Ông Kiên cho hay: Sau câu chuyện nhiều thành viên của MB24 có đơn cầu cứu cơ quan chức năng được đăng tải trên mạng điện tử vì phải gánh nợ hàng chục triệu đồng mua các gian hàng của MB24. Đồng thời hàng loạt ý kiến, trong đó có nhiều chuyên gia kinh tế, pháp luật, luật sư đã phản biện xung quanh vấn đề này. Câu hỏi chủ yếu được đặt ra là tính pháp lý của hoạt động kinh doanh kiểu mô hình công ty MB24, hình thức kinh doanh của MB24 là thương mại điện tử hay bán hàng đa cấp, cũng như khả năng thu hồi vốn của các thành viên.
Theo Thông tư 46/2010 của Bộ Công Thương, sàn giao dịch thương mại điện tử được định nghĩa là: “Mô hình có nhiều người mua, nhiều người bán tham gia trên một không gian chung - là website thuộc sở hữu và quản lý của một thương nhân hoặc tổ chức”.
Quan trọng nhất về mặt pháp lý, các sàn giao dịch này phải tiến hành đăng ký với Bộ Công Thương và được cơ quan chức năng xác nhận - điều mà MB24 chưa có, chưa được cấp phép. Đại diện Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin, Bộ Công Thương cũng cho biết cơ quan này không thừa nhận MB24 là sàn giao dịch thương mại điện tử.
Trong khi đó, theo Điều 3 - Luật Cạnh tranh 2005: Bán hàng đa cấp được xác định là việc bán lẻ hàng hóa thông qua mạng lưới người tham gia gồm nhiều cấp, nhiều nhánh khác nhau. Hàng hóa được tiếp thị trực tiếp cho người tiêu dùng nhưng không phải tại địa điểm bán lẻ thường xuyên của doanh nghiệp hoặc của người tham gia. Người tham gia bán hàng đa cấp sẽ được hưởng tiền hoa hồng, tiền thưởng hoặc lợi ích kinh tế khác từ kết quả tiếp thị bán hàng và của người tham gia cấp dưới trong mạng lưới do mình tổ chức.
Trong trường hợp của Công ty cổ phần Đào tạo mua bán trực tuyến MB24, doanh nghiệp này đã đăng ký với Bộ Thông tin và Truyền thông để thành lập website. Nhưng loại hàng hóa trên đó chưa qua Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin, Bộ Công Thương cấp đăng ký nên không được phép mua bán. Hàng hóa đều phải đăng ký mới được phép bán. Dù cho thuê hay bán gian hàng đó cũng phải là những tài sản thuộc sở hữu của cá nhân, tổ chức được Nhà nước công nhận. Không thể bán cái mà không thuộc quyền sở hữu, không được cấp phép. Việc một website lập ra, được phép giao dịch mua bán chỉ là phương tiện để trao đổi hàng hóa. Còn sản phẩm trên đó, dù vô hình hay hữu hình, muốn bán phải được sự cấp đăng ký của cơ quan có thẩm quyền.
Hoạt động kinh doanh của MB24 có biểu hiện không phù hợp với quy định hiện hành. Điều 9 Luật Doanh nghiệp quy định đơn vị kinh doanh phải hoạt động đúng với lĩnh vực đăng ký, chịu trách nhiệm hàng hóa bán ra, mô hình kinh doanh này là đa cấp biến tướng. Bởi thương mại đa cấp thông thường là phân phối sản phẩm, còn hoạt động của MB24 chủ yếu bán gian hàng điện tử.
Tuy nhiên, MB24 vẫn hoạt động, vẫn tổ chức các lớp đào tạo thành viên, các buổi lễ tôn vinh những thành viên có thành tích mở rộng mạng lưới với sự tham gia của hàng trăm người, và phát triển lan rộng đến nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước.
Mô hình kinh doanh theo kiểu đa cấp này chỉ lấy tiền cấp dưới nuôi người cấp trên chứ không tạo ra giá trị gì. Bằng chứng là thông tin trên sàn rất sơ sài, thành viên chỉ tập trung lôi kéo người khác tham gia để gỡ vốn bằng tiền hoa hồng.
Theo nguồn tin từ Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin, hiện có trên 20 website hoạt động theo mô hình đa cấp. Tuy nhiên, không phải bất cứ doanh nghiệp nào kinh doanh phương thức đa cấp đều có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Cơ quan này đang hoàn thiện Nghị định Luật Thương mại điện tử để điều chỉnh trong thời gian tới.
Theo quan điểm của cơ quan này, MB24 đây là một mô hình kinh doanh phức hợp, không phải sàn giao dịch thương mại điện tử.
Theo Điều 48 - Luật Cạnh tranh, doanh nghiệp bán hàng đa cấp bị cấm thực hiện các hành vi:
(i) Yêu cầu người muốn tham gia phải đặt cọc, mua một số lượng hàng hoá ban đầu hoặc phải trả một khoản tiền để được quyền tham gia mạng lưới.
