Đây là khẳng định của ông Đào Ngọc Lợi, Phó Cục trưởng Cục Người có công (Bộ LĐ-TB-XH) sau khi Thanh Niên Online đăng loạt bài “Nghi vấn lừa đảo, làm giả hài cốt liệt sĩ thu tiền tỉ”.
|
Trao đổi với Thanh Niên Online, ông Lợi cho biết từ thông tin của các địa phương, Cục Người có công đã có công văn đề nghị Bộ Công an vào cuộc điều tra, đưa vụ việc ra ánh sáng.
Ông Lợi cho biết thêm, với những đối tượng lợi dụng chính sách để trục lợi, sẽ bị xử phạt theo nghị định xử phạt hành chính. Hành vi lừa đảo như của đủ để xử lý hình sự.
Việc cơ quan chức năng bắt "nhà tâm linh" Nguyễn Thanh Thúy được
đông đảo người dân quan tâm - Ảnh: M.Sang
Thưa ông, trong những ngày qua, dư luận vô cùng bức xúc trước thông tin "nhà ngoại cảm" Nguyễn Thanh Thúy (tức “cậu Thủy”) lợi dụng chính sách đền ơn đáp nghĩa của Nhà nước trong công tác quy tập, tìm mộ liệt sĩ để lừa đảo, trục lợi thân nhân liệt sĩ. Điều đáng nói, sự việc này diễn ra từ nhiều năm nay, vậy Cục Người có công có biết việc này hay không?
Đầu năm 2013, chúng tôi đã nhận được báo cáo của các Sở LĐ-TB-XH các tỉnh: Đắk Lắk, Bình Phước, Quảng Trị, Tây Ninh về việc tìm kiếm, quy tập, xác định danh tính hài cốt liệt sĩ có sự tham gia của nhà ngoại cảm. Tuy nhiên, các mẫu ADN được chúng tôi gửi đi giám định sau đó đều không chính xác.
|
Đáng lưu ý, có mẫu là xương động vật.
Trước những thông tin trên, Cục Người có công nhận thấy có dấu hiệu lừa đảo trong việc tìm kiếm và quy tập hài cốt liệt sĩ của Ngân hàng Chính sách xã hội và ông Nguyễn Thanh Thúy.
Ngày 28.8, Cục Người có công đã có công văn số 996/NCC-TTLS gửi Tổng cục An ninh II (Bộ Công an) đề nghị điều tra việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ của Ngân hàng Chính sách xã hội và ông Nguyễn Thanh Thúy.
Sau khi báo chí “vạch mặt” nhà ngoại cảm lừa đảo, Thủ tướng đã yêu cầu các cơ quan liên quan làm rõ. Ngoài nhà ngoại cảm Nguyễn Thanh Thúy, còn nhà ngoại cảm nào trong “danh sách đen” ?
Trong tháng 9 vừa qua, Cục đã phối hợp các cơ quan liên quan, với Tổng cục An ninh II thực hiện xác minh, điều tra các thông tin có liên quan về việc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ bằng ngoại cảm.
Từ đó, phát hiện một số bất minh của các nhà ngoại cảm khác, trong đó có Nguyễn Đức Phụng, Lê Trung Tuấn, Năm Liên, Năm Nghĩa… Hiện chúng tôi đã làm báo cáo gửi Văn phòng Chính phủ về việc tìm kiếm, quy tập, xác định danh tính hài cốt liệt sĩ có sự tham gia của nhà ngoại cảm.
Nhiều người thắc mắc, vì sao việc tìm kiếm mộ liệt sĩ bằng ngoại cảm tồn tại nhiều năm, phải chăng, cơ quan chức năng buông lỏng trong quản lý?
Trước năm 2010, các trung tâm tìm mộ liệt sĩ bùng phát ở nhiều nơi, nhất là tại Nghệ An. Sau đó, Cục Người có công đã phối hợp với cơ quan chức năng các địa phương dẹp bỏ.
|
Đặc biệt, từ năm 2011, Bộ LĐ-TB-XH đã giao cho Cục Người có công thực hiện thí điểm việc xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin qua giám định ADN. Chúng tôi đã phối hợp với 3 trung tâm giám định là Viện Pháp y Quân đội; Viện Kỹ thuật hóa sinh và Tài liệu nghiệp vụ (Bộ Công an) và Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, từ đó việc tìm mộ bằng ngoại cảm đã giảm đi rất nhiều.
Trong 2 năm qua, Cục đã nhận và gửi đi giám định hơn 1.000 trường hợp hài cốt liệt sĩ và thân nhân do các địa phương và thân nhân liệt sĩ trực tiếp gửi đến, trong đó có hơn 400 trường hợp đã xác định được chính xác tên liệt sĩ. Nghĩa là tỉ lệ không chính xác lên tới 60%.
Qua kết quả giám định, những mẫu hài cốt liệt sĩ và thân nhân, chúng tôi thấy việc giám định ADN xác định hài cốt là phương pháp chủ yếu để xác định danh tính liệt sĩ vì đây là một phương pháp khoa học được sử dụng rộng rãi khắp thế giới.
