Bước khởi đầu của luật sư kinh doanh tại Việt Nam

trở nên phong phú và đa dạng. Nhiều văn phòng luật sư, công ty tư vấn pháp luật đã ra đời. Nhu cầu về dịch vụ pháp lý, đặc biệt là về tư vấn pháp luật ngày càng gia tăng.

Trước khi ban hành Pháp lệnh luật sư năm 2001, cả nước có khoảng 20 công ty luật với số lượng khoảng vài trăm người thì ngày nay, sau khi Pháp lệnh luật sư được ban hành, đã có hàng trăm công ty và văn phòng luật được thành lập, tổng số luật sư lên tới vài ngàn người. Trong bối cảnh ấy, đội ngũ luật sư kinh doanh đã xuất hiện và phát triển. Đây là lực lương luật sư chuyên nghiệp, đang góp phần quan trọng thúc đẩy quá trình hội nhập của Việt Nam vào nền kinh tế thế giới.

Luật sư kinh doanh là ai?

Luật sư kinh doanh là những luật sư mà hoạt động chủ yếu của họ là cung cấp dịch vụ pháp lý, hỗ trợ trực tiếp hay gián tiếp cho các doanh nghiệp và các đơn vị kinh doanh trong quá trình kinh doanh của các tổ chức đó. Luật sư kinh doanh bao gồm các luật sư tư vấn, (những người đưa ra các giải pháp pháp lý cho khách hàng) và các luật sư tranh tụng (những người bảo vệ quyền lợi của khách hàng trước các cơ quan tài phán).

Trước năm 1987, Việt Nam không có các yếu tố của nền kinh tế thị trường. Do vậy, xã hội không có nhu cầu về các dịch vụ pháp lý và đội ngũ luật sư kinh doanh cũng chưa hình thành. Theo chính sách mở cửa và hội  nhập, nền kinh tế thị trường đã được thừa nhận và khởi sắc ở Việt Nam. Lúc này, các hoạt động đầu tư nước ngoài vào Việt Nam bắt đầu nở rộ, kèm theo đó là sự phát triển của các thành phần kinh tế trong nước. Doanh nghiệp nhà nước không còn chỉ ngồi chờ vào chỉ thị của cấp trên đối với hoạt động kinh doanh của mình mà họ buộc phải suy nghĩ và tự chịu trách nhiệm về hoạt động kinh doanh đó. Đây là những tiền đề quan trọng làm phát sinh nhu cầu của thị trường về dịch vụ pháp lý đối với hoạt động kinh doanh, tạo tiền đề cho sự hình thành và phát triển của đội ngũ luật sư kinh doanh của Việt Nam.

Nhìn lại quá trình phát triển của đội ngũ luật sư kinh doanh của Việt Nam trong hơn mười lăm năm qua ta thấy, bắt đầu họ thường là những nhà tư vấn đầu tư nằm trong số lượng ít ỏi các công ty được phép thành lập để hỗ trợ quá trình đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Giai đoạn đầu, những người này cung cấp các dịch vụ đa dạng nhằm thỏa mãn yêu cầu của các nhà đầu tư, bao gồm cả dịch vụ điều tra thị trường, lập các hồ sơ pháp lý, kinh tế kỹ thuật, thực hiện các dịch vụ hành chính v.v... trong đó dịch vụ pháp lý được coi như một dịch vụ kèm theo. Với thời gian và sự phát triển của thị trường, lực lượng các nhà tư vấn và các dịch vụ do họ cung cấp đã được chuyên nghiệp hoá hơn một bước và giới luật sư kinh doanh chuyên nghiệp được hình thành. Một nguồn quan trọng bổ sung vào đội ngũ luật sư kinh doanh chuyên nghiệp đó là nhóm các luật sư Việt Nam làm việc tại các chi nhánh công ty luật nước ngoài ở Việt Nam. Sau hơn mười lăm năm mở cửa, đội ngũ này cũng phát triển lớn mạnh và nhiều người trong số họ đã đứng ra thành lập văn phòng luật trong nước. Hiện nay, nhiều hãng luật nội địa đã trở nên quen thuộc không chỉ với giới kinh doanh Việt Nam mà với cả giới kinh doanh nước ngoài .

Các luật sư kinh doanh làm gì?

