiệm vụ, trong đó có thể tuyển cán bộ pháp luật về Vụ Pháp chế. Để bảo vệ quyết định của mình, cơ quan đó có thể thuê luật sư, nhưng cũng có thể cử cán bộ Vụ Pháp chế. Còn nếu “xếp” luật sư vào biên chế chỉ để đi làm việc này thì sẽ làm mất tính chất hoạt động, hành nghề luật sư tự do.
Vì không có luật sư công, nên nếu xảy ra khiếu kiện, cơ quan có thể tự cử người đứng ra giải quyết hoặc thuê luật sư theo hợp đồng dân sự, cụ thể là hợp đồng cung cấp và sử dụng dịch vụ pháp lý.
Quan điểm của ông về vấn đề đang gây tranh cãi “muốn hành nghề luật sư thì phải gia nhập Đoàn luật sư”?
Tôi chưa có quan điểm dứt khoát. Nhưng đây là vấn đề rất nhạy cảm. Theo tôi, mỗi ý kiến có lý lẽ riêng. Đứng về quản lý nhà nước, thì luật sư cần phải tham gia Đoàn luật sư. Nhưng ý kiến phản đối lại cho rằng, không nhất thiết phải tham gia Đoàn vì đã là luật sư tức là đã có sự công nhận của Nhà nước với đầy đủ tiêu chuẩn hành nghề. Hơn nữa, đây cũng là nghề tự do.
Có lẽ, tôi thiên về thực tế của chúng ta hiện nay là luật sư cần phải tham gia Đoàn, dù rằng đối với các tổ chức xã hội - nghề nghiệp, việc tham gia là không thể bắt buộc.
Theo Đầu Tư
Có 0 bình luận cho bài viết này.
Gửi bình luận