Trong vụ án giết Phan Lê Sơn, tòa xác định chính Nguyễn Hữu Thịnh đã đâm nhát dao vào bụng cướp đi sinh mạng Hồ Phước Hưng và đâm nhiều nhát dẫn đến cái chết của Phan Lê Sơn. Phạm Văn Minh (Minh “Bu”) cũng đâm Phan Lê Sơn nhiều nhát. Nội dung kháng cáo của hai bị cáo này cũng như lời bào chữa tại tòa không đúng sự thật, vì vậy hình phạt tử hình cấp sơ thẩm tuyên là tương xứng với tội lỗi các bị cáo gây ra. Hồ Thanh Tùng cũng tham gia vụ giết người này, song nhờ phần bào chữa của luật sư Trần Trí Phú mà thoát án tử hình. Tòa chấp nhận lời bào chữa của luật sư rằng vết thương mà Tùng gây ra ở vùng thắt lưng của Hồ Phước Hưng không phải là nguyên nhân dẫn đến cái chết của nạn nhân. Các bị cáo còn lại trong vụ án này đều bị y án sơ thẩm.
Phần lớn bị cáo thuộc nhóm đưa hối lộ và tổ chức đánh bạc không được giảm án. Thậm chí theo HĐXX, mức án sơ thẩm đã tuyên với một số trường hợp là còn quá nhẹ. Tuy nhiên do không có kháng cáo, kháng nghị nên cấp phúc thẩm không xem xét xử phạt nặng hơn. Một số trường hợp được công tố viên đề nghị giảm án như Nguyễn Khánh Quốc (phạm 3 tội đưa hối lộ, đánh bạc, tổ chức đánh bạc), Võ Song Toàn (phạm tội giết người) nhưng HĐXX không chấp nhận.
Trong số những bị cáo nguyên là cán bộ công an, kiểm sát, nhà báo chỉ có Nguyễn Thập Nhất, Trần Mai Hạnh, Võ Quang Thắng được giảm hình phạt. Còn các bị cáo Bùi Quốc Huy, Phạm Sỹ Chiến, Dương Minh Ngọc, tòa nhận định hành vi phạm tội rất nghiêm trọng, mức án sơ thẩm đã xem xét quá trình công tác, đóng góp của bị cáo, nên cấp phúc thẩm không có cơ sở giảm nhẹ hơn.
Trong phần hình phạt bổ sung, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao đã chấp nhận một phần kháng cáo, sửa án sơ thẩm theo hướng giảm khoản tiền hối lộ, thu lợi bất chính, cho vay nặng lãi của các bị cáo đã được chứng minh thực tế ít hơn so với án sơ thẩm qui kết, và nhờ vậy, một số bị cáo được giảm hình phạt tiền.
Bản án chung thẩm tuyên chiều nay có hiệu lực ngay. Chủ tọa Bùi Ngọc Hòa đã ra quyết định bắt giam ngay những bị cáo đang tại ngoại để thi hành án. Chỉ riêng bị cáo Trương Thị Lan (con gái Năm Cam, tội đưa hối lộ) và Nguyễn Thị Kim Phượng (tội tổ chức đánh bạc) được tạm hoãn thi hành hình phạt tù do có con nhỏ và là lao động chính trong gia đình.
HĐXX kiến nghị Cơ quan điều tra làm rõ hành vi phạm tội của Tống Viết Hòa, đồng thời giải thích 5 bị cáo bị tuyên phạt mức án tử hình được phép gởi đơn xin ân xá lên Chủ tịch nước.
Vụ án Trương Văn Cam và đồng phạm khép lại sau 140 ngày xét xử (sơ thẩm ngày 25/2-5/6, phúc thẩm ngày 15/9-30/10). Đây là phiên tòa hình sự kéo dài nhất, có đông bị cáo nhất, nhiều tội danh và mức án được áp dụng nhất trong lịch sử tố tụng Việt Nam.
Các bị cáo được giảm án 1. Hồ Thanh Tùng (tử hình còn chung thân) 2. Trần Mai Hạnh: 9 năm tù (giảm 1 năm) 3. Võ Quang Thắng: 7 năm tù (giảm 3 năm) 4. Nguyễn Thập Nhất: 4 năm tù ( giảm 1 năm) 5. Nguyễn Hiếu Minh: 1 năm 6 tháng tù (giảm 6 tháng) 6. Nguyễn Văn Thành: 2 năm tù (giảm 1 năm) 7. Trần Thị Cẩm: 2 năm 6 tháng tù (giảm 6 tháng) 8. Lê Minh Hùng: 3 năm 6 tháng (giảm 6 tháng) 9. Nguyễn Xuân Liệu: 17 năm tù (giảm 1 năm) 10. Trần Văn Lợi: 5 năm tù (giảm 1 năm) 11. Lê Thanh Mão: 4 năm 6 tháng tù (giảm 6 tháng) 12. Trần Dương: 8 năm tù (giảm 2 năm) 13. Lê Thị Kim Anh: 4 năm tù (giảm 2 năm) 14. Huỳnh Văn Long: 2 năm tù treo (sơ thẩm tù giam). |
Thiên Nguyên
Có 0 bình luận cho bài viết này.
Gửi bình luận