Ls.Phạm Hồng Hải - Khi cán bộ có chức quyền phạm tội thì rõ là cố ý

Cuộc trao đổi thú vị này liên quan đến nhiều vấn đề như chống tham nhũng, án tử hình, mafia ở Việt Nam và cả vai diễn của ông trong phim “Lập trình cho trái tim” đang chiếu trên VTV3... PGS-TS, Luật sư Phạm Hồng Hải Các quan chức cao cấp khi phạm tội thường là do cố ý Ông từng bào chữa cho nhiều tội phạm VIP như Phạm Sĩ Chiến, Lương Quốc Dũng, Lã Thị Kim Oanh...

     Đối với những bị cáo này, ông có bị sức ép nào không? Trong bất kì vụ án nào, nói không có sức ép là không đúng, đã bênh vực cho một bên thì sẽ có một bên đối nghịch. Vấn đề là trước sức ép như vậy thì mình xử lý như thế nào? Trước những vụ án lớn, dưới các loại sức ép, trong đó có của dư luận, anh phải bày tỏ quan điểm và chính kiến của mình như thế nào để người ta có thể chấp nhận. Trong Vụ án Vườn điều tôi đã từng bị 3 cơ quan tố tụng Bình Thuận khởi tố vì tội nói xấu cơ quan nhà nước. Nếu hồi đó không quyết tâm đấu tranh thì hôm nay luật sư Phạm Hồng Hải đã bị quy tội nói xấu cơ quan nhà nước, bôi nhọ chính quyền trước tòa. Nhiều người vẫn chưa hiểu về nghề luật sư, họ rất không hiểu vì sao tôi lại bênh vực cho Lương Quốc Dũng - người phạm tội mua dâm trẻ vị thành niên? Vì sao luật sư lại bênh vực cho một kẻ phạm tội giết người? Xã hội bây giờ chưa hiểu đúng nghề luật sư. Hồi chúng tôi mới vào nghề, còn có trường hợp kiện luật sư đi ăn cơm với khách hàng, đến nhà khách hàng. Luật sư phải làm cho người ta hiểu rằng khi luật sư tham gia vào vụ án, kể cả vụ giết người – thì sẽ làm cho vụ án trở nên công bằng, khách quan, tội đến đâu thì người ta chịu đến đó, không để bị xử nặng hay nhẹ hơn. Với những quan chức cấp cao mắc vào vòng lao lý, đứng từ phía tư cách luật sư bào chữa cho họ, ông thấy họ có cố tình vi phạm hay không? Cán bộ có chức vụ quyền hạn càng cao thì khi phạm tội càng nguy hiểm, càng gây thiệt hại lớn. Trong luật cũng đã ghi rõ: lợi dụng chức vụ quyền hạn để vi phạm pháp luật được coi như một tình tiết tăng nặng trách nhiệm của người vi phạm. Người dân bình thường có thể không hiểu biết pháp luật, nhưng những người có chức vụ quyền hạn thì không thể nói họ không hiểu biết pháp luật được, thậm chí nhiều người còn được đào tạo về pháp luật đến nơi đến chốn. Khi cán bộ cao cấp đã vi phạm pháp luật thì rõ ràng họ đã cố tình vi phạm, chủ mưu gây ra sự việc, gây thiệt hại lớn. Đáng lẽ họ phải là những tấm gương của việc tuân thủ pháp luật. Nhưng không phải cán bộ nào cũng làm được như vậy. Thưa luật sư, bào chữa cho các tội phạm VIP chắc thù lao sẽ cao hơn? Có rất nhiều loại người tìm đến luật sư, mỗi đối tượng có một đặc điểm khác nhau. Có những người nghèo, còn những người có chức vụ quyền hạn, rõ ràng điều kiện kinh tế của họ phải khá hơn… Nhưng tất cả những người đến đây đều có sự tôn trọng và công bằng như nhau. Công bằng không có nghĩa là thu phí bằng nhau, có những gia đình chính sách, những người nghèo, mình thực hiện sự trợ giúp miễn phí. Người ta có khả năng về kinh tế không có nghĩa là mình lấy nhiều tiền hơn. Văn phòng