'Kết luận của Bộ Giáo dục vi phạm nghiêm trọng pháp luật'

Phỏng vấn luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty Luật BASICO, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế ngân hàng - VNBA, Trọng tài viên VIAC.

Ngày 15/10/2013, ông Hoàng Xuân Quế - tác giả của luận án tiến sĩ đề tài “Giải pháp hoàn thiện các công cụ chủ yếu của chính sách tiền tệ ở Việt Nam” và là người bị tố cáo đã “đạo văn” tới 30% luận án tiến sĩ của TS. Mai Thanh Quế, Học viện Ngân hàng với đề tài “Các giải pháp hoàn thiện cung ứng và kiểm soát khối lượng tiền lưu thông của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong nền kinh tế thị trường” - đã gửi đơn khiếu nại đến Bộ trưởng Bộ GD&ĐT để yêu cầu Bộ trưởng hủy Kết luận nội dung tố cáo số 1254/KL-BGDĐT ngày 04/10/2013 (gọi tắt là Kết luận - PV), vì cho rằng văn bản này không có căn cứ pháp lý, xâm phạm trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của ông.

Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty Luật BASICO, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế ngân hàng - VNBA, Trọng tài viên VIAC trả lời phỏng vấnNgười đưa tin chiều 17/10.

Luật sư Trương Thanh Đức nói về kết luận của Bộ Giáo dục

Thưa ông, việc ông Hoàng Xuân Quế khiếu nại yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo ra quyết định huỷ Kết luận nội dung tố cáo số 1254/KL-BGDĐT có hợp pháp không?

Tôi thấy ông Quế khiếu nại là đúng. Vì theo quy định của Điều 7 Luật Thanh tra năm 2010, nguyên tắc của hoạt động Thanh tra là: “Tuân theo pháp luật, đảm bảo chính xác, khách quan, trung thực, công khai, dân chủ…”. Tuy nhiên, theo như những thông tin trên các báo, quá trình thanh tra, Thanh tra Bộ GD& ĐT đã không xem xét xác đáng những tài liệu, chứng cứ mà ông Quế cung cấp. Vì vậy, hoạt động của Thanh tra Bộ đã không đảm bảo được nguyên tắc cơ bản này.  

Đặc biệt là về bản chất vụ việc, nếu ông Hoàng Xuân Quế có “chép” tài liệu của người khác, thì cũng là hành vi trích dẫ”. Không có quy định của pháp luật về việc thế nào là “đạo văn” và phải trích dẫn thế nào trong Luận án, nên không có cơ sở kết luận ông Hoàng Xuân Quế trích dẫn hay sao chép “không hợp pháp”. Trong khi đó, trước đây đã từng có quy định rất rõ tại đoạn 2, Điều 20 về “Luận án tiến sĩ”, Quy  chế Đào tạo tiến sỹ, ban hành kèm theo Thông tư số 10/2009/TT-BGDĐT ngày 07/5/2009 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo:“Luận án tiến sĩ có khối lượng khoảng 100 trang A4, trong đó trên 50% là trình bày các kết quả nghiên cứu và biện luận của riêng nghiên cứu sinh.”Như vậy, thì đương nhiên phải hiểu rằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã cho phép nghiên cứu sinh được đưa vào Luận án dưới 50% nội dung không phải là của mình?

Ông có bình luận gì về Kết luận của Bộ GD&ĐT?

Sau khi đọc xong, có thể khẳng định rằng: Kết luận này có nhiều vấn đề “vướng” quy định của Luật Thanh tra. Cụ thể là:

Thứ nhất, Thanh tra Bộ GD&ĐT đã không xác định đúng đối tượng thanh tra, vì vậy, đã thực hiện hoạt động thanh tra trên đối tượng không phù hợp. Trường hợp này, đối tượng thanh tra là tính hợp pháp của bản Luận án của ông Quế, để xác định có “đạo văn” tới 30% như đơn tố cáo hay không. Đây là việc xem xét nội dung chứ không phải hình thức của của Luận án. Do đó, đối tượng của hoạt động Thanh tra phải là bản gốc cuốn Luận án, trước hết là bản lưu tại Thư viện Quốc gia. Trường hợp, người bị thanh tra cho rằng đó không phải là tài liệu chính xác, thì Thanh tra phải xem xét đến các tài liệu chính thức khác để xác định. Trong trường hợp này, đó là bản gốc Luận án của ông Quế, bản lưu tại thư viện Trường ĐH KTQD, các bản lưu tại Bộ Giáo dục và Đào tạo (bản nộp sau khi bảo vệ và bản nộp trước khi có quyết định thành lập Hội đồng chấm luận án kèm theo bản giải trình chỉnh sửa luận án), bản gốc Luận án do các thành viên Hội đồng chấm luận án lưu giữ (thường thì sẽ có bút tích của người chấm trên đó) và bản do những người cho ý kiến nhận xét Luận án,… cung cấp.

