Hoãn phiên xử bầu Kiên

Chiều nay, ít phút sau khi điều khiển phiên xử các cựu lãnh đạo cao cấp của Ngân hàng ACB, chủ tọa tuyên bố hoãn phiên xử với lý do vắng mặt ông Trần Xuân Giá. 

Lúc 14h, khi bắt đầu giờ làm việc buổi chiều, chủ toạ Nguyễn Hữu Chính công bố xác minh của tòa về sức khoẻ của bị cáo Trần Xuân Giá. Theo đó, Bệnh viện Hữu Nghị cho biết ông Giá đang điều trị bệnh tại đây với thể trạng yếu, huyết áp cao. Ông Giá bị phì đại tiền liệt tuyến, đang chờ mổ.

Được tòa hỏi ý kiến về việc này, đại diện VKS đã đề nghị hoãn phiên xử. Sau ít phút hội ý, chủ tọa công bố do việc vắng mặt của ông Giá là khách quan, căn cứ đơn của ông này và xác minh của tòa thấy phù hợp quy định tại điều 187 Bộ luật Tố tụng hình sự về sự có mặt của bị cáo tại tòa nên HĐXX hoãn phiên toà. Thời gian mở lại sẽ thông báo sau.

Trước đó vào buổi sáng, Phó chánh án TAND Hà Nội Nguyễn Hữu Chính làm chủ tọa phiên xử. Đại diện VKS tại tòa là kiểm sát viên Đào Văn Cường (Phó Viện trưởng VKSND Hà Nội) cùng bà Nguyễn Thị Thu Yến.

Trong 9 bị cáo, vắng mặt ông Trần Xuân Giá (cựu chủ tịch HĐQT ACB) do đang bị bệnh. 8 người còn lại gồm: Nguyễn Đức Kiên (cựu phó chủ tịch HĐQT ACB), Lý Xuân Hải (cựu tổng giám đốc ACB), Trịnh Kim Quang, Phạm Trung Cang, Lê Vũ Kỳ (3 cựu phó chủ tịch HĐQT ACB), Huỳnh Quang Tuấn (cựu phó tổng giám đốc) và Trần Ngọc Thanh (giám đốc Công ty ACBI), Nguyễn Thị Hải Yến (kế toán trưởng ACBI). Trong khoảng 20 luật sư tham gia tố tụng, có 4 người bảo vệ cho ông Kiên, 3 người bào chữa cho ông Hải.

Tòa cũng triệu tập Huỳnh Thị Huyền Như (cựu cán bộ Vietinbank, vừa lĩnh án chung thân) đến phiên xử.

xx-kien-8223-1397612774.jpg

Bầu Kiên (hàng đầu, áo kẻ) và các đồng phạm trước vành móng ngựa. Ảnh chụp qua màn hình

Trước việc ông Trần Xuân Giá vắng mặt do bị bệnh cùng nhiều đại diện nhiều tổ chức liên quan không đến, sau khi được tòa hỏi ý kiến, công tố viên cho rằng đây là phiên xử kéo dài, đề nghị toà tiếp tục triệu tập họ đến. Ông Giá cũng cần triệu tập đến để xác minh tình trạng bệnh. Việc vắng mặt của các tổ chức, cá nhân đến thời điểm này không ảnh hưởng đến quá trình xét xử.

Nhiều luật sư đề nghị hoãn phiên xử vì cho rằng ông Trần Xuân Giá với vai trò Chủ tịch HĐQT có những quyết định liên quan đến sai phạm xảy ra tại ACB, vắng mặt sẽ làm ảnh hưởng đến quá trình xét xử. Hơn nữa chờ sau phiên phúc thẩm Huỳnh Thị Huyền Như để làm rõ thiệt hại của ACB.

Bị cáo Kiên đề nghị tòa triệu tập đại diện cơ quan thuế và đại diện các Bộ Công Thương, Tài chính, Ngân hàng Nhà nước... đến tòa để được đối chất về 2 tội danh bị cáo buộc là Trốn thuế và Kinh doanh trái phép. Bị cáo cũng đề nghị triệu tập nhiều người khác vì cho rằng những cá nhân, tổ chức trên ảnh hưởng đến quyền lợi của mình.

Hơn 20 tháng từ khi bị bắt, ông Kiên cho biết đã gửi nhiều đơn tới cơ quan điều tra, cho rằng" không có tội, bị oan" nên mong muốn tòa xét xử sớm, công khai để xác định thực chất vụ án là gì. Bị cáo đề nghị xử trước các phần không liên quan đến ông Giá, cho rằng sự vắng mặt của ông này không làm ảnh hưởng đến 3 tội danh mình bị truy tố và không liên quan đến ACB.

Sau 40 phút hội ý, chủ tọa thông báo việc vắng mặt của những tập thể, cá nhân có liên quan không ảnh hưởng quá trình xét xử, nếu thấy cần thiết tòa sẽ triệu tập.

14h, phiên xử sẽ tiếp tục, dự kiến kéo dài từ hôm nay đến ngày 29/4.

huyen-nhu-6184-1397618294.jpg

Huỳnh Thị Huyền Như bị triệu tập đến TAND Hà Nội. Ảnh chụp qua màn hình.