luật sư của tôi có chủ trương vào sáng thứ 7 hàng tuần, văn phòng vẫn làm việc. Nếu chứng minh được là đối tượng chính sách thì sẽ miễn phí. Tôi đã từng nhận bào chữa cho những người cực kỳ bất hạnh nghèo khổ như em Nguyễn Thị Bình – cô gái bị đọa đày mà chí đã lên tiếng nhiều. Những vụ án mà ông bào chữa cho bị cáo nhưng họ lại bị tử hình, ông có những cảm giác gì? Tôi cảm thấy cái gì đó như xót xa, bởi vì tử hình một con người là thể hiện sự bất lực của xã hội. Xã hội không thể cải tạo được một người thì đẩy họ ra khỏi cuộc sống. Đó là biện pháp bất đắc dĩ, biện pháp cuối cùng. Nhà nước ta đang bàn đối với một số tội phạm nào tử hình, tội phạm nào thì không bị tử hình. Nhưng ở nước ta, số tội đặc biệt nguy hiểm tương đối nhiều, nếu bỏ tử hình đi thì có thể phản tác dụng, số tội phạm tăng lên gây bất ổn xã hội. Ví dụ như một số người đề xuất số tội phạm hối lộ tham ô thì có thể bỏ mức án tử hình, nhưng rõ ràng nếu bỏ thì hiện tượng tham nhũng sẽ tăng lên. Theo ông, những cố gắng hoàn thiện về luật chống tham nhũng đã đủ để chống tham những chưa? Luật chống tham nhũng cần phải tiếp tục hoàn thiện, nhưng đối với chống tham nhũng phải có quả đấm thép và bàn tay sạch. Người đấu tranh chống tham nhũng phải hoàn toàn trong sạch. Nhưng trong sạch chưa đủ, anh phải có quả đấm thép, phải có những biện pháp rất kiên quyết. Theo tôi hãy giao cho người có bàn tay sạch thượng phương bảo kiếm, có thể như ngày xưa được “tiền trảm hậu tấu”. Từng là luật sư của nhiều vụ án nổi tiếng như vụ án Mường Tè, vụ án Vườn điều…, ông có nhận thấy pháp luật còn nhiều kẽ hở nên mới ra những chuyện như “con voi chui lọt lỗ kim” hay những oai sai động trời như vậy? Bao giờ pháp luật cũng có kẽ hở. Pháp luật không bao giờ đáp ứng kịp thời đời sống xã hội. Nhưng vấn đề là khi đánh giá một hiện tượng xã hội, hay một hành vi vi phạm pháp luật, phải đứng trên hai bình diện, kể cả về mặt pháp luật, cả về mặt xã hội. Nếu chỉ đứng về mặt pháp luật thì sẽ bị lạc hậu. Như Bộ luật Hình sự thì bây giờ lạc hậu rồi. Ban hành năm 1999, 10 năm sau đã tụt hậu so với đời sống vốn không ngừng vận động. Việt Nam không tồn tại mafia Trong vụ Năm Cam, ông bào chữa cho nguyên Phó viện trưởng Viện kiểm sát tối cao Phạm Sỹ Chiến, người đã có sự tác động để trùm xã hội đen Năm Cam ra khỏi trại cải tạo sớm. Theo ông, vụ án Năm Cam đó có phải là một mầm mống của hiện tượng mafia ở Việt Nam? Đặt ra câu hỏi: Ở VN có mafia không? Đây là một câu chuyện có nhiều quan điểm khác nhau. Mafia là gì? Tạm gọi là một thế giới ngầm trong một nhà nước, nó điều khiển luôn cả quyền lực. Hiện nay ta chưa có số liệu cụ thể. Chúng ta phải nghiên cứu và chắc bên công an nắm vấn đề tốt hơn. Về phía tôi, sau bao nhiêu năm nghiên cứu về tội phạm học, tâm lý tội phạm, luật hình sự…thì tôi khẳng định Việt Nam không tồn tại mafia. Nhưng vụ án Năm Cam đã có dấu hiệu manh nha của mafia, đó là sự móc nối giữa xã hội đen và một số người có chức quyền? Xã hội đen móc nối với người có chức quyền thời nào cũng có, khi mình phát hiện ra nó thì biết nó là tội