 Nếu chỉ xét Bản luận án lưu tại Thư viện Quốc gia để đưa ra kết luận là không khách quan, thậm chí có thể dẫn đến sai lầm. Bởi giá trị của các cuốn Luận án tại các thư viện chỉ có giá trị tra cứu, phục vụ cho hoạt động nghiên cứu khoa học, đó có thể là tài liệu nguyên gốc của tác giả, nhưng cũng có thể không nguyên gốc do bị đánh tráo, bị xé mất một số trang hoặc vì nhiều lý do khác. Tôi được biết đã có nhiều trường hợp nộp nhầm, sau đó họ đã đến Thư viện Quốc gia xin nộp lại quyển luận án khác. Theo Điều 1, Pháp lệnh Thư viện số 31/2000/PL-UBTVQH) và Khoản 3, Điều 5 Nghị định số 72/2002/NĐ-CP ngày 06/8/2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Thư viện thì Thư viên Quốc gia chỉ có vai trò: “thu nhận các xuất bản phẩm, lưu chiểu trong nước theo Luật xuất bản, các luận án tiến sĩ của công dân Việt Nam được bảo vệ trong nước và nước ngoài…” chứ không chịu trách nhiệm và cũng không có chức năng thẩm tra nội dung của các công trình khoa học.  

Vậy, nếu theo Kết luận của Bộ trưởng, luận án của ông Quế sao chép tới 30% luận án của người khác, thì trách nhiệm của Hội đồng chấm luận án và trách nhiệm của Bộ GD&ĐT như thế nào?

Theo Quy chế Đào tạo sau đại học, ban hành kèm theo Quyết định số 18/2000/QĐ-BGD&ĐT, ngày 08/6/2000 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, thì Luận án phải được tổ chức đánh giá qua hai bước: ở cấp Bộ môn và cấp Nhà nước.

Trước khi thành lập Hội đồng chấm Luận án cấp nhà nước, BGD&ĐT mời hai chuyên gia phản biện độc lập về Luận án. Ý kiến của Phản biện độc lập có giá trị tư vấn cho Bộ trưởng trong việc xem xét cho NCS bảo vệ Luận án (Điều 24, Quy chế đào tạo sau Đại học). NCS chỉ được bảo vệ Luận án cấp Nhà nước khi đáp ứng được các yêu cầu được quy định tại Khoản 2, Điều 25 của Quy chế đào tạo sau đại học.

Mọi thành viên trong Hội đồng chấm Luận án phải có trách nhiệm tìm hiểu đầy đủ về Luận án trước khi bảo vệ. Luận án được đánh giá bằng cách bỏ phiếu kín. Hội đồng chấm Luận án phải thông qua Quyết nghị Luận án. (Khoản 1-3, Điều 26, Quy chế đào tạo sau đại học).

BGD&ĐT phải có trách nhiệm thẩm tra kết quả bảo vệ Luận án. Trường hợp cần thiết, BGD&ĐT thành lập Hội đồng thẩm định chất lượng Luận án, quá trình đào tạo, quá trình hoạt động của Hội đồng chấm Luận án cấp nhà nước (Điều 27, Quy chế đào tạo sau đại học).

Được biết Luận án tiến sĩ của ông Quế được Hội đồng chấm Luận án cấp nhà nước đánh giá xếp loại xuất sắc với số phiếu thông qua 7/7. Do vậy, đây là trường hợp đặc biệt mà trước khi Bộ trưởng ra quyết định công nhận học vị và cấp bằng tiến sĩ cho ông Quế, BGD&ĐT phải tiến hành quy trình thẩm định lại chất lượng Luận án. Chuyện này, không thấy các bên nhắc đến trong toàn bộ sự việc nên tôi không biết là Bộ đã làm đúng quy định hay chưa?

