Từ trước đến nay, anh không hề rời khỏi địa phương, sao có thể thực hiện hành vi hiếp dâm? Rồi bị xét xử và đang thụ án tại trại giam huyện Tuy Đức cách xa hàng ngàn cây số?
Hiểu ra mới biết, kẻ phạm tội là Bùi Quốc Hoàng, trú xã Kim Long, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu chứ không phải anh Phạm Văn Linh ở Bình Thuận. Do Hoàng là bạn bè thân thiết của anh Linh nên Hoàng nghĩ cách giả tên anh này để lừa các cơ quan tố tụng.
Tai họa hơn, sáng ngày 12.11.2010, ông Võ Văn Hùng ở ấp 3, xã Xuân Tâm, huyện Xuân Lộc, Đồng Nai bất ngờ bị Công an còng tay bắt khẩn cấp theo lệnh truy nã. Ngơ ngác, ông Hùng hỏi vì sao bị bắt? Công an xã lấy ra tờ lệnh truy nã đối tượng Võ Văn Hùng về “Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” do Công an quận 6 (TP.HCM) ký ngày 20-8-2010. Ông Hùng chứng minh năm sinh, quê quán, hình trong lệnh truy nã không phải là ông. Nhưng ông Hùng vẫn bị Công an quận 6 giam đến chiều ngày 15-11-2010 thì Công an cho xe ôm chở ông ra bến xe, hướng dẫn đường về nhà.
Nói gì thì nói, với hai dẫn chứng điển hình trên, “sự nhầm lẫn chết người” của các cơ quan chức năng thẩm quyền, không chỉ nghiêm túc kiểm điểm người có trách nhiệm dẫn tới oan, sai; mà cơ quan chủ quản phải tổ chức xin lỗi công khai, cải chính trên các phương tiện thông tin đại chúng và bồi thường thiệt hại đầy đủ cho người bị oan, sai theo Nghị quyết 388 của Quốc hội và Luật bồi thường Nhà nước. Tuyệt nhiên không thể làm ngơ, né tránh, tự đánh giá do tai nạn nghề nghiệp mà phải thẳng thắn thừa nhận vì cẩu thả, chủ quan, tắc trách, nghiệp vụ yếu.
Tự do, nhân phẩm, danh dự là tài sản vô giá của mỗi công dân được hiến pháp quy định và luật pháp bảo vệ. Đối với nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân, đã làm sai thì phải nghiêm túc sửa sai, trả lại sự công bằng, uy tín, thanh danh cho người bị oan.
Nói đi thì cũng phải nói lại, Báo Pháp Luật TP.HCM số ra ngày 30- 12- 2010 đưa tin: chiều ngày 29-12, tại hội trường Công an xã Long Thạnh, huyện Phụng Hiệp (tỉnh Hậu Giang), đại diện Công an huyện Châu Thành (Hậu Giang) đã tổ chức xin lỗi chị Trương Thị Thu Vân, anh Trương Tấn Tài, hai người dân đã bị bắt nhầm vào đêm 23-12. Tham dự buổi xin lỗi còn có đại diện chính quyền xã, hai cán bộ công an trực tiếp bắt nhầm người, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hậu Giang và khoảng 40 người dân. Tại buổi họp, anh Tài, chị Vân đều chấp nhận lời xin lỗi của phía công an. Anh Tài nói: “Tôi hài lòng với việc công an tổ chức buổi xin lỗi công khai này”; còn chị Vân thì bày tỏ: “Họ đã đến nhà thăm hỏi rồi còn xin lỗi. Tôi không phàn nàn gì”. Dẫu sao, sự việc vừa nêu cũng đáng để các cán bộ công an trong khi thi hành nhiệm vụ suy gẫm, rút tỉa kinh nghiệm, hầu tránh va vấp do vội vàng, hấp tấp trong công tác. Bởi vì một khi bát nước bị đổ thì không thể hốt lên. Xin lỗi, bồi thường oan sai cũng chỉ là chuộc lỗi, xoa dịu phần nào sự đau khổ, mất mát của “khổ chủ”. Tránh không để xảy ra lầm lỗi hơn là để xảy ra rồi xin lỗi! Những vấp váp do thiếu sự cẩn trọng cần thiết của những người có chức quyền vừa nêu không biết đến khi nào mới chấm dứt. Chúng tôi bùi ngùi liên tưởng đến câu nói của cụ Phan Khôi:
“Làm sai thì lại sửa sai,
Sai thì cứ sửa, sửa rồi cứ sai”.
