Trách nhiệm của luật sư bào chữa trong vụ Nguyễn Thanh Chấn?

"Với tư cách là một luật sư, qua theo dõi diễn biến vụ án theo như nội dung báo chí đã đưa tin, tôi xin được đưa ra một số ý kiến phân tích về một góc độ “vai trò, vị trí, chức năng, quyền hạn, nghĩa vụ, trách nhiệm” của luật sư bào chữa trong vụ án ông Nguyễn Thanh Chấn bị kết tội giết người.", luật sư Dương Minh Kiên.

Thứ nhất, tại thời điểm cơ quan tiến hành tố tụng Khởi tố vụ án, khởi tố bị can, truy tố, xét xử sơ thẩm thì vẫn áp dụng các qui định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 1988, đã được sửa đổi bổ sung vào các năm 1990, 1992, 2000. Đến giai đoạn xét xử phúc thẩm vụ án thì Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 mới có hiệu lực thi hành.

Tại điều 29 Bộ luật tố tụng hình sự năm 1988 qui định “Những người sau đây có quyền đề nghị thay đổi người tiến hành tố tụng: Người bào chữa”.

Tại điều 37 Bộ luật tố tụng hình sự năm 1988 qui định:

Người bào chữa có quyền: Có mặt khi hỏi cung bị can và nếu Điều tra viên đồng ý thì được hỏi bị can và có mặt trong những hoạt động điều tra khác; Đề nghị thay đổi người tiến hành tố tụng; Đưa ra chứng cứ và yêu cầu; Gặp bị can, bị cáo đang bị tạm giam; Được đọc hồ sơ vụ án và ghi chép những điều cần thiết khi kết thúc điều tra; Khiếu nại quyết định của cơ quan tiến hành tố tụng”.

Người bào chữa có nghĩa vụ: Sử dụng mọi biện pháp do pháp luật quy định để làm sáng tỏ những tình tiết xác định người bị can, bị cáo; vô tội, những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo; Giúp bị can, bị cáo về mặt pháp lý nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ”.

Thứ hai, theo qui định tại Điểm a Khoản 2 Điều 37 Bộ luật tố tụng hình sự năm 1988 thì trong vụ án này Luật sư sẽ tham gia bào chữa cho ông Chấn từ giai đoạn điều tra.

Theo lời trình bày của ông Chấn (Đã được đăng tải, trích dẫn trên một số báo) thì trong thời gian 10 năm bị giam giữ, có nhiều việc ông Chấn đã quên nhưng riêng việc bị ép cung thì ông Chấn vẫn nhớ, cụ thể ông Chấn trình bày:

Trực tiếp là điều tra viên Nguyễn H.T, còn thì cán bộ khác hỏi. Điều tra viên Trần N.L. tay cầm dao, lăm lăm đe doạ”.

Điều tra viên L. hỏi “Mày có khai không, tao cho mày chết”. Điều tra viên D. thì đánh tôi, bắt tôi tập đi tập lại các động tác từ trong trại giam để đi thực nghiệm tại hiện trường”.

"Ngày 30/8/2003, tôi nhận được giấy mời lần 1 về Công an huyện Việt Yên để gặp và làm việc. Cán bộ công an lấy dấu chân và dấu vân tay của tôi, đồng thời hỏi tôi có biết gì về cái chết của cô Hoan không? Tôi trả lời không biết gì cả. Đến ngày 20/9/2003, tôi lại nhận được giấy triệu tập lần 2 lên làm việc và tiếp tục lấy dấu vân tay, dấu chân nhiều lần. Tôi vẫn trả lời không biết gì về cái chết của cô Hoan cả. Sáng hôm sau, tôi đến theo hẹn thì cán bộ Nguyễn H.T. lại lấy dấu chân, dấu tay của tôi nhiều lần rồi tra hỏi, đánh tôi rất đau”.

“Từ đó, các cán bộ Nguyễn V.D, Ngô Đ.D, Đào V.B, Nguyễn T.T, T, Trần N.L thay nhau túc trực tôi suốt ngày đêm này sang đêm khác không cho tôi về và không cho tôi ngủ, dọa nạt ép buộc bắt tôi”.

“Cán bộ Trần N.L bắt tôi vẽ dao, tôi không vẽ loại dao gì lại bảo cho mày cái búa vào đầu cho mày chết bây giờ vì cán bộ Nguyễn H.T trên tay lúc nào cũng cầm dao hăm dọa ép buộc tôi phải nhận. Tiếp đó, cán bộ Ngô Đ.D đọc và bắt ép tôi viết đơn tự thú ngày 28/9/2003. Thế là đến chiều chuyển tôi về trại Kế - Bắc Giang”.

