Đào tạo Luật sư: Những kinh nghiệm đào tạo của các nước

Đào tạo Luật sư: Những kinh nghiệm đào tạo của các nước

Những kinh nghiệm và kết luận

Qua nghiên cứu đào tạo luật sư ở một số nước trên thế giới, chúng ta có thể rút ra những kinh nghiệm và kết luận sau:

– Việc giảm bớt tính hàn lâm và đưa các vụ việc thực tiễn vào giảng dạy các môn luật, việc mời các luật sư và thẩm phán có uy tín đến giảng bài, việc tăng tỷ lệ các câu hỏi về thực tiễn pháp luật là xu hướng tất yếu trong đào tạo để cấp bằng cử nhân luật. Học viện Tư pháp – cơ sở đào tạo nghề luật sư duy nhất của Việt nam hiện nay đã vận dụng những kinh nghiệm trên vào chương trình đào tạo luật sư. Vì đặc điểm của Việt nam là các học viên phải qua đào tạo luật và có bằng cử nhân luật mới được thi vào các khoá đào tạo luật sư nên Học viện đã chú trọng nhiều đến việc rèn luyện các kỹ năng hành nghề và giảm việc truyền đạt kiến thức lý thuyết đơn chiều cho học viên. Các bài giảng về chuyên đề pháp luật chỉ chiếm khoảng 20% chương trình với nội dung giảng các vấn đề mới trong pháp luật và các kiến thức chuyên sâu. Các bài giảng vụ việc, phân tích và xử lý các tình huống chiếm khoảng 50% chương trình. Học viện đã đưa vào giảng dạy nhiều phương pháp hiện đại như song giảng, giải quyết tình huống cụ thể, diễn án. Phương pháp song giảng với hai giảng viên cùng lên lớp, một giảng viên lý thuyết và một giảng viên thực hành (các luật sư có nhiều kinh nghiệm đang hành nghề) giúp học viện tiếp cận nội dung bài giảng trên nhiều khía cạnh, cả về lý luận và thực tiễn. Việc sử dụng phương pháp song giảng rất phù hợp đối với giảng dạy kỹ năng cho học viên, đặc biệt là các kỹ năng chuẩn bị tham gia phiên tòa, nghiên cứu hồ sơ, chuẩn bị luận cứ bào chữa, tham gia xét hỏi và tranh luận tại phiên Tòa trong xu thế mở rộng tranh tụng hiện nay. Phương pháp giải quyết tình huống cũng là một phương pháp đặc thù phù hợp với việc giảng dạy các kỹ năng tranh tụng. Dựa trên các hồ sơ tình huống cụ thể giảng viên hướng dẫn cho các học viên về cách xử lý tình huống. Bằng phương pháp này các học viên được thực hành phần kỹ năng đã học ngay tại các tình huống cụ thể trên lớp. Các tình huống được sử dụng vào giảng dạy là các hồ sơ vụ án do các Tòa án đã xét xử hoặc các văn phòng luật cung cấp và được Học viện biên tập lại. Phương pháp diễn án là tổ chức một phiên Tòa ngay trên lớp, các học viên sẽ được tham gia với tư cách luật sư trong một không khí tranh tụng thực sự trong các phiên tòa giả định. Học viên Học viện đã tổ chức các buổi diễn án với sự tham gia của cả ba đối tượng đào tạo: Thẩm phán, Kiểm sát viên và luật sư trong cùng một phiên tòa. Qua các bài học này học viên được trực tiếp thực hành kỹ năng xét xử, buộc tội hay gỡ tội.

– Mô hình đào tạo luật ở Mỹ và Đức cho thấy: Cần chú trọng đào tạo luật sư ngay ở trường đại học, đặc biệt về phương pháp đào tạo để ngay từ trên ghế nhà trường, sinh viên luật đã được rèn luyện tư duy của luật sư. Đây là một trong những luận cứ để đề xuất việc đào tạo cử nhân luật làm tiền đề để đào tạo luật sư ở Học viện Tư pháp, Bộ Tư pháp. Học viện Tư pháp – “Trung tâm lớn đào tạo cán bộ tư pháp”[15] sẽ xây dựng nguyên lý và công nghệ đào tạo cử nhân của riêng mình[16] làm tiền đề để đào tạo luật sư ở bước tiếp theo, đáp ứng nhu cầu của cải cách tư pháp và quá trình hội nhập quốc tế ở Việt Nam.

