Chuyên gia phân tích động cơ gây án

(PL&XH) -Vụ thảm án xảy ra vào rạng sáng ngày 7-7, tại trụ sở Cty chế biến gỗ Quốc Anh, xã Minh Hưng, Huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước khiến 6 người trong một gia đình cùng bị sát hại khiến nhiều người căm phẫn trước sự tàn bạo, và mong hung thủ sớm sa lưới để bị pháp luật trừng trị. Mục đích của hung thủ liệu có phải là “cướp của giết người”? Điều gì khiến chúng có thể xuống tay tàn bạo đến mức ấy, là những câu hỏi mà dư luận muốn có lời giải đáp.

 

Thủ đoạn phạm tội tàn bạo…

Trao đổi với PV báo PL&XH xung quanh vụ thảm án nói trên, TS. Phạm Thành Hương, Trưởng khoa Luật Học viện ANND nhận định: Chỉ trong một thời gian ngắn liên tiếp những vụ trọng án xảy ra, mà hung thủ cùng lúc sát hại nhiều người trong gia đình nạn nhân, ở những địa phương khác nhau cho thấy tình hình tội phạm hiện nay gây án với thủ đoạn rất manh động.

Về nguyên nhân sâu xa dẫn đến hiện tượng trên theo TS. Phạm Thành Hương, có mấy vấn đề để lý giải như sau: 
Thứ nhất, quá trình bùng nổ thông tin, đặc biệt là mạng internet hiện nay, không ít người bị tiêm nhiễm những thói hư tật xấu, nhiều khi những hình ảnh bạo lực, những thủ đoạn phạm tội tinh vi được “phổ biến” lan tràn trên phim ảnh, mạng xã hội…

Thứ hai, một bộ phận người trong xã hội hiện nay có tâm lý cực đoan nghĩ rằng có tiền là giải quyết được mọi vấn đề, thậm chí coi giá trị của đồng tiền hơn tính mạng của con người. Điều này lý giải vì sao thời gian gần đây cơ quan điều tra cũng phanh phui ra nhiều vụ phạm tội giết người, xuất phát từ những mâu thuẫn trong kinh doanh. 

Thứ ba, sự tha hóa về đạo đức lối sống của một bộ phận người, đặc biệt là những người trẻ trong xã hội cũng là vấn đề rất đáng báo động. 

“Ở góc độ tâm lý tội phạm trong vụ trọng án sát hại 6 thành viên trong một gia đình ở Bình Phước xảy ra ngày 7 – 7 vừa qua, cho thấy hung thủ quyết tâm thực hiện hành vi tội ác đến cùng, mục đích có thể là giết người diệt khẩu, chứ không đơn giản như các án mạng thông thường” – TS. Phạm Thành Hương đánh giá.   

Hiện tại vụ án này cũng có nhiều giả thuyết được đưa ra, về số lượng đối tượng, đặc điểm đối tượng, về thủ đoạn và cách thức gây án, về “trình độ” của đối tượng, về mối quan hệ của đối tượng đối với gia đình nạn nhân… Nhưng theo TS. Phạm Thành Hương, khả năng nạn nhân bị sát hại do thù tức trong kinh doanh nhiều hơn các khả năng còn lại.  

“Nhiều khả năng hung thủ của vụ trọng án này là một nhóm người (ít nhất 2 đối tượng), có quen biết với gia đình nạn nhân. Có thể do xuất phát từ mâu thuẫn trong việc kinh doanh, mà kẻ chủ mưu đứng sau tội ác này thuê những tên sát thủ rất chuyên nghiệp đến nhà nạn nhân gây án, theo kiểu thanh toán đối thủ làm ăn. Tất nhiên cũng không thể loại trừ khả năng mục đích của hung thủ chỉ là giết người cướp của” – TS. Phạm Thành Hương nói.  

Đánh giá về mức độ nguy hiểm của hung thủ trong vụ án này, TS. Phạm Thành Hương nhận định, vụ án này đã cho thấy “trình độ” của nhóm sát thủ rất chuyên nghiệp trong gây án. 

“Cụ thể, chúng đã chuẩn bị công cụ và phương tiện gây án, dây trói, hung khí; chọn thời điểm gây án vào lúc đêm khuya; vô hiệu hóa camera quan sát; ngôi biệt thự xảy ra vụ án rất kiên cố, kín cổng cao tường, cũng bị chúng dễ dàng đột nhập; hẳn là chúng cũng đã bỏ nhiều thời gian nghiên cứu nắm vững quy luật sinh hoạt của gia đình nạn nhân, để lúc ra tay thì… đảm bảo nạn nhân không còn cơ hội thoát hiểm. Hơn nữa, một số dấu vết ở hiện trường cũng cho thấy hung thủ trong vụ trọng án này là đối tượng rất có kinh nghiệm đối phó với cơ quan điều tra. Trước khi gây án, hung thủ có sự chuẩn bị kỹ càng về công cụ phương tiện, và cả cách xóa dấu vết, tẩu thoát khỏi hiện trường sau khi gây án” – TS. Phạm Thành Hương nói. 