Khái niệm dịch vụ pháp lý mới chỉ chính thức được ghi nhận ở Việt Nam tại Pháp lệnh luật sư năm 1987, sau khi chúng ta thực hiện chính sách đổi mới và mở cửa kinh tế. Sự phát triển của hoạt động đầu tư nước ngoài vào Việt Nam kéo theo nhu cầu hiểu biết về các vấn đề liên quan đến môi trường chính sách, pháp luật và môi trường kinh doanh ở Việt Nam. Đi theo các nhà đầu tư nước ngoài là các tổ chức luật sư nước ngoài và họ hiện diện ở Việt Nam để hỗ trợ quá trình đầu tư và kinh doanh này. Tuy nhiên, với sự hạn chế về ngôn ngữ, về hiểu biết pháp luật, văn hoá và môi trường kinh doanh ở Việt Nam của các công ty luật nước ngoài, để triển khai hiệu quả các dự án làm ăn của mình tại Việt Nam, các nhà đầu tư nước ngoài và các công ty luật nước ngoài vẫn cần đến sự hỗ trợ và/ hoặc phối hợp của các nhà tư vấn Việt Nam. Đây là quá trình đầu tiên và quan trọng nhất để tạo ra một nghề tư vấn, đồng thời tạo nên đội ngũ luật sư kinh doanh chuyên nghiệp tại Việt Nam. Như đã nói  trong giai đoạn đầu, tính chuyên nghiệp của các nhà tư vấn Việt Nam còn thấp, họ thực hiện bất kỳ công việc nào liên quan đến bất kỳ khâu nào trong quá trình kinh doanh tại Việt Nam của các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó, dịch vụ pháp lý chỉ là một thành tố. Thông qua quá trình này, lần đầu tiên các luật sư Việt Nam được làm quen với những loại hình giao dịch và khái niệm pháp lý mới của nền kinh tế thị trường. Lúc đầu, việc tham gia mang tính thụ động với sự hỗ trợ và chuyển giao công nghệ của các luật sư nước ngoài. Đôi khi, ở những văn phòng ít kinh nghiệm, việc tham gia chỉ mang tính chất hình thức và thực tế chỉ là dịch vụ xác nhận những công việc do các văn phòng luật sư nước ngoài thực hiện. Dần dà, một số công ty luật và luật sư Việt Nam đã có thể tham gia và làm chủ trong những giao dịch lớn có yếu tố nước ngoài, có tính chất phức tạp và đỏi hỏi độ chuyên nghiệp cao. Hiện nay, các luật sư kinh doanh Việt Nam đã có thể trở thành đối thủ cạnh tranh của các công ty luật nước ngoài tại Việt Nam ở không ít giao dịch quan trọng. Ví dụ, công ty Invest Consult gần đây đã tham gia đấu thầu cạnh tranh và thắng nhiều nhà thầu nước ngoài trong các dự án tư vấn về cải cách hành chính, cải cách doanh nghiệp nhà nước và các giao dịch thương mại khác.

Có thể kể ra một số dịch vụ cơ bản mà giới luật sư kinh doanh Việt Nam đã cung cấp:

-     Theo tính chất nghề nghiệp: Hoạt động của luật sư kinh doanh bao gồm: hoạt động tư vấn như đưa ra các giải pháp pháp lý cho một quan hệ hoặc giao dịch cụ thể của khách hàng; hoạt động tranh tụng như tham gia giải quyết các sự cố pháp lý phát sinh từ một giao dịch trước các cơ quan tài phán.

-     Theo lĩnh vực và đối tượng khách hàng: Hoạt động của luật sư kinh doanh được chia thành các nội dung cụ thể trong các lĩnh vực ngân hàng, tài chính; thành lập, giải thể, phá sản doanh nghiệp.. và hoạt động trong ngành cụ thể như trong ngành hàng không, ngành hàng hải...

 Đó là những dịch vụ pháp lý gắn liền với hoạt động kinh doanh hàng ngày của doanh nghiệp. ở giai đoạn đầu, một luật sư kinh doanh có thể hành nghề trên nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, như một xu hướng tất yếu, khi yêu cầu của xã hội ngày càng cao thì tính chuyên nghiệp hoá của luật sư kinh doanh sẽ càng rõ.

Vai trò của luật sư kinh doanh đối với Việt Nam

            Việt Nam đang xây dựng một nhà nước pháp quyền và một nền kinh tế thị trường, việc điều hành xã hội bằng pháp luật là vô cùng quan trọng. Xã hội ngày càng phát triển, các quan hệ xã hội và hệ thống pháp luật điều chỉnh nó cũng trở nên phức tạp. Sự tham gia, hỗ trợ của các luật sư kinh doanh cho các doanh nghiệp sẽ góp phần tạo nên sự phát triển lành mạnh của nền kinh tế - xã hội, thông qua sự tác động đến bốn nhóm đối tượng sau:

            -Trong mối quan hệ với nhà nước: Việc các doanh nghiệp sử dụng dịch vụ của luật sư kinh doanh sẽ giúp doanh nghiệp có được sự hiểu biết rõ hơn về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của mình đối với nhà nước để thi hành pháp luật đúng đắn. Ngoài ra, với sự hỗ trợ của các luật sư kinh doanh, nhiều hành vi lạm quyền hoặc vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức làm ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp cũng bị hạn chế hoặc ngăn chặn.