Lẽ tự nhiên, đã làm sai thì phải sửa sai, chứ không thể dung dưỡng cá nhân, cơ quan cãi chày, cãi cối lại còn thách thức người bị hàm oan. Công pháp bất vị thân, người cầm cân nẩy mực dù cố ý hay vô tình gây thiệt hại cho người dân, cần xử lý nghiêm minh để làm gương cho người khác. Có như vậy mới hạn chế đến mức thấp nhất những sai lầm tệ hại tái diễn. Về phía cơ quan có cán bộ gây oan, sai cho người dân cũng phải cầu thị, thực lòng nhận sai sót, thành tâm khắc phục hậu quả đã gây ra chứ không được xin lỗi lấy có, mang tính chiếu lệ cho xong chuyện, mà phải tự đặt mình vào thân phận của người bị hàm oan chịu đựng nỗi đau “tai bay họa gửi” thống khổ biết dường nào của tình cảnh “nổi oan Thị Kính”.
Không thể chấp nhận lời biện bạch, giải thích gượng ép của giám đốc Công an tỉnh Hậu Giang là “anh em công an tưởng là tội phạm thật nên dùng võ thuật nghiệp vụ đánh để... tự vệ khi thấy chị em ông Tài phản ứng vì bị bắt oan”. Có thể nói cách giải thích như thể xem ra không ổn. Không thể cứ tưởng tội phạm là dùng võ thuật nghiệp vụ đánh để tự vệ. Như vậy dù bị bắt oan cũng phải “im lặng là vàng”; lại có khi im lặng chưa chắc đã an toàn vì biết đâu sẽ bị quy kết là bướng bỉnh, không chịu hợp tác với cán bộ, chiến sĩ Công an! Chưa kể cụm từ “đánh nghiệp vụ” phải chăng là đánh đòn ngầm, chấn thương nội tạng mà không gây thương tích lộ ra ngoài thân thể, người bị hàm oan sẽ bị “bệnh hậu”?
Lẽ thường, thế và lực của công dân bị bắt, dù có tội hay oan bao giờ cũng yếu kém; một bên được trang bị vũ khí với danh nghĩa người thi hành công vụ, còn một bên là nghi phạm; thấp cổ, bé miệng làm sao dám phản ứng tương xứng với người nhân danh công lý xử lý người vi phạm? Đã vậy, chỉ đến khi có tin báo qua điện thoại và liền sau đó có người trực tiếp nhận diện việc bắt nhầm người rồi, mới thôi không sử dụng “võ nghiệp vụ” nữa. Nếu không có cuộc gọi “Chú ơi bắt nhầm người rồi” và không có người đến nói việc bắt nhầm người thì thân phận anh Tài, chị Vân sẽ ra sao?
Việc sốt sắng bắt người lập biên bản lấy lời khai đến gần nửa đêm cũng là “sự cố” hay sao, khi mà pháp luật quy định rõ: không được bắt, mời lấy lời khai người bị tạm giữ, tạm giam vào ban đêm (từ 10 giờ đêm đến 06 giờ sáng ngày hôm sau).
Với hàng loạt sai phạm như thế, có lẽ cơ quan Công an thuộc tỉnh Hậu Giang phải kịp thời thức tỉnh, hồi tâm, tỏ ra “ăn năn” mới được dư luận hỷ xã tha thứ, không nên cố chấp, biện bạch rằng tại, vì ... chỉ làm cho người bị hàm oan và công luận phản ứng trái chiều mà thôi!
Có 0 bình luận cho bài viết này.
Gửi bình luận