(ii) Không cam kết mua lại với mức giá ít nhất là 90% giá hàng hóa đã bán cho người tham gia để bán lại.
(iii) Cho người tham gia nhận tiền hoa hồng, tiền thưởng, lợi ích kinh tế khác chủ yếu từ việc dụ dỗ người khác tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp.
(iv) Cung cấp thông tin gian dối về lợi ích của việc tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp, thông tin sai lệch về tính chất, công dụng của hàng.
Theo quan điểm của cơ quan này, đây là một mô hình kinh doanh phức hợp, không phải sàn giao dịch thương mại điện tử.
Sàn giao dịch thương mại điện tử như một cái chợ, tức là có hàng hóa, dịch vụ, người mua, người bán... Trong khi đó, bản chất của các công ty hoạt động theo mô hình như MB24 chỉ chú trọng phát triển mạng lưới, lôi kéo thành viên bằng tiền hoa hồng chứ không tạo được giá trị cho mua bán online nói riêng và xã hội nói chung.
Thực tiễn thương mại điện tử luôn phát triển rất nhanh, có mô hình hiệu quả, có cái không. Luật quy định vừa phải đón đầu, vừa phải điều chỉnh theo hướng có ích cho xã hội và cộng đồng.
Song trước mắt, để tránh “tiền mất tật mang” khi gia nhập vào các mô hình thương mại điện tử đa cấp, người dân cần tỉnh táo, tìm hiểu cặn kẽ thông tin trước khi quyết định. Đơn cử, khi mua bán online hay offline, khách hàng cũng phải nhận được hóa đơn, hợp đồng. Trong đó, trước khi đặt bút ký, người mua nên đọc kỹ điều khoản trả lại gian hàng, quy định kinh doanh, quyền lợi và nghĩa vụ như thế nào..., tuyệt đối không thể trao 5,2 triệu đồng cho người khác mà không nhận lại giấy tờ gì.
Chúng tôi được biết, một nguồn tin từ VECOM cho biết, từ chiều 23/7/2012, Ban chấp hành Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) đã họp và thống nhất chấm dứt tư cách thành viên của Muaban24 (hay còn gọi là MB24) sau gần một năm theo sát hoạt động của công ty này cũng như tham khảo ý kiến của các bên. Thực tế luật pháp hiện hành chưa có quy định về kiểu kinh doanh mở gian hàng online bằng cách thu phí phí thành viên rồi cho thành viên hưởng hoa hồng nếu mời gọi thêm người khác tham gia. Vì thế, Hiệp hội chưa thể đưa ra kết luận hoạt động của MB24 có vi phạm pháp luật hay không.
Quyết định do Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) Lê Danh Vĩnh ký ban hành và công bố vào ngày 25/7/2012. Lý do được đưa ra là hoạt động kinh doanh của công ty thông qua website muaban24 gây tổn hại tới uy tín và vi phạm điều lệ của Hiệp hội.
Trong cuộc trao đổi với PV hồi tháng 5/2012, Chủ tịch Hiệp hội TMĐT (VECOM) Lê Danh Vĩnh - nguyên Thứ trưởng Bộ Công thương, người có nhiều đóng góp cho sự phát triển TMĐT tại Việt Nam - cho biết: Khi còn làm Thứ Trưởng Bộ Công thương, tôi có nghe được thông tin này kia về hoạt động kinh doanh của sàn thương mại điện tử muaban24. Tôi có giao cho Cục Quản lý cạnh tranh làm việc với sàn muaban24. Tôi cũng khuyên sàn muaban24 làm việc với cơ quan quản lý về mặt nhà nước hoạt động bán hàng đa cấp tại Việt nam. Mỗi hoạt động kinh doanh đều có những thế mạnh và hạn chế nhất định. Dựa theo luật cạnh tranh, hoạt động bán hàng đa cấp là loại hình kinh doanh nhà nước không cấm. Vấn đề là hoạt động này cần được quản lý để không tổn hại quyền lợi của người tiêu dùng. Nếu hoạt động kinh doanh có hành vi sai phạm cần phải đưa ra chứng cứ để Cục Quản lý cạnh tranh dựa trên các điều luật mới có thể đưa ra được kết luận chính thức…”. Theo tìm hiểu của PV Dân trí, đến nay, mặc dù xưng danh “sàn thương mại điện tử” đã hơn một năm, Muaban24 chưa hề được cấp phép, đăng ký TMĐT. Để làm rõ thêm quy định trong lĩnh vực này, PV đã trao đổi với ông Nguyễn Văn Phi - Giám đốc Công ty Luật SPVN (Hà Nội). Ông Phi cho biết: Theo quy định tại Điều 10 tại Thông tư số 46/2010/TT-BCT ngày 31/12/2010, quy định trách nhiệm của thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ sàn giao dịch TMĐT: “Thương nhân phải có trách nhiệm đăng ký cung cấp dịch vụ sàn giao dịch TMĐT theo quy định của pháp luật”. |
Vũ Văn Tiến - Hồng Kỹ (ghi)
Có 0 bình luận cho bài viết này.
Gửi bình luận