Luật sư 'chỉnh' thẩm phán

Tại phiên xử sơ thẩm một vụ án hình sự mới đây ở TAND tỉnh Đắk Lắk đã xảy ra một tình huống khá hy hữu: Luật sư “chỉnh” thẩm phán chủ tọa vì bỏ ra ngoài khi ông đang bào chữa kêu oan cho thân chủ.

Theo cáo trạng, vợ chồng bị cáo Nguyễn Thị Kim Dung là mối buôn bán làm ăn với đại lý thu mua nông sản Lâm Yến (Đăk Nông). Giữa năm 2009, không có tiền trả tiền hàng, vợ chồng bị cáo Dung dùng giấy tờ đất (được cấp tạm) thế chấp để mua thiếu phân bón, ứng chốt cà phê, mì lát của đại lý Lâm Yến.

Sau đó, vợ chồng bị cáo Dung chỉ dùng một phần tiền bán hàng để trả cho Lâm Yến, còn lại thì trả cho người khác và mua đất, tiêu xài cá nhân. Vợ chồng bị cáo Dung bị khởi tố, truy tố về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo khoản 4 Điều 139 BLHS. Cáo trạng kết luận tổng số tiền họ chiếm đoạt của đại lý Lâm Yến hơn 1,1 tỷ đồng.

Suốt quá trình điều tra, truy tố và tại phiên sơ thẩm vừa qua, hai bị cáo đều kêu oan, cho rằng bị hình sự hóa quan hệ vay mượn, làm ăn thông thường.

Sau gần một ngày xét hỏi, chủ tọa tuyên bố chuyển sang phần tranh luận. Hai luật sư bào chữa cho vợ chồng bị cáo Dung là luật sư Trần Công Ly Tao (Đoàn Luật sư TP HCM) và luật sư Phan Ngọc Nhàn (Đoàn Luật sư tỉnh Đắk Lắk). Luật sư Ly Tao trình bày phần bào chữa lên tới 15 trang giấy A4 và đề nghị tòa trả hồ sơ để điều tra bổ sung vì có nhiều vi phạm tố tụng nghiêm trọng, nếu không trả hồ sơ thì phải tuyên bố hai bị cáo không phạm tội vì chưa đủ chứng cứ. Sau đó, đến lượt luật sư Nhàn trình bày (khoảng 10 trang giấy A4) cũng theo hướng đề nghị tòa tuyên hai bị cáo vô tội và trả tự do ngay tại tòa.

Tuy nhiên, khi luật sư Nhàn đang phát biểu thì chủ tọa phiên tòa bỏ ra ngoài. Thấy vậy luật sư dừng ngay bài bào chữa, tuyên bố không nói nữa và lý giải: “Theo luật, HĐXX quyết định bản án theo đa số nên tất cả thành phần trong HĐXX phải nghe đầy đủ diễn biến phiên tòa. Nếu chủ tọa không nghe thì hai hội thẩm nhân dân sẽ không thể quyết được vụ án”.

Một lúc sau, chủ tọa quay lại phòng xử, thấy luật sư đã ngồi xuống bèn quay sang hỏi nhỏ một vị hội thẩm nhân dân. Chủ tọa chưa kịp nhận được câu trả lời, luật sư Nhàn đứng lên nói: “Thưa chủ tọa, tôi đã phải dừng ngang bài bào chữa vì ông bỏ ra ngoài không nghe thì làm sao biết tôi nói gì mà quyết định bản án. Hơn nữa tôi đang bào chữa mà ông bỏ ra ngoài là thiếu tôn trọng tôi và những người tham gia cũng như những người tiến hành tố tụng khác”.

Nghe luật sư phản ứng, cả HĐXX và kiểm sát viên đều không ai nói gì. Liền sau đó, luật sư Nhàn tiếp tục phần bào chữa của mình.

Phản ứng cần thiết?

Sau phiên xử, luật sư Nhàn lý giải nguyên nhân ông có phản ứng thẳng thắn với thẩm phán chủ tọa: “Trong vụ án này, từ đầu đến cuối các bị cáo đều kêu oan nên phần bào chữa, tranh luận tại phiên tòa rất quan trọng. Cả bài bào chữa của tôi và đồng nghiệp đều đã được chuẩn bị rất công phu, phân tích đầy đủ các quan điểm pháp lý. Vì thế, nếu HĐXX không chú ý nghe thì không thể nắm hết ý mấu chốt mà tôi muốn nói vì trước đó tôi chưa gửi bài bào chữa cho tòa”.

