Từ Thọ 'Đại Úy', bắt nguyên viện trưởng VKSND quận 4

Từ Thọ 'Đại Úy', bắt nguyên viện trưởng VKSND quận 4

Chiều 3/11, khi đang chạy xe gắn máy đến góc ngã tư Võ Thị Sáu - Trần Quốc Thảo, ông Nguyễn Văn Thành, nguyên viện trưởng VKSND quận 4 đã bị trinh sát của Phòng An ninh điều tra, Công an TP HCM bắt giữ. Ngay sau đó, ông Thành được áp giải về nhà riêng số 215C/14 Phan Đăng Lưu, phường 1, quận Phú Nhuận, để nghe đọc lệnh khởi tố, lệnh bắt tạm giam và khám xét nơi ở vì có liên quan đến việc môi giới chạy án cho Lũng "Đầu Bò", đệ tử ruột của Năm Cam.

Ông Nguyễn Văn Thành sinh năm 1955, có thâm niên hơn 20 năm công tác trong ngành kiểm sát. Đầu năm 1991, ông được phân công về VKSND quận 4 với chức vụ viện phó, sau đó được đề bạt viện trưởng. Năm 2002, ông Thành bị kỷ luật, cách chức viện trưởng và chuyển về Phòng tổ chức VKSND TP HCM, một thời gian sau thì xin tạm nghỉ công tác để điều trị bệnh.

Trước khi bị bắt, ông Thành đang làm thủ tục xin cấp hộ chiếu phổ thông để đi du lịch nước ngoài. Trong tờ khai, ông Thành khai nghề nghiệp là cán bộ của một công ty TNHH tại TP HCM. Tuy nhiên sự việc này đã bị Phòng quản lý xuất nhập cảnh phát hiện và ngăn chặn. Vợ ông Thành là bà Nguyễn Thị Hường, nguyên thẩm phán TAND quận 4. Sau một thời gian công tác, bà Hường được điều chuyển về Tòa dân sự TAND TP HCM. Tháng 9 vừa qua, bà Hường bị tố cáo đã nhận hối lộ của ông Nguyễn Văn Chung, đương sự trong một vụ tranh chấp quyền sở hữu nhà ở đường Nguyễn Thị Minh Khai (quận 1) mà bà Hường đang thụ lý với số tiền là 2 cây vàng, 1.500 USD và 5 triệu đồng. Bà Hường đã bị khai trừ Đảng, đình chỉ công tác và bãi nhiệm chức vụ thẩm phán.

Việc môi giới chạy án cho Lũng "Đầu Bò" của ông Nguyễn Văn Thành có thể tóm tắt như sau. Lũng "Đầu Bò" (tức Nguyễn Văn Lắn) được Năm Cam giao trọng trách bảo kê các sòng bạc ở khu Tôn Đản, quận 4. Nhận sự hậu thuẫn rất lớn từ ông trùm, Lũng “Đầu Bò” làm mưa làm gió, thẳng tay thanh toán, trừng trị những ai dám đến khu vực mà không theo sự kiểm soát của chúng. Ngày 17/2/1991, Lũng "Đầu Bò" cùng đồng bọn cưỡng đoạt tiền của các con bạc tại sòng bài. Phạm Ngọc Cường và Huỳnh Nhật đứng ra ngăn cản nên Cường đã bị Lũng dùng mã tấu chém đứt lìa cánh tay, mang thương tật 45% vĩnh viễn, còn Nhật thì bị chém trọng thương.

Ngay sau đó, công an quận 4 vào cuộc và có kết luận điều tra đề nghị VKSND quận 4 truy tố Lũng "Đầu Bò" về tội cố ý gây thương tích. Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Thành (khi đó là Viện trưởng VKSND quận 4) lại cho rằng vụ án này “vượt quá thẩm quyền” của cấp quận nên đã chuyển hồ sơ vụ án lên VKSND TP HCM. Sau khi thụ lý vụ án này, Viện phó VKSND TP HCM khi đó là ông Đặng Thế Hồng đã khẳng định đây là trường hợp “phòng vệ chính đáng” nên đề nghị VKS quận 4 đình chỉ vụ án, trả tự do cho Lũng "Đầu Bò". Từ đề nghị ấy, ông Thành đã ký quyết định đình chỉ vụ án và trả tự do cho Lũng. Sự việc đã gây ra nhiều thắc mắc, hoài nghi từ phía dư luận về việc "chạy án", để lọt lưới một tên giang hồ khét tiếng.