Vì vậy, Bộ kết luận Luận án tiến sĩ của ông Quế là sao chép từ một công trình khoa học khác thì ngay lập tức phát sinh vấn đề về trách nhiệm pháp lý của những người phản biện độc lập, của các thành viên Hội đồng và đặc biệt là trách nhiệm của Chủ tich Hội đồng chấm Luận án cấp nhà nước. Nếu đúng như vậy, thì sai phạm của ông Quế chỉ là phụ, mà sai phạm chính phải là của những người phản biện và các thành viên Hội đồng vì đã vi phạm các quy định tại Điều 26 Quy chế. Và cũng không thể không tính đến trách nhiệm của BGD&ĐT đối với việc thẩm định lại Luận án, ra quyết định công nhận học vị và cấp bằng tiến sĩ cho ông Quế (theo Điều 27).

Thế nhưng, trong Kết luận 1254, lại không thấy Bộ trưởng chỉ đạo gì về xử lý trách nhiệm của các chủ thể này. 

Đó cũng là điều không thỏa đáng.

Nếu Bộ làm sai quy trình, ông Quế có thể bị thu hồi bằng cấp không?

Xin khẳng định câu chuyện ở đây là thanh tra về việc luận án có “đạo văn” hay không. Nếu nói đến quy trình sai, thì đó là lỗi của Bộ chứ không phải lỗi của người được cấp, nên không thể vì thế mà làm mất quyền của ông Quế. Thêm nữa, sự việc đã 10 năm, ngay cả việc khiếu nại, tố cáo liên quan đến việc bảo vệ luận án và nội dung của luận án cũng đều hết thời hiệu theo quy định Điều 28 của Quy chế đào tạo sau đại học:“Mọi khiếu nại tố cáo về Luận án, về quá trình đào tạo, về Quyết nghị của Hội đồng chấm Luận án hoặc về việc bảo vệ Luận án phải được thực hiện trong thời hạn 2 tháng kể từ ngày bảo vệ”.

Theo ông, Kết luận số 1254 do Bộ trưởng ban hành như trên có đúng luật hay không?

Kết luận của BGD&ĐT đã vi phạm nghiêm trọng quy định của pháp luật. Theo quy định của Khoản 2, Điều 24 Thông tư số 02/2010/TT-TTCP ngày 02/3/2010, Quy định về trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra, thì kết thúc hoạt động thanh tra, phải có kết luận thanh tra và công bố kết luận thanh tra. Người ký kết luận Thanh tra là người ra quyết định thanh tra. Việc công bố quyết định thanh tra do người ra quyết định thanh tra quyết định… Mặc dù người ra Quyết định thanh tra trong trường hợp này là Chánh thanh tra Bộ, nhưng Kết luận số 1254 của BGD&ĐT lại là thứ trưởng Bùi Văn Ga ký thay Bộ trưởngvà đóng dấu của Bộ là không đúng quy định.

Ngoài ra, đây là trường hợp Thanh tra trên cơ sở đơn tố cáo, vì vậy sau khi có Kết luận thanh tra, Bộ trưởng phải ra văn bản giải quyết đơn tố cáo theo đúng thủ tục và thẩm quyền đã được quy định tại Luật tố cáo năm 2011.

Xin cảm ơn ông!

Từ Hà Nội, trao đổi quan điện thoại di động với phóng viên Người Đưa Tin, ông Hoàng Xuân Quế nói ông 'tin vào sự minh bạch của Bộ Giáo dục nên gửi đơn khiếu nại kết luận của bộ trưởng. Nhưng khi nhận được thông tin này, tôi không tin vào Bộ nữa và quyết định rút đơn khiếu nại, khởi kiện bộ trưởng Phạm Vũ Luận ra toà'.

Nếu các thủ tục tố tụng này được thực hiện, bộ trưởng Giáo dục là tư lệnh ngành hiếm hoi bị Toà án triệu tập và xét xử trong một quyết định hành chính gây nhiều bức bối trong dư luận các nhà khoa học hàng đầu về ngân hàng, tài chính.

Người Đưa Tin sẽ cập nhật các diễn biến mới về vụ việc này. 

CHUYÊN TRANG NGHỀ LUẬT SƯ VIỆT NAM
"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"
------------------------------------------- 
LUẬT SƯ QUẢN LÝ - HOTLINE: 0938188889