Sau bào chữa, "bầu" Kiên vẫn bị giữ nguyên các tội danh

Nói về hành vi kinh doanh trái phép thông qua 5 doanh nghiệp (DN) của ông Kiên, đại diện viện kiểm sát dẫn điều 3 luật đầu tư 2005 về định nghĩa đầu tư trái phép và điều 4 Luật DN, việc mua cổ phần cổ phiếu góp vốn vào DN khác là hoạt động kinh doanh.

Qua đó, 5 DN của ông Kiên không đăng ký kinh doanh ngành nghề kinh doanh tài chính là mua bán cổ phần cổ phiếu, góp vốn vào DN khác và cũng không đăng ký kê khai bổ sung. Trong khi đó, ngành này đã được mã hóa xếp vào nhóm ngành đầu 4, mã 64449, mã chức năng 644490.

 


Theo Nghị định 88 ngày 29/8, đối với những ngành kinh doanh không có trong hệ thống ngành kinh tế quốc dân và trong hệ thống mã ngành thì cơ quan đăng ký kinh doanh ghi ngành đó vào giấy đăng ký kinh doanh và thông báo cho Tổng cục thống kê để bổ sung ngành mới. VKS giữ nguyên quan điểm truy tố các bị cáo về tội kinh doanh tài chính qua 5 công ty trên.

Về việc kinh doanh vàng trái phép của ông Kiên qua Công ty Thiên Nam và công ty này không được cấp giấy phép kinh doanh vàng trên tài khoản nước ngoài. Theo quy định tại điều 159 Bộ Luật hình sự, VKS giữ nguyên quan điểm về hành vi kinh doanh vàng trái phép thông qua Thiên Nam.

Về tội Trốn thuế, B&B ký hợp đồng ủy thác đầu tư tài chính với ACB. Tổng khối lượng giao dịch trạng thái vàng mua và bán, sau khi trừ chi phí vốn, phí ủy thác, thu lãi được hơn 100 tỷ đồng. Bà Đặng Thị Ngọc Lan, đại diện B&B ký hợp đồng ủy thác với bà Nguyễn Thúy Hương. Ngày 25/12/2008, bà Lan, Hương, Kiên ký hợp đồng ủy thác cho Kiên thực hiện tất cả các giao dịch vàng với ACB. B&B thu được lãi hơn 100 tỷ đồng và chuyển cho Hương theo hợp đồng là 99%.

Mặc dù có những lập luận của các Luật sư và bị cáo Kiên, VKS vẫn thấy B&B không có đăng ký kinh doanh vàng trên tài khoản nước ngoài. Bà Thúy Hương là cá nhân cũng không có đăng ký kinh doanh vàng trên tài khoản nước ngoài và không đăng ký kinh doanh vàng trong nước. Sau hợp đồng ủy thác đầu tư tài chính của Hương với B&B, Hương không ký trực tiếp với ACB nhưng được hưởng 99% khoản lãi.

Hợp đồng này đúng pháp luật nhưng VKS thấy theo NQ32 đến hết tháng 6/2009, chưa có hướng dẫn thi hành nhưng B&B không kê khai đã chuyển 68 tỷ cho Hương. Hương chuyển lại số tiền này cho Kiên. Việc làm này trái quy định điều 27 NĐ 100 quy định chi tiết 1 số điều luật thuế Thu nhập cá nhân và khấu trừ thuế.

Trong năm 2009 và 2010, B&B đã kê khai thuế nhưng không kê khai số tiền kinh doanh vàng phát sinh từ các hợp đồng trên. Giám định viên Bộ tài chính đã kết luận, thuế TNDN của B&B là 25 tỷ.

 

Đủ cơ sở kết luận Kiên đã chỉ đạo Đặng Thị Ngọc Lan ký hợp đồng ủy thác đầu tư tài chính với Hương để chuyển lợi nhuận của B&B cho Hương rồi Hương chuyển lại cho Kiên. Kết luận, Kiên phạm tội trốn thuế.

Về tội danh Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, VKS cho rằng, Hòa Phát có nói khi thỏa thuận chỉ bàn bạc chuyện giá cả, không biết việc 20 triệu cổ phiếu đã bị thế chấp. Căn cứ vào lời khai của các bị cáo và ông Long, ông Dương, ông Công và tài liệu thu thập được, có đủ cơ sở kết luận Kiên, Thanh, Yến đều phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Riêng bị cáo Kiên biết 20 triệu cổ phần bị thế chấp nhưng vẫn chỉ đạo Thanh chuyển nhượng cho Hòa Phát, bị truy tố và phù hợp. Với Yến, là kế toán trưởng của ACBI thì phải chịu trách nhiệm như quy định của pháp luật, Yến là đồng phạm với Kiên trong hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Thanh, với vai trò là giám đốc ACBI, không làm hết chức năng nhiệm vụ, là đồng phạm với Kiên trong hành vi lừa đảo.

Trước ý kiến của các Luật sư, 264 tỷ về tài khoản của ACBI chứ không vào tài khoản của Kiên, VKS vẫn cho rằng trong lợi nhuận của ACBI cũng có lợi nhuận của Kiên vì Kiên là chủ tịch, vì vậy Kiên vẫn phạm tội lừa đảo.

Đại diện viện kiểm sát nói rằng, các bị cáo đều thừa nhận, ông Kiên giữ vai trò chủ đạo.

VKS cho rằng luận tội của VKS đã phản ánh đúng diễn biến thực tế, không làm xấu hơn tình trạng của bị cáo.

Về tội Cố ý làm trái, viện kiểm sát cho rằng, có thể khẳng định việc mua cổ phiếu ACB đã được các thành viên HĐQT cụ thể là ông Kiên đưa ra bàn luận tại cuộc họp HĐQT. Nội dung bàn này rất sâu, rất cụ thể là thông qua công ty chứng khoán ACBS, giao cho bị cáo Kiên chỉ đạo để các nhà đầu tư không biết là ngân hàng ACB đang mua cổ phiếu ACB. Cả phương án rủi ro cũng đã được tính đến để vừa đảm bảo thu nhập, vừa lách. Việc bàn này không phải là việc “trà dư tửu hậu” như họ khai.
 
Bị cáo Kiên đã chỉ đạo ACBS hợp tác đầu tư với 2 công ty của mình, cả việc ACBS phát hành trái phiếu cho KienLongBank và VietBank. Khi đưa vào các mối quan hệ thì rõ ràng các hợp đồng này đều trái pháp luật. Tiền của ACB lại quay lại ACB, núp dưới các hợp đồng liên ngân hàng, hợp tác đầu tư. KienLongBank và VietBank không sai khi họ có cơ hội đầu tư nhưng TGĐ của KienLongBank là đại diện vốn góp của ACB, điều đó đã cho thấy sự núp bóng này. Ngay cả những cán bộ kế toán của VietBank đã thừa nhận nếu không có nguồn tiền này thì không thể mua được trái phiếu của ACB.

VKS dẫn ra một dẫn chứng, là văn bản mà ACI gửi cho ông Kiên khi chấm dứt hợp đồng ngày 31/07/2012: “Kính gửi anh Kiên, số tiền 400 tỷ mà ACI đang vay ACB được dùng để mua cổ phiếu ACB hộ ACBS”.
Lê Tú
CHUYÊN TRANG NGHỀ LUẬT SƯ VIỆT NAM
"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"
------------------------------------------- 
LUẬT SƯ QUẢN LÝ - HOTLINE: 0938188889