Những luật sư nổi tiếng nhất Việt Nam trước năm 1985 và là những tấm gương sáng đáng học tập của giới luật sư trẻ chúng ta. Xin mời các bạn tham khảo!
1. Luật sư Phan Văn Trường (1876 – 1933)
Ông sang Pháp theo học ngành luật tại Đại học Sorbonne. Ngày 3/6/1922, ông trình luận án tiến sĩ, đề tài Khảo luận về Luật Gia Long, trở thành tiến sĩ luật học đầu tiên của Việt Nam, mở văn phòng luật sư ở Paris.
Ông hoạt động trong nhóm người Việt Nam yêu nước tại Pháp cùng Phan Châu Trinh, Nguyễn Ái Quốc, Nguyễn Thế Truyền. Ông là một trong bốn người ký tên bản “Yêu sách của nhân dân Việt Nam”) năm 1919 với bút hiệu Nguyễn Ái Quốc.
2. Luật sư Trần Văn Chương (1898 – 1986)
Ông sang Pháp học đỗ bằng luật (1922), về hành nghề luật sư tại Bạc Liêu, từng làm luật sư Tòa Thượng thẩm Hà Nội.
Trần Văn Chương được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao của Chính Phủ Trần Trọng Kim năm 1945 sau đó làm bộ trưởng Bộ Kinh tế của Việt Nam Cộng Hòa thời Đệ nhất Cộng hòa. Năm 1954 ông được phái làm đại sứ Việt Nam Cộng hòa tại Mỹ dưới thời Đệ nhất Cộng hòa, là cha của Trần Lệ Xuân.
3. Luật sư Trịnh Đình Thảo (1901-1986)
Ông là Tiến sỹ Luật Khoa, Cử nhân Văn chương, hành nghề luật sư tại Pháp và Việt Nam. Ông từng là Bộ trưởng Bộ Tư pháp của Chính phủ Trần Trọng Kim (1945); nguyên Chủ tịch Liên minh các Lực lượng Dân tộc, Dân chủ và Hòa bình Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam (1969-1976); nguyên Đại biểu Quốc hội
4. Luật sư Nguyễn Mạnh Tường (1909-1997)
Ông là Tiến sĩ Luật, Tiến sĩ văn chương, hành nghề luật sư tại Hà Nội và chiến khu, Chủ tịch Hội đồng Luật sư Hà Nội, Giáo sư về văn chương. Ông bị thất sủng sau khi đọc một tham luận trước một hội nghị của MTTQ Việt Nam.
Luật sư Nguyễn Mạnh Tường kể:
“Ở Hội nghị của Mặt trận Tổ Quốc, họp ở Hà Nội ngày 30 tháng 10 năm 1956, sau khi ông Trường Chinh, thay mặt Đảng Lao động Việt Nam (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam), tự phê bình về các sai lầm đã phạm trong Cải cách ruộng đất, tôi đọc bản tham luận Qua những sai lầm trong Cải cách ruộng đất, xây dựng quan điểm lãnh đạo. Từ góc độ một người hoạt động trong lĩnh vực luật pháp, tôi nói đến một chế độ pháp trị chân chính, một chế độ dân chủ thực sự.
“Đi Hội nghị về, Nguyễn Hữu Đang đến phỏng vấn, rồi viết bài đăng lên báo Nhân văn (của Phong trào Nhân Văn – Giai Phẩm). Tôi như thành một người “phạm pháp quả tang”, bị sa thải khỏi Đại học và không được hành nghề Luật sư nữa. Từ 1957 là thời kỳ đen tối của cuộc đời tôi. Tuy vậy, tôi đã lợi dụng thời gian rảnh rỗi này để viết sách, trong đó có cuốn Lý luận giáo dục châu Âu từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XVIII, tôi cố ý viết bằng tiếng Việt để lãnh đạo có thể đọc được”….
5. Luật sư Phạm Văn Bạch (1910 – 1986)
Ông tốt nghiệp khoa Luật Trường Đại học Lyon-Pháp năm 1936, sau đó hành nghề luật sư, dạy học ở Cần Thơ. Sau 1945, Ông từng giữ các chức vụ: Chủ tịch Ủy ban kháng chiến Hành chánh Nam Bộ, Chánh án tòa án Nhân dân tối cao (1959-1981), Phó chủ tịch Hội Luật gia Dân chủ Quốc tế, Ủy viên chủ tịch đoàn Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
6. Luật sư Nguyễn Hữu Thọ (1910–1996)
Ông học luật tại Pháp và trở về nước năm 1933, hành nghề luật sư tại các tỉnh miền Tây Nam Bộ, ông luôn bảo vệ công lý, bênh vực người dân vô tội trước tòa án thực dân.
