Theo dõi thi hành pháp luật tại Singapore

Theo dõi thi hành pháp luật tại Singapore

Thể chế pháp lý
Cộng hòa Singapore (Republic of Singapore) là một quốc đảo nhỏ nằm ở khu vực Đông Nam Á. Singapore là thuộc địa của Anh từ năm 1819, gia nhập Liên bang Malaysia vào năm 1963 và tách ra thành lập quốc gia riêng vào năm 1965. Ngay sau khi độc lập, Singapore đã thông qua Hiến pháp ngày 09/8/1965.
Hệ thống pháp luật của Singapore chịu ảnh hưởng mạnh mẽ pháp luật của Vương quốc Anh nên được xếp vào nhóm các nước thuộc hệ thống thông luật. Tuy nhiên, khác với Vương quốc Anh, Singapore có Hiến pháp thành văn.
Hệ thống pháp luật của Singapore bao gồm:
- Hiến pháp (The Constitution) là đạo luật cơ bản và có hiệu lực pháp lý cao nhất. Các văn bản pháp luật trái với Hiến pháp bị xác định là vô hiệu.
- Luật do Nghị viện ban hành (Acts of Parliament). Luật không được có nội dung mâu thuẫn với Hiến pháp.
- Các văn bản quy phạm dưới luật (Subsidiary Legislation): Thông thường, các luật do Nghị viện ban hành chỉ đề cập những nội dung cơ bản để thực hiện chính sách. Vì vậy, luật cần được cụ thể hóa chi tiết bởi các văn bản quy phạm dưới luật do cơ quan hành pháp ban hành.
- Ngoài ra, pháp luật Singapore áp dụng các loại nguồn luật khác như án lệ, tập quán[1].

Kiểm soát, theo dõi thi hành pháp luật thông qua hoạt động của Tòa án
Quyền tư pháp ở Singapore được thực hiện bởi hệ thống Tòa án bao gồm Tòa án tối cao (Supreme Court) và các Tòa án cấp dưới (Subordinate Courts). Tòa án tối cao gồm hai cấp xét xử là Tòa thượng thẩm (High Court) và Tòa phúc thẩm (Court of Appeal). Các Tòa án cấp dưới gồm nhiều tòa khác nhau như: Tòa án cấp quận (District Courts); Tòa án địa phương (Magistrates’ Courts); Tòa án xét xử các vụ tử vong bất thường (The Coroner’s Court); Tòa án vị thành niên (The Juvenile Court); Tòa án giải quyết các tranh chấp nhỏ (The Small Claims Tribunals). Tòa án cấp quận và Tòa án địa phương có thể được thành lập một số tòa chuyên trách như Tòa án về các vấn đề hình sự (The Criminal Mentions Courts); Tòa án giải quyết các vụ án hình sự và dân sự trong thương mại (The Commercial Civil and Criminal Courts); Tòa án gia đình (The Family Court).
Trong hệ thống Tòa án của Singapore, các Tòa án cấp dưới có vai trò quan trọng. Số lượng các vụ việc được giải quyết tại Tòa án cấp dưới chiếm hơn 95% số vụ việc được giải quyết tại Tòa án của Singapore. Đối với Tòa án tối cao, Tòa thượng thẩm có thẩm quyền xét xử sơ thẩm và phúc thẩm. Tòa thượng thẩm có thẩm quyền phúc thẩm các kháng cáo đối với quyết định, bản án của Tòa án cấp quận và Tòa án địa phương. Tòa phúc thẩm có thẩm quyền xét xử phúc thẩm các bản án và quyết định sơ thẩm của Tòa thượng thẩm.
Để đảm bảo pháp luật được thi hành có hiệu lực và hiệu quả, đặc biệt là Hiến pháp với tính chất đạo luật cơ bản, có hiệu lực pháp lý cao nhất, Tòa án tối cao của Singapore được trao quyền rất lớn trong việc xác định tính hợp hiến của các văn bản quy phạm pháp luật[2]. Ngoài ra, Tòa có thẩm quyền xét xử các khiếu kiện liên quan đến bầu cử Tổng thống và thực hiện vai trò cố vấn theo yêu cầu của Tổng thống về tính hợp hiến của bất kỳ hành vi nào. Trong trường hợp này, yêu cầu của Tổng thống sẽ được xem xét bởi một Tòa Adhoc gồm 03 thẩm phán Tòa án tối cao và kết luận của Tòa được gửi cho Tổng thống trong khoảng thời gian 60 ngày kể từ thời điểm Tổng thống yêu cầu (Điều 100 Hiến pháp Singapore).
Kiểm soát, theo dõi thi hành pháp luật thông qua hoạt động các cơ quan hiến định độc lập
Để kiểm soát, theo dõi công tác nhân sự trong những mảng nhân sự khác nhau của bộ máy hành chính, Singapore thành lập Ủy ban công vụ pháp luật và Ủy ban công vụ. Ủy ban công vụ pháp luật có thẩm quyền về tổ chức nhân sự trong lĩnh vực tư pháp và pháp luật, Ủy ban công vụ phụ trách các lĩnh vực công chức khác trong bộ máy hành chính của Singapore.
Bên cạnh đó, Singapore còn thành lập Cơ quan kiểm toán độc lập gồm 01 cá nhân là Tổng kiểm toán do Tổng thống bổ nhiệm trên cơ sở đề xuất của Thủ tướng và trên cơ sở tham vấn Chủ tịch Ủy ban công vụ. Nhiệm kỳ của Tổng kiểm toán là 06 năm và có thể được tái bổ nhiệm. Tổng kiểm toán có thẩm quyền tiến hành kiểm toán tài khoản của tất cả các cơ quan nhà nước, bao gồm các cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban công vụ, Ủy ban công vụ pháp luật, Tòa án các cấp và Nghị viện (Điều 148F Hiến pháp Singapore).
Kiểm soát, theo dõi thi hành pháp luật thông qua hoạt động của cơ quan nhân quyền quốc gia
Các quyền con người được ghi nhận trong Hiến pháp của Singapore, bao gồm các quyền tự do và các quyền bất khả xâm phạm, các quyền cơ bản trong lĩnh vực chính trị, các quyền cơ bản trong lĩnh vực áp dụng pháp luật và thi hành công lý, các quyền cơ bản trong lĩnh vực kinh tế - xã hội, các quyền cơ bản trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và các quyền của cộng đồng dân cư. Tuy nhiên, Singapore không thành lập thiết chế riêng trong bảo vệ quyền con người mà thực hiện thông qua bộ máy nhà nước.

CHUYÊN TRANG NGHỀ LUẬT SƯ VIỆT NAM
"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"
------------------------------------------- 
LUẬT SƯ QUẢN LÝ - HOTLINE: 0938188889