Luật sư VN có thể kiếm tới 300 USD/giờ

 

Ngoài dịch vụ truyền thống là tranh tụng, vài năm gần đây, cùng với xu thế hội nhập, dịch vụ tư vấn pháp luật (tư vấn chính sách pháp luật, đầu tư, tài chính, mua bán sáp nhập doanh nghiệp…)  đang phát triển nhanh và rất có giá..

 

Không có khung giá chung cho các dịch vụ tư vấn pháp luật. Pháp luật cho phép khách hàng và luật sư thỏa thuận tùy vào mức độ khó dễ của vụ việc và danh tiếng của hãng luật  hay luật sư được chọn. Chỉ có điều, mức phí này không hề rẻ.

 

Chọn tư vấn theo giờ, khách hàng sẽ thiệt

 
 

 

Theo thống kê, thương hiệu của luật sư hay hãng luật chiếm từ 10-20% mức thù lao theo giờ. Hiện mức thù lao theo giờ của luật sư tại các chi nhánh, hãng luật nước ngoài ở Việt Nam xê dịch từ 250-500 USD/giờ. Ðối với luật sư Việt Nam ở các hãng luật trong nước, mức thù lao theo giờ chênh lệch từ 100-300 USD/giờ.

 

Ca sỹ Phương Thanh trao đổi với luật sư của mình và với luật sư bên bị tại phiên tòa sơ thẩm vụ kiện blog Cô gái đồ long.  Ảnh VNN

 

Luật sư Mai Thu (Đoàn luật sư Hà Nội), cho biết thù lao theo giờ được khối doanh nghiệp ưa dùng. Lĩnh vực thường được yêu cầu là tư vấn đầu tư, kinh tế, thương mại... Khách hàng thường đến yêu cầu trực tiếp và thỏa thuận phí tư vấn sơ bộ, sau đó mới quyết định có thuê hay không.

 

Phí trung bình ở các công ty luật quy mô nhỏ chưa có tiếng tăm cũng ở mức 30 USD/giờ. Những công ty có danh tiếng một chút như Công ty luật Denco hay Phạm và Liên Danh, Luật Gia phạm..., mức phí lên tới 150 đến 300 USD/giờ tùy theo mức độ phức tạp của vụ việc.

 

Theo luật sư Hữu Phước (VP Luật sư Phước và Cộng sự), cách tính thù lao luật sư theo giờ hiện cách tính phổ biến nhất đối với các hãng luật nước ngoài có trụ sở ở Việt Nam. Khách hàng nước ngoài cũng quen với cách tính này.

 

Tuy nhiên, cách tính này lại gây bất lợi cho khách hàng vì họ không thể kiểm soát được số tiền phải trả cho luật sư. Thậm chí, một số khách hàng còn lo ngại rằng, luật sư sẽ kéo dài thời gian cung cấp dịch vụ để tính thù lao cho vụ việc.

 

Tư vấn theo giờ mà giá cao thì khách hàng khó lòng chịu nổi. Nhưng có khi giá thấp, dân lại bảo rẻ thế chắc không ra gì. Trong mọi trường hợp, tư vấn trọn gói là lợi nhất. Bởi khách hàng dễ hình dung ra toàn bộ chi phí phải trả cho vụ việc đó và không lo chi phí bị đội lên do việc tính phí theo giờ, luật sư Lê Minh Hà, Công ty Luật Denco so sánh.

 

Mặc cả trọn gói cũng phải khôn ngoan

 

Phí luât sư theo giờ là cách tính phổ biến hiện nay nhưng điều này có thể khiến khách hàng bị thiệt

Mới đây, anh Nguyễn Mạnh Cường (ở Thanh Hóa) thuê một văn phòng luật sư bảo vệ trong một vụ kiện đất đai mà tài sản lên tới cả chục tỉ đồng. Trong hợp đồng dịch vụ trọn gói, hai bên chỉ thỏa thuận mức phí là 300 triệu đồng mà không có điều khoản thỏa thuận về việc thắng kiện hay không.