phạm, chứ bình thường họ cũng có “vỏ bọc” là người dân bình thường, cũng buôn bán, thậm chí rất tích cực tham gia công tác xã hội. Nhưng thật ra đó là những kẻ buôn lậu, buôn bán ma tuý, là những kẻ đứng sau giật dây cho tội phạm. Việc móc nối giữa một số cán bộ có chức quyền và tội phạm là có thật. Trong vụ Năm Cam, một số là sĩ quan công an tham gia đóng góp mở nhà hàng, cùng làm chuyện này chuyện khác nhưng đấy chưa phải làm thay đổi chính sách Nhà nước. Ông nghiên cứu về tội phạm học, vậy ông lý giải gì về hiện tượng tội phạm ngày càng tăng ở nước ta? Tội phạm là một hiện tượng xã hội, nó có quy luật. Tội phạm bao giờ cũng tăng, ai đó nói tội phạm không tăng mới là không bình thường. Bình thường vì dân số càng tăng thì tỷ lệ phạm tội càng lớn. Nhưng ở đây ngoài chuyện tăng theo tỷ lệ dân số thì tôi nhận thấy đang có một xu hướng tăng tội phạm quốc tế, tăng người nước ngoại phạm tội ở Việt Nam khi chúng ta tiến hành hội nhập với khu vực và thế giới. Tội phạm đa dạng hơn như tội rửa tiền, tội buôn bán phụ nữ và trẻ em, thậm chí có loại tội phạm buôn bán cơ thể con người, hiện tượng gian lận thương mại. Loại tội phạm này liên quan đến cơ chế thị trường và hội nhâp. Khi hội nhập ta đón những luồng gió lành đồng thời cũng có gió độc. Nhưng cái đáng lo nhất hiện nay là tình trạng tội phạm thanh thiếu niên. Tội phạm thanh thiếu niên rất nguy hiểm vì có thể làm băng hoại cả thế hệ. Đến một lúc nào đó, nếu nó chiếm tỷ lệ lớn thì nhìn vào xã hội chúng ta thấy quá đen tối. Ví dụ như học sinh đi giết cô giáo, không chỉ đơn thuần là hành vi giết người mà còn làm băng hoại về đạo đức, trái với luân thường đạo lý. Một bộ phận thanh thiếu niên trở thành những kẻ tôi tạm gọi là: không quản lý được. “Luật sư nếu không làm được cái cọc thì hãy là cánh bèo” Khi phát biểu tại đại hội của giới luật sư mới đây, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết khẳng định: luật sư phải độc lập. Theo ông, luật sư ở Việt Nam đã độc lập chưa? Độc lập ít nhất được biểu hiện ở phát biểu. Nhưng ở trong thực tiễn xử án ở ta, theo tôi, các kiến nghị, các ý kiến của luật sư chưa thực sự được tôn trọng. Nhìn rộng ra, nguyên tắc đã được ghi trong luật là khi giải quyết vụ án, thẩm phán phải độc lập. Nhưng thẩm phán hiện nay theo tôi biết, theo tôi đánh giá là chưa được hoàn toàn độc lập vì nhiều lý do. Thẩm phán trình độ còn yếu thì trước một sự việc khó khăn phức tạp phải xin ý kiến, thế là mất độc lập. Mặt khác trong quá trình xử lý vụ việc thẩm phán có thể chịu tác động của nhiều khuynh hướng khác nhau, một cú điện thoại cũng có thể làm anh ta mất độc lập. Bởi vì thẩm phán cũng bị chi phối bởi nhà cửa, lương bổng, vị trí... 5 năm bổ nhiệm lại thẩm phán một lần, nếu thẩm phẩn không nghe lãnh đạo toà án chỉ đạo thì có thể lần sau không được bổ nhiệm lại, án bị hủy thì mất thi đua. Nhưng cái gì cũng phải có quá trình, nếu nhìn nhận thời điểm này so với 10 năm trước thì tiến bộ hơn nhiều chứ. Với ông, khi bào chữa cho khách hàng, khách hàng đó là nghi can phạm tội giết người, hiếp dâm, trong trường