Ông từng là Chủ tịch Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng cố vấn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam, Phó Chủ tịch nước, Quyền Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc Hội, Phó Chủ tịch Hội đồng nhà nước khóa VII, VIII, Chủ tịch MTTQ.
7. Luật sư Phan Anh (1912 –1990)
Ông là Luật sư nổi tiếng, nhà chính trị, từng là: bộ trưởng bộ Thanh niên của đế quốc Việt Nam (của Chính phủ Trần Trọng Kim), Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thứ hai của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ Công Thương, Bộ trưởng Bộ Thương nghiệp, Bộ trưởng Bộ Ngoại thương, Phó Chủ tịch Quốc hội Việt Nam.
Năm 1937, ông tốt nghiệp Cử nhân Luật ở vị trí thứ 2. Năm 1938, ông sang Pháp để trình luận án Tiến sĩ Luật, nhưng Thế chiến thứ hai bùng nổ nên ông không kịp bảo vệ luận án và phải về nước năm 1940, hành nghề luật sư tại văn phòng của luật sư Bùi Tường Chiểu.
8. Luật sư Vũ Văn Mẫu (1914-1998)
Ông tốt nghiệp Đại học Luật khoa Paris, Pháp, hành nghề luật tại Hà Nội, là một học giả luật nổi tiếng của Việt Nam Cộng Hòa. Trong chế độ Việt Nam Cộng Hòa, ông đã giữ các chức vụ như: Thượng Nghị sĩ trong Liên danh Hoa Sen, Khối Dân tộc, Bộ trưởng Ngoại giao, Thủ tướng cuối cùng của chế độ này (01 ngày), Thẩm phán Tòa Thượng thẩm Sài Gòn, giáo sư thực thụ Đại học Luật khoa Sài Gòn.
Ông có học vị là Thạc sỹ luật học. Nếu ai đã từng học luật trước năm 1975 thì đều biết là trong ngành luật thì học vị Thạc sỹ Luật cao hơn học vị Tiến sỹ Luật. LS. Mẫu là một trong số rất ít GS luật khoa có học vị này. (Ghi chú: Hiện nay, trong hệ thống giáo dục bậc sau đại học của VN, Cử nhân luật đi học thêm 2 năm thì có bằng Thạc sỹ. Nhưng trước năm 1975, người ta gọi bậc học này là học vị Cao học Luật).
9. Luật sư Thái Văn Lung (1916 – 1946)
Ông là luật sư, đại biểu Quốc hội khóa I.
Ông đỗ Cử nhân Khoa Luật tại Đại học Paris (Pháp). Là là sỹ quan quân đội Pháp trong chiến tranh thế giới thứ 2.
Tháng 3 năm 1945, ông trở về nước làm luật sư tại Tòa thượng thẩm Sài Gòn. Sau CMT8, là chỉ huy bộ đội Việt Minh, bị bắt trong một trận đánh, hy sinh sau khi bị tra tấn. Ông là anh trai của nghệ sĩ piano Thái Thị Liên.
10. Luật sư Nguyễn Phước Đại (hay Nguyễn Thị Quỳnh Anh, (1924-2013).
Bà là một trong các nữ Luật sư có tên tuổi lớn trong Luật sư Tòa Thượng Thẩm Sài gòn từ thập niên 1950 cho đến năm 1975. Ngòai ra bà còn tham gia họat động chính trị với chức vụ sau cùng là Phó Chủ tịch Thượng Nghị Viện của Việt nam Cộng hòa vào hồi cuối thập niên 1960.
Bà từng giữ chức Chủ tịch Trung Tâm Trọng Tài Quốc Tế – Phòng Thương Mại và Công Nghiệp Việt Nam.
11. Luật sư Trần Ngọc Liễng
Luật sư Trần Ngọc Liễng quê ở Vĩnh Long, sinh ra trong một gia đình trung lưu. Sau khi tốt nghiệp tú tài toàn phần, ông học cử nhân luật và làm lục sự Tòa án Sài Gòn. Năm 1950, ông tập sự luật sư và hợp tác với Văn phòng luật sư Nguyễn Hữu Thọ và Nguyễn Lâm Sanh. Năm 1965, ông được chính phủ Việt Nam Cộng hòa bổ nhiệm làm ủy viên Xã hội Chính phủ. Nhận thức được dã tâm xâm lược của đế quốc Mỹ và bản chất tay sai của chính quyền Sài Gòn lúc bấy giờ nên ông đã từ nhiệm vào năm 1966.
Có 0 bình luận cho bài viết này.
Gửi bình luận