 

Đang định ký hợp đồng thì nghe một người bạn tư vấn, anh Cường mới biết là anh có khả năng mất trắng số tiền 300 triệu nếu trong hợp đồng không có thỏa thuận ràng buộc về việc thắng kiện. Sau khi thỏa thuận lại, hai bên đã thống nhất mức phí cố định của vụ việc là 100 triệu đồng, 200 triệu đồng còn lại, luật sư chỉ được trả nếu thắng kiện.

 

Thông thường phí trọn gói được các công ty luật đưa ra có hai loại: Phí cố định + phí theo tỉ lệ thắng thua.

Phí cố định thì khách hàng phải nộp ngay không phụ thuộc vào kết quả. Còn phí theo tỷ lệ thắng thua thì tùy vào mức thỏa thuận. Vụ càng khó thì phí theo tỷ lệ thắng thua càng cao.

  

"Khách hàng bây giờ họ khôn lắm, sau khi khảo giá nhiều nơi, họ mặc cả sát sạt chứ không dễ để bị bắt nạt đâu", luật sư Vũ Thị Loan, VP Luật sư Quốc Thái nhận xét.

 

Luật sư Nga nói luật sư tranh tụng thì sự khác biệt về “đẳng cấp” khá rõ. Còn luật sư tư vấn thì cơ bản là sàn sàn nhau trừ khả năng ngoại ngữ. Thêm vào đó, không phải cứ hãng luật danh tiếng là được việc mà đôi khi lựa chọn một hãng nhỏ lại được việc hơn vì các hãng lớn thường dễ bỏ qua nhữn khách hàng nhỏ.

 

Như để minh chứng, luật sư Nga kể, mới đây, một khách hàng nước ngoài, sau khi tới nhiều hãng luật lớn để yêu cầu làm thủ tục để mở một công ty phân phối tại Việt Nam mà không được, ông này tình cờ đi qua công ty của chị và nhanh chóng được đáp ứng. Vậy là thay vì mức phí lẽ ra chỉ khoảng 2000 USD, ông này đã vui vẻ trả tới 7000USD mà còn cảm ơn rối rít.

 

 

 

 

Theo luật sư Lê Nga, những khách hàng thường xuyên có việc phải sử dụng đến dịch vụ pháp lý, việc lựa chọn một công ty “ruột” để tư vấn sẽ tốt hơn vì khách hàng sẽ được chăm sóc thường xuyên khi có yêu cầu, mức phí cũng được ưu đãi hơn,

 

Về hình thức dịch vụ, người dân nên lựa chọn hình thức trọn gói. Điều quan trọng nhất là phải “mặc cả” rõ mức phí trong hợp đồng để tránh bị thiệt hại trong trường hợp vụ việc không thành.

 

 

 

 

Tại Việt Nam hiện nay, hãng luật YKVN và Vilaf Hồng Đức (đều có trụ sở và văn phòng ở cả Hà Nội, TP.HCM) là hai hãng luật hàng đầu. Hai hãng này liên tiếp nhận giải thưởng Hãng luật quốc gia trong năm của Tạp chí tài chính Châu á bình chọn.

 

Ngoài ra, tại Hà Nội, còn có một số hãng luật khá nổi tiếng khác như:

-        Phạm& Liên Danh, Vision & Associates  

-         (chuyên về sở hữu trí tuệ và kinh doanh).

-        Công ty luật Denco (công ty này không nhận khách hàng Việt Nam).

-        Công ty Bắc Việt luật (có chương trình tư vấn miễn phí qua mạng cho khách hàng)

-        Công ty tư vấn luật Smic

-        Công ty Luật Việt

(VTC News)

CHUYÊN TRANG NGHỀ LUẬT SƯ VIỆT NAM
"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"
------------------------------------------- 
LUẬT SƯ QUẢN LÝ - HOTLINE: 0938188889