 Thế nhưng, với sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng CA, chắc chắn rằng hung thủ sẽ sớm sa lưới và bị trừng trị trước pháp luật, để răn đe ngăn ngừa tội phạm. Và câu trả lời chính xác nhất để giải tỏa những nghi vấn quanh vụ án này, chỉ có thể được đưa ra khi hung thủ sa lưới.

Lực lượng chức năng đang tích cực điều tra truy bắt hung thủ gây ra vụ thảm án tại Bình Phước khiến 
6 nạn nhân trong một gia đình thiệt mạng.     Ảnh tư liệu

Giải pháp nào để ngăn ngừa tội ác?

Hàng loạt những vụ trọng án xảy ra trong thời gian gần đây mà nạn nhân đều là những người trong gia đình cùng lúc bị sát hại. Nhìn nhận hiện tượng trên ở góc độ xã hội học, TS. Lê Quý Đức, nguyên Phó viện trưởng Viện Văn hóa và phát triển cho rằng: “Rõ ràng ở các vụ trọng án mà có tới 5 đến 6 nạn nhân trong một gia đình (gồm có cả những nạn nhân là trẻ em) đều bị sát hại, chứng tỏ rằng nhân tính và đạo đức của những kẻ gây tội ác trong các vụ thảm án kiểu này, đã bị tha hóa nghiêm trọng, thậm chí không còn gì để cứu vãn. 

Theo TS. Lê Quý Đức, trong mỗi con người luôn có hung tính tiềm ẩn, nếu không biết cách kiềm chế thì hung tính trỗi dậy, lại nhiễm những thói hư tật xấu lây lan trong xã hội thì những hành vi mang tính bản năng, trong một thời điểm nào đó sẽ trở nên tàn bạo khó lường.

 Sự tha hóa về đạo đức, về nhân cách con người như trên, bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, có thể do những bức xúc trong xã hội; do kinh tế thị trường; do ảnh hưởng của lối sống từ bên ngoài tác động vào. 

 Về yếu tố kinh tế thị trường, TS. Lê Quý Đức lý giải, có thể xuất phát từ sự thèm khát về mặt vật chất, thấy người khác có điều kiện mà mình không có, dẫn đến tâm lý “ghen tức” rắp tâm chiếm đoạt một cách phi pháp những thứ không phải của mình; hoặc nghĩ cách làm giàu bằng những trò xảo trá, bất lương, buôn gian bán lậu; cờ bạc; đề đóm… dẫn đến lao vào vòng xoáy tha hóa nhân cách, hoặc bị áp lực nợ nần dẫn đến nhắm mắt làm liều. 

“Mỗi hiện tượng giết người một cách không ghê tay, dã man như vậy cũng có thể do nhiều nguyên nhân. Nhưng ở đây cũng cho thấy cả sự bức xúc, có thể xuất phát từ tâm lý cực đoan. Cộng với suy nghĩ sai lầm cho rằng, sau khi gây án xóa sạch dấu vết thì… không lo bị trừng trị.  Ngoài ra, một số người có tâm lý thích sử dụng “luật rừng” hoặc dùng sức mạnh bản năng để giải quyết những mâu thuẫn, những vấn đề nảy sinh trong cuộc sống.” – TS. Lê Quý Đức phân tích. 

Giải pháp để ngăn ngừa, TS. Lê Quý Đức cho rằng, bao gồm tổng hòa các giải pháp. Nhưng quan trọng nhất trật tự xã hội được duy trì bởi hai giá đỡ, thứ nhất là về mặt đạo đức và thứ hai là về mặt pháp luật. 

Về đạo đức phải giáo dục con người (ngay từ khi còn nhỏ) để họ có lòng nhân ái, chan hòa biết chia sẻ yêu thương, ngăn chặn điều ác. Còn pháp luật phải nghiêm minh hơn nữa trong việc trừng trị đích đáng cái ác, bảo vệ người lương thiện. Ngoài ra yếu tố kinh tế cũng là yếu tố quan trọng, bởi đời sống kinh tế của người dân được nâng cao, thì đời sống tinh thần cũng theo đó mà phát triển. 

Theo TS. Lê Quý Đức: “Trong xã hội ngày xưa người ta cũng lấy tôn giáo để ngăn cản thói độc ác của con người, bởi tôn giáo luôn dạy con người hướng thiện - nếu làm điều ác có thể che giấu được mọi người nhưng không thể che giấu được thánh thần. Vì thế hung tính của con người cũng bị nén xuống. Nhưng trong xã hội ngày nay, không ít người có lối suy nghĩ và lối sống duy vật một cách cực đoan, không tin vào sự nhân quả báo ứng. Nên sẵn sàng làm bất cứ việc gì, mà không nghĩ đến lúc phải trả giá, bị trừng trị”

Sỹ Hào(lược ghi

CHUYÊN TRANG NGHỀ LUẬT SƯ VIỆT NAM
"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"
------------------------------------------- 
LUẬT SƯ QUẢN LÝ - HOTLINE: 0938188889