Nỗi oan của người cha trong vụ án chấn động nước Mỹ
Trong một ngày, James Richardson mất 7 đứa con cùng lúc, bị khép tội đầu độc con và phải ngồi tù hơn 20 năm trong vụ án oan chấn động nước Mỹ.
Hôm 25/10/1967, do người trông trẻ có việc gia đình đột xuất, vợ chồng James Richardson, 53 tuổi và Annie Mae nhờ hàng xóm, Betsy Reese, trông giúp 7 đứa con. Khi đang làm việc, họ sốc nặng khi nhận được tin, 7 con đã nhập viện vì ngộ độc thức ăn. Khi vợ chồng đến bệnh viện, bác sĩ thông báo, 7 đứa trẻ đều đã không qua khỏi.
Kết quả khám nghiệm cho thấy tất cả đều bị ngộ độc bởi một lượng lớn thuốc trừ sâu. Theo điều tra của cảnh sát, bọn trẻ dùng thức ăn do mẹ chuẩn bị vào buổi trưa hôm đó. Annie cho biết, vì công việc bận rộn nên chuẩn bị bữa sáng và bữa trưa hôm sau cho cả nhà từ tối hôm trước với đậu, gạo và bột yến mạch. Buổi sáng hôm đó, cả nhà dùng một phần cho bữa sáng và phần còn lại để cho bữa trưa.
Khi mọi việc còn chưa ngã ngũ, một nhân viên bảo hiểm gọi điện cho cảnh sát thông báo James đã mua gói bảo hiểm cho các con mình hơn một năm trước. Buổi tối trước hôm xảy ra sự việc, James gọi điện cho anh ta để thỏa thuận một số chính sách bảo hiểm của bọn trẻ.
Nghi ngờ động cơ từ cuộc gọi này, các điều tra viên và pháp y đã khám xét nhà James. Bước vào cửa, họ sững sờ khi ngửi thấy nồng nặc mùi thuốc trừ sâu nhưng lục tung vẫn không thể tìm thấy bất cứ gói thuốc nào.
Cùng lúc, một người đàn ông giấu mặt gọi điện cho cảnh sát, nói nhìn thấy một gói bột màu trắng ở góc nhà kho của nhà James, vì vậy hôm sau cảnh sát đã quay trở lại. Lúc này người hàng xóm Bessie đang trông coi nhà trong khi vợ chồng James lo hậu sự cho các con.
Bà Bessie dẫn hai cảnh sát tới một góc nhà kho có một túi thuốc màu trắng, được xác định là parathion. Đây là loại thuốc trừ sâu cực mạnh có thể gây tử vong chỉ với liều lượng cực nhỏ.
Cảnh sát lấy làm lạ khi mà hôm qua đã kiểm tra nhà kho nhưng không gói thuốc này. Chỉ hai ngày sau cái chết của 7 đứa con, James bị bắt.
Cảnh sát cho biết James đã tỏ hiểu biết về các loại chất độc. Hơn nữa, qua cuộc điện thoại với nhân viên bảo hiểm có thể thấy động cơ của vụ giết người là vì tiền bảo hiểm của bọn trẻ mà anh ta đã mua trước đó.
James khăng khăng vô tội, giải thích gọi điện cho công ty bảo hiểm vì muốn thương lượng về hợp đồng khi mà khả năng tài chính hiện tại không đủ đóng bảo hiểm hằng tháng.
Gia đình, bạn bè người thân đều không tin James đầu độc các con vì tiền bảo hiểm bởi vì anh được nhận xét là người hiền lành, chăm chỉ và luôn tận tuỵ với gia đình.
Luật sư trẻ John Robinson qua báo chí đã rất quan tâm đến vụ án này vì cho rằng những bằng chứng buộc tội chưa thỏa đáng, đã tới nhà đề nghị được làm luật sư bảo vệ cho James. Qua vài lần tiếp xúc với James, John có linh cảm anh ta vô tội.
Đúng lúc này, một tù nhân cùng trại giam với James bỗng nhiên đứng ra làm chứng, nói James đã thú nhận chuyện đã hạ độc con. Với những chứng cứ lỏng lẻo thu thập từ cảnh sát trước đó và lời khai thiếu sức thuyết phục từ tên tù nhân, hôm 31/5/1968, tòa án chỉ mất 84 phút để tuyên James án tử hình về 7 tội danh Giết người.
