Mỹ xét xử online thời covid19, Việt Nam tại sao không?

Mỹ xét xử online thời covid19, Việt Nam tại sao không?

Tòa án Mỹ xét xử trực tuyến trong Covid-19

Tòa án phải từ bỏ cách làm truyền thống để chấp nhận công nghệ trực tuyến bị "hắt hủi" từ lâu để hoạt động xét xử có thể diễn ra trong Covid-19.

Lần đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ, thẩm phán tổ chức xét xử qua Zoom hoặc Skype - phần mềm họp trực tuyến, luật sư xét hỏi nhân chứng và tranh luận qua điện thoại, bị cáo nhận tội mà không phải đặt chân vào phòng xử án.

Nhiều công tố viên cho biết cần thiết những biện pháp trên là cần thiết để kịp thời giải quyết tình thế cho bị cáo mắc kẹt trong trại giam, bảo vệ nạn nhân của bạo hành gia đình đang gặp nguy hiểm cận kề, và ngăn ngừa tình trạng tồn đọng án khi tòa mở cửa trở lại. Việc mở rộng phạm vi ứng dụng công nghệ trong phòng xét xử lẽ ra phải xảy ra từ lâu vì điều này có thể giúp cắt giảm chi phí, đẩy nhanh tốc độ xử án, và tăng khả năng tiếp cận tại vùng nông thôn khi mọi việc trở lại bình thường.

Jaclyn Horn, luật sư chuyên lĩnh vực hôn nhân gia đình tại thành phố Jacksonville, bang Florida, cho biết đã khá hoảng sợ vào ngày 13/3 khi biết tin phiên tòa ly hôn của thân chủ sẽ được thực hiện qua Zoom để tránh lây nhiễm Covid-19.

Nhờ hướng dẫn, nữ luật sư đã có thể tham gia phiên tòa khá suôn sẻ. Để khắc phục khó khăn khi trình bày chứng cứ vật chất, nữ luật sư nghĩ ra cách giơ chứng cứ cho thẩm phán xem qua ống kính rồi gửi ảnh qua thư điện tử. Tuy vậy, Jaclyn Horn nói thật khó tưởng tượng khi phải thực hiện quy trình tố tụng phức tạp hơn dưới hình thức họp trực tuyến.

Chỉ một số ít khu vực đang tổ chức toàn bộ phiên tòa qua mạng trực tuyến nhưng ngày càng có nhiều nơi đang cho bị cáo tham gia vào quy trình khởi tố, xét bảo lãnh, và nhận tội qua phần mềm họp trực tuyến.

Theo nhiều công tố viên, những thiết bị dùng để họp trực tuyến từ lâu thường bị trại giam hoặc tòa án xếp xó trong kho và thường chỉ được dùng trong trường hợp bị cáo ốm nặng hoặc có lo ngại về an ninh. Vì thế, việc tòa án đóng cửa do Covid-19 đang là phép thử để xem liệu các thiết bị trên có thể tiết kiệm chi phí tố tụng trong tương lai hay không. Công tố viên còn cho biết công nghệ họp trực tuyến tới nay vẫn hoạt động suôn sẻ, dù hầu hết các nơi chỉ mới thử nghiệm vài ngày.

Nhưng việc gấp rút số hóa phòng xét xử - vốn nổi tiếng là không dính dáng tới công nghệ - làm dấy lên nghi vấn phiên tòa sẽ mất đi điều gì khi bồi thẩm viên không thể tận mắt chứng kiến sự lo lắng của nhân chứng hoặc luật sư không thể dựa vào mối quan hệ hữu hảo với thẩm phán. Hơn nữa, việc xét xử trực tuyến có nguy cơ mâu thuẫn với quyền của bị cáo được xuất hiện tại tòa và đối mặt người buộc tội, cũng như quyền tiếp cận hệ thống tòa án khi không đủ tiền cho công nghệ mới nhất.

Nina Ginsberg, Chủ tịch Hiệp hội Luật sư Bào chữa Quốc gia, cho rằng "một số buổi điều trần có thể được tổ chức dưới hình thức họp trực tuyến, nhưng biện pháp này chỉ nên mang tính tạm thời và chỉ được thực hiện khi bị cáo đồng ý vì mọi người đều có quyền được xét xử công khai".

Không chỉ vậy, hoạt động xử án trực tuyến cũng gặp một số trục trặc ban đầu. Gần đây, một thẩm phán tại quận Manhattan, bang New York đã phải tuyên bố phiên xét xử bị cáo về tội tấn công tình dục là vô hiệu vì luật sư bào chữa không thể thực hiện việc hỏi nhân chứng qua điện thoại do ho quá nhiều và ốm nặng.

Trong phiên xét xử ngày 19/3 tại tòa án hình sự quận Brexar, bang Texas, bị cáo xuất hiện qua video cần phải nói chuyện riêng với luật sư bào chữa để quyết định có nên chấp nhận thỏa thuận nhận tội hay không. Không cách nào khác, thẩm phán buộc phải gián đoạn phiên tòa và yêu cầu mọi người rời phòng để có không gian riêng cho bị cáo và luật sư.


John Flynn, công tố viên quận Erie, bang New York, cho biết bị cáo có quyền xuất hiện tại tòa án và được biết những gì đang diễn ra, cũng như được đặt câu hỏi với thẩm phán. Ngoài ra, theo vị này, việc bồi thẩm đoàn có thể quan sát ngôn ngữ cơ thể và tận mắt nhìn bị cáo cũng rất quan trọng.Hầu hết các công tố viên đều cho rằng những biện pháp tạm thời nói trên khó có thể dẫn tới thay đổi hàng loạt trong hệ thống pháp lý. Sở dĩ vậy vì theo họ, quyền được đối mặt với người buộc tội và bị xét xử trước mặt bồi thẩm đoàn, không phải trước màn hình tivi, đã "bám rễ" quá sâu.

( Ảnh là: Thẩm phán Stephanie Boyd tại tòa án quận Brexar, bang Texas gặp trục trặc trong buổi làm việc trực tuyến đầu tiên. Ảnh: William Luther.)

Quốc Đạt (Theo Wall Street Journal) - VNE - NGHỀ LUẬT SƯ TH

CHUYÊN TRANG NGHỀ LUẬT SƯ VIỆT NAM
"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"
------------------------------------------- 
LUẬT SƯ QUẢN LÝ - HOTLINE: 0938188889