Án oan Trịnh Công Minh: oan sai 20 năm

Án oan Trịnh Công Minh: oan sai 20 năm

Người bị oan sai gần 20 năm đã chết, sao chưa xin lỗi!

Trịnh Công Minh – người bị oan sai gần 20 năm vừa qua đời sau cơn bạo bệnh. Án oan Trịnh Công Minh đã rõ thế nhưng, đến nay vẫn chưa có một cá nhân, tập thể nào nhận trách nhiệm xin lỗi công khai và bồi thường cho người đã khuất

Mỏi mòn tìm công lý

Bị tạm giam 18 tháng tù, trải qua 3 phiên tòa cùng lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú suốt 17 năm là một “án tử” đối với cuộc sống của anh Trịnh Công Minh (trú thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana Đắk Lắk).

Mang án oan, anh Trịnh Công Minh và gia đình phải chịu ánh mắt dèm pha của hàng xóm, công việc làm ăn đổ bể…

20 năm mang thân phận trộm cắp là một thời gian dài với anh Trịnh Công Minh. Ấy thế mà với anh và gia đình, chưa một ngày họ từ bỏ niềm tin vào công lý để lấy lại danh dự của một công dân bình thường.

Anh Trịnh Công Minh nhiều lần chia sẻ, ước mơ lớn nhất của mình là được thừa nhận là người lương thiện để con cái tự hào về cha mẹ, được người hàng xóm nhìn nhận, hiểu thấu cho mối hàm oan mà anh phải chịu mấy chục năm qua.

Cuộc đời ngắn ngủi khi trên hành trình đi tìm công lý, anh Trịnh Công Minh chưa một lần bỏ cuộc, thế nhưng lại gục ngã bởi bệnh tật.

“Anh mất vào tháng 2 vừa qua sau một cơn bạo bệnh. Trước lúc lâm chung, anh giao hồ sơ, chứng cứ bị hàm oan của mình để tôi tiếp tục cầu cứu, lấy lại danh dự cho anh và gia đình. Anh qua đời đau đáu oan khuất, chết không nhắm được mắt” - chị Tống Thị Thanh Tâm, vợ anh Minh, đau lòng nói.

Từ đó, chặng đường đòi lại công lý của chồng được đặt hết lên vai chị Tâm, người đàn bà nhỏ bé.

Trách nhiệm bị đùn đẩy

Sau hàng trăm đơn thư gửi đến các cấp huyện, tỉnh và cả Trung ương, vụ án oan sai Trịnh Công Minh đã dần sáng tỏ.  

Anh Trịnh Công Minh bị bắt tạm giam và khởi tố vị tội trộm cắp tài sản nhưng ngay từ đầu, cơ quan điều tra không thu thập đủ chứng cứ buộc tội bị can. Thể hiện điều này, ngày 16.3.2015 (gần 17 năm kể từ ngày anh Minh bị tạm giam), Viện KSND huyện Krông Ana ra quyết định “Hủy bỏ biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú” đối với Trịnh Công Minh.

Ba ngày sau, công an huyện ra quyết định đình chỉ điều tra đối với bị can Trịnh Công Minh, do đã hết thời hạn điều tra mà không chứng minh được tội phạm. 

“Từ đó đến nay, vẫn chưa có một cá nhân, cơ quan nào đứng ra nhận trách nhiệm, bồi thường cho gia đình tôi. 20 năm để chồng tôi bị oan sai, sao đến giờ vẫn không ai đứng ra xin lỗi!” – chị Tâm bức xúc.

Liên quan đế vụ án oan này, liên ngành huyện Krông Ana vào tháng 6.2015 đã có cuộc họp để làm rõ trách nhiệm các bên. Cuộc họp không tìm được tiếng nói chung bởi "Công an và Viện kiểm sát (VKS) khẳng định tòa án phải chịu trách nhiệm bồi thường. Không nhất trí, tòa án cho rằng, Công an và VKS phải chịu trách nhiệm bồi thường cho ông Trịnh Công Minh".

Thế là vụ án Trịnh Công Minh dù ai cũng hiểu oan sai, nhưng để kết luận ai là người bồi thường, xin lỗi quả không dễ dàng. Nhùng nhằng mãi đến ngày 28.8.2015, TAND tỉnh Đắk Lắk có thỉnh thị vụ án Trịnh Công Minh gửi TAND Tối cao đề nghị TAND Tối cao xin ý kiến chỉ đạo giải quyết dứt điểm vụ án.

Nhưng từ năm 2015 đến nay, TAND Tối cao chưa có câu trả lời. Án oan sai Trịnh Công Minh vì thế vẫn để ngỏ.

Liên quan vụ án Trịnh Công Minh, một lãnh đạo VKSND tỉnh Đắk Lắk thông tin, trong năm 2015, Viện cũng có văn bản thỉnh thị TAND tối cao  về việc làm rõ đơn vị nào chịu trách nhiệm khi để xảy ra oan sai. 

“Để xảy ra oan sai thì phải xin lỗi, bồi thường theo đúng quy định. Viện kiểm sát không né tránh nếu để xảy ra oan sai. Nói vậy nhưng TAND tối cao đến nay chưa kết luận cơ quan nào để xảy ra oan sai” – lãnh đạo VKSND tỉnh Đắk Lắk nói

Ngày 2.2.1997, công an phát hiện xe máy bị mất cắp tại thị trấn Buôn Trấp nên bắt khẩn cấp và khởi tố, tạm giam Trịnh Công Minh sau đó về tội trộm cắp tài sản.

Ngày 22.7.1998, VKSND huyện Krông Ana ra quyết định áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú đối với ông Minh - lúc này ông Minh bị giam giữ gần 18 tháng.

Ngày 12.10.1997, TAND huyện Krông Ana mở phiên tòa sơ thẩm, tuyên phạt ông Minh 12 tháng tù giam về tội trộm cắp tài sản.

Ngày 18.12.1997, TAND tỉnh xét xử phúc thẩm, tuyên hủy án sơ thẩm.

Tại phiên tòa sơ thẩm lần hai, TAND huyện Krông Ana tiếp tục trả hồ sơ cho VKS bổ sung chứng cứ.

Mãi đến năm 2015, vụ án Trịnh Công Minh mới được sáng tỏ.

( NGHỀ LUẬT SƯ - THEO HỮU LONG LAO ĐỘNG) 

Trịnh Công Minh

CHUYÊN TRANG NGHỀ LUẬT SƯ VIỆT NAM
"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"
------------------------------------------- 
LUẬT SƯ QUẢN LÝ - HOTLINE: 0938188889