Cũng trong trại Kế, tôi phải tập đâm bên nọ, đâm bên kia. Họ cho một tù nhân giả làm cô Hoan. Cán bộ còn đưa cho cái thìa, cái lược để làm hung khí. Tập nhiều lần cho thành thạo. Làm đi làm lại để cho đúng ý của họ. Sau đó, họ mượn nhà dân, bắt tôi diễn lại và quay phim”.

Tại phiên tòa sơ thẩm ông Chấn chỉ tay về phía kiểm sát viên Đặng T.V và nói “Ông kia mang hồ sơ sang bắt tôi ký nhưng tôi không ký ông ấy còn định đánh tôi”.

Như vậy, với những tình tiết, diễn biến của vụ án như trên, đặt ra câu hỏi: Tại sao Luật sư bào chữa chưa thực hiện đầy đủ các quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm, lương tâm và đạo đức nghề nghiệp của một người luật sư bào chữa theo đúng qui định của luật?

Nếu luật sư bào chữa có mặt tham gia vào tất cả các lần hỏi cung, có mặt tham gia thực nghiệm điều tra, có mặt trực tiếp tham gia trong toàn bộ những hoạt động điều tra khác, thì vụ án có thể việc điều tra viên ép cung, nhục hình, dọa nạt …. (nếu có theo lời ông Chấn) sẽ không thể sảy ra.

Luật sư Nguyễn Đức Bền (phải), người bào chữa cho ông Nguyễn Thanh Chấn

Tại sao ngay trong giai đoạn điều tra hoặc tối thiểu là sau khi có bản kết luận điều tra thì luật sư bào chữa không vào Trại tạm giam gặp ông Chấn làm việc để “làm sáng tỏ những tình tiết xác định ông Chấn vô tội và giúp ông Chấn về mặt pháp lý nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho ông Chấn” ?.

Nếu như ngay sau khi có kết luận điều tra, luật sư bào chữa chủ động gặp và yêu cầu ông Chấn viết bản tường trình nêu rõ đích danh điều tra viên nào đã ép cung, điều tra viên nào đã đánh hoặc dọa đánh, điều tra viên nào đã đọc và bắt ông Chấn phải viết bản tự thú và viết thư gửi về cho vợ ? Ai là người bắt ông Chấn hàng ngày phải diễn tập thành thục trước về hành vi giết người cùng với một người ở tù đóng vai cô Hoan với mục đích để phục vụ cho công việc thực nghiệm điều tra …?

Trên cơ sở những chứng cứ đã thu thập được, luật sư bào chữa cần phải có ngay văn bản để khiếu nại, phải nêu rõ những điểm mâu thuẫn theo nội dung tường trình của ông Chấn, đưa ra ý kiến khiếu nại cụ thể, trích dẫn cụ thể qui định của pháp luật, yêu cầu Viện kiểm sát, Tòa án phải xem xét, giải quyết, trả lời.

Nếu luật sư bào chữa làm được như vậy thì có lẽ ngay ở giai đoạn truy tố và xét xử sơ thẩm, cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng sẽ cẩn trọng hơn rất nhiều. Nếu ý kiến kiến khiếu nại, những căn cứ, lập luận của luật sư bào chữa có tính thuyết phục, thì có thể cơ quan viện kiểm sát và tòa án sẽ xem xét, giải quyết, trả lời theo đúng qui định của pháp luật, cũng có thể cơ quan tòa án sẽ trả hồ sơ vụ án yêu cầu điều tra lại để làm rõ những mẫu thuẫn mà luật sư đã khiếu nại. Và có thể khi điều tra lại thì các tình tiết và sự thật của vụ án sẽ được sáng tỏ ngay tại thời điểm đó.

Qua vụ án này, một lần nữa khẳng định thêm tính chất, vai trò, chức năng, nghĩa vụ của luật sư là rất cẩn thiết trong việc “làm sáng tỏ những tình tiết xác định ông bị can, bị cáo vô tội và giúp bị can, bị cáo về mặt pháp lý nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho họ”. Đồng thời, khi xác định đúng chức năng và nhiệm vụ của mình thì luật sư cũng cần phải phát huy hơn nữa, thực hiện tốt hơn nữa nghĩa vụ và trách nhiệm của mình, cùng với cơ quan tiến hành tố tụng xác định sự thật khách quan của vụ án.

Luật sư Dương Minh Kiên (Đoàn luật sư tỉnh Bắc Giang)

CHUYÊN TRANG NGHỀ LUẬT SƯ VIỆT NAM
"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"
------------------------------------------- 
LUẬT SƯ QUẢN LÝ - HOTLINE: 0938188889