– Tiền lệ đào tạo luật sư tranh tụng qua các bữa ăn trưa ở Inn of Court của Anh có thể là gợi ý để đa dạng hoá hoạt động đào tạo, tổ chức các cuộc gặp thân mật giữa các thẩm phán, luật sư có uy tín để truyền đạt kinh nghiệm cho các sinh viên, học viên và luật sư tập sự trong đào tạo luật sư ở Việt Nam. Tại Học viện Tư pháp sau mỗi giờ học tình huống, để kết thúc một bài học và chuyển sang bài khác nhà trường đều tổ chức các buổi đàm thoại giữa các học viên với các luật sư có nhiều kinh nghiệm để học viên có điều kiện tìm hiểu ở các luật sư về các vấn đề xung quanh bài học. Các buổi đàm thoại được diễn ra trong không khí cởi mở và học viên có cơ hội để giải đáp tất cả các vấn đề còn băn khoăn trong bài học.

– Trong thời gian thực tập, việc sinh viên luật ở Đức và luật sư tập sự ở Pháp được làm quen với các vụ việc thuộc nhiều lĩnh vực, từ dân sự, hình sự đến hành chính ở nhiều môi trường khác nhau như: tòa án cấp quận hoặc tòa án cấp cao, cơ quan công tố, hội đồng địa phương bốn tháng và tập sự cùng với một luật sư thực thụ cũng là một gợi ý cho việc đào tạo luật sư ở Việt Nam. Ở một góc độ nào đó, việc luật sư được thực tập ở nhiều lĩnh vực khác nhau và nhiều môi trường khác nhau sẽ giúp luật sư tương lai có kiến thức và kỹ năng tổng hợp, đồng thời xây dựng được những mối quan hệ cần thiết cho hoạt động nghề nghiệp.

– Xu hướng của nhiều luật sư Đức hoạt động chuyên sâu trong một lĩnh vực pháp luật trong điều kiện số luật sư ngày càng nhiều, sự cạnh tranh trong nghề luật sư ngày càng gay gắt là gợi ý cho việc đào tạo các luật sư chuyên ngành ở Việt Nam, đặc biệt trong xu thế hội nhập. Hiện nay Học viện tư pháp chưa có chương trình đào tạo luật sư chuyên sâu nhưng thay vào đó Khoa đào tạo luật sư đã mở các lớp bồi dưỡng kiến thức cho luật sư hội nhập với các chuyên đề về nội dung cơ bản của WTO trong thương mại hàng hoá, thương mại dịch vụ, thương mại đầu tư, về các nội dung cơ bản của các hiệp định thương mại khu vực, về kinh nghiệm giải quyết các tranh chấp thương mại quốc tế. Việc đào tạo dưới hình thức các lớp bồi dưỡng kiến thức chuyên sâu cần được tăng cường hơn nữa cùng với việc nâng cao chất lượng đào tạo, mở rộng lĩnh vực đào tạo và thời gian đào tạo.

– Kinh nghiệm đào tạo luật ở Đức cho thấy: Việc đánh giá kết quả học tập qua các kỳ thi với trách nhiệm giám sát, quản lý, đánh giá kỳ thi, thậm chí cả việc ra câu hỏi thi của Bộ Tư pháp là đặc biệt quan trọng. Trong điều kiện thực tế Việt nam hiện nay, các học viên dự thi vào khoá đào tạo luật sư được đào tạo chương trình cử nhân luật ở các cơ sở đào tạo khác nhau và theo nhiều hệ đào tạo khác nhau như hệ đào tạo chuyên tu, hệ đào tạo văn bằng hai, hệ đào tạo tại chức…vv dẫn đến chất lượng của các học viên không đồng đều. Việc tổ chức kỳ thi đầu vào dưới sự giám sát của Bộ Tư pháp nhằm mục đích lựa chọn các học viên có mặt bằng trình độ nhất định để tiếp tục đào tạo nghề luật sư là đúng đắn và cần thiết, phù hợp tinh thần chỉ đạo không chỉ chú trọng về số lượng đào tạo mà còn chú trọng về chất lượng đào tạo.