        -Trong mối quan hệ giữa các bên tham gia kinh doanh với nhau: Các luật sư kinh doanh bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của một bên tham gia giao dịch, tránh sự thua thiệt của doanh nghiệp do không hiểu pháp luật trong thực tiễn kinh doanh.

       -Đối với các bên thứ ba: Đội ngũ luật sư kinh doanh góp phần phòng và chống các hành vi xâm phạm quyền lợi hợp pháp của bất kỳ một tổ chức hay cá nhân nào đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

       -Tác động đối với xã hội: Từ sự tác động lành mạnh đến ba nhóm đối tượng trên đây, hoạt động của luật sư kinh doanh chung tay vào việc ổn định kỷ cương pháp luật và trật tự kinh doanh, phát triển văn hoá kinh doanh lành mạnh trên nền tảng pháp luật.

Hiện nay, Việt Nam đang xác định việc tăng cường năng lực hội nhập và cạnh tranh quốc tế là thách thức lớn và vô cùng cấp thiết. Vì vậy, đội ngũ luật sư kinh doanh phải là những  người bảo vệ các lợi  ích kinh tế của quốc gia và doanh nghiệp. Thực tế gần đây cho thấy, do yếu kém về năng lực, kinh nghiệm và hiểu biết quốc tế, các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp Việt Nam đã phải nhờ đến sự hỗ trợ của các luật sư nước ngoài trong nhiều giao dịch có yếu tố nước ngoài, với những khoản chi phí lớn. Điển hình nhất là vụ kiện tụng với các doanh nghiệp Hoa Kỳ liên quan đến tranh chấp cá tra, cá basa và tôm, chúng ta đã phải tiêu tốn một khoản tiền lớn để thuê các luật sư Hoa Kỳ đứng ra bảo vệ quyền lợi. Nếu được chăm lo phát triển, đội ngũ luật sư kinh doanh có thể không chỉ bảo vệ được các lợi ích kinh tế của chúng ta trên chính quê hương mình (trong các quan hệ kinh doanh có yếu tố nước ngoài) mà còn tham gia bảo vệ các lợi ích của doanh nghiệp Việt Nam ở nước ngoài.

 Những rào cản và đòi hỏi đối với sự phát triển của luật sư kinh doanh Việt Nam

Cho đến nay, Việt Nam vẫn trong giai đoạn đầu phát triển nền kinh tế thị trường. Nhiều lĩnh vực và ngành nghề đã có lịch sử lâu đời ở các nước phát triển nhưng chỉ mới được biết đến ở Việt Nam, trong đó có dịch vụ pháp lý và nghề luật sư kinh doanh. Trước đây có những giai đoạn, dịch vụ tư vấn pháp luật bị định kiến nặng nề và bị coi như một nghề chỉ trỏ, môi giới nước bọt và không đóng góp gì cho đời sống xã hội. Với sự biến chuyển của xã hội, quan niệm này đã thay đổi. Vai trò của các nhà tư vấn pháp luật và luật sư kinh doanh dần được đề cao và tôn trọng. Nhà nước đã thừa nhận các chi phí mua các dịch vụ pháp lý trong các doanh nghiệp là một loại chi phí hợp lệ. Các doanh nghiệp Việt Nam bắt đầu thuê các tổ chức luật sư tham gia vào những giao dịch quan trọng của mình, ví dụ, thuê luật sư tham gia vào bảo vệ các doanh nghiệp liên quan đến vụ tranh chấp cá tra, cá ba sa hay vụ tranh chấp tôm với các doanh nghiệp Hoa Kỳ, hoặc trong các giao dịch thuê, mua máy bay Boeing từ Hoa Kỳ hay Airbus từ châu Âu.