Ngoài vụ liên quan đến Lũng "Đầu Bò", theo một nguồn tin, ông Thành đã nhận lời của Năm Cam để giúp Thọ "Đại Úy" và đồng bọn thoát tội “giết người” trong vụ sát hại trinh sát hình sự Phan Lê Sơn. Hiện cơ quan điều tra đang làm rõ ai đã nhận tiền của Năm Cam thông qua sự môi giới của Nguyễn Văn Thành.

Trước đó một ngày (2/11), Cơ quan an ninh điều tra, Công an TP HCM, đã tống đạt quyết định khởi tố kẻ bảo kê sòng bài của Thọ "Đại Úy" gồm: nguyên hai cảnh sát hình sự công an quận 4 là Đặng Văn Tính và Nguyễn Văn Thắng về tội nhận hối lộ; Nguyễn Văn Phi (đối tượng chính trong đường dây cờ bạc của Thọ, ngụ tại phường 8, quận 4) về tội tổ chức đánh bạc. Trước đó, Đặng Văn Tính đã bị kỷ luật, tước quân hàm.

Trong hệ thống cờ bạc dưới trướng Năm Cam thì Cô Đệ (tức "Tư râu", anh em kết nghĩa với Năm Cam) và Thọ "Đại Úy" được phân công tổ chức sòng bài tại hẻm số 62/2B Trần Nguyên Hãn (phường 13, quận 8) và sòng bài tại quận 4. Cô Đệ lo phần quản lý điều hành sòng bạc, trả tiền thuê nhà, còn Thọ lo phần chung chi một số nhân vật mua sự bảo kê để sòng bạc không bị công an triệt phá.

Thực hiện nhiệm vụ này, Thọ "Đại Úy" và Cô Đệ trích ra mỗi tuần trên 10 triệu đồng thông qua một người để chung chi cho một số cán bộ công an, cảnh sát hình sự quận 4 và 8. Tổng số tiền chung chi lên đến 800 triệu đồng/năm.

Ngoài những đối tượng trên, trước đó, vào ngày 24/10, Lê Văn Có (tự "Út Còi", 42 tuổi), Lê Văn Dương (26 tuổi) cùng ngụ ở Đức Hòa, Long An, đã bị bắt về tội “che giấu tội phạm”. Cả hai đã giúp Thọ "Đại Úy" ẩn trốn tại nhà, tránh sự truy nã của cơ quan công an.

Nguyễn Hải

 

Ngày 26-10, Tòa án Nhân dân TPHCM đã đưa ra xét xử công khai vụ án Thọ “đại úy” và 15 đồng phạm. Tòa đã triệu tập 15 bị cáo liên quan và tuyên bố xét xử vắng mặt Phạm Văn Lắm (tự Lắm rỗ, Lắm què, Lắm đen), 56 tuổi vì bị bệnh. HĐXX đã tập trung thẩm vấn bị cáo Nguyễn Văn Thọ (tức Thọ “đại úy) và 5 bị cáo liên quan tội danh “che giấu tội phạm” và “không tố giác tội phạm”.

  • Thế lực ngầm trên đường trốn chạy

Ngay khi được tin Trương Văn Cam (Năm Cam) bị bắt giữ (ngày 12-12-2001), Thọ “đại úy” đã lẩn trốn. Cho đến khi bị bắt (ngày 15-8-2004), Thọ “đại úy” đã đến hàng chục địa chỉ tại các tỉnh, thành phố trốn lệnh truy nã đặc biệt. Tại những địa phương này, y đã đổi tên thành Ba “gà”, “Nạn” và sử dụng giấy CMND của Lê Văn Sang (anh vợ Thọ) thay ảnh của mình.

Trong khoảng thời gian nêu trên, Thọ “đại úy” đã được Lê Thị Điệu (vợ chính, đang thụ án vì che giấu Thọ “đại úy”), Nguyễn Thị Thanh Thủy (vợ nhỏ, có 2 con với Thọ “đại úy”), Võ Thị Tuyết Mai (người tình), Lê Văn Dương (cháu vợ), Lê Văn Có (cháu vợ) và Nguyễn Thị Lâm nuôi dưỡng, che giấu và cung cấp tiền bạc.

Tại tòa, các bị cáo khai rằng mặc dù biết Thọ “đại úy” trốn lệnh truy nã nhưng vẫn thực hiện hành vi của mình. Không ít lần các bị cáo khuyên Thọ “đại úy” ra đầu thú, nhưng Thọ không chịu.