– Kinh nghiệm đào tạo luật sư trong các chương trình giáo dục thường xuyên ở Mỹ cho thấy: Cần chú trọng đào tạo luật sư ngay cả sau khi đã cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư và gia nhập Đoàn luật sư. Ở Việt Nam, việc bồi dưỡng kiến thức sau khi được cấp chứng chỉ đào tạo kỹ năng hành nghề Luật sư có thể được thực hiện tại các Đoàn luật sư kết hợp với việc chỉ đạo của Bộ Tư pháp và việc đảm bảo chương trình giảng dạy của Học viện Tư pháp. Sau khi đã được tiếp thu các kiến thức cần thiết để hành nghề luật sư tại Học viên tư pháp (chương trình đào tạo của Học viện Tư pháp được Bộ tư pháp phê chuẩn), các Đoàn luật sư tại các tỉnh có thể tuỳ theo đặc điểm cụ thể của tỉnh, thành phố mình tiếp tục đào tạo thường xuyên bồi dưỡng kiến thức cho các luật sư của mình.

– Quản lý luật sư hiện nay trên thế giới có 3 mô hình: Mô hình thứ nhất là Nhà nước quản lý (ví dụ như ở các nước Ả rập Xê út), mô hình thứ hai là Nhà nước và tổ chức xã hội cùng quản lý (ví dụ như Trung quốc, Singapore), mô hình thứ ba là tổ chức xã hội quản lý (ví dụ Úc, Anh, Mỹ, Nhật). Việc giao cho các tổ chức xã hội quản lý luật sư hay Nhà nước nắm giữ quản lý dựa trên cơ sở của các điều kiện về kinh tế xã hội, văn hoá, dựa trên sự phát triển của luật sư tại các nước này. Việc quản lý luật sư được giao cho Hiệp Hội Luật sư hay Đoàn Luật sư là các tổ chức Xã hội được thực hiện hầu hết ở các nước có nền kinh tế xã hội phát triển, đồng thời nghề luật sư cũng phát triển như Anh, Úc, Mỹ, Nhật[17]. Trong điều kiện hiện nay của Việt Nam việc quản lý luật sư do Nhà nước và tổ chức Xã hội cùng phối hợp là hết sức hợp lý. Việc đào tạo Luật sư phải được thực hiện trong một môi trường đào tạo đặt dưới sự quản lý chặt chẽ của Nhà nước đúng như Nghị quyết 49/NQ-TW ngày 2/6/2006 của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt nam về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 đã khẳng định trong điều kiện kinh tế, xã hội hiện nay của Việt nam, dưới sự quản lý trực tiếp của Bộ Tư pháp.


[1] Chương trình đào tạo luật của Pháp bao gồm: sau 3 năm học Luật có bằng Licencier, học thêm một năm nữa có bằng Maitrise – tương đương với trình độ cử nhân trong hệ thống giáo dục Việt Nam, thêm một năm nữa có bằng DEA – có thể tương đương với bằng Master ở các nước Common Law, học thêm 2-3 năm nữa có bằng Doctorat (Tiến sỹ)

[2] Nguyễn Văn Tuân, Luật sư và hành nghề luật sư, Hà Nội, 2002, tr.31-34.

[3] Trong số học viên học nghề luật sư tư vấn chỉ có 75% có bằng cử nhân luật, 15 % có bằng cử nhân và 10% thậm chí chưa có bằng cử nhân. Trước đây khoảng 13% luật sư tranh tụng chưa có bằng cử nhân nhưng hiện nay các Inns of Court chỉ nhận học viên (bar – student) với bằng cử nhân, không nhất thiết phải là cử nhân luật (К. Цвайгерг, Х. Кетч, Введение в сравнительное правоведение в сфере частного права, Том 1, Москва, 2000, c. 325 (Zweigert Kotz, Nhập môn Luật so sánh trong lĩnh vực luật tư, Tập 1, Moscow 2000, tr. 325)

[4] Trong vụ John v. Uỷ ban than quốc gia (năm 1955), Toà phúc thẩm đã yêu cầu xét xử lại với lý do thẩm phán xử sơ thẩm đã hỏi quá nhiều khiến các bên không thể xuất trình chứng cớ một cách tốt nhất.