Tuy nhiên, cần phải thấy một thực tế là, so với lĩnh vực hình sự và dân sự thì lĩnh vực pháp luật kinh doanh và giới luật sư kinh doanh chưa được nhìn nhận và hỗ trợ một cách thỏa đáng. Hệ thống pháp luật về kinh doanh và tố tụng kinh tế chưa đồng bộ, hoàn thiện. Ngoài ra, vai trò và quyền năng của giới luật sư nói chung và luật sư kinh tế nói riêng chưa được đề cao. Hoạt động của giới luật sư nói chung mới chỉ đóng vai trò như là các hoạt động bổ trợ cho sự quản lý của nhà nước, chứ chưa đóng vai trò như các tổ chức đối trọng tạo ra sự cân bằng xã hội.

Một rào cản nữa đối với sự phát triển của đội ngũ luật sư kinh doanh là những ràng buộc về trách nhiệm pháp lý đối với các luật sư. Theo Pháp lệnh luật sư  năm 2001, các tổ chức luật sư chỉ chịu một loại hình trách nhiệm duy nhất là trách nhiệm vô hạn, trong khi ở nhiều nước trên thế giới, xu hướng đa dạng hoá loại hình trách nhiệm của luật sư đang trở nên phổ biến. Mặt khác, ràng buộc về nghĩa vụ mua bảo hiểm trách nhiệm đối với luật sư cũng là nguyên nhân tạo ra sự hạn chế đối với các luật sư kinh doanh Việt Nam trong việc có các cơ hội tham gia các giao dịch kinh doanh phức tạp và có giá trị lớn.

Với thời gian, các rào cản nói trên sẽ dần dần được dỡ bỏ. Tuy nhiên, để có thể làm tốt vai trò bảo vệ các lợi ích kinh tế của quốc gia và doanh nghiệp, đội ngũ luật sư kinh doanh Việt Nam cần được tạo điều kiện và không ngừng rèn luyện đáp ứng các đòi hỏi:

-                Có những kiến thức kinh doanh và hiểu biết văn hoá tổng hợp, có kinh nghiệm phong phú; có khả năng sử dụng ngoại ngữ thành thạo; thường xuyên cập nhật kiến thức mới theo sự phát triển không ngừng của tiến bộ khoa học kỹ thuật;

-                Phương pháp tư duy và hành động phải linh hoạt, năng động và có khả năng phát triển các quan hệ kinh doanh cho mình và cho khách hàng;

-                Hoạt động theo tổ chức, có tiềm lực tài chính lớn, trách nhiệm ổn định;

-                Đối với xã hội, cần thiết phải:

-                Đẩy mạnh dân chủ hoá đời sống xã hội. Đây là yếu tố quan trọng nhất tạo sự phát triển lành mạnh của các nhu cầu xã hội đối với dịch vụ pháp lý nói chung, dịch vụ pháp lý liên quan đến kinh doanh nói riêng và qua đó, phát triển đội ngũ luật sư kinh doanh;

-                Không ngừng hoàn thiện hệ thống pháp luật theo hướng xây dựng nền kinh tế thị trường, mở cửa và hội nhập quốc tế. Đội ngũ luật sư kinh doanh cần được tôn trọng và tham gia tư vấn cho chính phủ trong việc lập chính sách kinh tế, xây dựng và soạn thảo luật pháp về kinh tế và kinh doanh;

-                Các cơ quan chức năng của nhà nước cần và nên coi luật sư kinh doanh là một trong những lực lượng thiết yếu trong quá trình phát triển kinh tế đất nước. Việc làm trước mắt là phải xoá bỏ các rào cản không cần thiết đối với hoạt động của luật sư.

-                Đa dạng hoá loại hình hoạt động của các luật sư kinh doanh để họ có thể lựa chọn loại hình thích hợp nhất, đặc biệt là loại bỏ yêu cầu bắt buộc về việc chịu trách nhiệm vô hạn của luật sư.

 

Đỗ Trọng Hải - Theo TạpChí Nghiên cứu Lập Pháp

--------------------------------------------------

Trang thông tin điện tử về Luật Sư Việt Nam.

Đơn vị đầu tư: Bac Viet Luat LawFirm

Quỹ Đầu tư hợp tác giữa báo: Doanh nghiệp và Thương hiệuBac Viet Luat

Mọi chi tiết xin liên hệ: Luật sư Vũ Ngọc Dũng  - 0938188889

Mail: Luatsu@bacvietluat.vn – hoặc banbientap@dnth.vn

www.LuatsuToanQuoc.Comwww.NgheLuatSu.Com

-----------------------------------------------------------------------------------------------

CHUYÊN TRANG NGHỀ LUẬT SƯ VIỆT NAM
"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"
------------------------------------------- 
LUẬT SƯ QUẢN LÝ - HOTLINE: 0938188889