Luật sư - Một vũ khí mới của doanh nghiệp Việt Nam

Bà Nguyễn Thị Tuyết, Tổng giám đốc Công ty Camimex, mới đây đã cho biết trong vụ kiện tôm vừa qua Camimex phải chi không dưới 5 tỉ đồng để thuê luật sư. Trường hợp như Camimex không phải là cá biệt; hiện nay các doanh nghiệp đã xem luật sư là một thứ “vũ khí” và nghề luật sư công ty đang bắt đầu nóng lên.

Thuê cùng lúc năm luật sư

Khác hẳn với thời kỳ khủng hoảng kinh tế châu Á năm 1997, hầu hết các công ty luật chuyên về tư vấn hiện đang trong tình trạng... quá tải khách hàng. Luật sư Lê Thành Kính, Trưởng văn phòng luật sư Lê Nguyễn, cho biết so với cùng kỳ năm ngoái, khối lượng giao dịch của văn phòng hiện đã tăng khoảng 300%.

Điểm đáng chú ý là ngoài nguồn khách hàng nước ngoài truyền thống, số khách hàng doanh nghiệp trong nước cũng đang có chiều hướng gia tăng. “Thậm chí, có một số trường hợp doanh nghiệp Việt Nam trả phí còn “ngọt” hơn cả doanh nghiệp nước ngoài”, luật sư Nguyễn Hữu Phước, Trưởng văn phòng Luật sư Phước & Associates, khoe. Khách hàng trong nước chủ yếu là khối tư nhân nhưng theo Văn phòng luật sư Luật Việt, có một đối tượng khách hàng mới đang xuất hiện.

Đó là các tổng công ty nhà nước 90, 91; các doanh nghiệp quân đội; các công ty thuộc ngành công an... “Họ sẵn sàng trả mức phí cao cho những hợp đồng lớn, thường là hợp đồng có yếu tố nước ngoài”- một luật sư của Luật Việt giải thích. Luật sư Lê Thành Kính thì cho biết trước đây các doanh nghiệp trong nước thường hay đắn đo về mức phí, nhưng bây giờ chuyện đó đã không còn là vấn đề.

Nội dung tư vấn cũng đa dạng hơn. Ngoài những vấn đề thông thường về lao động, quy chế công ty, hợp đồng..., có doanh nghiệp nhờ tư vấn sâu về những lĩnh vực đầu tư gần như chưa có ở Việt Nam. Chẳng hạn như các ngành quản lý bảo hiểm, quản lý bất động sản... Những ngành nghề này có được đầu tư không? Nếu được, thủ tục ra sao? Vấn đề pháp lý gì sẽ nảy sinh?...

Hoặc như ở Văn phòng Phước & Associates bắt đầu xuất hiện những vị khách mới là các công ty đang chuẩn bị lên sàn chứng khoán. Họ hỏi những vấn đề về lao động, điều lệ, tài chính trước và sau khi trở thành công ty cổ phần và niêm yết. Thậm chí, đã từng có chuyện một doanh nghiệp nọ thuê cùng lúc bốn, năm luật sư nổi tiếng của các hãng luật khác nhau, tạo thành một ê kíp nhằm đề phòng khả năng rủi ro có thể xảy ra mà doanh nghiệp này lường trước được. “Điều đó cho thấy doanh nghiệp nghiên cứu thị trường dịch vụ pháp lý rất kỹ. Họ biết rõ sở trường của từng luật sư và sử dụng một cách chuyên nghiệp”- luật sư Phan Trung Hoài, Trưởng văn phòng luật sư Phan & Associates, nhận xét.

Vai trò của luật sư tăng lên cũng được phản ánh rõ nét cả trên thị trường tuyển dụng. Tại website www.vietnamworks.com , chỉ trong vòng hơn ba tuần (từ 28-9 đến 20-10-2006) đã có 12 đơn đặt hàng tuyển dụng luật sư, chủ yếu là từ các hãng luật chuyên về tư vấn. Đặc biệt, hầu hết các nhà tuyển dụng đều đề nghị mức lương “cạnh tranh”. Có tin cho biết một luật sư của Công ty V- hãng luật lớn của Việt Nam đã được một tập đoàn sản xuất linh kiện máy tính của Mỹ mời về làm luật sư nội bộ với giá không dưới 3.000 đô la/tháng.

Tiết kiệm được 50 triệu đô la nhờ luật sư

Tổng giám đốc Ngân hàng ACB, ông Lý Xuân Hải, cho rằng yêu cầu tuân thủ pháp luật trong kinh doanh, đó là một trong những lý do khiến cho doanh nghiệp ngày càng nhận thức rõ tầm quan trọng của việc thuê luật sư. Chính ACB cũng có một phòng pháp chế bao gồm 20 luật sư và nhân viên pháp lý làm nhiệm vụ “gác cửa”. “Một sản phẩm mới ra, một kế hoạch đầu tư mới hay một hợp đồng chuẩn bị ký kết đều phải có ý kiến của bộ phận pháp chế. Dự báo của bộ phận này về những thay đổi chính sách pháp lý trong tương lai cũng là một trong 11 nhóm công việc cần làm khi chúng tôi xây dựng chiến lược kinh doanh”- ông Hải cho biết.

Đối với các doanh nghiệp nước ngoài, việc tuân thủ pháp luật thường rất cao. Hầu hết doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đều thuê luật sư; hoặc là luật sư nội bộ hoặc là luật sư của các hãng luật độc lập. Lý do, theo luật sư Nguyễn Chính (Văn phòng luật sư Nghiêm & Chính) là vì chi phí luật sư được các cổ đông công nhận và tính vào giá thành sản phẩm. Vì vậy, để đảm bảo an toàn trong kinh doanh, giám đốc những doanh nghiệp này (đa số đều là người làm thuê) chẳng “dại” gì mà không thuê luật sư.