Tình huống phản ứng của luật sư Nhàn nhận được những góc nhìn khác nhau. Một kiểm sát viên VKS TP HCM nói: “Luật sư bắt bẻ thẩm phán chủ tọa như vậy là hơi quá. Bởi lẽ tất cả diễn biến phiên tòa đều được thư ký ghi lại, nếu chủ tọa không nghe thì lúc nghị án vẫn có thể đọc lại biên bản phiên tòa. Hơn nữa, HĐXX lúc ấy còn hai hội thẩm nhân dân, sợ gì ý kiến của luật sư sẽ bị lọt? Chưa kể, chủ thể của quá trình tranh tụng là luật sư và kiểm sát viên. Nếu kiểm sát viên bỏ ra ngoài thì mới không chấp nhận được, còn chủ tọa vẫn có thể nghe phần đối đáp sau đó giữa các bên”...

Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Duy Hưng (Trưởng khoa Luật - Trường ĐH Thủ Dầu Một, Bình Dương), phản ứng của luật sư là đúng. Ông phân tích: Nghị quyết 08 ngày 2/1/2002 về cải cách tư pháp của Bộ Chính trị đã xác định: “Các cơ quan tư pháp có trách nhiệm tạo điều kiện để luật sư… tranh luận dân chủ tại phiên tòa”; “việc phán quyết của tòa án phải căn cứ chủ yếu vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa”. Nghị quyết 49 ngày 2/6/2005 về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 của Bộ Chính trị cũng yêu cầu: “Nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan tư pháp, chất lượng tranh tụng tại tất cả phiên tòa xét xử, coi đây là hoạt động đột phá của các cơ quan tư pháp”.

Như vậy, có thể thấy tranh tụng là phần quan trọng nhất của phiên tòa, không chủ thể tiến hành tố tụng nào được thờ ơ. Chủ tọa không tham gia trực tiếp vào quá trình tranh tụng nhưng có nhiệm vụ dẫn dắt, lắng nghe ý kiến các bên để đánh giá, ghi nhận trong phán quyết...

Luật sư Hoàng Kim Vinh (Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bình Phước) cũng cho rằng phần tranh tụng trong phiên tòa là “khoảng thời gian vàng” để luật sư thể hiện, chứng minh quan điểm. Đặc biệt với những vụ bị cáo kêu oan thì vai trò của người bào chữa càng trở nên quan trọng. Điều này cũng đồng nghĩa với việc sự có mặt, lắng nghe, ghi nhận của chủ tọa là không thể thiếu. Việc luật sư đang bào chữa mà chủ tọa bỏ ra ngoài là không thể chấp nhận được. Cạnh đó, văn hóa ứng xử nơi pháp đình cũng không cho phép chủ tọa làm như vậy...

Hình sự hóa quan hệ dân sự?

Khi tranh tụng, các luật sư cho rằng hành vi của hai bị cáo không cấu thành tội lừa đảo vì không có ý thức chiếm đoạt từ đầu, hai bên hợp tác bình thường, chỉ khi các bị cáo thua lỗ lâm vào tình trạng không trả được nợ thì mới bị tố cáo. Các bị cáo cũng không bỏ trốn, đã trả một phần nợ...

Về tố tụng, các luật sư chỉ ra một số sai sót như khi chuyển hồ sơ vụ án từ tỉnh Đắk Nông về tỉnh Đắk Lắk, cơ quan điều tra đã bỏ sót 68 bút lục. Tòa triệu tập hơn 60 nhân chứng và người liên quan nhưng chỉ 10 người có mặt mà vẫn xử. Luật sư yêu cầu giám định chữ viết trong sổ ghi nợ có liên tục hay không thì VKS lại yêu cầu giám định xem có cùng thời điểm viết hay không khiến cơ quan giám định không thể cho ra kết quả...

Tuy nhiên, cuối cùng tòa vẫn phạt bị cáo Dung 9 năm tù, chồng bị cáo Dung 8 năm tù.

Về lý thuyết, chủ tọa có thể đọc lại biên bản phiên tòa để ra phán quyết nếu vụ án phức tạp, diễn biến quá dài. Nhưng thực tế chẳng mấy khi chủ tọa đọc lại biên bản này mà chủ yếu là ngồi nghe trực tiếp tại tòa, sau đó viết vào bản án. Nên quá trình luật sư trình bày phần bào chữa mà chủ tọa không nghe thì thiệt thòi cho bị cáo, dẫn đến bản án có thể thiếu khách quan.

Mấy năm trước, một văn phòng luật sư ở tỉnh Tiền Giang từng yêu cầu chánh án TAND TP Mỹ Tho phải đính chính một bản án hình sự vì ghi sai lời bào chữa của luật sư tại tòa, đồng thời yêu cầu TAND và VKSND tỉnh kháng nghị giám đốc thẩm bản án vì lý do trên. Đây là việc làm cần thiết để nâng chất tranh tụng tại tòa.

Ông Bùi Quốc Tuấn, Đoàn Luật sư TP HCM

Theo Pháp luật TP HCM

CHUYÊN TRANG NGHỀ LUẬT SƯ VIỆT NAM
"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"
------------------------------------------- 
LUẬT SƯ QUẢN LÝ - HOTLINE: 0938188889