Điều đáng nói, sau khi vụ án EPCO - Minh Phụng đã hoàn tất xử lý hình sự từ nhiều năm thì hậu vụ án, phần tài sản còn quá nhiều vấn đề phức tạp, tồn tại dai dẳng, liên quan nhiều mảng tài sản phân tán ở các địa phương khiến việc thu hồi, xử lý rất khó khăn.
Ngay từ tháng 8/2006, Văn phòng Chính phủ đã có Thông báo số 4672/VPCP - V1 truyền đạt ý kiến chỉ đạo, của Thủ tướng, sau đó Thứ trưởng Bộ Tư pháp, kiêm Phó trưởng Ban Chỉ đạo Lê Thị Thu Ba đã ra Quyết định số 2046/QĐ-BCĐ triển khai thực hiện.
Theo đó, Ban Chỉ đạo giao tổ công tác thường trực tiến hành kiểm tra những vấn đề liên quan trong vụ án: Kiểm tra việc thi hành phần nghĩa vụ tài sản của Công ty TNHH Hồng Long và việc xử lý các sai phạm đứng tên công ty này để thi hành án trong vụ EPCO - Minh Phụng. Đoàn cũng kiểm tra việc thi hành án đối với Công ty EPCO.
Sau hơn 1 năm thực hiện, Bộ Tư pháp có Báo cáo số 4201/BTP-THA, ngày 4/10/2007 gửi Thủ tướng Chính phủ về tổng kết hoạt động của Ban Chỉ đạo thi hành phần tài sản vụ án EPCO - Minh Phụng. Tuy nhiên, nhiều vấn đề đến nay vẫn phải tiếp tục được xem xét.
- Đây là vụ án lớn nhất, điển hình nhất và phức tạp nhất về thi hành phần tài sản và diễn ra quá lâu. Bộ trưởng đánh giá vụ việc này như thế nào, hiện ông đã nhận bàn giao thực hiện phần tiếp theo của vụ án?
- Ngay từ khi tôi chưa về làm Bộ trưởng Bộ Tư pháp thì Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo thi hành án phần tài sản trong vụ án EPCO Minh Phụng. Khi tôi về, tôi cũng đã nhận bàn giao công tác liên quan của Ban Chỉ đạo và công việc đến nay cơ bản cũng đã hoàn thành.
Bộ Tư pháp đã có báo cáo gửi Chính phủ về việc thực hiện nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự theo chỉ đạo của Thủ tướng. Trên cơ sở báo cáo đó, Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo tiếp theo, sáng nay (9/11) tôi mới nhận được văn bản.
Thủ tướng giao Bộ Tư pháp chủ trì cùng các Bộ, ngành liên quan. Vấn đề là giải quyết những tồn đọng còn lại, nhất là những cái liên quan đến bản án không rõ của TAND tối cao.
Thứ hai là đưa ra những bài học kinh nghiệm trong công tác thi hành án phần dân sự của vụ án hình sự. Tôi đã bàn giao lại cho đồng chí Thứ trưởng phụ trách về thi hành án để triển khai thực hiện.
- Vậy lần này Bộ Tư pháp sẽ tập trung thực hiện những vấn đề gì lớn? Việc tồn đọng liệu có đúng như một số thông tin là quá phức tạp?
- Lần này chủ yếu tổng kết về mặt hành chính, xem hoạt động của Ban Chỉ đạo ở vụ án lớn, tài sản lớn như vậy thì sự phối kết hợp giữa các Bộ, ngành theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và việc thực hiện thành công hay không. Thực tế tồn đọng còn lại không phải cơ bản.
- Theo Bộ trưởng, nguyên nhân dẫn tới việc thi hành quá chậm trễ do đâu?
Theo tôi được biết thì đây là lần đầu tiên có Ban Chỉ đạo của Chính phủ về thi hành án dân sự trong vụ án hình sự lớn như vậy. Từ trước tới nay chưa có Ban Chỉ đạo nào có tính chất tương tự. Các vụ án khác mức độ nhỏ hơn, thứ hai là ở địa bàn tập trung hơn. Còn vụ EPCO Minh Phụng rải ra đất đai, nhà cửa ở nhiều tỉnh phía Nam chứ không chỉ tập trung riêng ở TP Hồ Chí Minh. Vụ án lớn, liên quan rất nhiều ngân hàng, liên quan tài sản Nhà nước...
- Tới đây, để thi hành tốt phần dân sự trong các vụ án hình sự liên quan tài sản lớn như vụ Đề án 112, vụ PMU 18... liệu chúng ta có tính thành lập Ban Chỉ đạo để xử lý dứt điểm?
Các vụ án khác tôi chưa thể nói trước được có Ban Chỉ đạo hay không có Ban Chỉ đạo. Chẳng hạn như vụ Đề án 112 sắp tới còn phải xem xét. Hay vụ PMU 18 đã xét xử một phần, hiện cũng không thấy vấn đề gì cộm để phải thành lập Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự vụ án hình sự này.
Thủ tướng Chính phủ: Phải giải quyết dứt điểm những vướng mắc phát sinh "Giao Bộ Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các Bộ, ngành, địa phương liên quan trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của mình tiếp tục chỉ đạo giải quyết dứt điểm những vướng mắc phát sinh, các vấn đề còn tồn tại trong việc thi hành phần tài sản vụ án EPCO - Minh Phụng, trường hợp vượt quá thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Bộ Tư pháp chủ trì cùng các Bộ, ngành liên quan trên cơ sở tổng kết hoạt động của Ban Chỉ đạo, những nguyên nhân, bài học rút ra, tiếp tục nghiên cứu đề xuất, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan cho phù hợp với thực tế. Đề nghị TAND tối cao, Viện KSND tối cao tiếp tục giải quyết dứt điểm những vấn đề còn tồn tại liên quan đến các quyết định về tài sản trong vụ án EPCO - Minh Phụng hiện còn khiếu nại hoặc tranh chấp". (Văn bản số 6407/VPCP-V1 về báo cáo tổng kết hoạt động của Ban Chỉ đạo thi hành án phần tài sản vụ án EPCO - Minh Phụng, ngày 6/11/2007 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ). Hàng nghìn tỷ đồng thu hồi ra sao? Những nội dung liên quan tài sản trong vụ án đã, đang được Ban Chỉ đạo kiểm tra, làm rõ như việc vi phạm của cơ quan, cá nhân trong việc phân lô, bán nền trái pháp luật tại lô đất 60.000m2 ở TP Vũng Tàu; kiểm tra việc thi hành án tại Công ty Hồng Long (gồm 13 khối tài sản có giá trị do Liên Khui Thìn đầu tư trước đây); Công ty EPCO với 3 lô đất rộng gần 70.000m2 cũng do Liên Khui Thìn đầu tư... Ngoài ra còn nhiều nội dung liên quan thi hành tài sản khác, trong đó có sai phạm tại Phòng Thi hành án TP Hồ Chí Minh. Số tiền của các bị cáo Tăng Minh Phụng, Phạm Nhật Hồng, Liên Khui Thìn, Nguyễn Tấn Phúc, Nguyễn Ngọc Bích phải thi hành chiếm tới hơn 3.300 tỷ đồng, nhưng hiện khó thu hồi. |
Có 0 bình luận cho bài viết này.
Gửi bình luận