[5] Vào thế kỷ 19, các Inn of Court thành lập Bar (Đoàn luật sư). Hiện tại ở Anh có 4 Inn of Court là Lincol’s Inn, Inter Temple, Middle Temple và Gray’s Inn.

[6] Романов А. К., Правая система Англии, Москва, 2002, стр. 284 – 292 (Romanov A.K., Hệ thống pháp luật Anh, Moscow, 2002, tr. 284-292)

[7] Robert W. Gordon, Giáo dục pháp luật ở Hoa Kỳ, Nguồn gốc và quá trình phát triển

http:// usinfo.state.gov/journals/itdhr/0802/ijde/gordon.htm

[8] Lê Thu Hà, Chế độ đào tạo luật gia tại Hoa Kỳ, Nghiên cứu Lập pháp, Số 2, 2005, tr.72-76

[9] John A. Serbert, Hội Luật gia và giáo dục pháp luật ở Mỹ

http:// usinfo.state.gov/journals/itdhr/0802/ijde/ serbert.htm

[10] Macarena Tamayo Calabrese, Giáo dục pháp luật thường xuyên ở Mỹ

http:// usinfo.state.gov/journals/itdhr/0802/ijde/calabrese.htm

[11] А. Жалинский, А. Рерихт, Введение в немецкое право, Москва, 2001, c. 80-112 ( A. Zalinskyi, A. Rohricht, Nhập môn luật Đức, Moscow, 2001, tr. 80-112)

[12] Nguyễn Văn Tuân, Luật sư và hành nghề luật sư, Hà Nội, 2002, tr. 39-41

[13] Nguyễn Văn Nam, Đào tạo luật và nghề luật ở Đức, Nghiên cứu Lập pháp, Số 8, 2005, tr.57-60

[14] Mục 1 sử dụng tư liệu của các giảng viên Nhật Bản, thuộc chương trình COOPERATION IN THE LEGAL AND JUDICIAL FIELD VIETNAM: PHASE III, PART I “Strengthening Vietnamese Judicial Training Institutions”, tổ chức từ 2/2/2004 đến 5/3/2004 tại Nhật bản)

[15] Nghị quyết 49/NQ-TW ngày 2/6/2006 của Bộ Chính trị BCH TW ĐCS VN về “Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020”.

[16]Phan Hữu Thư, Đào tạo các chức danh tư pháp phục vụ cải cách tư pháp trong những năm qua, Tạp chí Nghề Luật, Số 1, 2006, tr. 6-15

[17]. Tuy nền văn hóa Nhật bản chịu sự ảnh hưởng của tư tưởng đạo Khổng, nhưng Nhật bản cũng được cho là một nước có đội ngũ luật sư có trình độ chuyên môn và khả năng hành nghề rất cao. Việc đào tạo luật sư được trường đào tạo các chức danh tư pháp của Nhật đảm nhận. Kỳ thi vào trường này là một rào cản lớn đối với những ai muốn làm nghề luật sư. Mỗi năm trường chỉ lấy 1000 học viên cho cả ba chức danh tư pháp trên cả nước Nhật. Thông thường các thí sinh phải thi đến lần thứ 5 hoặc 6 mới đỗ. Thời gian đào tạo là 12 tháng cho cả chức danh Thẩm phán và Luật sư, chương trình đào tạo và toàn bộ các giáo trình do Viện nghiên cứu Pháp vụ trực thuộc Bộ tư pháp Nhật kiểm duyệt một cách chặt chẽ.

NGHỀ LUẬT SƯ: TẠP CHÍ NGHỀ LUẬT SỐ 3 NĂM 2006 -  TS. LÊ THU HÀ – TS. NGÔ HOÀNG OANH – TS. PHẠM TRÍ HÙNG

CHUYÊN TRANG NGHỀ LUẬT SƯ VIỆT NAM
"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"
------------------------------------------- 
LUẬT SƯ QUẢN LÝ - HOTLINE: 0938188889