Còn luật sư Nguyễn Hữu Phước thì cho biết: “Có doanh nghiệp sẵn sàng bỏ ra 300- 500 đô la thuê luật sư chỉ để nhờ một việc đơn giản: hướng dẫn nhân viên cách điền vào hợp đồng lao động!”. Việc tuân thủ pháp luật trong kinh doanh càng được xem trọng khi doanh nghiệp bước vào sân chơi toàn cầu.

Vụ Vietnam Airlines bị kiện ở Ý và hàng loạt vụ kiện chống phá giá xảy ra gần đây đã gióng lên tiếng chuông cảnh báo các doanh nghiệp trong nước. Họ bắt đầu hiểu rằng không thể không biết luật chơi và phải nhờ đến luật sư nếu không muốn bị thiệt hại khi làm ăn với nước ngoài.

Trong vụ kiện chống bán phá giá tôm, các doanh nghiệp Việt Nam đã tốn khoảng 3 triệu đô la Mỹ cho việc hầu kiện, trong đó riêng chi phí luật sư khoảng hơn 2 triệu đô la. Con số đó quả là không nhỏ nhưng lợi ích mà doanh nghiệp nhận được còn lớn hơn gấp bội. “Vào thời điểm bị kiện, kim ngạch xuất khẩu tôm của Việt Nam vào Mỹ khoảng 500 triệu đô la. Thoạt tiên, thuế suất sơ bộ là trên 15% nhưng chúng ta đã đấu tranh để mức thuế suất cuối cùng giảm còn dưới 5%. Có nghĩa, nếu tính bằng tiền, các doanh nghiệp đã giảm được 50 triệu đô la tiền thuế, chưa kể vẫn giữ vững được thị trường xuất khẩu”- luật sư Đinh Ánh Tuyết thuộc hãng luật Vilaf-Hồng Đức phân tích.

Còn nhiều cản ngại

Tuy nhiên, theo luật sư Nguyễn Chính, mối nhân duyên giữa luật sư và các doanh nghiệp trong nước dường như cũng chỉ mới bắt đầu. Phần đông doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn rất dè dặt khi sử dụng luật sư.

Cản ngại đầu tiên là chi phí. Theo quy định, mức thù lao luật sư được căn cứ vào ba yếu tố: tính chất phức tạp của vụ việc; thời gian, công sức thực hiện dịch vụ và uy tín, kinh nghiệm của luật sư. Mặc dù vậy, việc xác định mức phí vẫn là điều rất khó khăn. Nếu tính theo giờ làm việc, một luật sư nước ngoài có tiếng tăm có thể có giá từ 300-550 đô la Mỹ/giờ. “Với những luật sư loại này, thậm chí gọi điện hỏi ba phút thôi, khách hàng cũng có thể bị tính tiền”- một luật sư cho biết. Còn luật sư “xịn” trong nước có giá từ 60-250 đô la Mỹ/giờ. Đa số các doanh nghiệp trong nước có quy mô nhỏ và vừa, dễ bị “choáng” ngay khi nghe mức phí như vậy.

Nhưng thù lao chưa hẳn là cản ngại chính. Luật sư Chính cho rằng nếu doanh nghiệp thực sự thấy được lợi ích mà luật sư mang lại thì chi phí sẽ không còn là vấn đề khó. Khổ nỗi, lợi ích đó trong nhiều trường hợp khó có thể quy ra tiền bạc nên không phải ai cũng nhận ra ngay. Chính vì vậy, một số doanh nghiệp Việt Nam để đến khi lâm nạn rồi mới nhờ luật sư giải cứu. Đó là chưa kể có doanh nghiệp vẫn còn tâm lý nhờ “anh Hai”, “anh Ba” hay chạy đến một cơ quan nào đó để tác động với hy vọng giải quyết êm xuôi. “Tôi đã từng buộc phải từ chối yêu cầu của một khách hàng vì họ muốn tôi phải vi phạm pháp luật nhằm giúp họ thắng trong vụ án. Khách hàng này đã bỏ đi dù chúng tôi có quan hệ khá lâu dài trong công việc”- luật sư Lê Thành Kính kể.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng bản thân giới luật sư cũng chưa đủ “lực” để nắm bắt cơ hội đang mở ra. Theo thống kê của Asialaw - tạp chí ngành luật ở Hồng Kông, hiện Việt Nam chỉ có khoảng hơn 20 hãng luật (13 hãng nội địa và 8 hãng luật nước ngoài) là có khả năng tư vấn về các lĩnh vực hoạt động cơ bản của doanh nghiệp như tài chính, ngân hàng, nhà đất, xây dựng, sở hữu trí tuệ, viễn thông...

Nguồn nhân lực bổ sung cho đội ngũ luật sư hầu như không thấm tháp gì so với nhu cầu. Văn phòng luật sư Phước & Associates thiết kế phòng ốc cho khoảng 40 luật sư nhưng sau sáu tháng tìm kiếm chỉ tuyển được một nửa chỉ tiêu. Đã vậy, các hãng luật, kể cả hãng luật nước ngoài, còn phải đối mặt với nạn chảy máu chất xám. “Hiện đang có khuynh hướng luật sư của các hãng luật bỏ ra làm luật sư cho các công ty. Họ bỏ đi vì được trả lương cao trong khi áp lực công việc nhẹ hơn”- luật sư Phước nói.

CHUYÊN TRANG NGHỀ LUẬT SƯ VIỆT NAM
"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"
------------------------------------------- 
LUẬT SƯ QUẢN LÝ - HOTLINE: 0938188889