Vì sao ông Trần Bắc Hà bị bắt?

Vì sao ông Trần Bắc Hà bị bắt?

Cựu Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đầu tư Phát triển Việt Nam (BIDV) Trần Bắc Hà vừa bị khởi tố và bắt tạm giam vì liên quan đến vụ án “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng” xảy ra tại Ngân hàng BIDV. Kết cục trên của người từng được xem là “linh hồn” của BIDV bắt nguồn từ một dự án ở Hà Tĩnh…

Tháng 6/2018, ông Đinh Văn Dũng, nguyên Tổng Giám đốc CTCP chăn nuôi Bình Hà (Công ty Bình Hà) bị Công an tỉnh Hà Tĩnh khởi tố bị can, bắt tạm giam với tội danh “Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản”.

Công ty Bình Hà là chủ đầu tư dự án chăn nuôi bò giống và bò thịt lớn nhất tại Hà Tĩnh. Dự án được tỉnh Hà Tĩnh chấp thuận chủ trương đầu tư tại Quyết định số 1300 năm 2015, tổng mức đầu tư hơn 4.500 tỷ đồng, quy mô 254.200 con bò/năm, được triển khai trên diện tích 2.163,5ha ở 2 huyện Cẩm Xuyên và Kỳ Anh.

Tuy nhiên, sau 3 năm đi vào hoạt động, dự án này đã không mang lại hiệu quả, nhiều hạng mục chăn nuôi trong khu vực bị bỏ hoang. Hiện số lượng chăn nuôi tại trang trại chỉ còn khoảng 800 con bò thịt và bò nái (tương đương 0,3% số lượng bò dự kiến).

Dự án đã từng được kỳ vọng sẽ tạo ra động lực tăng trưởng cho kinh tế địa phương. Nhưng khi đi vào hoạt động, dự án đã gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân. Đặc biệt, dự án không hiệu quả, đứng trước nguy cơ thất bại hoàn toàn, để lại nhiều hệ lụy.

Lãnh đạo địa phương cho rằng dự án triển khai vội vã, áp đặt, thiếu tính toán dẫn đến thua lỗ, thất bại. Cũng theo vị lãnh đạo này thì: “Trong quá trình triển khai giải phóng mặt bằng, chúng tôi liên tiếp nhận được văn bản đốc thúc tiến độ từ tỉnh, nếu không hoàn thành sẽ bị kỷ luật”.

Từ việc bắt giam ông Dũng, cơ quan điều tra đã lần ra những sai phạm liên quan đến ông Hà cùng những cựu lãnh đạo BIDV tại dự án trên. Theo nguồn tin của chúng tôi, để triển khai dự án này, ông Hà khi còn làm Chủ tịch BIDV đã ủng hộ khá mạnh cả về công sức lẫn tiền bạc cho Bình Hà.

Ngày 15/1/2016, BIDV kết hợp với Công ty Bình Hà đã khánh thành giai đoạn 1 dự án chăn nuôi bò giống và bò thịt tại Hà Tĩnh. Trong đó, BIDV chấp thuận cho vay 3.162 tỷ đồng. Dự kiến, quy mô vốn tín dụng dài hạn BIDV dành cho dự án là 2.190 tỷ đồng, vay ngắn hạn để nhập khẩu bò giai đoạn 1 và 2 là 970 tỷ đồng.

Đến đầu năm 2016, BIDV đã giải ngân 810 tỷ đồng, trong đó vốn dài hạn đạt 492 tỷ đồng để thực hiện xây dựng dự án, cho vay ngắn hạn 318 tỷ đồng để thực hiện nhập khẩu bò, thuốc thú y, thức ăn… Cũng trong ngày 15/1/2016, tại Hà Tĩnh, BIDV đã tổ chức tọa đàm “Phát triển công nghiệp chăn nuôi bò”. Tại hội thảo này, Chủ tịch BIDV Trần Bắc Hà cho biết đã ban hành gói tín dụng với quy mô ban đầu đến 1 tỷ USD nhằm hỗ trợ ngành đổi mới công nghệ, gia tăng quy mô và tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến.

Khi bắt đầu dự án, Công ty Bình Hà quảng bá là đã khảo sát, nghiên cứu kỹ các điều kiện, bảo đảm tính khả thi của dự án. Tuy nhiên, đến nay, dù đã đầu tư đến gần 2.000 tỷ đồng, nhưng nguy cơ thất bại, bế tắc của dự án đã hiện ra khá rõ. Điều này đồng nghĩa với vốn vay BIDV của dự án trên đang rơi vào diện nợ xấu, khó đòi.

Trên thực tế, dự án này gần như bỏ hoang và đang ngưng trệ sau vụ bắt giam Tổng Giám đốc Đinh Văn Dũng. Thời điểm này ông Kiều Đình Hòa đang là Giám đốc BIDV Hà Tĩnh và rất tích cực thực hiện chỉ đạo cung cấp vốn cho dự án Bình Hà và đó cũng là nguyên nhân đẩy ông Hòa “chung xuồng” cùng dính vào vụ án trên với ông Trần Bắc Hà.

Năm 2015, tỉnh Bình Định cũng đã chấp thuận chủ trương đầu tư cho Công ty Bình Hà triển khai dự án chăn nuôi bò thịt với tổng mức đầu tư lên tới 3.600 tỷ đồng, trên diện tích 5.000ha. Tuy nhiên, đến nay dự án chưa triển khai trong thực tế. Bình Định là địa phương kết nghĩa với Hà Tĩnh và là quê của ông Trần Bắc Hà. Đây được xem là điều may mắn, nếu cứ bất chấp triển khai thì có lẽ hậu quả sẽ còn nghiêm trọng hơn nữa với địa phương và cả BIDV.

Không chỉ dính vào dự án Bình Hà, ông Trần Bắc Hà còn liên quan đến nhiều vụ việc. Khi thi hành kỷ luật khai trừ Đảng đối với ông Hà, Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho biết ông đã “vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc, có biểu hiện áp đặt, thiếu dân chủ trong chỉ đạo, điều hành; vi phạm nghị quyết của Ban Thường vụ Đảng ủy về nghĩa vụ, trách nhiệm của người giữ chức vụ trong hệ thống BIDV; vi phạm quy trình, thủ tục, thẩm quyền, quy định về tín dụng trong việc phê duyệt chủ trương, quyết định một số khoản cho vay, bảo lãnh, đầu tư, quản lý nợ, trong đó có việc phê duyệt chủ trương cho vay 4.700 tỷ đồng đối với 12 công ty liên quan đến vụ án xảy ra tại VNCB”.

Ông Hà và đồng sự còn sai phạm nào nữa không thì cơ quan điều tra sẽ làm rõ, nhưng những gì mà người từng được xem có công rất lớn đưa BIDV vào hàng “tứ đại gia” của ngành ngân hàng đang phải chịu là bài học đáng suy ngẫm không chỉ riêng cho người trong ngành. Thiết nghĩ khi kỷ cương phép nước ngày càng được siết chặt và được tuân thủ nghiêm ngặt hơn thì chuyện tương tự sẽ khó tồn tại. Đây cũng là bài học cần thiết cho cả lãnh đạo doanh nghiệp lẫn quan chức Nhà nước.

( NGHỀ LUẬT SƯ -  Phan Nguyễn NGƯỜI TIÊU DÙNG)

CHUYÊN TRANG NGHỀ LUẬT SƯ VIỆT NAM
"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"
------------------------------------------- 
LUẬT SƯ QUẢN LÝ - HOTLINE: 0938188889