Trộm xác tử tội ở pháp trường Long Bình

Pháp trường là bãi đất hoang, rộng lọt thỏm giữa một bên là đường quốc lộ, một bên là khu du lịch Suối Mơ. Cây cao, rậm rạp che khuất tầm nhìn. Từ lối chính vào chừng 300 m, bên phải là nơi thi hành án tử hình, bên trái chôn tử tội, không theo hàng lối nào cả.

 

Sau khi bị đưa ra trường bắn Long Bình, xác của Năm Cam cùng 4 đàn em là Nguyễn Hữu Thịnh, Phạm Văn Minh (Minh "Bu"), Châu Phát Lai Em và Nguyễn Việt Hưng (Hưng "Mi-nhon") được chôn ở đây. Tuy nhiên, ngày 15/6 một người dân làm "hướng dẫn viên" đi lại trong pháp trường tiết lộ: "Người nhà Năm Cam và cả người nhà Thịnh, Minh "Bu", Lai Em đều lấy xác về gần hai tuần rồi, chỉ Hưng còn nằm lại vì gia đình tận ngoài Bắc. Nghe đâu để lấy 4 xác người kia thân nhân phải trả trên hai trăm triệu đồng". Anh này giải thích, gia đình tử tội thường thuê người trộm xác, trừ khi quá nghèo, ở xa hoặc không còn thân nhân. Bởi vậy, người ta đào huyệt nông, lấp đất sơ sơ để dễ lấy lên khi lực lượng bảo vệ rời hiện trường. Mộ Năm Cam bị canh chặt quá nên 3-4 ngày sau mới lấy được.

"Hướng dẫn viên" chỉ vào ngôi mộ còn nguyên vẹn của Nguyễn Việt Hưng để làm chứng cho lời nói. Cạnh đó là 4 nấm mồ đắp đất sát nhau đã bị xới tung rồi lấp lại qua loa, bia gỗ ghi tên tử tội và ngày thi hành án không còn nữa. Anh khẳng định đây là mộ Nam Cam và đàn em, chôn ở dưới chỉ là quan tài rỗng.

Len lỏi đám cỏ dại ở pháp trường Long Bình có khoảng 40 ngôi mộ, trong khi 6 năm trước con số này là 70. Nhiều mộ chỉ là nấm đất lâu ngày bị rửa trôi, thấp dần hoặc gần như bằng phẳng. Một số bị cây cỏ phủ lấp hoặc chỉ còn là hố nước đục mà lúc bị trượt xuống mới biết là sâu tới đầu gối. Tại đây, không tìm thấy dấu vết các hố mộ của 3 tử tội Phạm Huy Phước, Lê Hữu Cảnh và Trần Quang Vinh (vụ Tamexco) bị tử hình cách đây 6 năm. Tương tự, mộ của Tăng Minh Phụng và Phạm Nhật Hồng (tử hình năm 2003) cũng biến mất. "Hướng dẫn viên" giải thích: "Họ có nghèo khó, mồ côi đâu mà nằm ở đây. Thân nhân đưa về rồi".

Người nhà Năm Cam không phủ nhận đã thuê người lấy xác, nhưng từ chối cung cấp số tiền chi phí cho việc này. Theo một nguồn tin, người thân của tử tù Tăng Minh Phụng phải khó khăn, tốn khoảng 60 triệu đồng mới đưa được xác Minh Phụng từ pháp trường về một ngôi chùa ở Vũng Tàu an táng. Tương tự, để lấy được xác Phạm Huy Phước, Lê Hữu Cảnh, Trần Quang Vinh ra khỏi pháp trường, mỗi gia đình chi khoảng 30 triệu đồng. Phước và Vinh được đưa về quê an táng. Cảnh được thân nhân đem thiêu và gửi tro trong một ngôi chùa.

Việc lấy xác nếu không thuê đường dây chuyên nghiệp ở đây thì khó mà thực hiện được. Hai thiếu niên hằng ngày vào pháp trường chơi cho biết: "Trông hoang vắng như vậy chứ đứng đây một chập có người hỏi ngay; đào bới chút xíu thôi, người ta bắt liền. Dân phòng, công an đi qua hoài". Theo lời mách nước của họ cứ ra hỏi thăm các quán nước bên cạnh pháp trường là có người chỉ dẫn tới dịch vụ ăn trộm xác.

Tuy nhiên, đây chỉ điểm môi giới, nơi giao dịch là quán cà phê cách pháp trường khoảng 2 km. Tại đây, một thanh niên tự giới thiệu: "Cỡ xác như Năm Cam và nhiều tay cộm cán tôi còn lấy được thì người không có tên tuổi là cái đinh gì". Anh ta cho biết, luật không cho lấy xác mà phải chôn tại chỗ. Ai lấy mà bị phát hiện không chỉ phải chôn lại như cũ mà còn bị công an phạt tới bến. Tuy nhiên nếu chịu chung chi thì họ sẽ cho đàn em móc xác lên, tắm rửa sạch sẽ, quấn chiếu gọn gàng đem ra tận xe (do người nhà lo) chở về nơi an táng.

 (Theo Pháp Luật TP HCM)

CHUYÊN TRANG NGHỀ LUẬT SƯ VIỆT NAM
"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"
------------------------------------------- 
LUẬT SƯ QUẢN LÝ - HOTLINE: 0938188889