  • Quá trình “chạy án”

Thọ “đại úy” (thứ hai từ trái sang) và các bị cáo.

Chiều cùng ngày, HĐXX đã thẩm vấn Thọ “đại úy” để làm rõ tội danh “giết người” và “đưa hối lộ”. Theo lời Thọ “đại úy”, đêm 26 rạng sáng 27-1-2000, khi ngồi nhậu với một số người bạn ở quán 136 Nguyễn Thái Học phường Phạm Ngũ Lão quận 1 thì phát hiện con trai của mình là Nguyễn Hữu Thịnh đang ngồi nhậu ở bàn gần đó.

 

Vì trời quá khuya, Thọ đuổi con trai mình về nhà. Hơn 1 giờ sau, Thịnh trở về khóc sướt mướt vì bị đánh. Thọ kêu Thịnh và hơn chục “sát thủ” chở đến chỗ người ta đánh “xem sao”. Vừa đến quán Cấm Chỉ, Thịnh chỉ người đánh mình rồi nhào vào chém túi bụi. Thọ cho biết mình không kịp “cản ngăn” và cầm 2 chai bia đập bể đáy chai cùng tham gia đuổi đánh.

Hậu quả là hai anh Phan Lê Sơn và Hồ Phước Hưng bị sát hại dã man. Sau khi vụ án xảy ra, theo chỉ đạo của Năm Cam, Thọ “đại úy” ôm tiền gặp Nguyễn Văn Thành (lúc đó đang là Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân quận 4) để nhờ chạy án.

Kết quả, Thọ “đại úy” chỉ bị truy tố tội danh “gây rối trật tự công cộng” thay vì tội danh “giết người”! Tại tòa, Thọ “đại úy” đã khai tỉ mỉ việc đưa 4.000 USD cho Nguyễn Văn Thành cũng như nhiều lần đến nhà tặng quà, đưa tiền (3 lần, mỗi lần 1 triệu đồng) để Thành đi công tác ở Hà Nội.

  • Chỉ nhận 1 lần!

Bị chất vấn về lời khai trên, bị cáo Nguyễn Văn Thành đã bác bỏ lời khai của Thọ “đại úy” cũng như các nhân chứng Lê Văn Nhung và Đặng Văn Chí – những người làm công cho Năm Cam tại nhà hàng Ra Khơi và đã nhiều lần đem tiền đến nhà cho Nguyễn Văn Thành.

Bị cáo Nguyễn Văn Thành công nhận nội dung bản cáo trạng nhưng đề nghị HĐXX xem xét lời khai của Thọ “đại úy”. Bị cáo Nguyễn Văn Thành tự nhận bản thân không thể nhờ vả được những lãnh đạo ở cấp thành phố các vấn đề mà Thọ “đại úy” yêu cầu và biết chắc nếu có nhờ cũng không thể được.

Bị cáo Nguyễn Văn Thành có biết nhưng không quan hệ mật thiết với Năm Cam và Thọ “đại úy”. Việc nhận lời dự khai trương nhà hàng Cam ở quận 4 vì nghe dư luận nói “Năm Cam đã gác kiếm, hoàn lương và muốn làm ăn đàng hoàng”.

Việc nhận tiền cũng chỉ một lần 1 triệu đồng (vào năm 1995) để mua vé máy bay và chi tiêu trong chuyến đi công tác ở miền Bắc và không nhận các lần khác. Nguyễn Văn Thành cũng khẳng định Năm Cam, Thọ “đại úy” chỉ 1 lần đến nhà riêng và Nguyễn Văn Thành đã khước từ không nhận món quà là hộp bánh Trung thu! 

Chủ tọa phiên tòa thẩm phán Vũ Phi Long nhận định mối quan hệ của bị cáo Nguyễn Văn Thành với Thọ “đại úy” là mối quan hệ khác thường, việc xác định tội danh sẽ được tiến hành vào ngày 27-10, nhưng với cương vị đứng đầu ngành kiểm sát tại địa phương (lúc đó) thì rõ ràng ý thức của bị cáo Thành quá hời hợt. Theo diễn biến tại phiên tòa, bị cáo Thành cần chân thành nhận tội và chỉ có khai báo thành khẩn mới được xem xét giảm nhẹ hình phạt.

ĐOÀN HIỆP

 

CHUYÊN TRANG NGHỀ LUẬT SƯ VIỆT NAM
"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"
------------------------------------------- 
LUẬT SƯ QUẢN LÝ - HOTLINE: 0938188889