Tuy nhiên, vẫn có một số Sở LĐ-TB-XH đồng ý cho thân nhân các liệt sĩ tự đi lấy mẫu nên đã xảy ra những trường hợp đáng tiếc.
|
Vậy, theo ông có nên đề nghị cấm tìm mộ liệt sĩ bằng ngoại cảm?
Vì chưa có chế tài xử lý nên không đủ khả năng để cấm nhà ngoại cảm hoạt động. Thỉnh thoảng người dân nghe tin đồn thầy nọ, thầy kia tìm mộ nên hiện tượng này vẫn tái diễn và bùng phát ở một số nơi. Bộ LĐ-TB-XH đang triển khai đề án “Xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin”.
Đề án bắt đầu có quy chế hoạt động của ban chỉ đạo. Việc cấm hay hay không, sau khi ban chỉ đạo họp sẽ cho ý kiến.
Còn những tổ chức, cá nhân tự phát thực hiện quy tập hài cốt thì sao, thưa ông?
Trước đây nhà nước khuyến khích tổ chức cá nhân, quy tập tìm mộ liệt sĩ. Tuy nhiên, sau khi tình hình phức tạp, trong quy định, nghị định và pháp luật của Nhà nước đều nói rõ, chỉ có cơ quan quân sự hoặc đội quy tập mới được quy tập tìm mộ liệt sĩ. Những tổ chức cá nhân tự phát, khi phát hiện ra có động cơ nào khác, sẽ bị xử phạt hoặc đề nghị điều tra và xử lý theo pháp luật.
Với những đối tượng lợi dụng chính sách để trục lợi, làm bậy, sẽ bị xử phạt theo nghị định xử phạt hành chính. Hành vi lừa đảo như của nhà ngoại cảm Nguyễn Thanh Thúy, đủ để xử lý hình sự.
Xin cảm ơn ông!
Phương pháp xác định ADN cho hài cốt liệt sĩ Ông Đào Ngọc Lợi, Phó cục trưởng Cục Người có công: Việc lấy mẫu hài cốt liệt sĩ và thân nhân được Cục Người có công và các cơ quan giám định hướng dẫn cụ thể cho các địa phương và thân nhân có nguyện vọng. Khi có thông tin từ đồng đội về thông tin trận đánh, thông tin hy sinh, thân nhân liệt sĩ có thể liên hệ với Sở LĐ-TB-XH và cơ quan quân sự địa phương phối hợp tiến hành khai quật, quy tập, lấy mẫu ADN và có biên bản cụ thể. Thân nhân liệt sĩ có thể gửi mẫu trực tiếp tới Cục Người có công (số 139 Nguyễn Thái Học, Q.Ba Đình, Hà Nội). Với những trường hợp ở xa, Sở LĐ-TB-XH sẽ có trách nhiệm gửi mẫu về Cục Người có công, chúng tôi sẽ đem đi giám định tại 1 trong 3 trung tâm đã nêu trên. Khi có kết quả sẽ thông báo cho gia đình và các Sở LĐ-TB-XH. Thời gian tùy thuộc vào mẫu, nhanh thì 2 tuần, có trường hợp kéo dài vài tháng vì hầu hết các mẫu đều hơn 40 năm, nhiều mẫu phân hóa, đơn vị giám định phải làm đi làm lại nhiều lần. Toàn bộ kinh phí được Nhà nước hỗ trợ. Đây cũng là hành lang pháp lý để tránh tình trạng đào bới, khai quật mộ trái phép. Để tránh việc ngoại cảm trục lợi, thì thân nhân liệt sĩ cần làm gì? Ông Đào Ngọc Lợi, Phó cục trưởng Cục Người có công: Cuối năm 2012, đầu 2013, Nhà nước đã có quy định, tất cả những hài cốt lấy mẫu ADN bắt buộc phải nằm trong nghĩa trang. Những trường hợp hài cốt ở ngoài nghĩa trang, được xác định qua thông tin đồng đội, đơn vị thì cơ quan quân sự địa phương phải có trách nhiệm phối hợp với ngành lao động xác định xem đúng hài cốt liệt sĩ hay không. Cơ quan quân sự phải khẳng định đúng là hài cốt liệt sĩ. Nếu không phải hài cốt không thể đưa vào nghĩa trang. Hiện nay, vì thông tin đơn vị của liệt sĩ hy sinh trong các trận đánh chưa thống kê hết nên việc quản lý, quy tập hài cốt có những hạn chế. Ngoài 300.000 liệt sĩ vô danh vẫn còn một số lượng lớn hài cốt chưa được quy tập. Song song với đề án của Bộ LĐ-TB-XH, Chính phủ đã phê duyệt đề án “Tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ từ nay đến năm 2020 và những năm tiếp theo” do Bộ Quốc phòng làm cơ quan thường trực. Việc triển khai 2 đề án này sẽ đáp ứng nguyện vọng của nhiều thân nhân liệt sĩ còn chưa biết thông tin về liệt sĩ. Do vậy, các thân nhân liệt sĩ không nên sốt ruột, nên tin theo các bằng chứng khoa học để tránh tốn công vô ích. |
Thu Hằng
(thực hiện)
Có 0 bình luận cho bài viết này.
Gửi bình luận