Theo cáo buộc, từ năm 1993, ông Kiên sở hữu gần 3,8% cổ phiếu của ngân hàng ACB, giữ chức Phó chủ tịch HĐQT trong 14 năm (1994-2008), Chủ tịch Hội đồng đầu tư ngân hàng ACB trong 9 năm (2003-2012). Trong thời gian này, ông thành lập 6 công ty gồm: Công ty Cổ phần phát triển sản xuất và Xuất nhập khẩu Thiên Nam, Công ty cổ phần đầu tư Thương mại B&B, Công ty cổ phần tập đoàn tài chính Á Châu, Công ty cổ phần Đầu tư ACB Hà Nội, Công ty cổ phần đầu tư Á Châu và công ty TNHH Đầu tư tài chính Á Châu Hà Nội. Cả 6 công ty đều do ông Kiên làm chủ tịch HĐQT.

Theo cơ quan công tố, từ ngày 15/5/2007 đến ngày 3/8/2012, thông qua 6 công ty này, ông Kiên đã tổ chức kinh doanh không đúng với giấy phép khi mua bán cổ phần, cổ phiếu, vàng với tổng số tiền hơn 21.000 tỷ đồng.

Ngoài kinh doanh trái phép, theo cơ quan công tố, ông Kiên còn có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Cụ thể, Công ty cổ phần đầu tư ACB Hà Nội (ACBI), thế chấp 20 triệu cổ phần Công ty cổ phần Thép Hoà Phát để đảm bảo nghĩa vụ trả nợ tại ngân hàng ACB. Song với tư cách là chủ tịch HĐQT, ông Kiên đã chỉ đạo Trần Ngọc Thanh (Giám đốc ACBI), Nguyễn Thị Hải Yến (kế toán trưởng) lập khống biên bản họp HĐQT và quyết định về việc bán số cổ phần để tạo lòng tin với Công ty TNHH một thành viên Thép Hoà Phát làm công ty này tin số cổ phần này đang được ACBI quản lý, chưa chuyển nhượng và có tranh chấp. Do vậy, ngày 21/5/2012, Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên thép Hòa Phát đã ký hợp đồng mua 20 triệu cổ phần này và chuyển 264 tỷ đồng cho Công ty ACBI. Nguyễn Đức Kiên bị cho là chủ mưu lừa đảo trong vụ này và Thanh, Yến là đồng phạm giúp sức.

Ở cáo buộc cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, ngoài ông Kiên còn có nhiều lãnh đạo cao cấp của ACB bị cho có liên quan. Theo VKS, ngày 22/3/2010, Thường trực HĐQT ACB gồm các ông Trần Xuân Giá (chủ tịch HĐQT), Lê Vũ Kỳ, Phạm Trung Cang, Trịnh Kim Quang (3 phó chủ tịch), Lý Xuân Hải (tổng giám đốc), Huỳnh Quang Tuấn (phó tổng giám đốc) cùng Nguyễn Đức Kiên ra quyết định về việc uỷ thác cho các cá nhân gửi tiền, ngoại tệ ở những tổ chức tín dụng. Từ ngày 27/6/2011 đến 5/9/2011, ông Hải đã uỷ quyền cho kế toán trưởng uỷ thác gần 720 tỷ đồng cho 19 nhân viên ngân hàng gửi tiết kiệm vào Vietinbank chi nhánh Nhà Bè và Vietinbank chi nhánh TP HCM. Lãi suất ghi trong hợp đồng là 14% một năm, lãi suất thỏa thuận ngoài hợp đồng từ 3,7 đến 13% một năm.

Tuy nhiên, toàn bộ số tiền đã bị Huỳnh Thị Huyền Như (quyền trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ thuộc Vietinbank chi nhánh TP HCM) sử dụng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt, gây thiệt hại cho Ngân hàng ACB.

VKS còn phát hiện trong thời gian nắm giữ vai trò quan trọng tại ngân hàng ACB, ông Kiên cùng các ông Trần Xuân Giá, Trịnh Kim Quang, Phạm Trung Cang, Lê Vũ Kỳ, Lý Xuân Hải đã thống nhất ban hành chủ trương mua cổ phiếu trên thị trường chứng khoán và đầu tư cổ phiếu ACB gây thiệt hại gần 690 tỷ đồng. Các ông này bị cáo buộc phải chịu trách nhiệm hình sự vì gây thiệt hại cho ngân hàng ACB hơn 1.400 tỷ đồng.

9 người bị truy tố gồm:

1. Nguyễn Đức Kiên, 50 tuổi, bị truy tố tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, Trốn thuế, Kinh doanh trái phép. Trong số này ở tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, khung hình phạt có thể lên tới án chung thân.

2. Trần Xuân Giá, 75 tuổi, tại ngoại, bị truy tố tội Cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

3. Lê Vũ Kỳ, 58 tuổi, tại ngoại, bị truy tố tội Cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

4. Trịnh Kim Quang, 60 tuổi, tại ngoại, bị truy tố tội Cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

5. Phạm Trung Cang, 60 tuổi, tại ngoại, bị truy tố tội Cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

6. Lý Xuân Hải, 49 tuổi, bị truy tố tội Cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

7. Huỳnh Quang Tuấn, 56 tuổi, tại ngoại, bị truy tố tội Cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Khung hình phạt theo tội danh với ông Giá, Quang, Cang, Hải và Tuấn từ 10 đến 20 năm tù.

8. Trần Ngọc Thanh, 62 tuổi, bị truy tố tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

9. Nguyễn Thị Hải Yến, 45 tuổi, Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Khung hình phạt với bị cáo Thanh, Yến từ 12 đến chung thân.

Việt Dũng

CHUYÊN TRANG NGHỀ LUẬT SƯ VIỆT NAM
"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"
------------------------------------------- 
LUẬT SƯ QUẢN LÝ - HOTLINE: 0938188889