hợp đó bảo vệ lợi ích của họ có phải là điều quan trọng nhất đối với một luật sư không? Tôi vẫn nói với các học sinh ở lớp luật sư rằng, nếu anh làm luật sư mà anh không đặt lợi ích của khách hàng lên đầu thì anh đừng làm luật sư. Nếu anh đặt lợi ích của nhà nước lên trên thì cái đó là “vô duyên”. Bởi vì nhà nước có cả một hệ thống luật pháp, cảnh sát quân đội, trại giam...bảo vệ, còn cái người đang nhỏ bé cô đơn trước hệ thống các cơ quan bảo vệ pháp luật, anh phải bảo vệ họ. Tôi nghĩ, đối với luật sư nếu anh không làm được cái cọc thì hãy làm cánh bèo, không làm cánh bèo to thì hãy là cánh bèo tấm để khách hàng hy vọng. Ông được gọi là luật sư của những thân phận đặc biệt, nhưng những thân phận đặc biệt nào ám ảnh ông nhất? Có lẽ đó là vụ án Vườn điều, một vụ án mà tôi cho là oan sai lớn nhất. Cả một gia đình ba thế hệ bị vào guồng tố tụng, bị giam cầm nhiều năm chỉ vì sai lầm của những người làm án. Bà vào tù, mẹ trong tù, cô chú bác cũng ở tù, con cái ở trong trại tế bần. Khi tôi cùng với anh em trong văn phòng luật sư đến thăm họ thì họ khóc như mưa. Và tôi cũng khóc. Oan sai gây ra tác hại kinh khủng. Và oan sai vẫn còn. Công việc rất bận rộn nhưng vì sao ông vẫn dành thời gian cho một lĩnh vực hoàn toàn mới là đóng phim trong phim truyền hình “Lập trình cho trái tim” đang chiếu trên VTV3? Ngày xưa tôi mê nghệ thuật lắm, có đi thi tuyển múa nhưng không trúng. Tôi chơi với nhiều anh em văn nghệ sĩ, có lẽ họ mình là “món” lạ so với nhiều diễn viên đã quen thuộc nên mời đóng phim. Bộ phim “Lập trình cho trái tim” vừa rồi là bộ phim thứ 3 mình tham gia đóng. Cũng có một vài lời mời đóng phim nhựa, nhưng tôi không thể tham gia vì phim nhựa rất mất thời gian. Bây giờ mà đóng phim, tôi thích nóng cảnh nóng (cười). Xin cảm ơn ông. Học hết lớp 10, mới 16 tuổi Phạm Hồng Hải đã viết huyết tâm thư, khai thêm 3 tuổi để được đi bộ đội. Vào bộ đội, Phạm Hồng Hải phục vụ trong đoàn tàu không số và bị thương nặng trong một cuộc chiến đấu vào ngày 16 tháng 4 năm 1972. Sau một năm nằm điều trị ở bệnh viện với nhiều lần lên bàn mổ, Phạm Hồng Hải tự học và thi đậu đại học với điểm cao và được chọn đi học ở Liên Xô. Sau 7 năm học luật và tốt nghiệp với tấm bằng đỏ, ông về làm ở Viện Nhà nước và Pháp luật. 10 năm làm cán bộ nghiên cứu, ông theo đuổi đề tài “Bảo đảm quyền bào chữa cho người bị buộc tội”. Từ năm 1996 ông bắt đầu tham gia làm luật sư kiêm nhiệm và khi hành nghề luật sư với nghề tay trái thì Phạm Hồng Hải đã gây dựng được uy tín và được mời bào chữa cho những vụ án nóng và phức tạp. Lúc đang là Trưởng phòng nghiên cứu tư pháp hình sự của Viện Nhà nước và Pháp luật, Phạm Hồng Hải đã giấu vợ, quyết định viết đơn xin về hưu sớm để làm luật sư chuyên nghiệp. Văn phòng luật sư Phạm Hồng Hải và cộng sự ra đời. Anh được VTV chọn là “Người đương thời” và là luật sư duy nhất ở Việt Nam được phong học hàm giáo sư.

CHUYÊN TRANG NGHỀ LUẬT SƯ VIỆT NAM
"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"
------------------------------------------- 
LUẬT SƯ QUẢN LÝ - HOTLINE: 0938188889