Sau 5 năm nằm trong danh sách tử tù, đến năm 1972, James được hạ mức phạt xuống còn chung thân.
Luật sư John không đồng ý với bản án và luôn cảm thấy có sự tắc trách nào đó trong việc điều tra. Trước khi James bị đưa đi sau phiên tòa, John đã hứa: "Tôi sẽ đưa anh ra khỏi đây". Quả thực, nhiều năm sau, John vẫn luôn đi tìm những bằng chứng chứng minh người cha này vô tội.
Người đàn ông gọi điện cho cảnh sát báo về bao thuốc trừ sâu sau đó đã chuyển đi nơi khác nên John mất rất nhiều năm để tìm kiếm. Cuối cùng, luật sư cũng tìm ra. Đó là Charles, sống gần nhà James và anh ta cũng không bao giờ tin James là thủ phạm.
Charles kể hôm xảy ra vụ đầu độc ở nhà James đã sang hỏi xem có chuyện gì xảy ra. Bà Bessie cho biết bọn trẻ bị ngộ độc rồi sau đó đã dẫn anh ta tới chỗ nhà kho nơi có gói thuốc và yêu cầu gọi điện nặc danh cho cảnh sát tố cáo James. Bà Bessie đã biết chắc việc bọn trẻ bị ngộ độc trước khi có kết luận từ cảnh sát.
Thông tin của Charles rất có ích nhưng cũng không đủ để yêu cầu một cuộc điều tra lại. Năm 1988, bà Bessie mắc chứng bệnh Alzheimer và trải qua những năm cuối đời sống trong viện dưỡng lão. Tại đây, bà ta thú nhận với nhân viên chăm sóc hơn 100 lần về chuyện đã đầu độc 7 đứa con nhà James nhưng không một ai tin là thật, chỉ tưởng bà bị lẫn.
Luật sư John đã tổ chức một chiến dịch mang tên Tự do cho James Richardson với sự ủng hộ của rất nhiều người và cũng tiếp tục tìm kiếm những bằng chứng chứng minh James không liên quan cái chết của 7 đứa trẻ. John đã nhận được sự ủng hộ của các đồng nghiệp và nhiều người tình nguyện giúp anh tìm tài liệu. Một thời gian ngắn sau chiến dịch, một túi hồ sơ mật bị các nhà điều tra cố tình che giấu đã được công bố.
Trong hồ sơ cho thấy, Bessie là người nóng nảy, có hai đời chồng. Người đầu tiên chết sau khi ăn món canh hầm do vợ chuẩn bị vào năm 1955. Việc này sau đó chỉ được xem như vụ tự tử. Người chồng thứ hai bị bà ta bắn chết. Bessie lĩnh án 20 năm nhưng chỉ thụ án được 4 năm và được ân xá.
Hơn thế, người tình đã bỏ rơi bà ta để đi theo chị gái của James vài tuần trước khi những đứa trẻ bị sát hại. Có thể đây chính là động cơ khiến Bessie sát hại gia đình James.
Bên cạnh đó, tên tù nhân từng làm chứng về thú nhận của James sau nhiều năm đã thừa nhận cố tình vu khống để được hưởng mức án nhẹ hơn.
Với những bằng chứng mới, tháng 2/1989, hội đồng luật sư bảo về quyền lợi cho James đã nộp đơn kháng cáo lên Tòa án Mỹ và được chấp thuận. Ngày 15/12/1989, James được tự do sau hơn 20 năm ngồi tù.
Sau đó, ông khởi kiện do phải sống với nỗi oan ức và sự đau đớn không một ai thấu, tuy nhiên chỉ được bồi thường số tiền rẻ mạt 150.000 USD.
Dù thừa nhận sát hại 7 đứa trẻ, Bessie vẫn không bị kết tội vì bà giờ đây mắc chứng bệnh Alzheimer với tình trạng lú lẫn và lời khai không đủ sức thuyết phục. Bà qua đời tại viện dưỡng lão năm 1993.
Vụ án oan của James là một trong những bê bối lớn nhất của ngành tư pháp Mỹ. Năm 2015, một bộ phim tài liệu được sản xuất mang tên Time Simply Passes- Thời gian sẽ trả lời tất cả, kể câu chuyện về cuộc đời và nỗi oan sai chấn động này.
Hoàng Phong (Theo New York Daily News, History, Morbidology
Có 0 bình luận cho bài viết này.
Gửi bình luận